Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Hoàng Sa

Phi cơ hàng không dân dụng có thông lệ từ khi mới ra đời thế kỷ thứ 20 là, nếu 1 đường bay từ điểm A đến điểm B có bay gần 1 thành phố hay tụ điểm dân cư lớn thì sẽ đươc nắn lại sao cho phi cơ bay qua ngay trên điểm đó. Lý do là để giảm thời gian bay qua vùng hoang vu, nơi không có người ở và phương tiện cứu nạn khi cần. Lý do nữa là các điểm đó, thường là có phi trường, có đài kiểm soát có thể liên lạc, có tín hiệu định vị như những hải đăng điện tử, và phương tiện yểm trợ hậu cần khác có ích cho phi vụ. Vì lẽ đó đường bay từ A đến B không còn là 1 gạch thằng, mà phi cơ phải đi đến những điểm trung gian trên bản đồ, rồi đổi hướng đến điểm kế tiếp, rồi lại đổi hướng, nhiều lần như vậy trước khi đến B (thí dụ là đường bay dài). Đường bay sẽ là 1 chữ chi.
Các điểm đó gọi là waypoints, thực chất chỉ là những tọa độ trên trời. Các thành thị thường là waypoints cổ điễn, cho nên bạn ở 1 thành phố nào cũng hay thấy nhiều phi cơ bay qua thật cao trên trời mà rõ ràng là không phải đi từ hay đến thành phố bạn đang ở. Đôi khi ở thành phố bạn đang đứng cũng chả có phi đạo. 
Hải đảo là những waypoints cổ điễn, vì trên biển cả bao la những nơi đó là điểm có phương tiện cứu nạn, và là mốc địa lý có thể xác nhận bằng mắt trần cho dù bay ở cao độ 10 km trên không (xác nhận là... đi dúng đường! trên biển trời bao la). 
Với công nghệ hiện đại thì waypoints có thể biến hóa nhưng quy luật cổ điển này vẫn còn áp dụng. (Công nghệ hiện đại: thầy chú hay nói thần nói thánh thế chứ 1 chiêc máy bay to đùng bay giữa trời đi lại chen chúc dưới muôn vàn bộ mắt radar mà vẫn có thế mất tích chả cường quốc kỹ thuật nào tìm ra, là chuyến bay Malaysia MH-370, và vụ việc những máy bay hạ cánh nhầm phi trường vẫn còn là chuyện cơm bữa!)

Các đường bay giữa Tân Sơn Nhất và Đài Loan, Hồng Kong, Hàn Quốc hay Nhật (là những trạm trung chuyễn đi Bắc Mỹ) trên nguyên tắc phải bay qua không phận quần đảo Hoàng Sa vì Hoàng Sa nằm ngay ngắn trên gạch thằng đó.
Thế nhưng không phải phi cơ quốc gia nào cũng được dùng Hoàng Sa làm waypoint. Chắc chắn là phi cơ Việt Nam, Đài Loan, Nhật hay Hàn Quốc, nếu có của Mỹ thì là Mỹ. Có lần người viết đi trên máy bay Đài Loan có màn hình GPS vẽ rõ đường bay, khi máy bay (về VN) bay gần đến không phận Hoàng Sa thì háo hức nôn nao chuẩn bị. Hóa ra khi gần đến thì đường thằng bỗng bẻ gãy và hướng vào Đà Nẵng là waypoint kế tiếp (lẽ ra bay thằng thì sẽ đến Nha Trang sau khi bay qua không phận Hoàng Sa. 
Vậy là "không phận" Hoàng Sa có vấn đề. Nhưng vấn đề này không đặt ra nếu hãng máy bay là của Trung Quốc!

Hình dưới là chiếc China Southern em đi vào năm 2016 chụp tại Quảng Châu. Là loại máy bay dân dụng lớn nhất A380 hai tầng, bay từ Los Angeles đến phi trường Bạch Vân thành phố Quảng Châu gần đúng 14 tiếng đồng hồ. Hãng China Southern là quốc doanh TQ.
Quảng Châu thủ phủ tỉnh Quảng Đông gần địa phận Hồng Kông là trạm trung chuyễn cho máy bay Trung Quốc Nam Phương đi từ Mỹ đến Việt Nam.
Vào tháng 4 năm 2016 chuyến bay CZ 3069 phát xuất từ phi trường Bạch Vân, Quảng Châu đến TSN. Loại phi cơ là Airbus 320, mỗi dãy 6 ghế và 1 lối đi.
Khi đặt mua vé như thường lệ trên mạng thằng viết luôn luôn tự chọn ghế ngồi cho cả 2 chặn. Chặn dài 14 tiếng thì nhất định phải là ghế bên lối đi, xa cửa sổ. Chặn ngắn sau phi trường trung chuyển - Bắc Kinh, Quảng Châu, Hồng Kong, Incheon, Đài Bắc hay Đài Nam, Narita, tùy hãng của nước nào - thì chọn ghế cửa sổ vì thời gian chỉ 3 đến 4 tiếng, và mục đích chính là để khi về tới không phận Việt Nam có thể nhìn xem đất nước mình dưới cánh máy bay.

Đây là hình ảnh em có cơ hội ghi nhận, ảnh thực tế, do 1  người Việt Nam mắt thịt ghi nhận không phải không ảnh vệ tinh, chắc trên mạng bạn đọc khó tìm thấy. Em ngồi bên trái của phi cơ, không hay biết gì khi 1 số hành khách TQ bên phía cửa sổ phía phải nhốn nháo, mà em nghe lõm bõm được "đảo! đảo!..." (em biết được chút đỉnh quan thoại). Tình cờ máy bay này là của quốc doanh TQ, được bay qua không phận quần đảo Hoàng Sa. Nhìn ra cửa sổ bên em thì thấy được cảnh quan dưới biển. Em biết ngay là Hoàng Sa. Cảm giác bất ngờ và bùi ngùi khôn tả, nếu bạn còn là người Việt Nam, nhất là thuộc thế hệ người viết.

"Đảo" em đánh dấu số 1 trong không ảnh Google. Bạn đọc phải nhận thức rằng 99% vật thể nhìn thấy trong hình này là nằm dưới mặt nước biển, chỉ vì mình nhìn từ trên không mà thấy rõ như vậy. Trong bản đồ thời VNCH thì vật thể này gọi là Đá Chim Yến, bản đồ quốc tế gọi là reef, 1 nhóm đá ngầm nhô lên trên mặt nuốc. Trong hình chỉ có vành màu đậm nơi thấy sóng vỗ là nổi, còn lại toàn bộ vật thể này nằm dưới mặt nước. Từ trên mặt biển sẽ gần như không thể nào thấy, tuy rằng nếu tàu đâm vào sẽ măc cạn, hư hại và có thể đắm (lâm nạn).
"Đảo" em đánh dấu số 2 trong không ảnh, cũng là 1 vành san hô bao quanh 1 đầm nước cạn ở giữa. Đảo này có 1 bãi cát/san hô trắng nhỏ ở 1 đầu la khô. Bãi này cũng nhấp nhô mặt nước mà thôi. Vì lẽ số lớn vật thể quần đảo Hoàng Sa là như thế này, các "đảo" này không thể có hải phận và không phận theo công pháp quốc tế được. Thế nhưng...
Lần cuối cùng và duy nhất trươc đây người viết thấy được 1 vật thể như thế này, bằng mắt thịt, qua cửa sổ máy bay là cách đây hơn 3 thập niên. Lúc đó đảo san hô nhìn thấy là quần đảo Trường Sa, năm giữa đường bay phi cơ hãng Northwest đi từ Kuala Lumpur đến Manila - người viết được di chuyễn từ trại tỵ nạn Sungai Besi ngoại ô KL đến trại Morong Bataan ngoại ô Manila. Hình ảnh y hệt và không thể tàn phai, vì đó là lần cuối cùng trong 1 thời gian rất dài nhìn thấy một miếng "đất" của xứ sở mình.
Hình dưới là không ảnh Google Maps em cắt ra và chú thích, với gạch màu đỏ là đường bay chuyến bay CZ-3069 của em vẽ, căn cứ trên hình chụp được từ 2 chuyến bay trong 2 năm 2016 và 2017.
Không ảnh Google có thể rất chi tiết, cho thấy rõ ràng cho đến từng bóng dừa, em chỉ lấy zoom nhỏ để các bạn nhận dạng hình thù các đảo bay qua mà định vị.
Nhóm bãi đầu tiên phía Bắc của đường bay gọi là Amphitrite Group, vì nằm dưới bung phi cơ và đến lúc nào em không hay nên không có hình. Đảo quan trọng nhất hiện nay lại nằm trong nhóm đó là đảo Phú Lâm, Woody Island cho quốc tế, có phi đạo dài 2700 mét và  khoảng 1300 "cư dân". Đóm màu đen phía đầu mũi tên đường bay CZ-3069 là đảo Tri Tôn (trong Google Map zoom lớn sẽ thấy đến bóng dừa, sân bay trực thăng).
Chữ x màu vàng là em đánh dấu vị trí trận hải chiến năm 1974. Nằm giữa nhóm bãi gọi là Crescent Group. Chổ đó đối với ai còn là người Việt Nam, phải là linh thiêng vô cùng.
Nếu đóng ảnh vệ tinh này vào 1 khung chữ nhật, thì bề ngang là 200 km và chiều cao là 100 km. 200 km là bề ngang của nước Việt Nam tại vĩ độ thành phố Nha Trang. Từ khi phi cơ Airbus 320 bay ngang đảo mang số 2 đến trên không phận đảo Tri Tôn là 4 phút.

Chuyến bay CZ-3069  vào ngày 29 tháng 11 năm 2017. Lần này thì em đã chắc chắn về đường bay và chọn ghế ngồi là ghế cửa sổ, bên phải. Vì chuyến đi tháng 4-2016 em đã ngồi ghế bên trái. Dĩ nhiên là nhìn sơ đồ xếp ghế trên mẫu máy bay Airbus để chọn ghế không phải ngồi ngay trên cánh! Chỉ còn cầu là khí tượng tốt, trời không có mây cho dù là tháng cuối năm. Háo hức ngồi xem đồng hồ và dự đoán giờ phút đến trên không phận, từng lúc lại ngó ra cửa sổ. Phi cơ không có màn hình cá nhân cho từng ghế và không phát hình GPS đường bay.
Chuyến bay dài 3 tiếng, thì dự trù khoãng gần 1 tiếng 30 phút sẽ đến không phận Hoàng Sa, Nhìn mãi mõi cổ ra cửa máy bay chỉ như thế này
Đến giữa Biển Đồng thì trời có nhiều mây, và vì lẽ đó máy bay bay qua 1 nhóm đảo đầu tiên mà em không biết được, chỉ đoán và lập tức chuẩn bị máy ảnh. Máy ảnh là điện thoại cùi Samsung S5.
Tấm ảnh đầu tiên chụp được vào chuyến bay năm 2017. Cac bạn căn cứ không ảnh Google và bản đồ phía cuối post (của CIA!) mà định vị, dễ thôi. 
Thằng viết thì để chuẩn bị cho việc này đã thuộc nằm lòng địa lý chổ này rồi và có được những hình ảnh rõ nhất có thể có với khí tượng lúc đó (sau khi chụp thì chỉ sợ 1 tên phi hành đoàn nào nó đến hỏi thăm và tịch thu xóa hình, cho nên đã mau mau gỡ bộ nhớ micro SD giấu liền vào đáy ví tiền).(Em phải dùng điện thoại vì nó nhỏ và... kín đáo!)
Vòng tròn này nằm phía phải đường bay, có tên quốc tế là Crescent Group. Theo sử liệu dồi dào hiện nay có được, thì ngay giữa vòng tròn này là vị trí trận thủy chiến giữa Hải quân Việt Nam* với Hải quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày 19 tháng 1 năm 1974. Tại đây là mồ chôn chiến hạm Nhật Tảo HQ-10, mồ chôn của hải quân trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội. Bạn đọc cùng em nhìn thấy tận mắt rồi đấy. (*Hải quân ngày nay gọi là Hải Quân Nhân Dân Việt Nam)
Bạn đọc có thể dựa theo các bản đồ kèm theo post để đặt tên cho các bãi, đảo trong những hình này dễ dàng. Mắt trần nhìn thấy rõ chi tiết mồn một, như vũng nạo vét trên đảo Duncan. Vòng cung lớn trong hình là 1 bãi san hô, chỉ có đầu chóp nhìn thấy là 1 đảo thật, quốc tế gọi là đảo Drummond, VNCH gọi là đảo Duy Mộng.
Bằng mắt trần tuy là từ cao độ trên 10 km cũng có thể nhận biết được là hình thù này tuy lớn thực ra chỉ nổi trên mặt nước 1 điểm nhỏ ở vị trí 5:00 giờ của vòng tròn màu xanh ngọc. Hình thù màu đậm bên góc cao/phải mới là đảo thực thụ, có thực vật cây cối. Vật thể lớn thời VNCH gọi là Đá Hải Sâm, toàn thể vật thể nhìn thấy chỉ có 1 vài nơi đá ngầm nổi lên khỏi mặt nước. Trên đầu chóp của nó ở hướng Đông Bắc mới là 1 hòn đảo thật, rất nhỏ quốc tế gọi là Robert Island, VNCH gọi là Đảo Cam Tuyền. Hòn đảo mang tên ấn tượng nhất trong nhòm này - nhưng không phải là đảo lớn nhất trong toàn quần đảo - tên là Đảo Hoàng Sa, quốc tế là Prattle Island, thì lại nằm khuất ngay dưới đám mây lớn giữa hình! phía Đông Bắc của Đảo Cam Tuyền chừng 3 hải lý trong hình.
4 phút sau khi chụp các hình trên - xem giờ khắc ghi trên ảnh điện thoại - là cụm san hô phía phải cuối cùng  thằng viết dự đoán sẽ thấy vì lúc này đã định vị được. Đó sẽ là đảo Tri Tôn - nếu không nằm dưới bụng phi cơ. Trên bản đồ quốc tế tên là Triton. Triton trong huyền sử Hy Lạp là đứa con của Thủy vương Poseidon, mà cũng là tên 1 loài ốc biển vỏ ốc xoán dài.
Tri Tôn là đảo gần bờ biển Viêt Nam nhất và cách Cù Lao Ré - nay là đảo Lý Sơn - 123 hải lý (chừng 200 km)(để so sánh thì Côn Đảo cách bờ biển Bạc Liêu 100km). Tri Tôn xưa thuộc quận Hòa Vang, Quảng Nam - dưới thời tổng thống Ngô đình Diệm.
Bạn đọc phải ý thức rằng mặt bằng màu trắng đó là san hô và cát sát mặt nước biển, và trên 50% phần trắng cũng còn là ngập úng nước, ít nhất là vào lúc cường triều. Nếu bạn nhìn từ trên mặt biển, từ trên 1 chiêc ghe chẳng hạn, thì chỉ thấy nhô lên 1 cụm đất nhỏ chổ màu đậm trong hình cuối đừng kinh xáng từ vùng nước sâu, với bóng dừa và nhà cửa gần như nhô lên từ mặt nước. Phần cát đá san hô nổi  trên đảo Tri Tôn này nguyên thủy chỉ chừng 100 mét x 100 mét. Đó là thực tế của gần hết các hình thể mà từ trên cao nhìn xuyên làn nươc biển mình đang thấy.

 Chiều. Lý Sơn nhìn ra hướng Đông. Ra khơi 123 hải lý là Tri Tôn.

Post này em đăng chả có hậu ý gì. Em là người Việt Nam, mang hộ chiếu Mỹ, mua vé máy bay của Tàu, hãng Tàu xử dụng mẫu phi cơ của Pháp (EU), một tình huống hi hữu nhưng lại rất là tự nhiên bình thường: thế giới ngày nay vô cùng phức tạp, lý giải và định hướng thật là khó khăn! Em chỉ muốn mời bạn đọc cùng em sống trải nghiệm và cảm nhận, và tìm tòi học hỏi thêm càng nhiều càng chu đáo càng tốt. 

---

Hình dưới: điểm đáp vào bờ của chuyến bay CZ-3069, là điểm hợp lý nhất về hình học địa lý mà nói, và cũng là 1 waypoint như em đã nói ở phần đầu post. Đó là thị xã Nha Trang, trong hình là ở góc cao bên phải. Cận cảnh là vùng Ninh Hòa với đầm Ninh Phú chính giữa (bản đồ thời nay gọi là vịnh Ninh Phú). Bạn đọc có thể nghĩ "thằng này xạo quá! làm gì mà chỉ mới nhìn đã biết!" Thằng viết thưa: tuổi trẻ em lớn lên tại Nha Trang, đã bay qua vùng trời này quá nhiều lần bằng máy bay dân dụng và quân sự nên gần như đã thuộc nằm lòng.
Hình dưới: Vịnh Cam Ranh. Từ điểm này máy bay trực chỉ waypoint kế tiếp là thành phố Vũng Tàu. Như em có nói ở phần đầu post, các thành thị này không phải là tình cờ mà phi cơ bay qua, và từ Cam Ranh cũng như Hoàng Sa bay thằng về Tân Sơn Nhất 1 đường thằng không đi qua Vũng Tàu.
Bên lề thôi: hình ảnh Cam Ranh thằng viết cũng quá quen thuộc vì đã bay qua nhiều. Lần cuối cùng nhìn thấy cảnh này trước đây thì cũng hơi bị... xưa. Giữa tháng 4 năm 1975, qua cửa sổ chiếc phi cơ C-130. Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù Việt Nam không vận  khỏi phi trường Phan Rang..., vui phết.
42 năm sau, nhìn xuống lại đúng cảnh quan khi xưa đã rời bỏ mà chẳng hẹn tái ngộ! Đời qua như giấc mơ, nhưng đất vẫn là đất Việt - chẳng buộc phải "XHCN" nào. Và người vẫn là người Việt - chắc chắn là chẳng phải cụm từ dị hợm "Mỹ gốc Việt" nào.

Sơ đồ cụm bãi đảo Hoàng Sa
Nguồn https://www.cia.gov/library/Publications/the-world-factbook/geos/pf.html
Trên mặt biển cả mênh mông các cụm đá, bãi, đảo nhỏ này có thể sẽ không nhận thấy nếu không biết, cho dù từ trên cao có thể nhìn xuyên làn nước thấy đáy thì lại quá rõ ràng. Vì không có cao độ, ngay cả radar cũng sẽ không thấy nếu ở xa dưới đường chân trời. Lý do tại sao qua nhiều thế kỷ các triều đại, nhà nước, kể cả bọn cường quốc không cho là quan trọng. Người ngư dân xưa có muốn cũng không định cư mưu sinh được vì không có hạ tầng như nguồn nước ngọt, nhiên liệu như củi đốt. 


🌈 🌄


- Link sử liệu về trận hải chiến ngày 9-1-1974: Link
- Bạn ở nơi nào xem được vào link này xem thêm vê  hiện tình 
   quần đảo: https://amti.csis.org/paracels-beijings-other-buildup/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét