Đường lên sơn cước

Sơn Tinh Thủy Tinh
Mây trắng biển Đông lũ lượt bay vào đất liền thật nhanh thật vội vã, như đã có hẹn rủ nhau về một điểm tụ hội nào đó ở cuối chân trời.

Người đứng nhìn trong đêm mưa lạnh đưa mắt theo hướng giòng mây, mây trắng mờ màu nước gạo dưới ánh sáng trăng thu ẩn hiện, và sẽ lập tức thấy dãy Trường Sơn đen ngòm sừng sựng đứng ra chặn đường mây trôi. Đoàn mây bay đến đó phải ngừng lại. Mây mây dồn lại, lớp này đùn lớp kia vào vách núi như xô nhau tìm đường thoát đi.
Nhưng mây không bất lực. Mây mang theo mưa, và tại đây mây đang trút hết nước mưa biển Đông trong cơn sấm sét giận dữ, ngàn năm cố tình soi mòn dãy núi cao cho rảnh đường mây bay về xứ Ai Lao. Đây phải là nơi giao tranh giữa Sơn tinh và Thủy tinh trong truyền thuyết của người dân nước Việt.
Hình chụp năm 2009 từ thung lũng Đại Lộc. Đồi 1062 ẩn trong mây trên góc trái hình (trong mây là núi).
Và đây cũng là nơi giao tranh của loài người từ lúc cuối hè vào thu năm 1974. 'Đây' là một cụm gồm nhiều đĩnh núi của dãy Trường Sơn mà vào thời gian này báo chí gọi là "Đồi 1062", vì ngọn này là ngọn tranh chấp chính cho dù chung quanh có đỉnh cao đến trên 1200 thước.

Thung lũng Đại Lộc - thung lũng sông Vu Gia - xấp xỉ ngang cao độ Đà Nẵng,  Hội An. Có nghĩa là người viết và đồng đội trong đêm nay sẽ phải leo hết 1062 thước kia để đến điểm hẹn với nhiệm vụ, và với quân thù đang chờ đợi [*].
Ngước nhìn vách núi đen ngòm với rừng sâu thăm thẳm, người đại đội trưởng [a] lắc đầu: "Chăm à, bác sĩ! Ngó bộ còn hơn Động Ông Đô".
Động Ông Đô [1] cao chỉ hai ba trăm thước, mà đánh vào mùa khô.

Hai người ngẩn cỗ nhìn lên chổ mây chạm vách núi, tiếng mưa lốp đốp lên poncho, tiếng gió lâu lâu rít nhẹ dưới vành nón sắt, thỉnh thoảng tiếng sấm xa - hay tiếng pháo? - với ánh chớp chập chờn trên tầng mây. Đâu đó tiếng "bịch!" của người lính vừa trợt té với cả hành trang. Mưa miền Trung không giống mưa nơi khác chỉ mưa vài giờ rồi tạnh, mà mưa liên tục ngày này qua ngày kia, mưa không ngừng không tạnh, chỉ lúc nhẹ lúc nặng. Mưa hằng tuần có khi cả tháng mưa đưa đến lũ lụt, đến "thúi đất" như người đây nói. Và mưa miền Trung lạnh, rất lạnh.

- "Để mai trời sáng lên được không ông?" hỏi nữa đùa nữa thật cho có chuyện.

Dĩ nhiên là không. Ngoài chiến trường những nơi vẽ rõ trên bản đồ như con đường nhựa với tọa độ sẵn có, ấy là tử địa. Tiểu đoàn đổ bộ từ đoàn quân xa trong cơn mưa lất phất dọc theo con đường nhựa vào Thường Đức Nông Sơn, cách chân núi độ một cây số ruộng ngập nước, là để lên núi, và lên kịp thời trám tuyến cho Tiểu đoàn 3 đã bắt đầu rút. Giao tranh mấy khi được chọn giờ.

Đoàn quân xa đã đón chúng tôi toàn bộ lực lượng tiểu đoàn cùng bộ chỉ huy tại cầu An Lỗ cây số 21 trên QL1 phía bắc Huế vào giữa sáng lúc trời chưa mưa. Lên đường, qua Huế và vưt Sông Hương vội vã như đã hẹn sẽ trở lại, qua đèo Hải Vân quyện trong mây biển, khi đến tới Đà Nẵng thì đã chui vào vùng mưa mùa. Xe qua Chợ Cồn, Bến Xe, những con đường xưa kia tuổi trẻ đã đi qua mà không dừng lại, ra Ngã ba Hòa Cầm Cẩm Lệ vào con đường về Nông Sơn thì trời đã tối, vẫn luôn dưới làn mưa dai dẵng. Trong thung lũng Đại Lộc vắng tanh nhìn xa không còn thấy ánh đèn làng đoàn xe đã ngừng lại đổ chúng tôi xuống bên đường, một bên là vùng ruộng ngập nước bạc chạy dài vào chân núi.
- .... "Ông ăn no chưa?". Bao gạo sấy cá khô lúc chiều khi đoàn xe dừng lại trên đỉnh Hải Vân, bây giờ thì đã độ 8-9 giờ tối.
Lúc này nhìn dọc theo con đường dưới ánh mây sáng mờ ảo đã thấy bóng đen những đại đội theo nhiều hàng một bước xuống ruộng nước tiến về phía chân núi. Theo lệnh của Ban ba đã dẫn đường trung đội quân y  từng người bắt đầu bước xuống làn nước lũ lên tới ngực, poncho cột ngang bụng bằng sợi thừng hết là lớp sưởi ấm cuối cùng. Tiều Đoàn 7 Nhảy Dù bước vào trận chiến Đồi 1062 vào giữa tháng 10 năm 1974. Ít ai ngờ rằng phải 106 ngày sau mới được về lại mặt đất bằng.
Đoạn đường chiến binh
106 ngày trong không gian môi trường bất thường nhất của nhân loại: môi trường giao đấu với người và vũ trụ, cùng một lúc. Mặc bộ quần áo ướt sủng một thời gian lâu mà không thay là bất thường, nếu bạn không phải là người lính trong chiến dịch này. ''Lâu" đây là ngày, kéo vào đêm, qua đến sáng hôm sau, và đêm sau, và ngày sau, có lần đến bốn năm ngày liên tục. Đi đứng: ướt, cho dù vẫn mang poncho cho cái ướt trong người ấm hơn nước mưa bên ngoài. Ngủ: ướt sủng vì không làm sao ngăng được nước mưa theo giây treo mà chảy xuống võng. Những ngày "khô" chỉ là những ngày áo quần không ướt sủng thôi, vì làm sao phơi, và phơi ở đâu nào khàc hơn là chính vai lưng mình. Mà nắng nào để phơi. Những cơn bão liên tiếp bay vào không ngừng, trên transistor nghe kể hết tên bà đầm này bà đầm[2] kia đến gần hết vần chữ cái.

Da người tái đi, lông tay chân hiện lên như trên người chết, mười đầu ngón tay thủng móp vào hằng tuần. Dỡ poncho ra, áo quần trên người bốc hơi nước như hơi nước người thở ra từ mũi miệng. Nước tiểu bốc hơi, phân bốc hơi, vết thương bốc hơi, máu bốc hơi. Không gian nhiều lúc là hơi nước, sương mù nhìn thấy rõ hạt nước bay qua trước mặt, thật ra là mây, những đám chập chờn khi thưa khi dày, trong rừng, quanh đỉnh, dưới vực. Một hai tuần sau khi lên núi quan quân từ tiểu đoàn trưởng trở xuống áo quần ai cũng bắt đầu rách đi nơi cùi chỏ, vai, đầu gối. Binh sĩ ngoài tuyến mặc quần cọc mà đánh nhau, chỉ có áo ngụy trang với giây ba chạc đạn dược trên vai dưới lớp poncho cột dây ngang hông. Poncho, là áo, là nhà và một mai này khả năng sẽ là quan tài của người mang ướt cả ngoài lẫn trong. Cả ngoài lẫn trong lại còn lấm đất bùn nhầy nhụa. Và người đọc đừng quên cái lạnh trong cái ướt này.
Hình minh họa, không cùng khu vực- nguồn Internet
"Tắm rữa" là lấy lưỡi lê cạo bớt lớp bùn nhiều khi pha máu thương binh trên hai ống quần, ống tay ướt sủng, rồi giơ thẳng hai  tay ra trước mà rửa với nước từ làn mưa lạnh.
Đó là thời tiết trong những ngày tháng 10, 11 tại chiến trường này. Thiên không thời mà địa cũng chẳng lợi. Đường lên sơn cước bắt đầu đột ngột và dứt khoát. Từ mặt ruộng bước lên một thềm khô rộng độ chục thước, từ đó núi tức thì dựng dốc 30, 40, 60 độ nghiêng, không có vùng chuyển tiếp, và nơi đó rừng bắt đầu. Người ta gọi rừng trên núi là ngàn. Lên ngàn người lính đi theo những đường mòn nhỏ hẹp giữa rừng nguyên sinh hai người đi phải tránh nhau.

Đường mòn đã được các đơn vị dùng trong mấy tháng giao tranh vừa qua, dưới cơn mưa lâu ngày đã nhàu bùn. Đường men theo triền đồi quanh co để bớt độ dốc, để tránh những mỏm đá, ôm sát các bờ vực tránh đi đường nóc lộ mục tiêu. Vực sâu một bên nhìn xuống tận đáy có khi hằng trăm thước rừng và đất đá lổm chổm.  Nhìn thẳng ra là triền núi bên kia, dựng đứng, khi thì những tảng đá, khi thì là rừng xanh trùng điệp.

Mọi người ai đi cũng chặt một cây gậy mà chống đi nếu không thì gần như không thể di chuyển được. Ai nấy cũng đều có ba chân, từ ngày lên cho đến khi xuống hẳn núi. Để tới một đỉnh cao phải leo đến hai ba đỉnh nhỏ, xuống vực rồi lại leo lên  vách núi bên kia để lên đỉnh kế tiếp. Từ đỉnh này lên đỉnh kia khi có yên ngựa là đường ngắn và êm nhất nhưng lại không được đi vì phải tránh tầm nhìn của địch nép theo một bên vực mà đi. Khi lên chỉ nhìn trước chân mình độ một thước, nhìn xa hơn thì phải ngẩn cổ lên.  

Dốc núi ở Bà Nà, cùng địa thế địa vật như  Đồi 1062 - Hình năm 2011
Từ đồng bằng lên đỉnh, người chiến binh đi xuyên qua mây. Đó là khoảng cao độ từ 400 thước trở lên. Ở cao độ này sét đánh ngang lưng núi là một cảnh tượng không thể thấy nơi nào khác, trừ phi người đọc hình dung đang đi máy bay qua một cơn giông. Lằn sét đánh hiện lên song song với đường chân trời mà đánh vào những thân cây những mõm đá cùng cao độ với người đi. Trên thực tế thì người  đi đang ở ngay trong đám mây giông, cảm giác là chỉ đưa bước đi để chờ một tầm sét đánh trúng mình, vì không có gì có thể cản nổi sét, và cảm giác  con người lúc này là vô cùng bất lực, vô cùng bé nhỏ.

Tần mây cumulus khi cao khi thấp, từ cao độ 400 đến 600 thước. Qua khỏi lớp mây này thì là nắng tốt nếu không có những lớp mây cirrhus trên cao hơn. Lên cao thời tiết hết giông bảo, mưa ngưng đột ngột, chỉ còn gió lạnh và ẩm ướt của rừng thiêng. Núi cao đến nỗi khi ra chờ trực thăng tải thương hay mang tiếp liệu vào mỗi bốn ngày - những ngày trời tốt - ai cũng quen chờ bóng trực thăng không từ trên trời xuống mà từ dưới chân bay lên kiếm bãi đáp. 
Cao độ 1500 mét ở Núi Chúa 7 km chim bay từ Đại Lộc - Hình năm 2009. Đêm trăng sáng là cảnh bồng lai.
Máu chảy thành sông
Dưới cơn mưa bảo không ngừng đường mòn lên non là một máng xối có một giòng nước chảy, nước chảy trên lớp bùn đã được hằng trăm gót giầy nhồi đi nhồi lại nên sâu đến ngập cổ chân.  Đi phải cắm gót giầy xuống sâu mò mẩm một chổ bám, nhưng rồi rút chân ra là một cố gắng khác, bao nhiêu bước là bấy nhiêu cố gắng.
Sau những trận giao tranh đường mòn đưa người tử trận và người thương binh xuống núi, máng xối nước mưa mang màu hồng của máu, khi đậm khi loãng. Đi hằng giờ cũng còn dẫm lên máu người mà đi. Những khúc dốc trời khô đi đã quá khó khăn cho người lính phải mang ba-lô vũ khí, còn phải tải thêm đạn dược cho súng cộng đồng hay tiếp liệu, lương thực, khi mưa thì mười thước khó khăn hơn hằng trăm thước đường phẳng. Đây là những đoạn đường thánh giá, vì trong tâm trạng người leo mình là một tội nhân đang phải chịu khổ hình. Nhiều người khi xuống tới khúc đường đi không hết đã vì quá mõi mệt mà ngã lưng ra cho trọng lực đưa tuột xuống cuối dốc, nơi phần đất bùn bằng phẳng trở lại.
 Xác chết đứng dậy
Từ dưới ruộng lên đỉnh có vài đường mòn như trên, có ít khúc ra ngoài trời nhưng phần lớn là dưới rừng già cổ thụ nghìn năm cao ba bốn chục thước, đường tuy lẽ loi nhưng tương đối an toàn vì là phía núi "bên này". Đường có người lên xuống thường xuyên, chuyển quân thay quân, hay tải đạn dược lương thực và thương binh hay xác chết những ngày mưa bảo trực thăng không vào núi được, phi hành đoàn viện cớ "bông gòn" nhiều quá bay vào không thấy vách núi.  
Vậy là khi phải gánh người chết hay bị thương xuống đồi là những ngày mưa, và khi cần che mắt địch thì là ban đêm. Chuyện đường rừng hấp dẫn phải là chuyện đường rừng... ban đêm. Đêm đen tối, đêm mưa bão, đêm nghịch thù. Như chuyện tải xác một đêm mưa sau một ngày dài giao tranh. Thương binh thường được gánh đi trong chiếc võng treo trên một khúc cây dài do hai người vác - không có chuyện "anh trở về trên chiêc băng ca". Nếu là một người bị thương thì phải có bốn người di tản: một khinh binh mở đường, một an ninh đi sau và hai người khiêng. Xác chết cũng vậy, khác chổ là xác chết được gói trong poncho và cột chặt vào khúc cây dài đó, cột thẳng người. Có một nhóm tải xác như vậy, đi trong cơn ướt lạnh triền miên, trong cơn thấm mệt gần như đến tận ngoại biên của sức chịu đựng con người, đã đến một con dốc như trên tả.
Hai người tải xác kiệt lực đã quyết định thả cho cây đòn bó cái xác tuột xuống con dốc trải bùn và nước mưa này. Cây đòn tuột đến cuối dốc đã cắm sâu vào chân dốc và theo đà trớn đã dựng thẳng đứng lên. Xác chết đã đứng dậy trong ánh sét chói lòa, tiếng sấm kinh người, trong tiếng gió hú mưa rào giữa rừng đen bao phủ, ánh sét lắp lánh trên poncho và nón sắt nào không bọc vải ngụy trang. Trong ánh sáng này người nào vật nào đứng ngoài chổ trống hiện rõ nét đen lên nền mây trắng trong chốc lát quái dị. Không gian gào thét như đồng tâm với người chết, thân xác như đã mượn đâu hồn khí vương mình lên lại giữa đất trời bao la, để một lần cuối cùng nhìn lại vũ trụ dưới chân trước khi nhờ đồng đội mang về miền đất bằng an nghỉ.  
Người sống vội vã tuột xuống dốc sau lưng cái xác, ôm lấy xác và gỡ cây đòn ra khỏi bùn, hạ nằm xuống. Trận chiến kéo dài hằng tuần với đôi bên quần thảo trong hổn mang, trong mưa gió, trong ướt lạnh bùn lầy đã xóa mất khả năng kinh hãi của các con người da thịt đã mệt nhoài và thần kinh như đã đi vắng. Một cái xác không hồn bỗng dưng đứng dậy giữa rừng thiêng trong sấm sét inh tai chói mắt không còn là một điều kinh hồn bạt vía, sau khi con người đã sang hẵn bên kia bến bờ mõi mệt, với sự trợ giúp của một thứ thuốc phiện tự nhiên. [b]
Thuốc phiện có tên gọi là bản năng sinh tồn.

 Áo anh mùi thuốc súng
Chữ viết không như điện ảnh có thể trình bày một bối cảnh môi trường có màu sắc và âm thanh, chỉ mong xin độc giả hình dung qua từ ngữ tả chân hạn hẹp. Đây là chiến trường cổ điễn, chính quy chọi chính quy,  chiến hào địa đạo  đối nhau có tuyến rõ ràng. Những ngày giao tranh không gian không khi nào im bặt, hoặc rất ít khi im hẵng, ngày cũng như đêm.  
Tiếng hỏa tiễn có giọng hú thu hồn như quỷ dữ nghe đôi khi đến dựng tóc gáy. Là những tiếng hú thật, gây nên bởi hỏa tiễn khi xuyên qua những làn gió trên không trung, đang đêm nghe vô cùng quái dị. Những trái đạn đại bác đủ cỡ đủ loại khi bay qua nghe như  những mũi dao vạch lên miếng thép vĩ đại nào trên trời, những trái cối lớn nhỏ xé trời như ai rót bát nước lạnh vào một chảo dầu nóng bao la. Đầu đạn lớn nhất 175 ly là tiếng những đầu xe lửa diesel vút nhanh qua đầu. Những trái đạn rơi gần với tiếng xéo thật ngắn tiếp theo là tiếng nổ như tiếng một chiếc chén kiểu khổng lồ xáng xuống nền ca-rô thật mạnh, thật giận dữ kèm thèo sức hơi ép vào poncho, lên lồng ngực, lên da mặt. Mãnh thép bay đi chạm thân cây lắc rắc, cắt vụn lá rừng bay rụng xuống đầu như xác pháo giao thừa. Ngoài chổ trống không rừng che có thể nghe đạn cá nhân hay đại liên. Viên đạn bay mau hơn vận tốc tiếng động mang theo trước mũi một bức tường âm thanh nhỏ, ngang tai như tiếng một bong bóng nỗ mãnh liệt. Tiếng phát xuất lụp bụp sẽ nghe một chốc sau hoặc không nghe.  Tiếng đạn bay véo von như trong phim ảnh ngoài này không bao giờ nghe biết.  
Rừng Trường Sơn nguyên sinh, Bà Nà. Hình tháng 3-2011
Phi tuần phản lực bay giữa các đỉnh núi; có những cuộc không tập trời tốt ra xem, phi cơ bay thấp hơn chổ người đứng để thả bom vào mục tiêu trong thung lũng hay ngang vách núi. Các loạt cao xạ nổ những chùm 5 trái trong vùng  không trung giữa các đỉnh núi. Tiếng gầm vang dội như trong thính phòng thiên nhiên bát ngát trước khi nhỏ dần nhường thời gian ngắn cho tiếng bom nổ. Những tiếng nổ gần chát chúa không như trong phim ảnh nghe rầm rầm, mà là thứ tiếng như sét ngang tai với sức ép mãnh liệt đi theo cảm thấy trên lớp áo, trên da mặt. Mùi thuốc đạn cordite lai vãng các khu rừng già rồi bám vào áo quần râu tóc lâu mới đi, khi ngủ tựa mặt vào vai áo nghe tựa mùi pháo Tết. Có những ngày giao tranh, tập hợp các đĩnh núi dường như chỉ trong chu vi một cây số vuôn có khi chịu đến hai, ba ngàn trái pháo đủ loại của hai bên - chỉ cần đếm 5 phút mà nhân ra thôi. Thêm vào đó là tiếng bom và tiếng phản lực. Những ngày đó trong cả vùng người nào cũng bị lãng tai và ai ai cũng nói to tiếng như người điếc thét với nhau, ngay cả khi hết đánh nhau cả ngày trời. Một tiếng chuông reo dai dẵng đeo theo hai tai suốt ngày đêm, khi mạnh khi yếu, thường khi như từ chính giữa khối óc phát ra. 
Đó là nói chung cho toàn khu vực các đĩnh như là một mặt trận. Nếu có những cuộc chạm tráng tập trung hơn như ta tấn công chốt, đỉnh, hay địch tập kích vị trí của ta, âm thanh trận đánh chỉ từ hướng đó, với pháo yểm trợ bay qua đầu hay pháo địch lạc mục tiêu bay về mình. Âm thanh trận đánh, ngoài tiếng súng cộng đồng phần lớn là tiếng lựu đạn, it tiếng súng nhỏ, và tiếng quan quân hò reo vang dậy cả rừng núi triền đồi.  
Dĩ nhiên có những ngày không đánh nhau, hai bên hoặc hết đạn dược cạn lương thực hoặc quá mỏi mệt, hoặc quân số khả chiến xuống quá thấp cần chờ bổ xung. Những ngày này nhiều hơn là những ngày thực sự giao tranh, và nếu ai ở đâu ở đó thì đời sống trong núi rừng Trường Sơn cũng chỉ như... đời sống trong rừng núi. Cuộc giằn co trên đỉnh 1062 kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12, 1974. Phía Miền Nam toàn bộ Sư đoàn Dù gồm 9 tiểu đoàn[3] thay phiên nhau lên núi đối địch. Bắc quân thì cũng xa luân chiến với các trung đoàn của ba sư đoàn thiện chiến nhất của họ, là Sư đoàn 2, 308 và 304. Qua mùa đông năm 1974 Bắc quân đã biết rằng không thể nào khống chế được 1062 mà không phải tổn thất thêm nhiều nhân lực đang cần cho nhũng kế hoạch tới của họ nên đã dần dần rút bỏ rặng Trường sơn này. Quân Dù hao tổn cũng khá bộn, năm sáu ngàn người trai cang trường tài giỏi nhất Miền Nam tiêu hao hết nửa - 50 phần trăm thương vong - đạn dược và yểm trợ bị Mỹ cắt giảm trầm trọng nên cũng rút lui ra, bỏ kế hoạch chiếm lại Thường Đức và chỉ còn trấn giữ những ngọn đồi thấp gần Đại Lộc ngăn chặn con đường Liên Tỉnh Lộ số 4 theo sông Vu gia đổ ra  Đà Nẵng. 
Một mùa bão tố, một mùa đông, Giáng sinh và một tháng Chạp trên đỉnh Trường sơn, 106 ngày đêm nếu đếm không sai lúc đó, con số còn nhớ mãi đến ngày hôm nay đã ba mươi bốn năm qua. Những ngày  tháng không dài lắm, nghĩ lại thì cũng không gian nan cho  mấy đối với tuổi trẻ, chỉ là những tháng ngày không thể nào quên.

Không Tên.
Westminster, California mùa xuân 2008 - hiệu đính 2014 - hình ảnh năm 2009, 2011
Hoàng hôn trên đỉnh Núi Chúa cách Thường Đức 7km chim bay - 2009 



















Môi trường núi rất quen thuộc chụp từ xe cáp treo lên Núi Chúa Bà Nà - năm 2011

Khu vực Thường Đức-Đại Lộc


[1] Ở Bình Trị Thiên 'động' là 1 trái núi không cao, nằm cô lập trong 1 địa thế núi, có thề nói là 1 ngọn núi. Đây là link vào Wikimapia Động Ông Đô cao độ 275 mét, Tây Nam Quảng Trị, trận chiến là vào năm 1972, lúc này người viết chưa nhập ngũ. Lữ đoàn 2 Nhảy Dù QLVNCH với Sư Đoàn 304 QĐND. 
[2] Thời hậu bán thế kỷ 20 tên gọi các cơn bảo vùng Đông Nam Á Châu dùng tên phái nữ và tên Âu Mỹ, các bão đầu mùa bắt đầu bằng vần A, rồi B, C v.v... thí dụ bão Ann, bão Betty, Carla...
[3] Toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH đã đổ vào mặt trận này trong khoảng 6 tháng, gồm 9 tiểu đòan tác chiến chia ra làm 3 Lữ Đoàn tương đương với 3 trung đoàn, 1 liên đội đa năng tương đương với 3 tiểu đoàn tác chiến, với các tiều đoàn yểm trợ như pháo binh Dù, công binh Dù, quân y Dù.
[a] Đại đội chỉ huy/súng nặng, xuất kích thì thường khi đi hàng giữa, cùng 1 lúc với 4 đại đội 1,2,3,4. Quân y, truyền tin và liên lạc pháo binh bám sát ông đại đội trưởng này. Ông này chỉ thua ông Ban Ba thưòng là đại úy, Mỹ nó gọi là ông XO, executive officer, lúc hành quân mọi mênh lệnh là nghe từ ông này.
[b] Kích thích tố tự nhiên Endorphin, giúp cơ thể quên đau và mệt.
[*] (hiệu đính 2018) Vào khoảng tháng 7-74 có thông tin trên báo chí nói về 1 cuộc trao đổi trên vô tuyến, địch quân gọi từ khu Đồi 1062: - "Thép đây! Dù đâu?" (Thép là sư đoàn Thép, nhiều sư đoàn địch tự gọi là Thép). Chờ đó.




Bài hát về những con người và gia đình trong 1 cuộc chiến khác, 1 thời buỗi khác...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét