Về lai lịch lạ lùng của ngôi mộ trong một nghĩa trang ở Bình Dương
Trong lần về xứ năm 2019 với sự tham gia của một vài người bạn trong nước, chúng tôi đã tìm đến Nghĩa trang Lái Thiêu B, mục đích là để viếng ngôi mộ của một Vị Ân Nhân lúc xưa, thấp nén hương gọi là nhớ ơn thương tiếc. Lái Thiêu nay tuy là 1 phường thuộc xã Thuận An tỉnh Bình Dương nhưng đối với người Sài Gòn thì chỉ là 1 cuốc xe taxi ngắn ngủi.
Cầu Bình Lợi vượt sông Sài Gòn ranh giới tỉnh Bình Dương - 2019
Nghĩa trang L.T. B ỡ giữa khu đô thị rộn rịp xe cộ, không dễ thấy được nếu không cố ý tìm đến, có 2 khu A và B. Khu A là khu cố hữu dành cho người Hoa, Khu B người Việt mà 1 số lớn mộ phần là do đến từ việc giải tỏa nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi quận 1 năm 1983. Thế nên muốn vào khu B thì phải tìm cổng B mới đến được.
Ngay bên trái ngõ vào, trước khi đến trạm thu phí và ngoài hẳn các khu có các mộ phần thì có một hình thức đài kỹ niệm nhỏ này. Nếu có ai tò mò thắc mắc hỏi thì cũng chỉ được trả lời là mộ "người Nga", lai lịch xuất xứ không ai biết gì hơn.
Tháng 9-2019
Đối với người viết thì vì một là đã ý thức rằng có nhiều ngôi mộ tại đây gốc từ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi Q1 cũ, hai là đã rất quen thuộc với phong cách các ngôi mộ cổ của các nhân vật ngoại quốc quá cố được chôn trong khu cố hữu dành riêng tại đó, nên đã tò mò ngay và đã bước đến chụp 1 vài tấm ảnh để sau về sẽ truy cập.Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi trước khi được cải tạo thành công viên Lê văn Tám vào năm 1983, xưa có tên dân giã là Đất thánh tây - Tỉnh từ "tây" hồi trước là dùng chỉ người Pháp chứ không phải người Phương Tây như bây giờ. Lý do là chổ này được chính phủ thuộc địa thành lập - năm 1859 - để chôn cất người của họ, trong đó có cả quân nhân và dân sự, 1 số người là đệ tam quốc gia đã chết trong khi quá vãng tại Sài Gòn. Sau ngày Độc lập 1954 thì còn lại đất và 1 số người danh giá hay giàu có đã có được mộ phần trong đó.
Người viết này đã có nhiều lần đến viếng mộ ngươi thân và còn ký ức khá rõ vể khung cảnh môi trường đó. Nghĩa trang có phong cách Pháp, khá đẹp mắt cho dù sau khi người Pháp về nước thì khu "Tây" của họ có bề it được săn sóc, rêu phong và cỏ mọc cao. Các ngôi mộ của binh lính nhân sĩ người Pháp xưa lúc đó còn được giữ gìn nguyên dạng - Nghĩa tử là nghĩa tận - với bia nguyên thủy và nhiều khi là 1 đài kỹ niệm nho nhỏ dưới hình thức 1 bia lớn có chạm khắc, 1 cột đài kiểu Âu. Đặc biệt là sĩ quan không quân thì sẽ có phù điêu 1 cánh máy bay hay chong chóng hay 1 con chim đại bàng, hải quân thì có hình 1 móc neo. Và người viết còn rõ ký ức của 1 cột bia có phong thái hải quân với phù điêu là chiêc neo đen, có ghi ký tự cyrillic, chữ Nga, nhưng thời đó dù có tò mò muốn sưu tra tìm hiểu cũng không có được phương tiện như bây giờ.
Nay các dòng ký tự Nga xuất hiện trên 1 tấm bia tại nghĩa trang Lái Thiêu này đã đưa người viết về một khung trời kỹ niệm xa xưa chưa hẳn tàn phai. Tấm đài kỷ niệm này ắt phải là do từ 1 đài tương tự ở nghĩa trang Măc Đỉnh Chi dời về. Nó lại là mộ phần duy nhất người nước ngoài được dời về đây. Đó là mộ phần của 8 thủy thủ Hải quân Nga Hoàng, niên đại là các năm 1900 đầu tiên. Thần dân của Hoàng đế Romanov, là chiền sĩ của Hải quân Hoàng gia từ 1/2 vòng trái đất làm thế nào mà đã phải chọn chốn xa xôi này làm nơi an nghỉ?
Hành trình ly kỳ của thủy thủ đoàn con tàu mang tên Diana
Tàu tuần dương boc thép Diana, Hải quân Hoàng gia Nga, sau là Hải Quân Sô Viết, 1901-1922 |
Tuần dương hạm bọc thép mang tên nữ thần săn bắn Diana, tên chữ Nga là Диана được đóng tại cơ xưởng hải quân hoàng gia tai Saint Petersbourg năm 1899, sau khi hạ thủy biên chế vào hạm đội Baltic 1901. Tháng 10-1902 đươc điều về Hạm đội Viễn Đông. Năm đó là năm Thành Thái thứ 4, Nga hoàng là Nicholas II, Nhật hoàng là Minh Trị, năm thứ 36 [2].Thủy thủ đoàn gồm 19 sĩ quan và 540 thủy thủ [3] đã từ bờ biển ngắn củn của nước Nga hoàng gia trong Vịnh Phần Lan xuống Địa Trung Hải, qua kinh đào Suez đến biển Ấn Độ, rồi eo biển Malacca. Tàu ghé cảng Sabang đảo Sumatra của Hà Lan, rồi hoặc Cam Ranh hoặc Hải Phòng thuộc Pháp [tài liệu không rõ], cũng để mua than đốt và lương tươi [4]. Một hải trình trên 4 tháng trời cực kỳ phức tạp cam go, dài 18 nghin hải lý phải cập bến tiếp tế nhiều lần, và xuyên qua tất cả các loại khí hậu của quả đất, khi cập bến thì tiếp cận với những văn hóa và con người hoàn toàn lạ lẫm.Hạm đội Viễn Đông có Hải Đội Số 1 đặt căn cứ trong cảng Port Arthur và một hải đội khác căn cứ đặt tại Vladivostok. Thủy thủ đoàn Diana đến Port Arthur tháng 4-1903.Lúc này trên bờ biển Thái Bình Dương Đế quốc Nga có 2 cảng Vladivostok và Port Arthur. Port Arthur nay là thành phố Đại Liên tỉnh Lưu Ninh TQ, cụ thể là vị trí cảng nước sâu Lữ Thuận ở chóp bán đảo Lưu Đông đâm ra giữa vịnh Bố Hải, vịnh lớn trên biển Hoàng Hải. Port Arthur đã bị cưỡng bức cho Nga Hoàng thuê 25 năm từ năm 1898, trên thực tế là nhượng địa y như Hương Cảng, Ma Cao. Trươc đó Port Arthur đã là 1 pháo đài duyên hải hết sức kiên cố, đã bị Nhật chiếm của Đại Thanh rồi trả lại do sức ép của Pháp-Đức-Nga sau hiệp định kết thúc chiến tranh Trung-Nhật Lần Đầu (chiến tranh Giáp Ngọ 7-1894/4-1895).
Lịch sử của nước Đại Thanh vào những năm bản lề giữa 2 thế kỷ cực kỳ rối loạn hỗn mang với các cương quốc đua nhau dẫm lên nhau xâu xé lãnh thổ, trong đó có Anh, Pháp, Nhật, Nga, Mỹ, Đức (vừa mới liên minh với nhau và Ý, Áo-Hung đem đại quân lên Bắc Kinh dẹp giặc Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900). Xích mích giữa Nga và Nhật là vì dành nhau đặc quyền và lãnh địa, nhượng địa trên đất của Đại Thanh ("xâu xé") sẽ đưa đến chiến tranh, tiến trình khá phức tạp. Đây mình chỉ nói về trận Port Arthur mà thủy thủ đoàn con tàu Diana đã tham dự - trươc khi cập bến Sài Gòn nước ta. Trận chiến diễn ra tại đấy từ tháng 2 năm 1904 đến ngày 2 tháng 1, 1905 ngày Port Arthur đầu hàng quân Nhật (Diana đã rời Port Arthur trươc khi cảng này thất thủ).
Thủy thủ đoàn Diana lâm trận đầu tiên vào đêm 8 rạng ngày 9 tháng 2, 1904 khi chiến hạm Nhật bất ngờ đột kích mặt biển vào hải đội Port Arthur, khai mào chiến tranh Nhật-Nga trong trường hợp gần y hệt vụ Trân Châu Cảng nhiều năm sau. Nghĩa là khai hỏa không tuyên chiến và đang lúc đang đàm phán, vào căn cứ hải quân lớn nhất của đối thủ nhầm tiêu diệt đại bộ phận hạm đội địch. Đó là ngày 1 của chiến tranh Nga-Nhật kéo dài rất ác liệt trong vòng 2 năm. Nói theo địa chính trị thì là ngay sát nách nước Đai Nam ta, hay chính xác hơn là Đông Dương Pháp.
Trong trận đó Diana bị hư hại nhẹ và được tu bổ tại chổ. Kế đến Diana tham gia 1 trận xuất kích ngày 13 tháng 4 và không bị thiệt hại. Quân đội viễn chinh Nhật sau đó tiến chiếm bán đảo Lưu Đông rồi tiến hành lập vòng vây khóa chặt thủy bộ cảng Port Arthur, chuẩn bị trận đánh lớn của chiến tranh Nga-Nhật gọi là Trận phong tỏa Port Arthur.
Tháng 6 tư lệnh Nga quyết định đưa các chiến hạm trong Port Arthur phá vòng vây để lên phía Bắc nhập với hải đội Vladivostok, đặng đủ lực lượng khả dĩ nghinh chiến và phá tan được hạm đội Nhật. Ngày 23 tháng 6 nổ lực đầu tiên trong đó có tuần dương hạm Diana thất bại.
Ngày 7 tháng 8, 1904 bô binh Nhật bắt đầu tấn công Port Arthur trên bộ. Với sự hổ trợ của hải pháo trên tàu Diana cũng như của hải đội Nga từ trong cảng, bộ binh Nhật bị cầm chân ngoài thành Port Arthur.
Ngày 10 tháng 8 nổ lực lần thứ hai mang toàn hải đội Port Arthur phá vòng vây đưa đến trận Hải chiến Biển Hoàng Hải trong đó Diana bị nhiều lần trúng đạn, với thùy thủ tử thương 10 và bị thương 11 [5]. Vì phải chiến đấu hậu vệ cho biên đội quay trở lại Port Arthur, tàu Diana bị ly tán và có nguy cơ bị đánh chìm hay bị bắt, do đó cấp trên ra lệnh cho 1 số tàu trong đó có tuần dương hạm Diana ra khơi để lên Vladivostok mà không chờ đại bộ phận của hải đôi.[6].Chiến hạm Nhật quay ra truy sát. Đường lên Vladivostok thì rất xa và phải đi qua eo biển Đối Mã với bờ biển và căn cứ Nhật gần kề, đối mặt hải đội Nhật quá đông và tối tân hùng mạnh số chiến hạm Nga đã tháo chạy về hướng Nam. 6 chiếc, 3 lớn và 3 nhỏ tấp vào cảng Thanh Đảo thuộc đế quốc Đức, 2 chiếc chạy xuống cập bến Thượng Hải thuộc Đại Thanh, 2 chiếc còn lại, 1 lên hưóng Bắc bị hạm đội Nhật truy đuổi bắn thiệt hại phải ủi bãi và tiêu hủy, và Diana với ngư lôi hạm Nhật ráo riết truy kích đi về phía Nam. Ngày 16 tấp vào 1 cảng Đại Thanh được H.Galli [1-i] ghi nhận tên là Kouan Tchouan, hôm sau lại lên đường đến Hòn Gay nước Đại Nam. Tại đó được thương nhân Pháp Societe Francaise de Charbonnages tiếp tế than đốt, ngày 20 nhổ neo và tối ngày 24 tháng 10, 1904 cập bến Sài Gòn [1-i].
Trên cao:Vladivostok, giữa vinh Bố Hải là Port Arthur, trái: trên là Thanh Đảo, dưới là Thượng Hải. Bên phài là đảo Đối Mã Như vậy thủy thủ đoàn tuần dương hạm Diana đã chiến đấu gần như không ngừng trong vòng 8 tháng, tham gia trận cố thủ cảng Port Arthur rồi trận hải chiến lớn thứ nhì trong chiến tranh Nga-Nhật.Tuy trận hải chiến eo biển Đối Mã [7] còn 1 năm nữa mới diễn ra, cuộc chiến đấu của thủy thủ đoàn chiêc Diana ở Viễn Đông đến đây đã chấm dứt. Vì rằng năm sau, sau trận thảm bại tại Tsushima, ngày 5 tháng 9, 1905 Nga Nhật ký kết thỏa ước giảng hòa Portsmouth do Theodore Roosevelt trung gian. Mà trong năm đó tàu Diana đang còn bất động tại... cảng Sài Gòn!
Quân cảng Sài Gòn vào đầu thế kỷ thứ 20 |
Một giai đoạn khác trong hành trình con tàu Diana bắt đầu, một giai đoạn yên ả cho thủy thủ đoàn trong khi cuộc chiến giữa hải quân 2 nước Nga-Nhật vẫn đang còn sôi động ác liệt. Lý do là nước Pháp là trung lập. Chiến hạm bị thương có thể vào cảng để xin cứu hộ nhưng không được tiếp tế nhiên liêu, lương thực, tái trang bị để trở lại tham chiến, biến hải cảng nước đệ tam thành căn cứ tiếp liệu chiến đấu. Tình hình các chiến hạm khác của hải đội tấp vào cảng Thanh Đảo thuộc Đức, và Thượng Hải thuộc Đại Thanh, cũng là 2 nước trung lập, cũng tương tợ.
Quân xưởng Hải quân Ba Son - Arsenal |
Theo công báo Hạ Nghị viện Pháp 1904 [1-d], tàu Diana bị thiệt hại từ trận hải chiến: cả 3 ống khói bị đạn xuyên phá nhiều nơi; hệ thống quạt gió bị tiêu diệt; các thiết bị trên bong đều bị tàn phá; có 1 lổ thủng trên vỏ tàu, trên mực nước, đã được tu sửa sơ sài. [9]Theo Revue de politique exterieure (1904) [1-h] chỉ huy tàu Diana được lưa chọn: xin sửa chửa sơ sài tạm thời để có thể đủ an toàn lên đường lại liền. Hoặc nếu thấy cần thiết phải tu bổ lớn hơn, có thể xin ở lại tiến hành sửa chửa mà phải tước vũ khí. Ban chỉ huy tàu quyết định giải pháp thứ 2, đại bác và bô phận động cơ được tháo gỡ, và từ đó Diana trong tình trạng không thể rời bến Sài Gòn. Cũng theo tạp chí trên sau khi được cơ bản giải giới như trên tả đó, các chuyên gia nhận thấy phải dời vỏ tàu qua 1 ụ sửa chửa khác lớn hơn, thì tàu lại được ráp bộ phận cơ giới lại để di chuyển, sau đó lại phải tháo ra. Các công lệnh này do chính bộ trương Thuộc Địa ra từ Paris. [13]
Tất cả là do khiếu nại của Đế quốc Nhật về việc Pháp trung lập can thiệp giúp đở hải quân của 1 phe thù địch trong chiến tranh. (Và cũng là soi mói của Anh-Mỹ, tuy trung lập nhưng nghiêng về Nhật - Anh quốc thì đã có hiệp ước liên Minh với Nhật nhưng không can chiến vì chiến tranh là trên lãnh thổ Trung Hoa hay Triều Tiên, theo hiệp ước [1-a]). Lập trường của Pháp là theo đúng các giao ước quốc tế, cứu hộ tất cả tàu bè không kể quốc tịch nào cần thiết giup đở để tính mạng thủy thủ đươc an toàn đến khi lên đương lại - không kể trên bộ hay trên biển khơi, và nếu như là tàu Nhật thì Pháp cũng đối xử y như vậy [1-h]. Lại nữa con đường đi ngang bờ biển Đông Dương là con đường ắt phải đi cho tàu Diana để về nước.Vụ này đã là vụ xích mích ngoại giao lớn với Nhật. Nước này thừa biết là tình cảm của Pháp là với Nga hoàng, nước Nga cùng da màu và châu lục, các động thái xâm thực của Nhật gần kể thuộc địa của họ thì lại còn gây cho họ lắm lo ngại.[12]
Khí tài sửa chửa và sản xuất tàu bè tại Sài Gòn lúc này là cơ xưởng hàng hải lớn nhất Đông Nam Á, thuộc Hải quân Pháp, tên gọi là Arsenal, thừa khả năng chứa chiêc tàu Diana. Hình dưới là một ụ khô tiếng Pháp gọi là 'bassin de radoub", hoặc "bassin": theo nhiều tác giả tên gọi dân giã là Ba Xon từ đấy mà ra. Công xưởng này do kỹ sư Pháp giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh xây dựng từ trên 100 năm trước để sản xuất và vũ trang nhiều tàu chiến kiểu Âu đã là nhân tố quyết định trong việc đánh bại Tây Sơn dành lại Phú Xuân. Đầu thế kỷ đã đóng được tàu sắt trọng tải trên 3500 tấn. (Tàu Diana không rõ trọng tải, nhưng tài liệu quốc hôi Pháp tả 1 chiếc tuần dương hạm khác cùng lớp, chiếc Novik, là 3060 tấn.[ trong wikipedia là trọng tải dịch chuyển])
Ụ tàu khô của Arsenal đầu thế kỷ 1900 |
Như vậy tàu Diana xem như bị giữ lại Sài Gòn, một là vì sửa chửa 2 là vì tình hình ngoại giao rắc rối. Trên nguyên tắc gọi là tàu chiến này bị "quản thúc" nhưng thực chất như trên có nói, là Pháp giúp đở che chở cho tàu và thủy thủ đoàn 1 nước truyền thống là bạn. Không lý do gì, theo 1 số bài vở vô căn cứ hay dẫn chứng trên mạng mà họ bị "giam cầm" trên lãnh thổ nước trung lập, nếu đã chịu tước khí giới, không gây xung đột và tuân hành luật lệ xứ đó [8]. Chỉ sau khi thỏa hiệp hòa bình Portsmouth 5 tháng 9, 1905 được ký kết tuần dương hạm Diana mới được tái vũ trang, nhổ neo trở về gia nhập Hải Quân Nga hoàng.Thương binh Nga được đưa về bệnh viện hải quân chữa trị. Bệnh viện này ắt phải là bệnh viện mang tên Grall sau này, tuy không có tài liệu cụ thể nào xác định chi tiết đó.
Tác giả H.Galli [1-i] trích dẫn 1 văn thư của thầm quyền Sài Gòn với các chi tiết sau: 1 danh sách sĩ quan và thủy thủ tàu Diana đã được nạp cho thẩm quyền Pháp. Cho đến ngày (khoảng tháng 2, chú thích của tác giả blog) quân số này không có sự thay đổi nào, trừ các trương hợp sau. Bác sĩ Storm lâm bịnh nặng đã được phép đặc biệt về xứ, đi nhờ 1 tàu người Đức; 1 sĩ quan cơ khí qua đời, 1 thủy thủ đào ngủ sau đó chết đuối, 2 thủy thủ lâm bệnh được di tản về Algerie (thuộc Pháp, chú thích của tác giả blog) điều trị và tiếp tục quản thúc cho đến hết chiến tranh. Bác sĩ Ratkowsky đã đến gia nhập thủy thủ đoàn thay bác sĩ Storm. Chỉ huy tàu Diana trao lời danh dự với thẩm quyền Pháp là sẽ giữ gìn hàng ngũ (quân số) chặt chẽ; mỗi tối đều có điểm danh. Bộ trưởng Thuộc Địa ra lệnh tháo gỡ cơ phận động cơ con tàu để tàu không thể tự rời bến [1-i trang 644].
Diana và thủy thủ đoàn quá vãng Sài Gòn tính ra là 14 tháng. Trong hơn 1 năm đó thêm nhiều thành viên đã mắc phải bịnh nhiệt đới và bệnh dịch địa phương, trong đó có 8 người tử vong (theo Sputnik thì 12 người [8].) Những thủy thủ này không phải chết do hậu quả của trận hải chiến Hoàng Hải như nhiều bài vở Internet hời hợt hiện nay đã vẽ vời, rồi sao chép lại lẫn nhau [1-x]. Họ được mai táng trong Đất Thánh Tây, năm 1905 là Cimetière Européen.
Mộ phần hiện nay của 8 thủy thủ này đã cải táng về Nghĩa trang Lái Thiêu Khu B. Bia ghi ký tự Nga viết [nguyên văn]: Thủy thủ người Nga - Tuần dương Hạm Diana - Qua đời tại Sài Gòn - trong năm 1905. Bên dưới bệ là 8 tấm bia nhỏ mang tên các thủy thủ. Hình thức ngoại hình rất có thể đã mô phỏng theo mộ phần cũ tại Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, vì phong cách trông rất quen thuộc với người viết, tuy không tìm ra được hình ảnh cũ nào của chổ đó để minh họa.
Để lại 8 ngôi mộ trong Đất Thánh Tây theo Sputnik tiếng Viêt thì tháng 11 năm 1905 tàu Diana nhổ neo trở về tiếp tục phục vụ trong hạm đội Baltic. Tàu tham dự chiến trận trong thế chiến thứ I trong phe đồng minh trong đó có Pháp, Anh và... Nhật, từ năm 1916 đến 1917, sau đó tham gia cách mạng Bolshevik - tình huống y như thủy thủ đoàn con tàu nổi tiếng tên là Rạng Đông đã bắn phát súng hiệu mở màn cho cuộc binh biến đẫm máu tại Saint Petersbourg [10].
Tháng 7-1922 tàu Diana lúc này thuộc hải quân nước Nga Xô-Viết đã được loại biên và mang qua Đức để bán lấy sắt.
Thực ra trường thiên tiểu thuyết con tàu Diana không phải là khó tìm ra trong sách sử, chỉ cần truy cập Google từ khóa "croiseur Diana" cũng ra trên 2 nghìn bài vở hình ảnh. Chỉ là, việc nó liên quan thật chặt chẻ với một nghĩa trang tầm thường ở 1 chốn rất xa lạ với nơi xuất xứ của nó là một điều lý thú cho ai khám phá ra. Tuy tầm vóc nhỏ hơn, nó cũng như Lăng Cha Cả, một ngôi "miếu" [11] nhỏ bé dáng tầm thường mà xưa kia người viết đạp xe qua không màng ngó tới, là 1 trong những địa điểm đó đây trên đất Sài Gòn mà lịch sử lạ lùng, kỳ thú phải nhiều pho sách mới thuật lại được đầy đủ.
- [a] - Bách khoa từ điển cộng tác mở Wikipedia; các bài Anh Pháp ngữ.
[b] - britannica.com; trang mạng.
[c] - Sputnik Tiếng Việt. Báo mạng Việt ngữ.
[d] - Annales de la chambre des députés, documents parlementaires. Vol 68, 2e partie. Có thể tải xuồng từ kho lưu trữ của Bibliotheque Nationale de France BnF-Gallica.
[e] - historicvietnam.com. Trang blog của Tim Doling.
[f] - eco.farma.ru, Résultats de la guerre russo-japonaise. Trang mạng gốc Nga.
[g] - De Port Arthur à Tsou-Chima, Comte Marc Des Courtis, Perrin et cie Libraires Editeurs 1907. Nguồn như [d].
[h] - Questions diplomatiques et coloniales: Revues de politique exterieure. Tome XIX 1904, tr 648 "L'affaire du Diana". Nguồn như [d].
[i] - La guerre en Extreme Orient, Russes & Japonais, H.Galli; Paris Garnier Freres Libraires editeurs;1907(?). Nguồn như [d].
[j] - La Depêche - Journal quotidien 11 Fevrier 1904; nhật báo. Có thể tải xuống từ kho scan Văn khố nhân loại của Google Books.
[x] - Báo mạng Việt Ngữ; thường là sao chép lẫn nhau hay từ báo ngoại ngữ. - Tại thời điểm đó Pháp là 1 cộng hòa đại nghị, chủ tịch là Emile Loubet. Đông Dương thuộc Pháp, với Nam Kỳ là thuôc địa, Trung Kỳ Bắc Kỳ là bảo hộ; các cảng Hải-Phòng Đà-Nẵng là nhượng địa Pháp. Thuân An và Cam Ranh: cá nhân và pháp nhân đệ tam quốc gia (ngoại quốc) đặt dưới quyền kiểm soát của nước Pháp. Măc dù Pháp xem toàn bán đảo là Đông Pháp họ vẫn gọi Trung kỳ+Bắc kỳ là Vương quốc Annam, hành chánh thuế vụ là do vua triều Nguyễn.
- Cấp số chính thức trong quân sử, con số chỉ để phòng chừng vì đơn vị quân đội hiếm khi tham chiến mà có cấp số đầy đủ. 1 năm sau khi đến Sái Gòn ắt đã hao mòn nhiều vì chiến trận, thêm vào đó 1 số súng nặng trên tàu đã được tháo gở mang lên trang bị chu vi phòng thủ Port Arthur, mang theo 1 số pháo thủ và chuyên viên. Quân số khi đến Sài Gòn ước chừng sẽ còn từ 400 đến 450 người.
- Lúc này chưa có chiến tranh và việc chiến hạm Nga ghé vào Đông Dương không trở ngại ngoại giao, không như 2 năm sau đối với Hải Đội 2 đi về Tsushima. Bờ biển Indonesia thuộc Hà Lan và Đông Dương thuộc Pháp (điểm dừng tiếp tế cho tàu lớn qua lại thường là Cam Ranh, vịnh Vân Phong, Hải phòng), và các cảng Trung Hoa Đại Thanh là nơi ghé hợp lý nhất trên hải trình từ biển Ấn Độ qua Đông Bắc Á. Mặt khác lãnh hải vào thời điểm đó (cho đến 1945) chỉ là 3 hải lý, tàu bè đậu sát bờ được tư nhân ra tiếp cận giao thương (tiếp tế) thì hoàn toàn không có vấn đề chủ quyền gì. Trường hợp Hải Đội Thái Bình Dương số 2 ghé vịnh Cam Ranh dài ngày là chuyện khác và đã gây nhiều nhức đầu cho Pháp.
- Dù là 1 trong số các tiết mục wiki có giá trị, con số này không được kiểm chứng. Theo 1-i La guerre en extreme orient, tin điện về Paris từ Sài Gòn cho biết có 16 bị thương, 9 tử thương. Vì lý do vệ sinh và truyền thống, thủy thủ tử vong trên biển ắt phải thùy táng ngay.
- Đến ngày 28 tháng 11 Nhật chiếm Đồi Số 203 và từ điểm cao tiền sát có thể điều chỉnh pháo binh nặng bắn chìm từng chiến hạm của Nga trong cảng. Các chiến hạm quay lại Port Arthur thay vì thoát được như Diana đều lần lượt bị bắn chìm bởi pháo trên bộ, trên thực tế khai tử Hải Đội Viễn Đông Số 1 của Nga hoàng. Diana cố số phận may mắn, đã rời hải đội và thực tế là cuộc chiến. (Tuy rằng từ Sài Gòn sau khi đc sửa chửa cơ bản, chỉ huy và thủy thủ đoàn với tinh thần chiến đấu cao độ đã muốn nhập lại với Hải Đội Số 2 của đô đốc Dobrotvorsky từ Nga qua lên Tsushima tham chiến tiếp [Dobrotvorsky đang bỏ neo tại Cam Ranh tháng 5, 1905], nhưng Diana không được phép nhổ neo - súng và động cơ đã bị tháo gỡ, vì lý do ngoại giao phức tạp).
- Tức trận hải chiến tại eo biển Tsushima, 27-5-1905, còn được gọi là eo biển Triều Tiên, trong đó hải đội Nga với quân số 1/2 chiến hạm Nhật, sau hải trình suốt 6 tháng bị tiêu diệt măc dù đã chiến đấu rất hữu hiệu và dũng cảm. Đó là trận dụng độ cuối cùng trươc khi 2 bên giãn hòa. Cho đến ngày nay chiến hạm Nga đi ngang qua eo biển này còn giữ truyền thống thả vòng hoa tưởng niệm 5000 thủy thủ của Nga hoàng bỏ mình trong trận hải chiến này: eco.farma.ru, Résultats de la guerre russo-japonaise(1-f)
Tim Doling (historicvietnam.com) tuy là chuyên gia về sử Âu Châu đã sai lầm lớn khi viết rằng thủy thủ trong huyết mộ ở Mạc Đỉnh Chi là thương binh từ trận hải chiến eo biển Tsushima, diễn ra năm sau: năm 1905. Tham gia trận hải chiến này ngày 27-5-1905, là một hải đội khác gọi là Hải Đôi Thái Bình Dương Số 2 được Nga hoàng phái đến cũng từ biển Baltic từ 6 tháng trước, không phải Hải Đội Viễn Đông Số 1 căn cứ tại Port Arthur và Vladivostok. Doling bị khá nhiều trang mạng đạo văn và phát tán sai lầm cơ bản trên. - Báo mang Sputnik Tiếng Việt. Nhưng người nga đầu tiên qua đời tại Việt Nam. Bài viết tuy có vài dẫn chứng đáng tin cậy nhưng chung quy rất cẩu thả, nhiều đánh giá sai lầm, và nói chung giọng lưỡi có rõ định hướng. Ngay cả giòng chữ ghi trên bia cũng thông tin sai (trong khi trong bài có đăng luôn hình của bia mộ đó!) - Theo Sputnik thì con số 8 là do sau 1975 sứ quán Liên xô đối chiếu hồ sơ lưu trữ của Hải quân chỉ xác định được 8. Dù sao thì 12 hay 8 cũng chỉ xác định được với khảo sát khảo cổ tại chổ ở VN hay tài liệu lưu trữ Pháp về giai đoạn này.
- Hư hao của tuần dương hạm Diana khi đến Sài Gòn theo Annales de la chambre des députés, documents parlementaires đáng tin cậy nhất, lý giải thời gian dài Diana cần để sửa chửa.
- Tuần dương hạm Aurora là 1 trong 3 tàu "chị em" với Diana, cùng lớp tuần dương hạm được đóng ra và biên chế cùng lúc với Diana. Thủy thủ đoàn Diana cũng như Aurora và các chiến hạm khác của hạm đội Baltic đã nổi dậy giết chết sĩ quan hoàng gia Nga. Tàu Aurora đã tham gia trận Tsushima 1 năm sau trận hải chiến Hoang Hải, thiệt hại nặng, cũng như Diana. Aurora thoát về Philippines thuộc Mỷ và được sửa chữa (và quản chế) tại Manila.
- Lăng Cha Cả, bị sang bằng tháng 2 năm 1983 để nhường chổ cho 1 bùng binh giao thông nằm trong số mộ phần người nước ngoài cải táng trong cùng thời gian, tuy rằng người trong mộ là 1 công thần có tước vị lớn của triều Nguyễn (rất may Đúc ông Lê Văn Duyệt là người Việt Nam).
- Pháp thừa biết tham vọng tối hậu của Nhật là bán đảo Triều Tiên, và sớm muộn Nhật cũng sẽ dòm ngó Đông Dương. Đối thủ của Pháp (và Nga) tại Đông Á là đế quốc Anh và các chiến hạm qua về từ biển Ấn Độ đến Hong Kong, tự phong làm cảnh sát các đại dương "Ấn-Thái Bình Dương". Hạm đôi này đã từng bám sát Hải Đội Số 2 Thái Bình Dương của Nga trên đường tới Đông Á, nhiều lần gần như muốn nổ súng: britannica.com. (Tại Âu châu Pháp gờm Đức nhưng hoàng gia Đức và Nga lại là liên hệ máu mủ. Tại Đông Á Anh quốc đã có lúc đe dọa sẽ là đồng minh với Nhật trong cuộc chiến: Comte Marc Des Courtis, De Port Arthur a Tsou-Chima, )
- Questions diplomatiques et coloniales: Revues de politique exterieure. [1-h], tr 648 "L'affaire du Diana". Tạp chí này tường trình chi tiết việc giao dịch của chính phủ Pháp vời chỉ huy tau Diana sau khi cập bến.
PHỤ LỤC
Phiên dịch các từ cyrillic dùng ứng dụng trực tuyến chuyển ra ký tự la-tinh, rồi phiên dịch ra tiếng Anh. Để kiểm chứng thi dùng ứng dụng trên điện thoại soi hình sẽ được kết quả liền. Đơn giản nhất thì là chặn hỏi 1 thằng con nít nào có học ngoại ngữ này.
Xem đươc trong Bảo Tàng Lich Sử, vườn bách thảo Sài Gòn là các khẩu súng Krupps này. Loại này được mô tả trong các tài liệu chiến tranh Nga-Nhật là đại bác cỡ nòng 280 ly hai bên đều dùng trong chiến tranh này, đặc biệt trong trận phong tỏa Port Arthur vì là loại được thiết kế cho chiến tranh phong tỏa và phòng thủ duyên hải. Cho nên người viết đoán rằng đã được mang từ Vũng Tàu về đây, vì tại Sài Gòn không lý do gì trang bị loại này trong tất cả các thời điểm lich sử. Mà (Pháp) vũ trang cho cửa Cần Giờ là chỉ có thể là để đề phòng 1 đối thủ khả dĩ mà thôi: hạm đội Nhật, thời gian giữa chiến tranh Nga-Nhật và 1940.Các khẩu thần công cổ khác trong hình là tuổi 80 năm trước các khẩu Krupps kia, triều Ming Mạng. Được khảo cổ tại Nam Kỳ thì chỉ có thể là được sản xuất tại Arsenal Ba Son. Bạn nào tò mò xin ghé đến bảo tàng tìm hiểu thêm, vì người viết chụp hình vội vã mà không ghi nhận gì thêm được(không có lời mô tả cạnh hiện vật).
Cảng Sài Gòn năm 2019. Địa điểm Arsenal Ba Son trong góc trái, nơi sẽ là chân cầu Thủ Thiêm 2, hữu ngạn. Hình dưới: thương cảng Nhà Rồng, hiện hữu từ 1863.
Hình dưới là hiện trạng phía trong Nghĩa Trang Lái Thiêu B, Bình Dương năm 2019.
Vào thời điểm 2019 đồng bào, tức là nhân dân, vào đây cắm trại ăn uống và vui thú cờ bạc mỗi khi trời đẹp. Các khu đều đươc đồng bào, tức là nhân dân, tự chia cắt lãnh thổ với nhau và tự nguyện làm người hướng dẫn kiêm chăm sóc các mộ phần, thù lao tính sao thì tính (nhưng phải tính). Vào khu nhạy cảm sẽ có nhiều nhân viên anh ninh lặng lẽ theo dõi giúp đở từ xa, chỉ rời gót chân khách đến viếng khi nào đươc đảm bảo là không có vấn đề - khách nên tỏ động thái sớm là không vấn đề thì mọi chuyện ok thôi. Khu nhạy cảm có cameras, làm khách rất an tâm.
---- o 0 o ----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét