Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Chuyến tàu Thống Nhất

Tiếp tục hành trình "từ Sài Gon đến Điện Biên Phủ" thằng viết cùng 4 đồng hành mua vé tàu "Thống Nhất" đi Hà Nội, trưa ngày 2-5 khởi hành và đến Hà Nội vào 5:30 giờ sáng ngày 3 tháng 5.

Vé tàu Đà Nẵng-Hà Nội là chừng 50 mỹ kim cho giường nằm, máy lạnh (em mua 833 nghìn VNĐ, có bớt gì đó vì giá đặc biệt cho trẻ em người già). So với 1 vé máy bay thì có thể mắc hơn 1 tí vậy mà các toa giường đều đầy chổ. Chả biết là có nhiều người sợ đi máy bay như em, hay là cũng vẫn còn nhiều người muốn đi xe hỏa cho biết, như 1 số "Tây ba-lô" và thằng viết. (Tây ba-lô là gọi 1 loại du khách Âu Mỹ muốn đi tham quan thế giới với tài chánh tiết kiệm, họ cũng có thể chọn tàu hay xe đi qua đêm để đở tiền 1 đêm hotel. Ngoài ra đi xe lửa là loại phương tiện đất ít có khả năng tại nạn nhất)




Trải nghiệm đường sắt đặc sắc như văn hóa đường sắt, khắp thế giới con người đâu đâu nước nào cũng thich thú đặc biệt. Từ thủa nhỏ với các đồ chơi tàu lửa, đến các bảo tàng với những đầu máy hay toa xe thật, xe lửa có sức thu hút đặc biệt đối với con người từ trẻ con đến người lớn.
Trải nghiệm của chuyến xe lửa cũng là đặc biệt nhất, với những hình ảnh chiêc đầu máy, toa xe tượng trưng cho những chốn xa vời khác lạ, các trạm ga đầy màu sắc âm thanh địa phương, lữ khách  với những câu chuyện cuộc đời khác xa mình, mà khả năng mình làm quen trò chuyện được. Âm thanh đầu máy cùng tiếng còi và tiếng  cóc cách bánh xe gây nên trên đường rây giữa đêm khuya ai đã nghe qua 1 lần không thể quên, mỗi lần trải nghiệm lại là bao kỷ niệm dù có xa xưa đều quây về trọn vẹn. 

Thời hỏa xa Miền Nam còn dùng đầu máy đốt than chạy hơi nước thằng viết đã thường cùng cha mẹ đi chuyến tàu đêm Nha Trang-Sài Gòn. Đêm thứ Bảy lên tàu vào buổi chiều và đến Ga Sài Gòn ngay tại Bùng Binh Bến Thành vào lúc rạng đông Chủ Nhật khi Sài Gòn mới bừng dậy. Đi chơi, mua sắm hết ngày rồi chiều lại lên xe giường ngủ, là những giường nằm lót thanh gổ như ghế ngồi, và giờ đến Ga Nha Trang là cũng vào buổi sáng sớm thứ Hai. Cùng trong những năm yên bình sau Đình Chiến em cũng đã đi tàu lên Đà Lạt từ Phan Rang, tàu đi đến chân đèo Bellevue thì đi lên đường rầy 3 rây, rây giữa có răng cưa (tuyến này bây giờ đã bỏ).


Có rât nhiều du khách da trắng ("Tây") cho dù mình hay nghĩ xe hỏa là 1 phương tiện bình dân, nhọc nhằn và vệ sinh không tốt cho lắm. Cũng có thể du khách nước ngoài quen đùng đường sắt bên họ hiện đại và thoải mái, tưởng xe lửa ta cũng phải như thế (chứ giá vé thì khá mắc nếu so với đường hàng không).



Năm vừa qua em có xem 1 phim về chuyến tàu Thống Nhất cũng cũ rồi (2002), của show thường trực Globe Trekker của BBC, thấy có nhiều nét thấy... hoài cổ, đầy màu sắc Việt  nên đã thuyết phục các bạn đồng hành muốn đi Điện Biên hãy đi đoạn này bằng tàu (em đã đi đoạn Đà Nẵng- Nha Trang năm 2009, và 2 lần đi Sa-Pa bằng tàu đêm rồi). Đi thêm cho biết, hòa mình vào nhịp sống con người cho trải nghiệm "du lịch" được toàn diện hơn, đáng nhớ hơn. Nhất là sớm muộn gì thì nếp sống và sắc thái hỏa xa Việt Nam cũng phải thay đổi, hiện đại hóa đi - mất vui.
Chứ muốn chọn 'mau chóng', 'hiện đại', 'sạch sẽ', 'sang trọng', 'an toàn không bất trắc' thì ở nhà cho khỏe, đi đâu xa xôi tốn kém cho mệt.




Giường chiếu thì đại khái như thế này, chăn gối vệ sinh, drap nệm giặt giũ sạch sẻ. Máy lạnh khá mạnh. Nói chung không gian cũng dễ chịu nếu phải chia với người lạ mặt - cái thực tế phủ phàng là người có tiền mua vé đắt tiền 1 chút thường là người có 1 trình độ xã hội tương đối nào đó, 1 giáo dục nào đó nên dễ tiếp cận. Cái mình sợ nhất là không gian chật hẹp, ngột ngạt và... mùi hôi, nhưng qua 4 lần trải nghiệm xe lửa em đều thấy thoải mái. Tốt hơn hết là các bạn khi mua vé nhớ đòi giương trong  khoan 4 giường, tránh mua giường trong phòng 6 giường (3 tầng).

Ảnh: www.vetau24h.com
Sân ga khi nào cũng đượm một vẽ lãng mạn khó tả nào đó, nhất là sân ga Việt Nam còn nhiều sắc thái truyền thống nguyên thủy. 
 


Khởi hành. Xe lửa lúc nào cũng là phương tiện đúng giờ giấc nhất, một bản chất có tính cách quốc tế, Việt nam cũng không khác.

Nếu bạn đọc đã từng đi tàu lửa thì đã có nhìn ra cửa vào lúc xe qua các "cổng xe lửa" mà thường nhật mình đã trải nghiệm từ mặt đường lộ, và đã nhận ra hình dưới là 1 cổng xe lửa.


Cảnh này thì lại là khá đặc biệt nhé: chắc bạn đọc đã nhìn thấy cách sắp đặt tự nhiên của đội hình xe cộ đứng dưới nắng đổ lửa tháng 5. Chỉ 1 bác đi xe gắng máy độc nhất là ngừng xe sát cổng chặn, số xe gắn máy và ngay cả 1 chiếc xe hơi đã cùng chọn ngừng dưới bóng cây bàng cách cổng chừng 15 thước để tránh nắng.
Hình dưới là Thiền viện Bồ Đề bên tuyến đường sắt ra vùng Nam Ô, chân đèo Hải Vân. Đường ray sẽ ra hướng Hải Vân và ôm sát chân núi ven biển theo một đường quanh co nhưng không lên cao mấy.


Một kho xăng dầu nhỏ đưới chân đèo.


Bờ biển Nam Ô, truoc đây không lâu là 1 "vùng xa" so với thị xã Đà Nẵng (những năm chiến tranh), nay liền đường phố với thị xã.




Qua một hai cây cầu rồi thì đường rầy  đi hằn vào chân núi, 1 vùng không dân cư rất ngoạn mục nhưng không có đường vào, chỉ có thể thưởng ngoạn được từ trên xe lửa.


Một vùng hoang sơ nhưng lại rất gần thành Phố Đà Nẵng. Chắc sớm muộn gì cũng sẽ có đường ra và sẽ biến thành những khu khách sạn nghĩ dưỡng (người Việt Nam bây giờ đã quen gọi là resorts, rì-xọt).



Từ điểm nhìn này nhìn thấy Vịnh Đà Nẵng. Trái núi trong chân trời là bán đảo Sơn Chà, cửa ra biển của vịnh là góc trái.



Đường xe lửa qua nhiều hầm nhỏ dưới chân núi Hải Vân ven biển. Trên thế giới chắc không nhiều tuyến hỏa xa với cung đường đặc sắc như thế này.
(từ trên toa xe với cửa kính rất bẩn và không hạ được rất khó có hình ành cho vừa ý, diễn tả được vẽ đẹp cảnh quan thật sự trải nghiệm được)
Đường rây sắt do người Pháp thiết kế cách đây trên 100 năm, đến nay căn bản vẫn là thế.
Đường quanh núi Hải Vân cao nhât là những chổ như thấy, cao độ chừng 200 mét trên mặt biển.

Mũi cực Đông của chân núi Hải Vân.


Qua khỏi chân núi Hải Vân là đến vùng Lăng Cô nhưng không có hình được vì tuyến đường chạy giữa nhiều lùm cây bên đường. Hình dưới nhìn vào phía Tây đối diện, đoạn dưới chân núi Bạch Mã


và vùng tên là Truồi. Ở Thừa Thiên có rất nhiều tên địa phương chỉ 1 chữ, như Hiên, Giành, Truồi, Sịa, Chuồn... vân vân, và ngay cả tên Huế.


Sau đó phía biển có thể nhìn thấy Đầm Cầu Hai, đường rây chạy song song quốc lộ 1A.



Qua Huế  thằng ra Quảng Trị. Hình nhìn về hướng Tây và dãy Trường Sơn



Tàu Thống Nhât chủ yếu là chuyến tàu suốt chở hành khách và chỉ ngừng ở ít ga lúc trời còn sáng. 
Ga Đồng Hà Quảng Trị.


Không biết vì quá trình lịch sử hay thực sự vì vùng biên giới phân chia Nam Bắc một thời đã mang một ấn tượng buồn bả, mà ai qua vùng này vẫn thấy một vẻ trầm tư khó tả. Nhất là tại 1 sân ga tỉnh lẻ vào lúc chiều tà với ít lữ khách lên xuống.
Hành khách lên xuống tại đây hình như là người dùng đoạn từ Đà Nẵng, Huế và xuống xa nhất là Đồng Hới, sau đó số khách trên tàu ổn định cho đến ga Phủ Lý trên đồng bằng Sông Hồng vào sáng ngày mai mới có 1 ít người xuống.


Đồng Hà Quảng Trị là ga cuối cùng trên vùng đất dưới Vĩ Tuyến 17, sau đó là vùng trước đây là "Vùng phi quân sự".

Phải gọi là "vùng phi dân sự" mới đúng hơn. Trước khi chiến tranh Nam Bắc khởi đầu - sau Hiệp Định Geneva vài năm - thì đi đến khó khăn hạn chế, đến 10 năm sau khi Mỹ tham chiến với lực lượng bộ binh thì là 1 vùng hứng chịu nhiều bom đạn nhât Việt Nam. Nhất thế giới, kể cả 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki cọng lại, tính bằng kí lô TNT.
Trước đây không ảnh trên truyền thông quốc tế cho thấy 1 mặt bằng như trên cung trăng với hố bom san sát không chừa 1 thửa ruộng nào. Khó tưởng tượng bây giờ được như vậy.
Đường sắt qua Sông Bến Hải nhiều km về phía Tây của Câu Hiền Lương
Qua địa phận Quảng Bình.

Tàu Thống Nhât là loại khi xưa mình gọi là tàu suốt - trái với tàu chợ - chỉ ngừng ở ga lớn và ngưng chỉ vài phút (từ 7 đến 15 phút) Ga Đồng hới là ga cuối cùng ngưng lâu là 15 phút (Đà Nẵng là trạm quan trong, ngưng gần 1 tiếng). Các ga truoc khi đến Hà Nội:
Huế (7 phút) - Đồng Hà - Đồng Hới - Hương Phố - Yên Trung - Vinh - Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Phủ Lý.
Những tên gọi nghe quen mà vẫn còn lạ sau nhiều lần đã đi qua. Tiếc là lần này phải đi qua trong đêm tối và lúc ngủ nên không ghi nhận được thêm ấn tượng hình ảnh nào hơn. Các bạn có thể tìm xem cảnh quan chung từ đường bộ trong các trang du ký khác của blog này.



Tiếng còi xe hỏa trong đêm khuya thanh vắng não nề ai có nghe qua một lần là không thể nào quên.
Em ghi chú lộn 1 trong các hình là ga Vinh, không phải Đồng Hới.
Ga chót là ga Phủ Lý chỉ cách Hà Nội chừng 30 phút.

Đến Hà Nội vào lúc 5:30 sáng. Đây là nhà ga lớn, khác với ga em đi Lào Cai 2 lần truoc đây. Nói chung 2 ga khời hành là Đà Nẵng và ga đến là Hà Nội tương đối sạch sẻ, an ninh và tương đối trật tự. Du khách nước ngoài (em nghe lén được 4 thứ tiếng Pháp Anh Y-pha-nho và Quan thoại) cũng không than phiền hay chê bai gì lắm.
Thái độ tác phong nhân viên hỏa xa và hành khách mình cũng hòa nhã và lịch sự ở 1 mức độ, không ồn ào te rẹt, không mất vệ sinh... đáng kề. Nói chung trải nghiệm chuyến này có hơn mấy lần truoc em đi cách đây 7 năm và 4 năm.
 

Đến khách sạn ở Phố Cổ còn quá sớm chưa nhận phòng được, thả bộ ra bờ hồ Gươm.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét