Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Đường Bình Yên

Cung đường Đà Nẵng - A Lưới - Khe Sanh - Đông Hà 23 tháng 5, 2015.


Hôm nay chúng tôi dậy sớm, đến đón 1 anh bạn đồng hành nữa là 3 người lên đường. Lộ trình hôm nay là đi từ Đà Nẵng, về hướng Tây mượn đường HCM ra hướng Bắc, đến Khe Sanh chạm QL9 - 'Đường 9 Nam Lào' - quay hướng đông ra Đông Hà, lên đường QL1A thì quay ra Bắc: Đồng Hới, Hà Tịnh. Dự tính là đến làng Kỳ Anh, Nghệ An vừa chạp tối để nghỉ đêm.
Đoạn đường từ Đà Năng đến Đông Hà, Quảng Trị theo cung đường đã chọn gần gấp đôi đường theo tuyến QL1A qua Hải Vân mà đi. QL1A là tuyến đường bình thường  nhất để đi Bắc. Nhưng nhóm anh em thằng viết thì không phải là bình thường.😀
Trời hừng sáng, QL14B đi về hướng Tây Đà Nẵng
Hiếm có ai mà  quá rãnh để đi như vậy. Nhưng lục google mới thấy đây là 1 cung đường rất phổ biến với cựu chiến binh Mỹ, đi thăm chiến trường xưa, đi bằng tour xe buýt cho mấy ông già, ít tuổi hơn và hậu duệ trẻ hơn thì chọn thuê xe moto tự lái đi, sáng đi từ Đà Nẵng hay Huế và tối về tới điểm xuất hành. Có nhiều hướng dẫn viên lão thành hiểu được biết được sự quan trọng của khu vực này trong chiến tranh đưa đường và tìm tòi những điểm cố định hay do du khách Mỹ yêu cầu. Thí dụ sẽ có du khách nhờ đưa đến Đồi 612, căn cứ XYZ v.v...
Cầu qua sông Vu Gia QL14B, cách trung tâm tp Đà Nẵng chừng 40km
Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao thằng viết đặt tít cho loạt bài du ký cung dường này là Đường Bình Yên, nếu rảnh xin ghé đọc đoạn trích một hồi ký về địa phận đặt biệt này. Hiện trường đoạn trích này là điểm trên QL14B trong bản đồ cách Đà Nẵng 30 km (từ Đà Nằng vào đụng biên giới Lào là chừng 55 km chim bay). Đó là điểm 1/2 cạnh đáy của cung đường từ Đà Nằng vào góc rẻ phải lên phía Bắc. Có thể lấy điểm cầu qua sông Vu Gia (Cầu Hà Nhà) làm trung tâm khu vực đó (trong bài hồi ức).
Khu vực thượng nguồn sông Vu Gia này xưa kia quân đội Mỹ gọi là Happy Valley(!).
3 hình dưới đây chụp năm 2009 khi người viết trở về lại thăm sau 34 năm rời bỏ chổ đó.
Nhìn lên thượng nguồn sông Vu Gia từ trên cầu - hình chụp năm 2009
Sông Vu Gia đổ vào sông Hàn và sông Thu Bồn. Đây là thung lũng Thường Đức - Đại Lộc. Quận lỵ Thường Đức bên trái của hình nhìn lui cây cầu, Đại Lộc (quận lỵ là Ái Nghĩa) bên phải của đầu cầu (góc nhìn hình dưới).
Đứng giữa cầu nhìn lui: trong mây, phía trên ngọn đèn bên trái gần đến mé cao của hình là 1 chuỗi đồi cao chừng 1200 mét, 1 trong các ngọn đồi đó tên là Đồi 1062.
Nhìn thằng trước mặt khi qua cây cầu (năm 2009): đây là trái núi đối diện Đồi 1062, vì hình thù được quân đội Mỹ đặt tên là Arizona, giống hình các núi đầu bằng (mesas) thấy ở bang Arizona. Góc nhìn này và trái núi này rất quen thuộc với người viết, đã được ngắm nhìn nó suốt gần 1/2 năm thời gian từ cuối năm 1974. Năm nay được thấy lại 1 lần nữa như một kỷ niệm không chịu tàn phai.
Đường QL14B đi tiếp về 1 ngã ba, nơi đó gặp đường QL14 đi ngang lên phía Bắc. Lúc chưa đến ngã 3:
Giữa đường 3 anh em ghé 1 quán mì bên đường. Đây là tô mì quảng chính hiệu cầu chứng Quảng Nam - đừng có nói "sao không giống mì quảng!?". Có những kẻ ngang bướng như thế, chỉ có tô "mì quảng" ở phố Little Saigon, Nam Cali, nước Mỹ mới là mì quảng chánh gốc, chỉ tại vì con mẹ chủ quán nói tiếng Quởng Nơm.
Quá nơi cà phê sáng đó 1 tí là điểm đầu của khúc đường ven biên đi Bắc được gọi là đường Trường Sơn Đông. Câu chuyện khúc đường này dài dòng lắm, 40 năm nay trên cà 2 bên Biển Thái Bình cũng đã làm hao tốn lắm mực lắm giấy. Bạn đọc có quan tâm thì mới thấy là đáng đến xem. Điểm đầu phía Nam đoạn đường đây:
Cầu Thạnh Mỹ đi ra thung lũng A-Lưới - mà trong chiến tranh gọi là thung lũng A-Shau. Nay tên A-Shau hay A Sao không còn tìm ra trên các bản đồ, ngoại trừ 1 bản đồ trên nước Mỹ! Là 1 tên gì trong 1 thành phố nhỏ miền Đông nước Mỹ, nhắc đến địa danh Việt Nam mà nhiều người (cựu chiến bình) ở đó có kỷ niệm.
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Tên địa phương gọi nơi này là Giành. Tên 1 chữ cho địa phương nay gọi là Nam Giang. Đi về Hiên - vùng A Lưới - địa danh 1 chữ truyền thống khác của người Quảng Nam Thừa Thiện. Cac địa danh bắt đầu bằng chữ A là do ngôn ngữ người Thượng là cư dân lâu đời của khu vực Tây Quang Nam-Thừa Thiên. Ở đây có nhiều "Khe", "Động" là những ngọn núi thấp chừng 300 mét từ mặt bằng (không buộc có động hay hang). Đây là 1 vùng cao đồi núi trùng điệp, ít có chổ nào là mặt bằng.

Trước khi ngưng chiến năm 1973, quốc lộ 14 của Việt Nam Cộng Hòa dừng tại đây, có 1 đường đi xuống Nông Sơn Quảng Nam nhưng không đi được. Sau khi có "hòa bình" 1973 thì khu vực thuộc kiểm soát của phe Miền Bắc và được phát triển ngay tức khắc để tiếp tục chiến tranh dành trọn Miền Nam. Không quân và bộ binh Miền Nam không được đánh phá quấy nhiễu, theo hiệp ước, cho dù nhìn thấy rõ ràng từ trên không. Một hướng phát triền là vào Kontum Pleiku, hướng kia ra hướng Đông và phải chạm tuyến Thường Đức Quảng Nam. Nơi quân VNCH đặt chốt trấn thủ quyết liệt cho đến tháng 3 năm 1975. Khổ. Cho thằng viết lúc đó!

Điểm cuối trên phía Bắc khi đường chạm đường số 9 là đây:
Cầu là Đa Krong, sông là Thạch Hãn
Cầu Đa Krong trong địa phận Khe Sanh. Từ đây có 2 đường HCM, một Tây một Đông. Về Đông Hà 50 cây số theo đường 9, qua Cam Lộ rồi Gio Linh rồi đến 1 điểm phía Bắc của tỉnh lỵ Quảng Trị cũ nay là thị xả vào thành phố Đông Hà thì cham quốc lộ 1 cũ nay gọi là QL-1A. Từ đó ra Bến Hải là đi Quảng Bình.

Trong chiến tranh vùng đất cung đường này - xin xem bản đồ trên lại - toàn bộ là 1 chiến trường tranh chấp vì nó là hành lang lớn nhất để quân đội Miền Bắc đưa quân và vũ khí vào đánh chiếm Miền Nam. Chuyện này bây giờ không còn là tranh cải và chính phủ Việt Nam không còn giấu giếm gì. Xem cột lưu niệm dưới đây, cũng như nhưng hàng chữ trên bản màu xanh ở cầu Thạnh Mỹ trên:

Hình từ Internet - người viết đi ngang qua mà không kịp thấy để chụp.
Đây là vùng chiến trường toàn diện và đúng nghĩa, toàn địa phận là những trận địa nối tiếp nhau, dân cư rất thưa thớt gồm người Thượng thiểu số là chính và 1 ít làng người Kinh chịu sự kiểm soát của bên này rồi bên kia tùy chiến cuộc. Các trận đánh tên tuổi nổi tiếng nhất là tại đây từ Khe Sanh Làng Vei phía Bắc cho đến Khâm Đức phía Nam, Bastogne, Hamburger Hill, và vô số ngọn đồi đẩm máu nhất mà cựu chiến binh Mỹ nhớ đến (và nay tìm đến thăm) là ở đây, địa phận mình sắp đi qua - bằng hình, nhìn từ con đường.

Trên Miền Nam không có chổ nào so sánh được. Đây là địa phận của "hàng rào điện tử McNamara", sau đó là hằng trăm căn cứ hỏa lực Mỹ và đồn biên phòng, biệt kích Miền Nam. Khi Mỹ rút quân và "Việt Nam hóa" bắt đầu, nhất là sau hành quân qua Hạ Lào thất bại thì vùng nay dần dần vào tay của quân Miến Bắc, cho đến Hiệp Định dình chiến 1973 thì cắt cho Miền Bắc, lãnh thổ và Quân khu I của VNCH chỉ còn là miền ven biển từ Sông Thạch Hãn trở vào Huế đến Tam Kỳ và xuống dưới.
Khu vực này là khu vực nhận nhiều trọng tấn chất nổ và bom đạn của cả 2 bên và chất khai quang nhất nước, từ khu phi quân sự trở vào khoảng quận Khâm Đức xưa. Hiện nay trên đồi và dưới khe, bên đường là những vùng còn nhiều bom đạn chưa nổ nhất nước Việt Nam. Sinh hoạt người dân vẫn thấy thưa thớt và bình yên đó nhưng đi sâu khỏi con đường là vấn đề. Ngay cả khi người viết đến Thường Đức hỏi thăm có ai lên núi vùng mình xưa đã hành quân thì họ nói không ai lên được cả, chỉ có 1 con đường họ gọi là đường "Dù", là 1 đường mòn mà trước đây các binh đoàn quân Nhảy Dù Miền Nam đã khai phá và dùng nhiều thì còn an toàn đôi chút, chỉ có tiều phu mới lên.

Con đường Trường Sơn Đông này trước kia đã có đường vẽ từ thời Pháp thuộc và có nhiều khúc quân đội Mỹ đã làm để thông vận giữa các căn cứ, nhưng chỉ được thực sự thành 1 tuyến đường nhựa từ thời gian ghi đến bia hình trên, làm nhánh chính và nằm trong lãnh thổ Việt Nam của mạng lưới "đường mòn Hồ chí Minh". 'Trường Sơn Đông' là vì trong chiến tranh bên kia biên giói còn nhiều lối đi về Nam tận cùng ở Phước Long (Bình Phước bây giờ) gọi là Trường Sơn Tây, đó là bên nước Lào.

Nay đoạn đường TSĐ này được hoàng chỉnh thành 1 quốc lộ nối liền Kontum với Quảng Trị và tiếp theo ra Bắc theo ven biên giới Lào tạo thành tuyến đường xuyên Việt Bắc-Nam dài thứ nhì sau quốc lộ 1A.

Bản đồ căn cứ quân Mỹ 1 thời (1966-1969) cho thấy mật độ các trận địa trong 1 diện tích không lớn gì mấy. Trận đồi Hamburger được kể lại bằng phim ảnh (quay tại Phi luật tân) mà các cựu chiến bình cho là thực tế nhất (có cả bà Kiều Chinh trong đó, cái đoạn đó thì không xác thực gì mấy). Bản đồ dưới cho thấy rõ hình dạng thung lũng dài hướng chéo Tây-Bắc Đông-Nam. Giữa cho thấy 1 mạng đường nhỏ đưa thằng xuống Huế, theo giòng sông Hương về Chùa Thiên Mụ. Chốt chặn tuyến đó xưa là Bastogne nơi đơn vị người viết đã có đến giữ vài tháng vào đầu năm 1974. Lúc đó sốt rét ác tính nhất nước là ở đó không đâu bì.



Hình minh họa từ Internet - Trong thung lũng A-Shau A-Lưới giữa 1967-1969


Hình minh họa chụp căn cứ Mỹ và 1 ngọn đồi trong thung lũng - bạn đọc quan tâm thì download vì khi báo Time phàn nàn thì người viết sẽ phải xóa khỏi blog. 

40 năm sau con đường đã bình an, 1 trong những tuyến đường yên ả, ngoạn mục nhất nước. Con Đường Bình Yên - dưới mắt của một người cựu chiến binh.

Tripadvisor đề nghị nên đi tham quan bằng mô tô.














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét