Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

"Chùa" Ngọc Hoàng

Hình dưới là 1 bưu thiếp từ Bắc kì Đông Dương gửi về Pháp ghi tên đền Ngọc Hoàng là Chùa Dakao. Em mới tìm ra lại trên mạng sau khi về. Nếu được  thấy trước và bình tâm hơn khi đi du lịch thì em đã tìm chổ đứng, góc độ gần đúng vị trí người xưa đã đứng chụp hình này - chuyện rất khả dĩ, bạn đọc cố gắng nếu có cơ hội hãy làm xem. Hình dưới là của em chụp vào ngày 2 tháng 12, 2017, cho thấy cái am nhỏ ở vị trí cũ nhưng nay bịt mất hết cửa tiền, và bức tường thấp phía trước am nay cũng còn y như cũ. Bạn đọc có thể dùng 2 hình so sánh xem cái gì là mới và cái gì cố hữu tại sân điện.
Tuy là 1 kiến trúc nhưng đền có 3 gian (3 mái). Mình sẽ viếng chánh điện và gian bên phải gọi là Đông lang thờ Thần Hoàng, gian bên trái là nơi ở của tăng ni, chỉ có nhiều bàn thờ nhỏ thờ Phật, phòng hội v.v..., và 1 lối lên sân thượng, chả có gì.
Năm 2016 nghe nói tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama đến thăm ngôi đền này, thằng viết cũng như mọi người ai nấy đều rất thắc mắc tại sao chổ này. Sài Gòn Gia định thiếu gì chổ thoáng đãng, văn hóa lịch sử dồi dào ("dồi dào" nói 1 cách phổ quát hay riêng đối với "thằng" Mỹ đã có trải nghiệm đặc biệt với cái xứ sở này, nhất là thủ đô quen thuộc này 😈!) Người ngoài đường ai nấy cũng nghĩ là tổng thống Mỹ làm cái gì khi công du cũng phải là có ý nghĩa chính trị sâu xa. Không thì là 1 động thái rất dễ hiểu về logic mà nói, thí dụ nếu Obama đi thăm Vịnh Hạ Long kỳ quan thế giới thì sẽ không ai đặt câu hỏi. Thế nhưng... và cho đến nay vẫn chưa ai giải thích rõ tại sao đền Ngọc Hoàng, Đakao, Quận 1! Đám thầy bàn sờ mu ở Mỹ được một phen marathon bá láp.
Làm thằng viết  phải đến nơi xem nó có cái gì trong đó. Chuyến tháng 5, 2017 chạy bỡ hơi tai làm em thiếu thời gian (1 buổi sáng!) đến viếng, kỳ này vừa xuống máy bay hôm sau là em có mặt, mang 2 cái máy ảnh cho chắc ăn với cả cái phone phòng hờ!

Cái bất ngờ khi bác xe ôm đổ em xuống là, Trời! Vị trí  này là  trước cửa 1 ngôi nhà mà trước 1975 thằng viết gần như "đến ăn cơm tháng" tại đây. Sát bên 1 con hẽm trong đó có nhà 1 người nữ sinh trường Marie Curie mà nó cũng thường mò qua "giao lưu" ráo riết để hòng lọt mắt xanh nàng (mà thất bại).
Đường này hồi xua là Phạm Đăng Hưng! Tên đường quen thuộc nhất là vì có 1 võ đường lớn thời đó tên là Nhu Đạo Quang Trung. Trong hình đó là chổ em đứng chụp  xê về phải chỉ chừng 30 thước. Thằng viết đã từng dựng xe gắn máy bấm chuông trước cửa nhà đối diện chừng 80 nghìn lần. Chỉ nhớ là "trước Chùa Đa Kao" mà bây giờ không làm sao hình dung ngoài tường nó ra sao hồi đó. Mà đâu dè gần 1/2 thế kỷ sau lại trở lại, đúng ngay chổ này! Té ra nó ra như vậy, hay là có thay đổi nhiều? Chả nhớ, nhưng hồi xưa chả bao giờ thèm liếc vào trong đó xem có gì.

Lâu quá rồi, cảnh cũ còn đó nhưng người xưa đâu rồi. "Những người muông năm cũ, hồn ở đâu bây giờ... "
Một sự kiện nữa, không nhân chứng nhưng thằng viết không thể nào quên bao giờ vì như Đại Tướng viết, có 'Những ngày tháng không thể nào quên'. 
Là, ngày 30 tháng 4 năm 1975 vào khoảng sau 3:30 giờ chiều, thằng viết cởi bỏ đai giáp và vứt khẩu súng lệnh xuống bên kia chiêc cầu nay tên là cầu Điện Biên Phủ, xưa gọi là cầu Phan Thanh Giản, cách chổ này gần đúng 500 mét. Đơn vị của nó lúc đó đang ứng chiến khu vực từ cầu PTG đến bùng binh Ngã tư Hàng Xanh . Quân lệnh bảo đầu hàng thì đầu hàng. Cho nó lành. Nhưng chờ lâu không thấy ai đến nhận súng thì ai nấy chia tay, về nhà (vì nhà quân nhân Nhảy dù phần lớn là ở tại Sài Gòn, binh chủng là tồng trừ bị và thuôc Biệt khu Thủ đô). Thế thì em cùng 1 binh sĩ không có nhà xin theo, bỏ tay vào túi trong buỗi xế trưa vừa bổng dưng yên ả vừa nặng nề khó tả, lủi thủi đi về phía Cầu Kiệu. Xóm Chùa, nơi có nhà người anh họ. Vì như ngựa quen đường, rẽ Phạm Đăng Hưng qua Trần Quang Khải là lựa chọn tự nhiên nhất. Ngang trước cửa Nhu đạo Quang Trung thì thấy 1 nhóm không nhỏ trẻ con đang đùa chơi với lưu đạn và súng M16 quân nhân vứt bỏ, giật mình. Không can thiệp thì sẽ có tại nạn lớn chết người. Hai thầy trò dừng lại tháo gỡ từng viên đạn trong súng ống chúng đang chơi, tháo cơ bầm mỗi súng - nhiều khẩu đã có đạn lên nòng rồi! - vứt qua tường võ đường cùng với 1 ba lô toàn lưu đạn, mới đi tiếp về nhà. Giây phút đó đúng là lúc giã từ vũ khí thật sự của thằng em!
- (Sau 3 ngày đêm tham gia tác chiến không ngừng, bừng sáng hôm đó thì di chuyển từ Biên Hòa về theo cầu Bình Triệu)
⧫ - (Hai căn nhà người quen trên khúc đường đã xích cổng và di tản mấy hôm trươc)

Nửa thế kỷ rồi, bao nhiêu trùng hợp ập về 1 ngày. Ngay tại điểm này, không tìm mà đến, chỉ cách mấy mươi bước! 
Trở lại 1 ngày nắng ấm cuối năm thứ 17 thế kỷ thứ 21. Theo gót 1 tổng thống nước Mỹ vĩ đại đi vào trong khuôn viên khu đất mà ngày xưa chả bao giờ để ý mặc dù đã dừng chân ngay trước cửa 1 vạn lần. Một khám phá mới, mà lại là thuộc 1 phần quá khứ, đời quả có nhiều bất ngờ thú vị.
Hình trên là hồ thả cá trong bưu thiếp không thấy. Trong hình dưới du khách cúi xem rùa người ta thả trong cái hồ rùa, hồ mà trước kia cũng không có. Nhiều người Đa Kao gọi Chùa Con rùa vì cái hồ đó.
Mua rùa phóng sanh vào đó cho người ta vớt lên bán lại cho người đến mua sau phóng sanh. Mấy con chim này cũng cùng số phận như thế, người đến mua, phóng sanh, rồi có người ở gần đó dùng máy phát âm tiếng chim made in Trung Quốc gọi về, sập bẫy, bị bắt lại bán cho người sau đến mua phóng sanh. Âu cũng là cái số của chúng.
Bước qua cửa dưới tấm liễng 'Chùa Phước Hải' hai bên là 2 bàn thờ, bên phải là thần giữ cửa, trái là thần đất. Khác cái ông thổ địa mà các bạn thấy ở các tiệm phở hay tiệm massage nhé. Tại tiền điện trong hình dưới, thay vì nhìn thấy chánh điện (tiền điện đã có tấm chắn gió rồi) nơi có bàn thờ Ngọc Hoàng thì ở trung điện có bàn thờ Phật mới rước về lúc năm 1984.
Số là trước giải phóng điện Ngọc Hoàng do cộng đồng người Hoa địa phương cai quản, qua năm 1979-1980 họ được đánh tư sản và đã lên thuyền ra đi tứ phương hết sạch. Điện bèn không có chủ thừa nhận, sau 100 năm được chăm sóc nhang đèn thờ tự liên tục. Xem như cộng đồng người Hoa di cư từ đất tổ qua đây góp tay gầy dựng đất Gia Định -"Nam bộ" bây giờ - năm ấy mặc nhiên giải tán. May thay nhà nước XHCN có sẳn giáo hội PGVN của nhà nước đấy, nghĩ là gần giống tín ngưỡng được phụng thờ trong đền này nên giao phó cho. Một thượng tọa đã đến tiếp quản và nay ta thấy có tên mới đè lên, cũng chữ Hán cho phải phép, là Phước Hải Tự. Đầu đuôi như thế, chẳng biết ngài Obama có được thuyết minh như vậy không.    

Đền được xây dựng vào đầu thế kỷ trước, làm 1 trung tâm sinh hoạt cộng đồng người Hoa kiều Minh Hương, tựa như đình làng Việt. Đình thờ thần, chùa thờ Phật, Điện Ngoc Hoàng không phải là cái chùa.
Để bạn đọc thống nhất định vị, 'trái, phải' trong trang này nói về trái phải của bàn thờ chính - nhìn ra cửa.
Sau bàn thờ Phật, kể cũng khiêm tốn, là chánh điện Điện Ngọc Hoàng. Với bàn thờ Ngọc Hoàng chính giữa và 2 bên phò thờ Bắc Đế và Phật Chuẩn Đề. Bạn đọc hãy hình dung không gian này là rất lớn mặc dù bàn thờ không nằm trên 1 bực thềm như ở các chùa hay nhà thờ. Tượng thần Kim Cương mà các bạn có thể đoán qua khói nhang cầm cây xa mâu, là cao chừng 4 thước Tây.
Chính giữa là Ỗng, 2 bên là Tứ Đại Kim Cương đứng hầu, 4 ông thần nghiêm khắc cứng rắn nhất trên trời, ông cầm búa ông cầm xà mâu có ông không cầm gì kiểu như quan văn vậy. Trong mấy ông nhí có ông Thiên Lôi, Nam Tào Bắc Đẩu thì phải, đại loại là chỉ mấy ông lớn trong Thiên triều nơi bàn thờ chính này.
Trông thế nhưng trong điện khói nhang mù mịt. Mà cái hay nghen, khói nhang không bao giờ ngộp hay dày đặc làm mình khó chịu bao giờ cho dù có nhiều nhang cách mấy. Mà trong này đốt nhang nhiều lắm quý vị. Đèn bàn thờ thì loại LED thay màu từng lúc làm hình ảnh chụp ra - có cái chỉ bằng điện thoại - thay đổi bản sắc nhiều. Không trốn đâu khỏi Made in China. Tượng Ngọc Hoàng, tượng này lớn lắm:
Trong Lão giáo ("Đạo", Tao) Ngọc Hoàng là chúa tể trời đất muôn vật chứ không phải như Âu Mỹ tưởng là Vua trên Trời (nơi bên kia thế giới, đối lại với thế giới vật chất mình đang sống. Tức là không phải sau khi chết mình mới phải deal với ỗng, mà ngay bây giờ ông là hằng hữu. Không khác gì God, Jehovah của Âu Tây hay Allah của Hồi Giáo.
Để bạn đọc hình dung kích thước các tượng, xin xem hình chị bưng mâm quả phía dưới hình. Tượng này cao cỡ chừng 4 thước Tây. Người ta nói các tượng lớn gian này làm bằng giấy bồi trên cốt tre. Một số bằng gỗ và có 1 số nhỏ thì là gốm sứ (lò tại Chợ Lớn nay đã không còn). Phía trái:

Nếu chị bưng mâm quả là 1.5 mét thì tượng này cao gần 5 thước Tây. Trông như gỗ, men hay đồng, rất độc đáo, mỹ thuật.

Bàn thờ bên phải Ngọc Hoàng Thương Đế, qua khỏi thần Kim Cương này - 1 trong 4 ông Tứ Đại Kim Cương, là bàn thờ Huyền Thiên Bắc Đế. Cái ông này lớn lắm (là thần lớn lắm). Mấy ông Kim Cương này chắc không phải Kim Cang bên chùa Phật.                               
Bắc Cực Huyền Thiên Thượng đế, Bắc Đế, Huyền Thiên, Hắc Đẩu, là hiện thân Ngọc Hoàng Thượng Đế khi xuống trần cứu khổ, bình an nhân gian. Trong tín ngưỡng dân gian Việt là Thần Trấn Võ (Chấn Vũ, Chấn Võ) mà ngoài Băc có khá nhiều đền, đình lớn. Đền Trấn Võ bên bờ Hồ Tây Hà Nội thờ ông này, còn gọi là Đền Quan Thánh.
Bàn thờ bên trái có tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề, theo Phật giáo Trung Hoa (đại thừa)(không phải Phật Bà Quan Âm trong chùa Việt Nam). Trong đền nếu không tính những bàn thờ và tượng Phật do mang vào sau (khi thành lập đền) thì chỉ có chổ này là về Phật giáo. Không thấy gì về "đạo" Khổng, là 1 triết lý trật tự xả hội chính trị. Thế nhưng các đỉnh cao quen miệng cứ bầu tôn giáo đền này là "Tam giáo". Tam giáo nào? Tam giáo là 1 nhận xét, nhận định khi quan sát tìm hiểu bản chất cùa tín ngưỡng dân gian tại 1 địa phương, có bao giờ là một "tôn giáo". Khả năng bày đặt của các đỉnh cao từ xưa đến nay là vô biên.
Thiên tướng và các sao (sao thiệt, La Hầu Thái Ất chứ không như nói sao nhạc Hàn quốc) đứng chầu 2 hàng dọc hai vách tường chánh điện.
Hữu Thanh Long Tả Phục Hổ là hai vị tướng quân (thần) chầu bên phải và trái chánh điện Ngọc Hoàng, tạc quyện vào tượng mỗi thần là đầu con cọp (hình phải) và đầu con rồng (hình trái). Hai tượng này rất lớn và là bằng gỗ.
Thanh Long Tướng quân: ỗng không phải là con rồng mà ỗng cũng không giết (trị) con rồng như Lonely Planet bẩu. Đó là theo ý tưởng từ các huyền thoại Âu Tây, ai giết con rồng là anh hùng hào kiệt, cũng như ai trị được con cọp. Con cọp trắng là linh vật, cũng như con rồng vậy, các cha nội à.
Đông Lang cách chánh Điện bằng cái hành lang hẹp vách sơn màu hồng như phía ngoài điện. Hơi bị chật nhưng lên xuống 2 người được, ai nấy muốn qua gian bên phải thì qua cửa vào hành lang và vào gian thờ Thần Hoàng này bằng 1 cửa khác
Cảnh quan khi vào cửa bên hông. Gian này hẹp bằn 3/4 gian chính điện. Khu bàn thờ chính gọn gàn uy nghi hơn bên Ngọc Hoàng tuy nhỏ thua - bên chánh điện hơi bị lùm xùm, theo em. Cũng khói nhang mù mịt, em photoshop có bớt tí. Thế nhưng không hề ngộp ngạt gì nhé.
Gian thờ Thành Hoàng. Thành Hoàng trong tín ngưỡng Việt là 1 người phàm đã được dân 1 địa phương nhận là thánh, hoạc đã được vua phong thánh, phù hộ dân của địa phương, giúp địa phương an ninh và trù phú (Quốc Thái Dân An. Vào đình thần, đình làng nào từ Miền Trung đến Nam em đều có thấy 4 chữ này). Thành Hoàng trong tín ngưỡng gốc Lão giáo là 1 vị thần nhất định. Là ông thần này, giữ chức quản lý cái sinh cái tử của nhân gian, nhưng là mang tính địa phương. Web Tây Mỹ nó gọi là City God - có thể đúng 1 phần.
Âu Mỹ nó theo đạo độc thần, gốc Do Thái. Nó bẩu thượng đế của nó là 1 thần linh rất đặc biệt, thân thiện, có quan hệ rất riêng tư với từng con người - personal god*. Chiêm nghiệm cho kỹ, các vị thần linh trong tín ngữong dân gian Việt Nam hay Á Châu nói chung cũng là những personal gods. Như ông này chẳng hạn. Nhận nghe lời cầu riêng tư của từng con người một, từng tình huống cá nhân, gia đình, cộng đồng. Không cá nhân là gì?
* Đó là vì nó so sánh với thần linh Ai Cập, Hy lạp - những văn minh mà nó cho là hoàn vũ, hoàn hảo rồi - là vũ trụ của nó, những gì tốt đẹp hay ho nhất, ngoài nó ra là thứ hạng.
Bên trái là Lỗ Ban Thần phù trợ các nghề thủ công xây dựng, đội mão, bên phải là Thái Tuế măc áo con nít. Các ông Thái Tuế (có chừng 60 ông thì phải) xếp đặt công việc xãy ra trong năm, cúng các ông cho năm nay được tốt, không đụng xe, không ai kiện. Ông Lỗ Ban này không cầm búa như Lỗ Ban Việt Nam, mà thợ họ cúng khi gác đòn vông đó.
Minh minh bạch bạch thiên, thị thị phi phi địa. Đạo Trời rõ ràng đâu vào đó, dưới đất thì ôi thôi tùm lum, đúng đúng sai sai (láo láo), có có không không, không biết đâu mà mò. Thần phán đúng, em like.👍
Ngựa gỗ là Xích Thố, ai vào đọc kinh cầu rồi thì rung cái chuông nhõ treo ở cổ, Xích Thố sẽ giúp mang kinh cầu về Trời. Các vị thần bằng gỗ màu đen mang nón lạ gọi là Nhị Vị Song Án (mà sao có 4 ông) là như thư ký của Thần Hoàng, giới thiệu hồn người mới qua đời với Thần Hoàng. Nhiều người lấy làm lạ với những chiêc nón không có trong y phuc người Hoa, Việt hay Á Châu nói chung. Người ta nói đó là hình ảnh nón của các giáo sĩ hay thương gia đến trên các tàu thuyền từ phương Tây. Trong bộ tượng thần chổ này đọc thấy có Mã Tướng Quân, mà đám Bolsa vội la oãi oãi là Mã Viện, bọn ấu trỉ.
Ngay trước cửa vào chánh điện bên Đông Lang, phía vách phải là tượng Thần Tài, trên bàn thờ có khay để bao thơ đỏ nho nhỏ, các bạn có thể xin một, xoa xoa thế nào đó và cất vào ví. Gọi là lộc. Thần đội mũ vải lụa với 4 chữ Nhât Kiến Phát Tài, em không rõ nghĩa. Chỉ cần đến diện kiến Thần là phát giàu sao? Các bạn cứ đến thử thôi, mất gì. Tượng khá nhỏ so với các tượng khác, chỉ chừng 1 thước Tây cao và rất thân thiện với chữ Tâm trên đầu. Em thấy trên đời chữ Tâm ít khi đi chung với chữ Tài 1 vần, Thần dạy nếu có làm tiền thì phải đừng quên cái tâm. Quá hay, quá hay.
Tiền điện trước phòng bàn thờ Thần Hoàng, bên trái phải phủ nguyên vách tường cho đến mái ngói là bức phù điêu lớn, tạc trên gỗ rất tinh vi mỹ thuật. Phù điêu tả Thập Điện Diêm Vương, 10 tòa xử án dưới địa ngục do 10 ông Diêm Vương chủ tọa. Mỗi ông đều có tên riêng khắc chữ lớn ở trên. Trên là bàn xử án, dưới là hình phạt
Em không dám tả chân các hình phạt được chạm trổ sơn thép đẹp rất tinh vi rõ ràng, ngại bạn đọc mất ngủ. Từ chảo dầu đến lóc thịt chặt đầu v.v... thấy mà ớn, hết dám làm điều ác bao giờ nữa.
Dãy tên trên liễng cao là tên từng ông Diêm Vương, thực chất là các quan tòa. Diêm là muối, đến lúc mình đi bán muối xuống đây sẽ phải qua các thủ tục này. Thôi bây giờ lo sống sao cho nó đẹp, cho nó lành về sau.
Có người thì bị phạt tội hình nhưng cũng có người được thưởng này nọ cũng đã lắm, như xe giá gia nô trong hình bên trái, nhà cửa thư lầu rượu thịt um sùm như trong hình bên phải. Các phù điêu này trong tình trạng bảo quản rất tốt, rất đẹp mắt.
Sau cõi tử là cõi sanh. Thật ra mình đi từ phía sau ra trước điện, chỉ vì cửa vào rộng rãi đến bàn thờ Thần Hoang là phía sau hành lang (trên, hình màu hông). Cho nên cái sanh nó là trước. Thần Hoàng (Trung Hoa) là thần supervisor của 2 thế giới.
Cuối dãy phù điêu có gian phòng nhỏ đông chật người, cung mù mịt nhang khói. Phòng này coi bộ là phòng nhiều người chiếu cố nhất. Bàn thờ này là điểm thu hút chính của chùa Đa Kao đó nghe các bạn. Nhìn từ cửa vào:
Bàn thờ hình móng ngựa có nhiều tượng thần bằng sứ. Tượng chính là Kim Hoa Thánh Mẫu trông nom việc sanh nở cho nhân gian. Hai dãy 12 Bà là Thập Nhị Hoa Bà, người Việt gọi các Bà là Bà Mụ, Bà Mẹ Sanh. Mỗi Bà đều có tên riêng lo 1 chuyện trong chu kỳ sanh nở, từ prenatal cho đến hộ sanh, nặng hình hài nhi (đầu mình mắt mũi tay chân các cái. Chu đáo). Dân đây cũng gọi chùa này là "chùa cầu con" từ lâu nay mà mình không để ý.
Hình như trên bàn thờ chính có Ông Tơ bà Nguyệt, các cô chưa có chồng vào đây cầu chồng cũng nhiều. Có tượng ông Táo nữa thì phải. Nếu Thần Hoàng là thần của cộng đồng (địa phương, làng, xã...) thì ông Táo là thần của gia đình, rất gần gũi - có thể ví như ông thánh Giu Se trong văn hóa Âu Mỹ.

Đó là gian phòng ngoài cùng của hành lang bên phải, gian thờ Thần Hoàng. Đi ra nữa là Exit ra trước sân điện trờ lại, chấm dứt buỗi viếng thăm đền Ngọc Hoàng. Obama mất 20 phút, thằng viết cũng chừng 1/2 giờ với lui tới chụp choạc, hình ảnh chả mấy gì rõ ràng vì không mấy bình tâm, mất tập trung. Vì không gian đúng là đặc biệt, địa điểm đúng là "danh bât hư truyền". Túm váy là cũng hả dạ.

Và mong các bạn cũng hả dạ phần nào vì đã được "đến xem" cái mà 1 vị tổng thống nước Mỹ vĩ đại đã quá bộ đến xem một ngày cuối tháng 5, năm 2016 (một sự kiện lịch sử nhé, 1 địa điểm lịch sử!). Hả dạ là đã thấy trong cái đền Ngoc Hoàng đó có cái gì, nhưng mà câu hỏi cố hữu là, tại sao ngài đến đây thì bạn độc chắc cũng như em, còn sẽ bí lù 1 thời gian nữa. Chờ ngài viết hồi ký đời mình rồi đến Obama Presidential Library* tìm đọc xem. 
(*) Chưa xây, chắc sẽ là tại Hawaii.
Hình cọp trên trang báo chí mạng Việt Nam. Người hướng dẫn được chỉ định là ông đi giữa, coi cũng lịch sự. Là giáo sư Việt, đào tạo Harvard, MA và PhD tùm lum, có dạy cả đại học Mỹ. Thượng tọa thì là - lạ - Việt kiều từ Mỹ hồi hương, không xa lạ gì "ông Mỹ". Nghe thấy nhiều đùm đám quốc nội (sư sải nhiều) bất bình về lựa chọn nhân sự này của các quan chức chính trị hành chính (và an ninh) cũng 1 hồi um sùm khá vô bổ vô duyên và vô kiến thức lãng xẹt.
Mời mấy vị đó cùng ngồi bàn luôn thể với giới sờ mu Bolsa, Houston, Seattle, DC v.v... về ý nghĩa chính trị văn hóa tôn giáo vân vân của chuyến đi ăn bún chả với Anthony Bourdain ở Hà Nội luôn. (Mấy vị phải biết là tuổi nhỏ Obama sống ở Indonesia, ngài giã đò làm cao hay xớ rớ  thế chứ có xa lạ gì với cái Đông Nam Á Châu này, cơm cá khoai sắn nước mắm, chiếu mùng chòi tre... Hay với văn hóa Hoa kiều hải ngoại, lúc ngài còn đi học dưới đó là lúc nó đã giết đến trên 2 triệu người Hoa kiều Indonesia kia mà, chỉ cách chổ này 1 cái eo biển. Hai triệu; hồi đó chữ genocide - điệt chủng - chưa được là thịnh hành thời thượng).




🌄   🌈  🌋


Link
Bài này liên quan, các bạn xem lấy vui






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét