Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Nha Trang Người về Tháng 3-2023


"Biển đảo Nha Trang không mấy gì đẹp", theo cặp vợ chồng người Pháp đến từ Tahiti người viết này tiếp cận được tại đây. "Cũng chỉ  như Bora Bora thôi!".  

Nha Trang cận đại có 3 đợt bùng nổ dân số. Đó là đợt di cư năm 1954, sau là khi quân đội Mỹ đổ về các căn cứ bờ biển tính từ 1963 đến 1968 đi dôi với việc  người tỵ nạn chiến tranh  và "thương phế binh" di cư về, sau cùng là thời kỳ hậu chiến thời "mở cửa". Năm 1954 trên suốt đường bờ biển dài 6 km từ dốc lên dinh Bảo Đại đến Bưu Điện chỉ có 3 khách sạn tương đối "lớn" là Grand Hotel, Hotel Beau Rivage là tiền thân của những resorts thời nay và Club Nautique chủ là người Pháp, với hai ba phong ngủ nhỏ chừng 10 phòng do người mình làm chủ gần phía Bưu Điện.



Thủa nhi đồng của người viết này trước sau hiệp định Geneve, dân số thị trấn Nha Trang chỉ chừng 25,000 người cho dù diện tích trải ra cũng đã khá rộng, có sân bay và càng biển, Dạo đó con phố biển nghỉ dưỡng này của người Pháp cặp đôi với phố núi Đà Lạt, là một ốc đảo thiên đường giữa những rối răm quân sự chính trị quốc nội và quôc tế. 
Mỗi năm vào đầu mùa mưa rùa biển lên đẻ, trẻ con tha hồ ra biển đào trứng và bắt con lên chơi. Rùa mẹ lên bãi cát về đêm và khi mưa nên ít ai biết, ngoài ra không ai nghe đến việc bắt bán và ăn thịt rùa biển. Trứng như trái ping pong, vỏ mềm và hình như không có lòng trắng do vài con chó đào ra, rùa con màu đen lốm đốm trắng thì chui lên từ nữa khuya đến 8-9 giờ sáng và  tức thì hướng về biển mà bò. Con nít ra bắt chơi, có đứa mang cả thau ra lượm, nhưng rồi cũng thả về biển vì chả ai nghĩ có thế nuôi lớn được. Đặc biệt là, bắt rùa con, xoay nó chiều nào nó cũng quay về hướng biển mà bò cho dù cách bờ nước rất xa, có khi ngay trên con đường ven biển. Hiện tượng khó quên và là ấn tượng nhớ mãi đối với đứa trẻ tò mò. Và sau là mang ý nghĩa ít nhiều triết lý với người đã vạn dặm đi xa quay về lại.
 
Nhà ga giữ nguyên dạng từ đầu thập niên 1950
Đường Duy Tân cố hữu ngày nay, nay là đường Trần Phú. Cách mạng ta có công lớn đánh đổ triều đình nhà Nguyễn phong kiến bán nước thì không lý do gì giữ lại tên vua Duy Tân. 

Năm 1989 hoàng thân Bảo Ngọc Vĩnh San, tên Việt là Nguyễn phước Bảo Ngọc sau chuyến đưa hài cốt vị vua này từ Pháp về an táng ở An Lăng Huế (link) có tìm thấy 1 nhà nghỉ nhỏ gần đây mang tên Duy Tân. Có bước vào và tự giới thiệu, hỏi đùa rằng có được ở miễn phí không. Chủ nhân bảo là không hề biết và cũng chả cần biết Duy Tân là tên người nào, chỉ biết là tên con đường Duy Tân xưa này. Hoàng thân Guy George Vĩnh San - tên căn cước Pháp hiện nay, theo thông lệ dùng tên của cha làm họ  - là hoàng tử kế vì. Vĩnh San là tên húy vua Duy Tân, nay là tên 1 chiêc cầu, 1 công trường và 1 đai lộ ở thành phố thủ phủ Saint Denis, đảo Reunion của Pháp trong Ấn Độ Dương. Nơi này người Pháp đã đày ông cùng vua cha là Thành Thái sang biệt xứ năm 1916. Trong Wikipedia, đương nhiên là có chính phủ ta phê duyệt và đóng góp ghi: Nghề nghiệp (!): Nhà cách mạng ! Phan Bội Châu, Thái Phiên, Trần Cao Vân thì còn. Duy Tân thì, suốt dãi sơn hà một thời đã bị xóa tên.**

Con đường ven biễn đã xóa tên Duy Tân
Đường đồng chí Biệt Thự - không rõ tiểu sử - thì đươc giữ tên như cũ, xưa đầu trên đi thẳng vào cổng Phi Long căn cứ không quân Nha Trang. 
Đây là nơi đường Bá Đa Lộc đổ ra đường Duy Tân khi xưa. Người này là khai quốc công thần của Nguyễn Ánh Gia Long, tên Gia Long không còn trên toàn giải đất này thì làm sao tên Ông còn. (Lăng Cha Cả ở Sài Gòn ngày nay đã là nhựa đường, nói chi tên một con đường).
Cách biển 100 mét trên đường Bá Đa Lộc là cổng trường này, ngay vị trí cổng "trường Tây" nhỏ bé của sinh thời người con ưu tú nhất thành phố Nha Trang, người thầy của tất cà học sinh Nha Trang, huynh trưởng của các huynh trưởng hướng đạo. Học giả của thành phố biển được yêu mến và vô cùng thương tiếc: cụ Cung Giũ Nguyên tác giả cuốn sách của Nha Trang 'Kẻ thừa tự cùa ông Nam Hải' (Tựa dịch của học giả Nguyễn Thành Thống, tựa tiếng Pháp: Le fils de la baleine). 

Đoạn đường này, hướng ra biển, cổng trường bên phài. Khi xưa dĩ nhiên không có các cao ốc che chân trời, học sinh lớp học trưa ngồi nghe sóng biển rì rào, ngủ gục lúc nào không hay.  Thầy giáo ra bài làm rồi còn ngủ huống chi.
Hình dưới: toàn bộ địa phận trường hạ sĩ quan Đồng Đế của ngụy quyền Sài Gòn trước 1975 nằm gọn trong khung hình này. Đây là 1 vịnh nhỏ tương đương với vinh Nha Trang nằm sau lưng đồi La San, nhìn từ bãi chính không trông thấy được vì khuất sau mũi Hòn Chồng, ngày xưa dân chúng không được qua. Sau các cao ốc kia là các trường bắn và sân tập dựa vào núi. Hàng hàng lớp lớp bọn hạ sĩ quan và sĩ quan ác ôn đã được đào tạo tại đây, chắc lắm tên cũng đã kiếm trở lại thăm. Lính mà đến tập sự ở 1 nơi thần tiên như thế này, bảo sao không thua. 

Cùng bải biển đó, gần điểm trung tâm của bãi cát, hướng xe đi về mũi Hòn Chồng. Trước 75 thì là những bải cát lớn cho loài kỳ nhông nó ăn ở thường trú, nôm na là "hỗng có gì hết chơn hết chọi".

Đac điểm Nha Trang 2023:

Trong các tấm hình bãi biển đầu trang các bạn để ý thấy có sự vắng bóng du khách. (Người địa phương và người Việt nói chung không ra biển sau khi nắng lên). Đó là 1 sự vắng vẽ chưa từng có từ gần 10 năm nay. Lý do thời điểm này là "hậu Covid", hai là sự kiện Ukraina. Hình dưới: đoạn đường ven biển về phía Cầu Đá nơi là khách sạn và doanh nghiệp nhỏ thua khúc phía bắc có đầu tư bề thế hơn, các tập đoàn lớn làm chủ. Có thể nói là "bình dân" hơn. Khách nội địa, "Tây ba lô" hay Việt kiều, du khách có ý thức tài chánh và ở dài ngày là đến đây, không phải Sheraton hay Novotel, Mường Thanh v.v... phía trên Viện Pasteur kia.

. Trên đoạn này các bạn thấy nhiều bảng hiệu nhắm vào du khách người Nga. Du khách da trắng tại đây đa phần, gần hết, là người Nga. Một số là nội địa, là người có việc làm trong nước như công nhân viên dầu mỏ, khi có dịp nghỉ dưỡng thì đến Nha Trang và Mũi Né. Số này không thể nhiều. Số lớn thường là đến từ bờ Đông nước Nga, xuống tìm nắng ấm và bờ biển ĐNA ưa chuộng là Thái Lan và Việt Nam - rẻ tiên. (Điều mà ít ai nhận thức là nước người da trắng gần Việt Nam nhất là nước Nga, gần tựa nước  Nhật hay Hàn quốc, thành phố Vladivostok cách phi trường Cam Ranh chỉ 5 giờ bay). Hiện nay số khách từ đó đến là gần zero. Một số người ở lại sau biến cố Ukraina vì kẹt visa, 1 số có lẽ tự chọn lưu vong không muốn về, tất cả gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch vụ chuyển ngân bị cấm vận và các chuyến bay hầu như không còn. 


Đặc biệt tại đây, và chỉ có như tại Mũi Né là hai, có những doanh nghiệp do người Nga làm chủ, doanh nghiệp rất nhỏ như 1 quán kem chỉ 2 nhân viên, 1 nhà thuôc Tây, 1 số không ít trạm đại lý du lịch với nhân viên Nga làm hướng dẫn viên, cửa hàng tiện ích, quán ăn, cà phê nhỏ. Không hiểu tình trạng cư trú của họ ra sao. Tất cả môi trường này chứng tỏ có 1 số khá đông du khách Nga đến Nha Trang, nay không còn thấy.

. Ngoài ra các bạn thấy bảng chữ Hán nhắm khách người Hoa lục địa. Như người tiếp tân khách san kể, trươc dịch bệnh khách TQ là "bằng trăm lần" như bấy giờ, lúc các hình ảnh này được chụp. Mỗi ngày có gần 200 chuyến bay từ Trung quốc đến Cam Ranh, mỗi chuyến 100 đến 200 hành khách. Mỗi chuyến xe khách đến 1 khách sạn 40 người, chỉ đôi chiêc là khách sạn hết phòng. Tài xế chạy không xuể  đến nổi mất ngủ gây tai nạn. Chỉ từng này thông tin, các bạn phải thấy lúc này 90% doanh thu từ du lịch của Nha Trang đã trở thành số không. Đến thời điểm này chỉ có khách TQ đi lẽ, thua xa số du khách Hàn quốc, số khách Á châu đông nhất.

. Vì thời điểm đặc biệt TQ mới mở cửa và chưa cho khách đoàn cùng chuyến bay thuê bao đến, cộng với khủng hoản Ukraina mà Nha Trang đang khá vắng. Nhưng nhớ lại thì vào cao điểm trươc đây không gian môi trường cũng thoải mái hơn, thí dụ Vũng Tàu, Mũi Né hay Sài Gòn. Rác nói chung và rác nhựa ít, nạn chèo kéo hầu như không có, hành khất không, nói chung con buôn và người dân có ý thức cộng đồng, giao thông tương đối lịch sự. Nhà vệ sinh ở bãi biển và nơi đông đúc nhiều hơn Champs Elysees và Trocadero. Người rời Nha Trang ít ai chê bai, thành thực hẹn trở lại. 

. Sau cùng, 1 điều vui vui thấy được kỳ này về Nha Trang. Chiếc xe xích lô cổ điễn này của Nha Trang, mang tính Nha Trang như Viện Pasteur hay Nhà Thờ Đá, nay đã được nâng cấp. Hiện nay chỉ còn thấy xử dụng phiên bản điện! Công nghệ đơn giản, hữu hiệu, rất "xanh" mà giữ được nguyên vẹn dáng dấp xưa. (Các bạn có để ý là xe xích lô Nha Trang có cấu trúc khác xich lô Sài Gòn hay nơi khác không? Hơi thấp hơn, chổ ngồi thoải mái và cảm giác thăng bằng an toàn hơn không. Điều này em chắc chắn).
Phát minh hữu ích, thân thiện môi trường, giúp người lao động giữ được 1 phần thị trường du lịch và tiện ích, và nhất là nét "Nha Trang xưa" rất dễ mến.
 

Phụ chú:
** Một chiêc cầu, một đại lộ và một công trường tại thủ phủ Saint Denis, đảo Réunion, Pháp quốc ngày nay mang tên vua Duy Tân:
Tư liệu trang web Structurae.net

Đứa con nít nào sau này lớn lên, trên 1/2 thế kỷ sau cũng vẫn còn nhớ bài hát này mỗi chiều phát ra từ loa Ty Thông Tin, bờ biển (cuối đường Yersin?) gần viện Pasteur. Với cả tiếng rè rè đĩa than 72 tours!


 

1 nhận xét:

  1. Bài viết lý thú về Nha Trang xưa và nay. Hoan hô đồng chí Biệt Thự vưỡn còn sống mãi 😀

    Trả lờiXóa