Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Cao ốc Landmark 81

Tháng 4 năm 2023

Cao ốc mang tên Landmark 81 tại Quận 2 TP HCM cao 461 mét, tức  chiều đứng gần 1/2 km. Nếu tính đến đỉnh trụ cao nhất của 2 kiến trúc thì cao bằng tháp Petronas tại Kuala Lumpur thủ đô Malaysia. Ngoài sự tranh cải lặt vặt về các mét cuối cùng thì cũng được nhìn nhận là cao nhất ĐNA cho đến năm 2021 là năm tòa nhà Merdeka ở cùng thủ đô Kuala Lumpur soán ngôi khi đạt 118 tầng. Cao ốc nhìn từ bến Bạch Đằng Quân 1, cự ly là 2,5 km:

Hình chụp ngược lại về điểm đứng hình 1 từ đỉnh tòa nhà Landmark 81, tháng 4, 2023. Cao ốc có 81 tầng kể cả các tầng trong cột nhô cao là tầng quan sát. Bề ngang trụ cột này chừng 20 mét được vây kín bởi 1 lớp kính dày, lõi là đoạn cuối của 1 thang máy cao tốc. (Lớp kính dày này không mấy sạch và trong suốt).
Ánh sáng màu xanh trong hình là màu xanh tự nhiên lúc mặt trời vừa lặng khỏi chân trời cho đến 20 - 45 phút sau; tùy thời tiết. Trong nhiếp ảnh gọi là "the blue hour". Màu xanh này khó "bắt" - và không photoshop đươc - vì tùy thuộc nhiều vào thời tiết khu vực nhất là tầng mây, độ ẩm, độ ô nhiễm trong không khí. Google để tìm giờ mặt trời lặn địa phương.
Cây cầu thấy được trong các hình trên là cầu Ba Son, chân khô bên hữu ngạn trước đây là đất khu "xưỡng Ba Son", Hải quân công xưỡng thời Cộng Hòa. Ba Son có lịch sử rất lâu đời, từ thời chúa Nguyễn Ánh đã là ụ đóng tàu đầu tiên của chúa, đóng những chiến thuyền tham gia các "giặc gió mùa" chống hải quân Tây Sơn ở miền Trung. Năm 2022 là năm khánh thành cây cầu mới này, hình số I là hình lúc thông xe mới được 6 tháng. 
Nhìn thấy trong hình dưới là cầu Thủ Thiêm, khánh thành năm 2005. Trước thời điểm đó, nối liền 2 bờ sông Sài Gòn chỉ có 3 cây cầu: cầu Bình Lợi là cầu đường sắt, cầu Bình Triệu sau cặp đôi với cây cầu gọi là cầu "Xa lộ Đại Hàn", và cầu Xa Lộ Biên Hòa còn gọi là cầu Sài Gòn.
Chi tiết Quận 2 dưới chân cao ốc. Màu xanh trong hình soi lên cảnh vật còn là ánh sáng tự nhiên lúc hoàn hôn. (Khí màn đêm xuống hẳn cảnh vật nào không được soi sáng sẽ là màu đen). Con đường được chiếu sáng là đường Nguyễn Hữu Cảnh đưa đến chân cao ốc từ bến Bạch Đằng Q1.
Mặt trời lặng hướng Tây của cao ốc. Thành phố lúc này đã chưa lên đèn. Bóng nước trông thấy là kinh - không phải "kênh" - Thị Nghè sau nay được đồng thuận gọi là kinh Nhiêu Lộc suốt chiều dài. Cây cầu bắc ngang nay gọi là cầu Điện Biên Phủ, xưa là cầu Phan Thanh Giản. Đường cong trong hình là đường Điên Biên Phủ đưa đến cầu Sài Gòn dưới chân cao ốc, trước kia dân dã gọi là Xa lộ Hàng Xanh, ít ai nhớ tên bưu chính là gì. Thời Cụ Diệm khi xa lộ Sài Gòn Biên Hòa đang được xây đắp thì phần lớn lãnh thổ thấy trong hình là vùng ven đô, tuy chưa hẳn là "ngoại ô".
Khi thành phố lên đèn các bạn thấy rõ Ngã tư hàng Xanh, nay ít ai chú ý khi đi qua. (Cũng như những mốc giao thông xưa, như Lăng Cha Cả, Ngã tư Bãy Hiền, Ngã 5 Chuồn Chó ... nay ít còn ai biết mà định vị được). Cũng nhờ ánh đèn các bạn có thể thấy sân bay TSN trong xa cách trên 7 km.
Lần theo phía dưới hình trên các bạn sẽ dịnh vị được khung hình dưới, là đoạn cuối ra tới chân cầu xa lộ, nay gọi là cầu Sài Gòn. Con đường bắt chéo là đoạn đường trên cao của Metro Số 1, mái che màu trắng là nhà ga lớn nhât trong hệ thống metro này.
Bạn đọc hãy lấy mái che nhà ga Metro Số 1 ở góc dưới/phải làm chuẩn sẽ định hướng được hình phía dưới đây. Đây là khu vực ngay dưới chân tòa nhà Landmark 81. 

Cầu Sài Gòn trước gọi là "cầu xa lộ", hay cầu Tân cảng vì dưới chân hữu ngạn bên phải của cầu là 1 bến cảng hải quân lớn tên gốc là Newport. Cầu nguyên thủy được "Viện trợ Mỹ" giúp xây hoàn tất năm 1961, thuộc xa lộ đầu tiên của Việt Nam thực tế đã nối liền Sài Gòn-Gia Định và Miền Tây với phần còn lại của nươc Việt Nam - nếu không kể cầu đường sắt Bình Lợi.  Với sự viên trợ của chính phủ Pháp cầu đã được mở rộng từ 20m đến 24m năm 2000. 
Trong hình này thực tế mặt cầu nhìn thấy là của thêm 1 cây cầu "song sanh". Cây cầu thứ 2 này có tên riêng là cầu Sài Gòn 2, hoàn tất năm 2013 là cây cầu ghép phía hạ lưu (chiều xe đi qua Miền Đông, về phía trên hình). Mặt cầu nguyên thủy là 1/2 mặt cầu nhìn thấy, phía thượng nguồn trong hình này (1/2 bên trái, chiều xe vào nội đô).
Chiếc cầu hẹp các bạn thấy phía thượng nguồn là cầu Metro số 1, đã vận hành nhưng ở thời điểm này chưa khai thác.
Để minh họa thêm em xin xen hình em chụp trước đại dịch năm 2019 từ xe buýt nước, cho thấy rõ 3 lường cầu. Cầu Sài Gòn 2 bên phải, kế là cầu số 1 nguyên thủy và cầu Metro Số 1. Thêm là, cầu nguyên thủy đã được gia cố nhiều lần, lần cuối hoàn tất năm 2011 và nay thì trọng tải không giới hạn, như người Sài Gòn nói thì là "bi nhiêu, thì bi". Hai là, cầu Sài Gòn 2 được xây dựng đúng kích thước mẫu mực cầu trước, ngay cả lang cang chống tự tử cũng đã dựng sao cho giống câu trước. Do đó các bạn thấy như chỉ có 1 cây cầu trong các hình. 
Bổ xung tấm ảnh ban đêm có tầm nhìn xa để các bạn nhìn thấy đường cong của xa lộ đi về Đồng Nai. Vùng đất ta nhìn là thành phố Thủ Đức.
Ốc đảo hình gốc cây là quận Bình Thạnh, nay em mới biết. Gốc cây phía tận trái là vị trí cư xa Thanh Đa, nay chủ yếu cũng như cũ. Múi đất bên trái của xa lộ là khu Thảo Điền, em đâu có biết, khu rất đắt tiền, là nơi tập trung cư trú của các expats phương Tây. Xưa thì trên bán đảo này  không có gì cả, trống rốc, cỏ cây và 1 it thằng du kích Việt Cộng. À, xưa, ở góc trái chân cầu thì có 1 cái hồ bơi cho sĩ quan quân đội ngụy quyền.
Những hình dưới chụp thẳng xuống bờ kè đối diện chân cao ôc, bờ kè cách chân chừng 400 mét, hướng Đông. Sông tại đây rộng 283 mét theo không ảnh Google.
Cầu Thủ Thiêm cách chân của cao ốc 1 km, hướng Nam.
Hình dưới: hướng Đông-Nam bên kia sông là bán đảo Thủ Thiêm, xưa trên 1/2 là rừng dừa nước nơi Việt Cộng đặt cối bắn lai rai vào Sài Gòn. Múi đất trong xa là Tân Thuận Đông nay thuộc Quận 7. Xưa không có Q7,  hiện thời là địa phận từ Khánh Hội đến Nhà Bè. Khúc quanh sông đó là khúc quanh cuối cùng của sông Sài Gòn/Bến Nghé trước khi đổ vào sông Đồng Nai mà các bạn thấy trong chân trời, trôi từ trái sang phải của hình. Mũi đất nhọn thấ được là Mũi Đèn Đỏ nơi xưa có đèn đỏ chỉ vào sông Sài Gòn/Bến Nghé. Địa phận là Quận 7. Từ hạ lưu điểm đó sông Đồng Nai gọi là sông Nhà Bè.
  
   Nhà Bè, Nhà Bè nước chảy chia đôi
   Ai về Gia Định ớ, Đồng Nai thì về... 
 
Tòa nhà Landmark 81 nhìn từ dưới sông Sài Gòn trên chiếc buýt nước có tên tiếng Mỹ hẳn hoi là Saigon Waterbus. Hình chụp năm 2019 trước khi măc dịch 1 tháng.

Trở về vùng đất xua sau 40 năm sống sót, thủng thẳng đến xem xét, định vị, nhận dạng lại được từng nơi chốn đã là không gian ấp ủ tháng ngày của tuổi ta còn trẻ hơn. Thế gian này có được mấy ai may mắn bằng, có cơ duyên tìm đến tận hưỏng cảm giác đặc biệt này. Không gian vật chất có thay đỗi nhưng tọa độ địa dư cũng như chổ đứng trong tư duy là bất di dịch. Là kỹ niệm và là thực tế trong lai lịch không thể nào chối bỏ né tránh.

 

🚩



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét