Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Thừa Thiên Huế tháng 5-2016

Tiếp tục những chuyến du hành vô hạn định, năm nay thằng viết muốn đi thêm 1 đoạn đường sắt Thống Nhất từ Đà Nẵng ra Hà Nội xem nó ra làm sao. Cũng vì muốn sống lại một lần nữa trải nghiệm độc đáo của một chuyến tàu đêm - y hệt những chuyến tàu đêm những năm xa xưa, vì hệ thống đường sắt Việt Nam đã không thay đổi gì từ cả trăm năm nay. Sẽ có hình ảnh gửi bạn đọc trong vài post nữa. Chuyến đi Bắc năm nay có thêm bạn đồng hành nên mọi người tập trung ra Đà Nẵng, ở lại vài ngày.

Như mọi năm  Đà Nẵng là căn cứ đi xem nhiều nơi lân cận, đã nhiều lần mà vẫn chưa hết điểm đến. Chiến trường xưa đã qua lại nhiều lần, năm nay em định đến trận địa Khe Sanh xem nó ra thế nào vì lúc xưa chưa "được" đến, nhưng vì không thực hiện được bèn đề nghị ông bạn có xe ở Đà Nẵng đến xem 1 khu vực của tình Thừa Thiên chưa đến, mà cũng ít người biết đến. Lý do là vì tuyến đường đi qua tương đối mới thông sau này.
Đó là đoạn đường quốc lộ gọi là 49B. Gọi là quốc lộ nhưng chỉ như 1 con đường làng và ngõ vào tji2 lại ít ai  để ý được. Các bạn có đi bằng phương tiện riêng nhất là xe gắn máy nên chọn đoạn đường này đi khi di chuyển từ Hải Vân ra Huế, kể từ chân đèo - hay nay là cửa Bắc Hầm Phước Tượng - để xem vì đường này khá đẹp. Như em kể bằng hình ảnh trong post này.
Em có phương án B, C... cho thời gian dành cho những dự định không thành, điểm đến này là 1 phuong án B, do từ trước khi đi có thấy trên mạng nhiều người nói đến 1 nơi ở đó có 1 "thành phố ma" rât lớn rất nguy nga, với những lăng mộ của người giàu có trên 1 bãi cát.

Đường ra tới Cửa Thuận An để về Huế, không xa hơn là bao như thấy trên bản đồ. Muốn đi các bạn chú ý khi ra khỏi hầm mới Phước Tượng 1 đoạn rất ngắn sẽ thấy ngõ rẽ bên phải, rất nhỏ. Nếu đi đèo Phước Tượng thì là nơi cuối dốc đổ xuống, phía Bắc.


Sông Hương đổ ra biển ở cửa Thuận An - hay Cửa Thuận, danh từ được dân gian dùng để chỉ địa bàn nhỏ dân cư chung quanh. Thực tế Sông Hương đổ ra 1 hệ thống đầm, là những hồ nước biển được tạo thành do những giòng thủy lưu "vuốt" theo bờ biển lôi cuốn cát biển mà ra. Mùa hè thì nước từ Nam ra Bắc, mùa đông thì từ Bắc vào Nam (bên lề thôi: các bạn nhớ chiều thủy lưu theo mùa như vậy nhé, để có ý kiến trong vụ cá chết trong tháng 4, 5 này nhé. Ý kiến của thằng viết là nếu do "chất độc" từ Hà Tịnh thì vùng chất độc trôi đến phải là phía Băc của Miên Trung, không thể nào là phía Nam).

Phía Bắc Cửa Thuận là 1 đầm dài với bề rộng đáng kể nên dân gian gọi riêng là cái phá, tên là Phá Tam Giang. Vùng đầm nước mặn phía Nam  Cửa Thuận được người địa phương chia ra đầm gọi bằng nhiều tên, thứ tự từ Bắc xuống Nam là Đầm Thanh Lam - tên dân giả là Đầm Chuồn, do đó có Làng Chuồn, vì cá chuồn là cá nục có cánh chuồn đến đó cho người ta bắt ăn (cá chuồn kho Huế ăn với cơm nguội bạn đọc ăn xong không muốn đi) - rồi đến Đầm Hà Trung, đến Đầm Thủy Tứ và cuối cúng là 1 đầm rất rộng nhưng rất cạn là Đầm Cầu Hai. Dãy đầm này có 1 cửa ra biển thứ nhì ở phía Nam là Cửa Tư Hiền, nay đã có cầu bắt qua. Hai bên cửa Tư Hiền doi đất cát phần Nam thuộc Phú Lộc, phần Bắc thuộc Phú Vang (quê nội của thằng viết nhé). Phía ngoài Cửa Tư Hiền được che chở bởi 1 mũi núi, Mũi Chân Mây, ở đó gọi là Vịnh Chân Mây (tên này người viết mới nghe, truoc 1975 không biết đến).

QL-1A - trên tuyến đường Con Đường Cái Quan - về hướng Huế thì trước tiên là qua đèo Hải Vân, sau thì đến đèo Phú Gia, 1 con đèo nhỏ, ngắn. Nay đã có 1 đường hầm tránh đường đèo, thông xe vài tháng trước đây (12-2015) Đèo Phú Gia dài 447 m xe gắn máy và xe bồn qua được khác với hầm Hải Vân và giống hầm Phước Tượng.
14.5 Km sau về hướng Huế thì đến Hầm Phước Tượng, nay là 1 lưa chọn với đường đèo. Hầm dài 375 m và rông 12 m giống như hầm Phú Gia. Khánh thành chỉ mới vài tháng truoc cùng 1 lúc với Hầm Phú Gia.
Năm ngoái em vừa được "khánh thành" Hầm Đèo Ngang Hà Tịnh và Cầu Nhật Tân Hà Nội!  Các chiếc cầu, đường hầm này sẽ tồn tại trăm năm hay vĩnh viễn, và em đã có mặt khi chúng được khai sinh!
Hạ tầng giao thông Việt Nam đang được tân trang và cải tiến với tốc độ đáng phục cho 1 nước đang phát triển.
Hình trên là QL-1A khi ra khỏi hầm Phước Tượng. Nếu thấy cảnh quan này thì bạn đã đi quá ngõ rẽ vào đường 49B rồi, phải quay lại.
Đây là cảnh quan sau khi rời QL1 và xuống con đường vòng ra theo bờ Nam của Đầm Cầu Hai. Hình trên và dưới là cùng 1 điểm đứng, bờ Nam đầm.
Đầm Cầu Hai rất lớn, như 1 biển hồ nhưng là rất cạn. Bề ngang mặt nước là trên 15 cây số.
Một đoạn ngắn sau khi xuống QL-49B thì đến cầu Tư Hiền mới xây gần đây (2007). Hình dưới nhìn vào phía đất liền và 1 đoạn đường 49B vừa đi qua, nơi là điểm đứng chụp các hình trên.
Cảnh quan từ giữa Cầu Tư Hiền rất thoáng rất ngoạn mục.
Cầu dài 1000 thước. Từ trên Cầu Tư Hiền nhìn vào trong và vế hướng Tây Bắc, hướng nhìn dọc theo chiều dài của dãy đầm, thành phố Huế dựa lưng vào dãy núi mờ nhìn thấy phía xa. Ngọn đồi màu đậm nhìn thấy là "núi" Túy Vân, nằm trên dãi cát, giữa đầm và biễn.
Từ trên cầu, cũng là điểm nhìn từ giữa Cửa Tư Hiền, nhìn vào hướng núi, phía Tây, nơi có tuyến lộ QL-1A trong đó. Ngọn cao là núi Bạch Mã.
Cửa biển Tư Hiền. Là cửa biển thứ 2 của dãy đầm từ Phá Tam Giang, thông nước Sông Hương ra biển. Đời Lý gọi là Cửa Ô Long, đời Trần tên là Cửa Tư Dung, đến đời triều Nguyễn thay tên lần chót.
Đầm Cầu Hai rất cạn, các bạn thấy ánh màu vàng trên mặt đầm là cát chứ không phải màu nước có phù sa nào.
Cái cục đất nhô lên trong dáy hình dưới là "Núi" Túy Vân, được một chúa Nguyễn xưa cho là 1 trong 9 cảnh đẹp đất Thần Kinh (chắc vì chổ ngoạn cảnh đẹp chứ nó chỉ là 1 nhô đất trên dãi cát dài).
Và dạ vâng, bạn đọc đang đứng trên địa phần "đất Thần Kinh", nơi có hồ có biển có núi, rừng dưới trời xanh bao la, địa điểm với phong thủy độc đáo nhất trên toàn cỏi nước Nam. Khỏi bàn tại sao chúa Nguyễn chọn làm nơi cắm dùi làm kinh đô ly khai miền Nam, Phú Xuân thủ phủ của xứ Nam Hà, xứ Đàng Trong.
Dải cát dài bên ngoài các đầm nước mặn xưa nay không là đất nông nghiệp được, chỉ mong vào mua mưa trồng ít khoai ít sắn. Nay mình nhận thấy có chổ xanh đẹp có lẽ do có đóng giếng và nhiên liệu rẻ (xăng dầu, điện) để bơm nươc ngọt.
Xưa ở đây là những thôn chài nổi tiếng nghèo nhất. Thời kháng chiến chống Pháp cha người viết nói về các xóm chài ở vùng này, người đen điu khổ sở, có thôn chỉ có vài bộ quần áo dài ống, nhiều người không quần áo gì cả. Khi có người lạ đến chỉ 1 vài người ra tiếp còn lại phải trốn vì vậy, không có vải che thân. Họ bị người trong Huế khinh miệt đến nổi gọi họ là kẻ, kẻ chài, như kẻ trộm kẻ cướp hay kẻ ăn xin.

Ngoài ra thì đây là địa hình địa chất nguyên thủy của doi cát (hình dưới). Phần lớn đoạn 50 km đi qua là như thế này, cho nên...
đây là địa phận của... người chết. Nguyên 1 vùng ven biển thật dài người ta đã dùng từ xa xưa làm nghĩa trang.

Điểm thằng viết muốn đến tên là An Bằng, là nơi trên mạng có hình các ngôi lăng mộ khủng nhiều nhất, mới làm do người mới ăn nên làm ra trong thời buổi kinh tế đang lên và người vượt biên gửi tiền về xây. Chổ đó nằm gần chân cầu và vì nói chung đoạn này ít người bộ hành nên không thể hỏi đường, và đi quá xa mới khám phá trên GPS điện thoại, nên phải bỏ qua, vì đồng hành hơi bị đói. Và nóng: tháng 5 trên vùng cát Thuận An không phải là chổ mát lắm.
Dù vậy thì suốt dọc đường phần phía 2/3 dưới này của doi cát toàn là nghĩa trang xưa và mới hơn với đủ thứ kiến trúc đa dạng và bắt mắt.
Một số hình là từ  trên xe, cảnh bên đường nhưng có hình là đi vào trong nghĩa trang chụp.
Được cái là, những nghệ nhân bản địa rất khéo (cũng như kiến trúc sư) và theo đúng phong cách cổ truyền. Phần lớn người ta nói họ lấy lăng Khải Định làm mẫu nhiều, nhưng hoa văn và trang trí là đúng phong cách đời Nguyễn, với rât ít sai phạm như sư tử Tàu, đầu rồng Tàu. Mỹ quan của các ngôi mộ không thể chối cãi.
Các bạn bài Hoa bài Hán thì vào đây sẽ bức xúc lắm nhé. Không biết chữ Hán thì đố mà biết mộ nào của ai.*=)) rolling on the floor
Phía bên phải đường (phía biển) là liên tục những nghĩa trang lớn nhỏ.
Phần gần Cửa Thuận hơn là nhà từ đường, nhà thờ họ, đình làng san sát.
3 chữ trên cổng là Nguyễn Từ Môn. Từ là nhà thờ tổ tiên. Tại Thừa Thiên bạn sẽ thấy rất - rất - nhiều nhà thờ giòng họ Nguyễn. Là tại vì có rất nhiều họ Nguyễn, và ai cũng nói là giòng Nguyễn bên mình là nhánh họ Nguyễn đến đây đầu tiên. Chả biết ông nào đúng, nhưng là ở Phú Vang là nhiều nhất (quê nội em nhé).
Một lần nữa, họ là Nguyễn chứ không phải Trần hay Lý hay Hồ gì khác là gốc Tàu nhưng mà không biết chữ Tàu thì đố mà biết đền thờ ai.
Nhìn về phía bên trong con đường 49B, phía xa là Đầm Hà Trung. Mặt đất đã được cải biến chắc cũng đã lâu để có thể trồng trọt tuy không trù phú mấy. Phía tay mặt thì là vùng cát và nhiue62 phần là nghĩa trang như trên (các hình mồ mả là phía tay phải, phia biển (cách chừng 200 đếm 300 mét là bờ biển).
Con đường đi thằng hướng Tây Bắc đến 1 khu dân cư rồi đến Thuận An, từ đó có cầu và đường dẫn về Huế.
 QL-49B đoạn đưa về thành phố Huế

Hoa sim bên đường - Phú Lộc
Hình ảnh vùng đất từ Thuận An về kinh đô Huế em có tải lên ở các post trước, các bạn tìm xem thêm nhé.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét