Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Đất Đỏ, Bà Ria

Đất Đỏ Bà Rịa     1.  2.  3.       

Những gạch nối dọc ngang xứ Việt và dọc dòng thời gian: Huế-Ô Cấp-Đất Đỏ

Tháng 8, 2014.

Huế có cái lăng vua mà it ai đến thăm, và lạ hơn nữa là chính người dân Huế hiện nay còn có người không biết cả đường đến. Ông tài xe ôm sinh ra ở Huế, là lính trinh sát Hắc Báo xưa mà phải vừa đi vừa hỏi đường, "An Lăng đi đường mô rứa O hè?"!
Mà cái lăng này lại rất là đặc biệt, là nơi chôn của 3 chứ không phải 1 vị vua, mà cả 3 lúc chết thì đều không còn phải là vua!  Đó là "lăng ba vua" Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
Năm ngoái sau một ngày đi thăm quê nội bên Phú Vang thằng viết đã muốn đến thắp nén hương tại đây, vì gia tiên bên ngoại là ông Thành Thái. Và sở dĩ hài cốt vua Duy Tân được đưa về đây chôn cất năm 1987 là một phần do mẹ của người viết tham gia hổ trợ tổ chức, câu chuyện phưc tạp này sẽ phụ chú sau.

Điện Long Ân là nơi thờ phụng. Xã An Cựu

Ba ngôi mộ nằm trong khu đất - giữa khu dân cư gần nhà thờ Phú Cam - sau cổng này. Vì trời đã về chiều nên người viết không được vào bên trong chỉ nhìn qua bức tường vào một diện tích rộng chừng 1 sân banh.


Tháng 5, 2015

Vũng Tàu có Bạch Dinh, mà người dân địa phương gọi là Dinh Ông Thượng, lứa thằng viết ở Sài Gòn hồi đó cởi honda ra chơi, đi ngang thấy gọi là Dinh Bảo Đại.
Cái gạch nối giữa 2 nơi ở Huế và Vũng Tàu này ít ai chú ý làm gì, vì những chuyện bên lề lịch sử giòng chính - những biến cố và nhân vật đã quyết định vận nước cho đến nay - những chuyện đó không phải là quan tâm của người dân qua những giai đoạn đầy biến động và hoang man trong thế kỷ thứ 20 ở nước mình, cho nên không ai kể lại hay ghi chép. Nhưng có những định mệnh và câu chuyện xuyên qua thời buổi đó lại hay hơn, thú vị hơn tiểu thuyết hư cấu rất nhiều. Những chuyện trong đó nhân vật là thật, mà có khi họ là những người không xa lạ với mình gì mấy. Gạch nối thằng viết đề cập trên kia nằm trong 1 câu chuyện như vậy.

Năm 1907 hoàng đế Thành Thái  trị vì được 18 năm thì bị người Pháp truất phế và bắt đưa đi biệt xứ ở Vũng Tàu. Lúc này ngài 27 tuổi. Vì Vũng Tàu - đất thuộc địa, territoire francais - rất xa đất thần kinh nên người Pháp chỉ quản chế ngài và cho ở tại dinh nghỉ mát của toàn quyền xưa, gọi là Villa Blanche. Tại đây dưới triều Duy Tân đức vua phải "an trí" gần 9 năm.
Tại đây đức vua đi lại tương đối thoải mái, thường đến chợ Vũng Tàu (lúc đó có thể là 1 làng nhỏ khu thành phố cũ sau Bãi Trước, có thể là Phường Thắng Tam, 1 trong nhưng Phường nguyên thủy đời Minh Mạng), sống đời bình dị, và cũng như thời gian ở kinh thành thường hay đến giữa dân thường mà không ai biết mình là ai. Chỉ một lần người bán thuốc lá "Mèo đen" Craven A mà ngài ưa thích nhận ra và cung kính bái phục làm người đi chợ chú ý.

Bạch Dinh nhìn từ trên tàu cánh ngầm giữa vịnh Bãi Trước Vũng Tàu 

Những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ
Tháng 7, 2014

Cali, thành phố Long Beach, Mỹ quốc, có tiệm hớt tóc hiệu là Kinh Đô. Trên 15 năm nay cho dù đã dọn đi xa trên 15 dặm thằng viết vẫn trở lại tiệm này hớt tóc mỗi tháng (đàn ông mà, đổi thợ hớt tóc còn sợ hơn là vượt biên). 
Chủ nhân là người Vũng Tàu trước có tiệm uốn tóc ở đó cũng tên Kinh Đô, hay kể chuyện... Vũng Tàu. Một hôm thằng viết đến cắt tóc, ông ta nghe 1 cú điện thoại xong thì chia xẻ, "Ông này là anh họ, là cháu 2 đời ông Thành Thái đó, mới gọi từ Bà Rịa qua". Thằng viết tò mò hỏi thêm thì biết tât cả gia đình là người Bà Rịa. Vậy thì bỏ Huế vào đó hồi nào? v.v... mới biết là người kia là cháu bên 1 người đàn bà quê ở Đất Đỏ, là thứ phi của vua Thành Thái lúc ngài an trí tại Bạch Dinh! Việc này hơi lạ vì bên ngoại thằng viết không bao giờ nói về câu chuyện này. Thế nhưng cũng nhận là "Í, vậy tui cũng bà con chút chút với bên anh nè!" và xin thêm thông tin để 1 ngày nào về thì đến đó gặp, nhận họ hàng xem.

Trở lại tháng 5-2015

Năm nay thằng viết trở lại Vũng Tàu 1 lần nữa, lần này để theo một gạch nối khác, bước chân từ Dinh Ông Thượng đến xã Phước Thọ (Phước Long Thọ) gần chợ Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vâng ạ, tỉnh là tên ghép) theo chỉ dẫn và mang theo số điện thoại anh Sáu Kinh Đô trao cho truoc khi đi.

Rời thành phố Vũng Tàu đi Đất Đỏ, hướng Bắc là huyện Long Điền rồi sẽ đến huyện Đất Đỏ. Từ trung tâm tp Vũng Tàu đến Chợ Đất Đỏ chừng 35 cây số, đường đi bây giờ. Khi xưa là 1 đoạn đường đáng kể vì chỉ là đường thô sơ đi qua ruộng, rừng và 1 ít đồn điền cao su. 'Xưa' đây là nói thập niên 1970 và trước. Hiện nay đường xá toàn địa phận này chất lượng như thấy trong các hình, rất tốt và thằng viết ngồi xe honda ôm chừng 1 giờ thong thả. Sở dĩ xe ôm vì thằng viết không dám thuê 1 chiêc gắn máy tự lái đi và gọi taxi đi tham quan 1 vùng đất biển trời cao đất rộng thì vô lý. Quả thật chuyến đi qua các đường huyện ven biển Vũng Tàu thât là sảng khoái, đẹp và thú vị vô cùng.


Cứ theo con đường này lúc đầu hướng Bắc nhưng sau có thể sang 1 quốc lộ (số 55) chạy ven biển sẽ đến MGM Grand ở Hồ Tràm, đi thằng nữa sẽ đến Hàm Tân, Mũi Kê Gà, Mũi Né rồi nhập vào QL 1 đi Bắc được. Cầu Cửa Lấp.


Bắt đầu đường ven biển từ Vũng Tàu qua Long Điền đi Đất Đỏ thì qua sông Cỏ May ở Cửa Lấp.


Cửa sông Cỏ May nhìn ra biển, giòng nước màu đất đỏ. Bên cửa sông là làng cá Phước Tỉnh.

Ruộng muối, Long Điền


Lại nói về lien hệ giữa Bạch Dinh và Chợ Đất Đỏ

Một hôm có ông Tây nọ tổ chức 1 cuộc đua ngựa tại đồn điền của ông ta tại Đất Đỏ. Ông ta cho xe đến Bạch Dinh mời vua đến dự chung vui (dù là đang quản chế nhưng mình phải hiểu là ông Tây này có quyền hay quen biết người thầm quyền nên mới chở vua đi khỏi Vũng Tàu được).
Trong các kỵ mã tham dự cuộc đua hôm đó lại có cô gái Đất Đỏ có nhan sắc có thể xiêu lòng 1 quân vương. Mà kỳ thật Bửu Lân năm đó, 36 tuổi, là một hoàng thân triều đình cho dù đã bị truất phế.
Theo người hậu duệ thì người nữ kỵ mã này thắng cuộc đua hôm đó, chuyện có vẽ vời thêm thì chắc khó kiểm tra, nhưng dù không thì kỵ mã này khó mà không làm ai chú ý. Nhất là hoàng thân Bửu Lân là có tiếng - tốt hay xấu tùy người phán xét - là hiếu sắc. Theo thói quen hoàng cung ngài cho người dọ hỏi về cô gái, rồi sau đó - trong ngày hay sau - đến nhà nàng hỏi cưới. Ngài lúc đó 36 tuổi, có tiếng ngang tàng, ngay cả vào mặt nước Đại Pháp và có lẽ không xấu xí gì mấy, theo các di ảnh cho thấy.
Không nghe nói gia đình có ý kiến gì hay bản thân nàng có phản đối gì... Và...


Tại địa điểm ngôi nhà này, gần Đình Thần Phước Thọ tháng 3 năm 1916 Nguyễn Phước Bửu Lân tức cựu Hoàng Thành Thái đã làm lễ cưới dân sự với bà Trần Thị Đê, sinh quán Đất Đỏ Bà Rịa. Ngài năm ấy 36 tuổi, hôn thê là 32 xuân xanh. Đây có lẽ là lễ cưới duy nhất của hoàng đế là hôn nhân dân sự vì những lần trước là trong lễ nghi triều đình nhà Nguyễn. Lần này là dưới sự chứng giám của chính phủ Cộng Hòa Pháp - Nam bộ lúc đó là thuộc địa Pháp, không thuộc triều đình Huế. Trên danh nghĩa cổ truyền của triều đình thì bà Trần thị Đê lúc này trở thành một thứ phi của nhà vua.
Đình Thần Phước Thọ nhìn thấy bên kia đường

Gia chủ (áo trắng) đích thân dẫn đường từ chợ Đất Đỏ về nhà thờ
Và từ đây "anh đưa nàng dìa dinh...". Dinh Ông Thượng tại Núi Lớn Cap Saint Jacques.


Ghi chú:
- 'Nam Bộ' được dùng trong loạt bài nay ví lý do muốn nói rỏ phần đất từ biên giới địa phận Bình Thuận đến Cà Mau, để khỏi lầm với 2 chư 'Miền Nam' chúng ta hay quen dùng để nói đến nước Cộng Hòa Viêt Nam đã khai sanh sau hiệp định Geneve năm 1954 và kết thúc năm 1975. Nam bộ trong những niên đại trong câu chuyện này gọi là Cochinchine, lúc đó là đất đã ký nhượng cho nước Pháp.

- 'Hoàng Đế' là danh xưng chính thức cho các vua Nhà Nguyễn mà thực sự chỉ là vua, chứ không có nghĩa như danh xưng dùng tại Trung Hoa, là vai Đế, đứng trên nhiều vua vai là vương. Cho nên các vua nhà Nguyễn mặc dù gọi là hoang đế cũng không có ý nói là ngang hàng với vai đế, như tại nước Trung Hoa lúc đó chằng hạn. Chỉ là ông hoàng thôi, là vương. Tất cả các dịch giả kém hiểu biết dịch ra theo Âu Mỹ là 'empereur' hay 'emperor', ngang hàng với hoàng đế Âu châu như Napoleon I và III, như Victoria Anh quốc là sai và sai rất xa. Việc này đã gây hiểu lầm cho người Âu Mỹ hiện nay và cả người Việt Nam không hiểu rằng cách dịch thuật của mấy người kia là vì thiếu hiểu biết. Thật ra trong lịch sử nước ta không có vua nào  xưng đế, kể cả Quang Trung Nguyễn Huệ. Triều Nguyễn vẫn còn triều cống thần phục nhà Thanh mỗi năm cho đến khi được Pháp "giải phóng".
Tóm lại 'hoàng đế' của triều Nguyễn là vua, dịch ra tiếng Pháp la 'roi', tiếng Anh là 'king'. 'Hoàng đế' trong sử nước ta dùng không sai, để nói là 'vua'. Dịch ra là 'emperor' là sai. Trong cả lịch sử nước Pháp chỉ có 3 hoàng đế, nước Anh cho dù đã 1 lúc là đế quốc lớn nhất vũ trụ, chỉ có 1 nếu không kể các hoàng đế huyền thoại trước khi lập quốc..
- Ngôi nhà gần chợ Đất Đỏ trong bài này là tái xây dựng sau này, trên môt địa bàn mà cảnh quan khác xưa, thí dụ con lộ rất rộng giữa khu nhà và Đình Thần Phước Thọ xưa kia tức nhiên không có và bố trí mặt bằng phải là khác hẳn như là hiện nay thấy. Cảnh quan tất cũng khác hẳn hiện nay, lúc đó chung quanh là rừng và chổ có canh tác là đồn điền cao su, cọp nai sống giữa địa phận con người (có lẽ cho đến những năm 1970).



Bạn đọc xem tiếp:  3. Từ Đất Đỏ về Ô Cấp



Đất Đỏ Bà Rịa     1.  2.  3.     







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét