Lịch sử Champa - và giòng máu Chăm - gắn liền rất mật thiết với lịch sử và dân tộc nước mình trên 2000 năm, đáng lẽ phải được chú trọng giáo dục và thông tin nhưng cho đến nay đại đa số người Việt vẫn không quan tâm. Người viết này còn nghĩ là nếu vận hội lịch sử có hơi khác thì nay biên thùy phía Nam của Trung Quốc có thể là 1 nước không phải là Việt Nam mà là 1 tên gì gần giống Champa, tên mà nay đã đi vào quá khứ. Đất nước và văn hóa Champa đã bị 1 giống dân ưu việt hơn nuốt trọn và xóa đi gần như không còn dấu vết sau 2 nghìn năm hiện hữu, ngoại trừ 1 vài chứng tích lẽ loi như khu vực đền đài tôn giáo trong thung lũng Mỹ Sơn, một vài cộng đồng rãi rác đây đó.Nếu bạn độc chỉ quan tâm về di tích địa lý Mỹ Sơn thì xin đọc trong links Mỹ Sơn trong bách khoa tự điễn và trang mạng của UNESCO, tài liệu của Global Heritage Fund.Di tích Mỹ Sơn ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 65 km là di tích lớn nhất còn lại của nên văn minh và (tập thể các) tiểu vương quốc Cham. Mỹ Sơn cũng là di tích của 1 nơi sinh hoạt được xử dụng lâu năm nhất của Đông Nam Á Châu, liên tục hoạt động từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 14 trước khi bị rời bỏ lãng quên và rừng già bao phủ. Người Pháp phát hiện lại năm 1889 đã nghiên cứu và trùng tu dỡ dang, để rồi người Mỹ, văn minh sáng lạng nhất loài người thế kỷ thứ 20 đã đến xóa đi trên nữa diện tích và kiến trúc. Kể ra thì các ông Việt và Chân Lạp và cả từ Java cũng có hơi đốt phá mỗi khi đến viếng qua các thế kỷ binh biến cho nên các kiến trúc ta được xem ngày hôm nay cũng phần lớn là đã tái xây dựng nhiều lần. Bề dày lịch sử xây cất tại đây mang dấu ấn của nhiều thời đại.
Khu vực chừng 1.5 km mỗi bề
Khu đầu tiên trên cung đường tham quan. Khu B. Cac khu còn lại nhỏ thua.
Quân thể di tích Mỹ Sơn nằm gọn trong 1 thung lũng mỗi bề 2 km bao bọc bởi 2 dãy đồi thấp, khi người Pháp phát hiện ra năm 1889 đang lúc xây dựng 1 đường dây điện tín là rừng già khắp nơi. Nơi đây là đầu nguồn 1 nhánh nhỏ đổ vào giòng Sông Thu Bồn, sông đổ ra Cửa Đại Hội An. Sông Thu Bồn là 1 giòng sông thiêng của Champa tên Cham là Mahanadi (1). Trong góc trái của hình có hình mõm núi cong Răng Mèo là núi thiêng Mahparvata (1) trấn phía Nam của thung lũng Mỹ Sơn.(1) Trần Kỳ Phương & Rie Nakamura. Asia Research Institute Univ of Singapore.
Lingam và yoni biểu tượng của thần Shiva. Quân thể Mỹ Sơn thờ thần Shiva Ân Độ giáo nhưng cũng có sự hiện diện của hình tượng Phật Giáo từ những thời đại sau.
Không phải cái cối xay bột nhé. Là biểu tượng của Yoni, là nguồn sống trường tồn, theo hình ảnh bộ phận của người Nữ, có khi là hình vuông nhưng luôn luôn có 1 vòi như vòi nước. Nói lên sự sinh nở trường tồn trong vũ trụ. Yoni đá trong các di tích Ấn độ giáo thường có chổ trũng chính giữa như thấy, và chổ đó nguyên thủy có lingam, nhìn thấy trong ảnh trên theo hình tượng bộ phận Nam. Âm dương trong vũ trụ quan Ấn Độ giáo.
Chiêm nghiệm rằng những ngôi tháp này xây trước thời Lê Đại Hành hằng chục thế kỷ, khi thủ đô dân tộc Việt còn là Hoa Lư (mà nay chẳng còn dấu vết gì đáng nói) thì phải hiểu là văn hóa này đã chẳng thua gì - vào giai đoạn đó - văn hóa sau này đã chế ngự họ.
Người viết chỉ được thấy kiến trúc cổ bằng đá ở 2 nơi tại Việt Nam. Kiến trúc đá thành Nhà Hồ Thanh Hóa (thế kỷ thứ 15) dựng lên sau khi Mỹ Sơn đã ngưng xử dụng rất lâu (thế kỷ thứ 4 đến 10).
Trước khi máy bay Mỹ đến viếng, chỉ trong 1 tuần lễ, Mỹ Sơn còn có trên 70 kiến trúc trong đó rất nhiều là đồ sộ hiếm có (Henri Parmentier). Sau đó chỉ còn như hiện nay là chừng 20 cái.
Tầm vóc văn hóa lịch sử và thực tế quần thể này có thể ví như 1 Angkor tuy diện tích nhỏ thua. Mỹ Sơn là công trình tôn giáo gốc Ấn - cả Ấn giáo và Phật giáo - được xử dụng bền lâu nhất ở Đông Nam Á Châu kể từ Miến Điện qua Angkor.
Thung lũng Mỹ Sơn ngang dọc chừng 2 km mỗi bề, là đầu nguồn 1 nhánh Sông Thu Bồn là sông thiêng của tiểu quốc Champa mà thủ phủ tọa tại vị trí nay là làng Trà Kiệu cách đây 10km. Sông Thu Bồn đổ ra biển tại Hội An là thị trấn cảng người Cham tạo dựng đầu tiên. (Hiện nay từ Hội An cũng có những tours du lịch đi thuyền ngược dòng về đây, như tour du khách người Pháp này).
Các bạn có coi qua cuốn phim của Mỹ có tính cách hùng biện (khôi hài đen phản chiến) tựa là Apocalypse Now. Cuộc hành quân bằng giang đỉnh từ 1 cửa biển theo 1 giòng sông tranh chấp đến cuối đường sông là 1 khu rừng có nhiều di tích của 1 văn hóa huyền bí, khác lạ và khá hãi hùng. Tất cả làm thằng viết liên tưởng đến 1 địa lý gần giống lưu vực sông Thu Bồn Quảng Nam. Có lẽ nào nhà đạo diễn đã lấy làm khung cho chuyện phim mình chăng? Bãi biễn với cây dừa và làng mạc bị đánh phá trong đoạn đầu phim là Cửa Đại Hội An? Những ngôi tháp huyền bí cuối con sông mà những người lính Mỹ đến là Mỹ Sơn? Và cuộc đội bom như ngày tận thế cuối phim là tượng trưng cho cuộc đánh bom có thật năm 1969 của quân đội Mỹ xuống Mỹ Sơn?
Các bạn có coi qua cuốn phim của Mỹ có tính cách hùng biện (khôi hài đen phản chiến) tựa là Apocalypse Now. Cuộc hành quân bằng giang đỉnh từ 1 cửa biển theo 1 giòng sông tranh chấp đến cuối đường sông là 1 khu rừng có nhiều di tích của 1 văn hóa huyền bí, khác lạ và khá hãi hùng. Tất cả làm thằng viết liên tưởng đến 1 địa lý gần giống lưu vực sông Thu Bồn Quảng Nam. Có lẽ nào nhà đạo diễn đã lấy làm khung cho chuyện phim mình chăng? Bãi biễn với cây dừa và làng mạc bị đánh phá trong đoạn đầu phim là Cửa Đại Hội An? Những ngôi tháp huyền bí cuối con sông mà những người lính Mỹ đến là Mỹ Sơn? Và cuộc đội bom như ngày tận thế cuối phim là tượng trưng cho cuộc đánh bom có thật năm 1969 của quân đội Mỹ xuống Mỹ Sơn?
Thềm đá y như tại Angkor. Và cũng như tại Angkor, vương quốc Khmer khắc tinh của Champa, các đền đài xây dựng theo biểu tượng đỉnh Núi Meru là trung tâm vũ trụ của Ấn Độ giáo. Truyền thuyết cho rằng đỉnh Meru ở đâu đó trên dãy Himalaya.
Cũng như quần thể Angkor Wat quần thể Mỹ Sơn là nơi thờ phụng. Trung tâm kinh tế hành chính là tại Trà Kiệu có tên là Singhapura, thủ độ tiểu vương quốc vùng này đặt tại thủ đô Indrapura (từ thế kỷ thứ 9 đến thứ 11) nay là vị trí làng Đồng Dương Quảng Nam trên QL 1A.
[ Theo những nhà sử học cổ học từ Tây Phương, Chiêm Thành như người Việt gọi Champa là 1 tập hợp 5 tiểu quốc dọc bờ biển. Các tiểu quốc này có chung tôn giáo, văn hóa và là 1 dân tộc tuy không thống nhất là 1 quốc gia. Các tiểu quốc này Tây Phương gọi là thalassocracy, phương thức như các tiểu quốc Hy Lạp cổ đại như Athen, người Phenicians Địa Trung Hải, là những xã hội sống nhờ biển cả (giao thương, hải tặc) có căn cứ là 1 thành phố cảng lớn và vùng địa lý phụ cận mà thôi. Hà Tiên lúc đầu dưới thời Mạc Cửu cũng được học giả Phương Tây gọi là 'maritime state', một tiểu quốc biển. (Thời hiện đại, Singapore hay Qatar, hay truoc đây Hồng Kông có thể là hình thức "quốc gia" tương tự). Vùng hoạt động kinh tế của Champa trải rộng đến Java đến Malacca nhưng vùng đất của họ mơ hồ, có sử gia cho là có khi sâu đến Ai Lao (Attopeu Hạ Lào). Ở Tây Nguyên như Đác Lắc cũng có đi vật Cham được khám phá. Đơn giản là chổ nào có người Cham định cư sinh sống và quản lý cai trị là Champa thôi. Các bản đồ sơn dày đặc 1 màu bảo là lãnh thổ Champa suy ra là không chính xác.]
Phù điêu được chạm khắc thẳng lên những bức tường gạch đã được dựng lên trước. Khảo cổ còn cho thấy sau đó các bưc tường lại được nung đốt lại (dấu cháy tìm thấy trong lớp hồ keo giữa các viên gạch).
Duy nhất trong các di tích Chiêm tại Việt Nam chỉ có Mỹ Sơn là có sự hiện diện của kiến trúc bằng đá. Các nơi khác trong nước đều là gạch nung.
Người Cham và người Khmer trong phần lớn lịch sử là kẻ tử thù nhưng nét văn hóa ảnh hưởng Ấn Độ, cả về Ấn Độ Giáo và Phật Giáo thì rất giống nhau. Ai đã đến đây và Angkor có thể tưởng chừng là đang nhìn 2 phần của 1 quần thể.
Di vật bằng đá duy nhất còn lại sau khi tháp A1 uy nghi bị máy bay Mỹ dội bom năm 1969. Nhà bác học Pháp Henri Parmentier đã khai quật, vẽ lại sơ đồ và phục dựng được kiến trúc với lịch sử và giá trị nhân văn còn cao hơn cả đền đài Inca hay Aztec này, để rồi gấn 100 năm sau bị san bằng vĩnh viễn. 1000 năm tạo dựng và thờ phụng của 1 dân tộc cổ hơn nhiều văn minh Âu Châu đã bị 1 quốc gia chưa đầy 200 năm tuổi đến từ 1/2 vòng trái đất gần như xóa đi trong vòng 1 tuần.
Nguồn: Internet |
Cái gì cái, để công bằng phải nghe tiếng chuông thứ hai (1): đây là bút ký của một học giả người Mỹ đã điều tra về sự việc này mà em thấy có nhiều chính xác (đừng hỏi tại sao em nghĩ thế).
(1) Mike High, Vestiges of an Ancient Land: A Guide to the Temples, Museums, and Citadels of Viet Nam. Canal book for Johns Hopkins University Press.
Kiến trúc này trong khu F đang được gia cố lâu ngày bởi 1 bộ xương bằng sắt vì đang lún và có nguy cơ sụp đổ. Bên cạnh là 1 hố bom cở 500 cân Anh (đừng hỏi tại sao em biết là 500) mà kích thước gần bằng ngôi tháp. May sao bom không trúng tháp. Hố bom không theo mô hình 1 trận bom B-52 nhưng chắc chắn không phải đạn pháo binh.
Một kiến trúc gọi là "nhà kho" vì được khảo cổ xác định là 1 nơi giữ lễ vật thờ phụng, nay được trùng tu để làm 1 nơi trưng bày cổ vật tại chổ trong khu B.Bò Brahma linh thiêng của Ấn Độ giáo, nay không còn hiện diện ở Việt Nam mà qua khỏi biên giới với Kampuchea bạn mới có thể thấy lại. Bò màu trắng khác loại bò vàng có thể đến từ phương Tây trong thời Pháp thuộc. Nói chung nông thôn Việt Nam không gắn liền với bò, chỉ với trâu. Thế nhưng có sử nói rằng chính người từ Lâm Ấp - Champa - đã mang lúa nước sang Tàu đời nhà Tống.
Mỹ Sơn bị bỏ rơi sau khi thủ đô Champa Indrapura (Trà Kiệu - Đồng Dương) thất thủ vào tay Lê Hoàn năm 982 và dời về Vijaya (Đồ Bàn hay Chà Bàn, nay là thành Bình Đinh). Rừng già bao phủ 800 năm cho đến khi người Pháp tình cờ khám phá lại trong khi thi công đường giây thép cho miền Trung năm 1889.
Indiana Jones và 2 đệ tử, một gốc Duy Xuyên một gốc Đại Lộc cách đây 10 km chim én bay, hậu duệ của những người Việt đã lần lượt xuống đây lập nghiệp sinh sống với dân tộc Champa từ khi Hồ Quý Ly lần đầu "bình định" và triễn khai chính sách dinh điền trên mãnh đất này đầu thế kỷ thứ 15 (1). Giọng nói đặc biệt - thổ âm và phương ngữ - và có thể ngay cả giòng máu là sự giao thoa giữa 2 sức sống đã gặp nhau tại ngay chính địa phận này (2): Indo và China. Indochina là bán đảo của hợp lưu 2 giòng văn minh đến từ Trung Hoa và Ấn Độ.
(1) John K Whitmore, Vietnam, Ho Quy Ly and The Ming (1371-1421), The Lac Viet Series No 2. Yale Ctr for Intl and Area Studies
(2) Hồ Trung Tú, Có 500 Năm Như Thế, NXB Thời Đại 2010
Một diện tích lớn của Điện Bàn, Duy Xuyên Quảng Nam trươc kia là vùng oanh kích tự do, 1 vòng đai chết chóc và tàn phá không tưởng, một no-man's-land bảo vệ 2 căn cứ khổng lồ Đà Nẵng và Chu Lai của Mỹ. Hiện nay số bom đạn chưa nổ còn rất nhiều, chung với hố bom lớn mà 1 số được thấy ngay trong khu di tích Mỹ Sơn. Đợt đầu khai hoang lại Mỹ Sơn sau chiến tranh 1975 có 9 người thiệt mạng và 1 số bị thương vì bom đạn chưa nổ.Thị trấn Trà Kiệu thời cực thịnh của Champa là trung tâm kinh tế hành chánh Singhapura, thành phố Sư Tử (Mỹ Sơn là khu thờ phụng và chôn cất) Nhiều khai quật từ thời Pháp thuộc đã tìm thấy hiện vật nhưng kiến trúc cổ thì không còn thấy. Trà Kiệu cũng có tính lịch sử khác vì là 1 ngôi làng theo đạo công giáo xưa nhất miền Trung, với ngôi nhà thờ xây năm 1770, 100 năm trước khi Pháp xâm chiếm. Trong chiến tranh quốc cộng Trà Kiệu là 1 ốc đảo chống cộng cô lập. Hiện nay đa số vẫn theo thiên chúa giáo và nổi bật giữa tình Quảng Nam. Chú tài là người gốc vùng này nói với thằng viết: "Mấy người trong làng này họ theo cái đạo gì gì đó, không biết!". Đạo công giáo.
Bảo tàng hiện vật Cham ngụ tại trung tâm thành phố Đả Nẵng được nhà khào cổ Pháp Henri Parmentier xây dựng năm 1915 là nơi tập trung di vật Cham lớn nhất Việt Nam (và thế giới) gồm 1 số lớn mang về từ Trà Kiệu và Mỹ Sơn. Từ những năm sau khi ông bạn đồng minh Mỹ của Việt Nam Cộng Hòa đổ bộ xuống Mỹ Khê Đà Nẵng thì vùng Điện Bàn Duy Xuyên phần lớn gọi là "oanh kích tự do" - vùng bắn giết và phá hủy không cần xác định hay kiểm chứng - nên số hiện vật này có thể gọi là may mắn, khác với di tích Mỹ Sơn, và nhiều người dân xấu số trong vùng.
Người trí thức thấy một nỗi buồn miên man đứng trươc các hiện vật mà thực chất là chiến lợi phẩm của 1 nền văn minh này trên 1 nên văn minh khác đã thất thủ trong quá khứ, quá khứ nghĩ lại cũng không mấy gì xa xưa. Nước Mỹ đã thôn tính phần đất nay gọi là New Mexico, Arizona và California vào năm 1848, gần niên đại 1832 nhà Nguyễn thâu nhập lãnh thổ cuối cùng của các vương quốc Champa. Người Mejico trong các địa phận trên nay vẫn còn và vẫn giữ nét văn minh riêng của họ. Người Chàm với nền văn minh và vũ lực 1 thời lừng lẫy Đông Nam Á Châu, với văn hóa sâu đậm và chữ viết, thư khố rành rành đã gần như tan biến, vào cộng đồng người Việt đã cưỡng bách đồng hóa họ chỉ trong 150 năm.
Nếu ý thức rõ là Chiêm Thành đã nhiều lần đánh chiếm (và hỏa thiêu) Thăng Long, cả thảy 3 lần trong 6 lần Bắc tiến thì mình mới thấy lịch sử không phải luôn thuận về phía người Việt mình, mà đả có khi là rất mong manh. Người Hán hay Trung Quốc nói chung khó thôn tính được nước ta bằng vũ lực vì rất nhiều lý do rõ ràng, nhưng người Chiêm Thành trong quá khứ là rất khả dĩ làm được. Dân số có thể gần bằng nhau, văn hóa và tôn giáo 2 bên sâu đậm, tinh thần dân tộc và độc lập cao, phong thổ y như nhau, địa lý hoàn toàn không có gì ngăn cách, binh bị ngang ngữa. Vận hội quốc gia dân tộc không ai ngờ trước được, hay lý sự nếu... và nếu.
Không biết trong đầu mấy người Tây phương này (Pháp) họ nghĩ là đang thăm 1 viện bảo tàng Việt, hay Cham, hay là của Pháp.
Hiện trạng phòng ốc và di vật tại bảo tàng Chăm mà trước đây goi là "Musée Chàm" ngày nay gần y hệt lúc thằng viết còn nhỏ, trên đường đi đến "Trường Tây" ghé lại trải lưng trên nền gạch ca rô nghỉ trưa, bên bờ sông Hàn gió mát chỉ cách vài chục thước. Chỉ khác là nay có cổng vào thâu phí và tường vôi được sơn lại sạch sẽ. Khi đó dân Đà Nẵng chỉ xem chổ này như 1 công viên có nhà mát với nhiều bức tượng không giá trị gì.
Hiện trạng phòng ốc và di vật tại bảo tàng Chăm mà trước đây goi là "Musée Chàm" ngày nay gần y hệt lúc thằng viết còn nhỏ, trên đường đi đến "Trường Tây" ghé lại trải lưng trên nền gạch ca rô nghỉ trưa, bên bờ sông Hàn gió mát chỉ cách vài chục thước. Chỉ khác là nay có cổng vào thâu phí và tường vôi được sơn lại sạch sẽ. Khi đó dân Đà Nẵng chỉ xem chổ này như 1 công viên có nhà mát với nhiều bức tượng không giá trị gì.
Giọng nói, phương thổ âm Quảng Nam - Quang Ngãi và về Nam hơn đến Khánh Hòa do từ sự giao thoa 2 ngôn ngữ Việt và Champa mà khác hẳn giọng người đến lập nghiệp trong cuộc Nam tiến từ miền Bắc nước ta.
Tình trạng và cảnh quan chả khác gì năm 1966, với phía trong sơn lại sạch sẽ và nhiều hiện vật mới hơn, nhất là hiện vật nhỏ. Kiến trúc như nhà mát, hoàn toàn không có cửa.
1936 - Tên là Bảo Tàng Henri Parmentier. Nguồn: Internet |
2009 - Hình của em |
[ Du ký 2011 ] Em đến viếng thăm Mỹ Sơn lần đầu ngay trong chuyến thứ 2 về thăm xứ sở. Đà Nẵng là nơi khi trước em có về ở ăn học 3 năm, vào năm 1974 thì có ghé qua lại tham gia đánh nhau chút đỉnh ở phía Tây Quảng Nam. Nghe rằng Mỹ Sơn/Trà Kiệu có di tích thăm được thì, rât đơn giản, em nhờ cô lễ tân hotel thuê cho chiêc xe nhỏ, sáng đến đón đi thôi. Điện Bàn, Duy Xuyên thời trước 1975 như vùng cấm địa, nay được đi vào xem có chút hào hứng.
Tất cả chỉ tốn 1 ngày, về ghé Hội An ăn tối. Đơn giản như đang giỡn, các bạn đi du lịch cũng nên dò hỏi hết khả năng thăm viếng của mỗi vùng mà đi cho trọn vẹn.
Em tình cờ được đọc trang mạng của ông này, các bạn xem lấy vui: http://home.earthlink.net/~daiviet05/
𝌌 𝌡
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét