Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Miệt Vườn: Tiền Giang - Bến Tre

 Lữ thứ về vùng đất ít ai đến nhưng lại rất gần - tháng 3 năm 2023

Nhiều người thường nghe qua đọc qua, rồi mang xử dụng thành ngữ 'miệt vườn' theo thời thượng nhưng là mơ hồ về địa dư - nó ở đâu - và phong thổ, con người, văn hóa. Em thì biết, vì lúc trước đã có đươc hồng phúc đi lao cải trong khu vực địa bàn này. Các bạn hỏi người khác, đừng hỏi em lao cải là gì. Đây là tâm điểm miệt vườn(1). Mời các bạn xem một it hình ảnh tiêu biểu trong một vùng sâu, rồi xem tại sao lại gọi là xứ vườn.
Đây là nhánh lớn cực bắc của sông Tiền Giang nhìn từ bờ cù lao Ngũ Hiệp tỉnh Tiền Giang. Bên kia là tỉnh Bến Tre, huyện Chợ Lách. Xuôi giòng 2 km sẽ đến kinh - không phải kênh! - Chợ Lách thông ngang qua sông Cổ Chiên. 
Tỉnh Bến Tre từ đây đến bờ đại dương là 2 múi đất dài 77 km nằm giữa sông Tiền Giang (nhánh chính sông Mê Kông mà có nơi gọi là sông Mỹ Tho) và chi lưu là sông Cổ Chiên. Đi giữa là sông Hàm Luông, 1 chi lưu khác. Đây là vùng đất đã mở 1 chương mới, quyết định, trong lịch sử Nam Tiến của người Việt mình, mà đoàn người khai phá lại do 1 người Minh làm thủ lĩnh.
 
Năm 1679 lãnh thổ nhà Lê phía Nam tận cùng ở ranh giới với nước Champa, Bình Thuận là cực Nam. Chúa Nguyễn* lúc này lại đang bảo hộ cho 1 phó vương Thủy Chân Lạp tên là Ang Nam đóng ở Prei Nokor, bên sông Bến Nghé ngày nay. Chúa điều đình được với vương cho tướng phục Minh là Dương Ngạn Địch mang chiến thuyền chở 1 số bại quân và gia đình vào đất Mỹ Tho* định cư lập nghiệp. Đợt người đầu tiên này đã mở 1 vùng đất thuộc địa, tiền tiêu, ở Miền Tây tiếp nối cuộc Nam tiến của dân tộc ta. (Đồng thời với 1 vùng phía Đông do Trần Thượng Xuyên 1 người Minh khác đến khai phá ở cù lao Phố, Đồng Nai cũng trong trường hợp như Dương Ngạn Địch*). Đó là bề dày 300 năm lịch sử của người Việt mình trên vùng đất mới này. Của các hình ảnh sau  thâu được vào tháng 3 năm 2023.
 

Bến phà Thới Lộc bên bờ tỉnh Bến Tre, 27 km hạ lưu cầu Mỹ Thuận, 2 km thượng nguồn kinh Chợ Lách.Nhánh lớn cực bắc sông Mê Kông này là ranh giới giữa tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. (Bờ phía bắc cù lao Ngũ Hiệp là 1 nhánh nhỏ không mang tên riêng). Đổ Lễ.

'Quá giang' là 1 thành ngữ Miền Nam có nghĩa là đi nhờ (xe cộ hay ghe đò). Đi nhờ 1 đoạn theo hướng xe đi, chủ xe không phải đổi đường. Quá giang là sang sông, xuất phát từ chính miền đất này, thoạt đầu mang nghĩa đen của nó, là vượt qua sông, dĩ nhiên bằng ghe xuồng. Và trong vùng sâu mang tính địa phương nặng ở đây, bây giờ vẫn còn ý như vậy. Ăn ở tại miền sâu 1 thời gian, người viết này đến nay vẫn còn ảnh hưởng, mỗi lần nghe "quá giang" còn nghĩ đến hình ảnh người nông dân xin đi nhờ qua 1 con sông. Âm hưởng khác, thực tế, mộc mạc mà lại nên thơ dễ mến. Đôi tai này hồ như còn nghe được người thiếu phụ ôm con đứng chờ bên bờ vàm lớn, thấy có ghe qua, xin "Anh ơi! có về bễn lại chưa cho má con em với chú này quá giang được không anh?"
Bên bờ huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Đường cò bay về đây từ huyện lỵ Cai Lậy nằm trên Quốc lộ 1A (thời ngụy là QL4) là 15 km.   Chổ này nếu không có vựa, không trồng, buôn, thu mua, chuyên chở hay trộm trái cây thì không ai rảnh vô đến nơi mà làm gì. Vi đây là miệt vườn! Các bạn vào đây chỉ bằng cách ngoắc xe buýt địa phương hay xe ôm sau khi xe đò Phương Trang nó đạp các bạn ra tại thị trấn Cai Lậy.         
Em thì có thể a-lô bạn là nó ra đón, hoặc ngoắc xe ôm thì nó chỉ đường - GPS thì đừng hòng. Địa chỉ dưới này là siêu lùm xùm, nhưng may thay ai họ cũng biết nhà nhau hết ráo. Nói họ chở cho về nhà anh Sáu Tân con ông Tám chồng bà Chín vườn chôm chôm gần chợ Ba Dừa, nhà mới làm đám giỗ ông Mười Ri hỗm rằm đó, là xong, dưới này coi như đủ thông tin khả dụng. Mà vườn anh Sáu Tân cách đó 7 cây số! "Anh cho bi nhiêu cũng được". Dọc đường muốn giả dạng thường dân thì đía thêm về Mười Ri**. "Ỗng có thằng cháu huyện đội, 84 đi Kam tưởng chết đâu bễn ai dè mới dìa, cõng theo con Miên với xấp nhỏ 2 đứa dìa kêu bằng cố! Hồi Chín Năm ỗng theo rồi bỏ Bình Xuyên, Ba Cụt vậy mà đi tập kết, giải phóng vô mang lon thượng úy, đảng viên đó nghen! Hồi 45 may mà không bị Tâm hùm xám Cai Lậy bắt đi mò tôm... v.v..." 
Nhớ là: 'vườn' phải phát là 'giường', như em ở Cali Mỹ qua, nói 'vườn' là nó biết người lạ ngay. Cả xóm cả chợ, cà xã rồi ngày mai sẽ biết.
Những con đường nhỏ dọc ngang miền đất vườn quanh Chợ Lách, đi cả ngày không hết. Các bạn bây giờ đã nhận thức được, vườn ở đây là không phải cái vườn nhà, vườn hoa công viên vớ vẫn gần chổ các bạn ở, mà là vườn để đối với ruộng, đồng, bưng, búng, rừng hay rẫy v.v... (và phát âm là giường, mới đúng văn hóa miệt vườn 😁)  Ở đây không trồng lúa, không có ruộng, 2 mùa nắng mưa không có được hột lúa nhổ râu***.
Trong mẫu đất vườn nhà anh bạn mời xuống chơi. Dưới giường.
Các bạn tinh mắt thì chắc thấy giỏ càn xé ngày nay họ làm bằng nhựa, nghe.
Chợ Ba Dừa Cai Lậy, tương đối có thể gọi là vùng sâu ở đây, vào bằng 1 hương lộ. Truyền thống gọi 'chợ' là 1 đơn vị tập trung cư dân lập nghiệp, 1 cái làng, không phải 1 cái chợ nơi buôn bán lẽ. "Chợ" là trung tâm xã hội, văn hóa, hành chính và giao thương, giao thông của 1 vùng nông thôn. Không gian đời sống sung mãn của miệt vườn miền Tây ngày nay:
Đi thêm 3 cây số sẽ tới cây cầu nhỏ, trước đây không lâu là phà Ngũ Hiệp qua cù lao cùng tên. Giòng nước này là nhánh phân lưu xa nhất cánh tả ngạn của sông Tiền Giang.
Hình dưới: trên bờ Nam của cù lao là phà Thới Lộc qua tỉnh Bến Tre. Đây thật sự là chiếc đò ngang trong 1 vùng sâu tại khu vực này của miền Tây, vượt nhánh chính sông Mê Kông/Tiền Giang.
Bên kia sông là huyện Chợ Lách, bờ bên này là Cai Lậy. Vé qua phà biểu lộ tánh xuề xòa mộc mạc của nông thôn miền Tây: vé qua sông (bộ hành và xe 2 bánh là 10 000 đồng) chỉ mua khi qua, khi về không có trạm bán vé, có nghĩa vé là khứ hồi. Có qua thì phải có về! Mà như vậy thì người xa đến bến bên đó,  chỉ cần nhờ phà qua sông để đi tiếp thì khỏi mua!
Xuề xòa, thực tiễn, không màu mè: người phụ nữ không cần đồng phục này điều khiển chiếc xe hàng từ phà xuống trong điều kiện nước lớn khó khăn, là tổ trưởng kiêm thâu ngân kiêm cảnh sát giao thông an toàn của bến phà. Không thị uy cửa quyền, không nghe lấy được cả những khẩu lệnh nhưng bản lãnh của 1 vị chỉ huy điềm đạm, hữu hiệu - hay 1 cô giáo cấp 2 chăm nom đàn trẻ. Bản lãnh đặc biêt của người phụ nữ vùng sông nước, sẳn sàng và dư sức gánh lấy nhiệm vụ của phái mạnh lúc nào cần. Ngươi ta nói đia dư phong thủy sanh ra cá tánh con người. Mãnh đất phì nhiêu bên con sông mãnh liệt mà lại rất êm đềm hiền hậu này ắt đã ảnh hưởng đến bản thân những người con như thế này.  

Ngôi chùa tại chợ Ba Dừa tên Đông sơn cổ tự không có sư trụ trì. Phật tử hoan hỷ đóng góp thuê thợ từ Huế vào xây, cũng đẹp. Xứ này liên hệ bà con với vua nhiều, xưa vua Minh Mạng có trên 30 bà thứ phi quê là quanh đây. Chùa có tích xưa cũng hay mà em nghe không nhớ.

Các đặc điểm khác của miêt vườn: không thấy trâu bò như trong cảnh đồng nội trong tranh. Trâu bò không có nhiệm vụ gì ở đây, không có đất dụng võ, và nhât là không có gì ăn. Vì rằng tuy gọi là vườn nhưng thực chất các nơi canh tác cây ăn trái là những cánh rừng nhỏ, cỏ không mọc được - chổ nào cỏ mọc được là đã canh tác cây cao. Heo gà củng vậy, không có thức ăn địa phương cho nó như lúa, cám. Chó mèo: đa số là chó, mèo thì không cần vì không có lúa, khỏi nhờ nó trông vựa. Chuột chắc là ít, có chăng thì có ít rắn nó xử lý. Chim cò không có vì không có ruộng, bưng búng (vùng ngập) cho nó kiếm ăn. Dĩ nhiên không nuôi vịt đàng - thứ con dịch lội chong guộng - cũng vì lẽ trên. 

Chuyên canh ở đây chỉ có dừa phía hạ lưu Bến Tre là chính vì dừa nó không kén đất, hơi mặn hơi chua nó cũng ok không chê. Ở đây người ta trồng đủ thứ, và có thể thay đổi như chong chóng tuy theo thị trường, cho dù cây ăn trái 2-3 năm trở đi mới có thu hoạch. Như lúc em xuống người ta đang bỏ chôm chôm mãn cầu xoay qua trồng măng cụt, sầu riêng.

Hình dưới: sau cùng, đây là 1 chiếc xuồng. Không phải chiếc ghe! Repeat áp-tơ mi: chiếc xuồng! Gần đây có em ở tờ báo mạng lớn, hít bong bóng mơ màng viết rằng thì là...  [chép nguyên văn ... Vậy, xin tò mò thế nào là "xuồng ba lá", tên gọi này do đâu? ...Ở miền Nam có loại ghe tam bản là do nói trại từ "sam" thành "tam": "Sam bản là loại như ván thông, dùng mà đóng xuồng nhỏ nhỏ". Cách giải thích này, đã chuẩn nhưng vẫn cắc cớ hỏi thêm "sam/sam bản" do đâu mà ra?... Với kiến thức hạn hẹp, tôi cho rằng trong di cảo chưa in Mãn họa tùng đình của cụ Vương Hồng Sển lý giải thuyết phục hơn cả, lưu ý, cụ ghi tam bảng: "Các thuyền xuồng và ghe nhỏ gọi là tam bảng (Pháp gọi sapan, mượn của tiếng Tàu Quảng Đông)". [hết chép]

Bá láp. Lôi được tên các cụ Petrus Ký và Vương Hồng Sển vào nghĩ là xong, ai có hiểu hay không, không cần biết. Xuồng là phương tiện thô sơ nhất, chỉ trên bè, không có "nhỏ nhỏ" gì sất. Ba là tam, là 3. Ba miếng ván! Khó hiểu ở cái chổ nào!? Xám pản là '3 bảng' tiếng Quảng, người Pháp viết ra là sampan, đi vào từ điển như thế. Chiếc xuồng đóng chỉ cần 3 tấm ván, hơn 3 tấm gọi là ghe, cho dù "nhỏ nhỏ" đến đâu. Trong hình số 6 các bạn thấy có chiêc ghe bên đường. Ghe có kiến trúc phức tạp cao cấp hơn. Nhỏ có loại cở xuồng ba lá be năm, lớn có thể bằng chiêc xà lan dài 10 mét hay hơn gọi là ghe bầu. Sau này xuồng lớn thì có thể gắn máy đuôi tôm, loại động cơ hai thì nhỏ như Kohler. Khi đó ở đằng lái có đóng thêm 1 miếng gổ dày nhô ra phía bên trái hay phải, đục 1 lổ sâu để đút con cặt của bloc máy nhỏ vô đặng lái cái láp chân dịch. Con cặc Tây gọi là pivot là cái trục xoay chiều đứng.
Phương tiện chuyên chở thô sơ nhất, làm chỉ băng 3 tấm ván, chiêc xuồng ba lá.
Người ta không chèo xuồng, mà bơi xuồng, và không bằng mái chèo mà bằng cây dầm. Mái chèo phải có cột chèo và nó dài và lớn, đầu tay cầm có khúc gỗ ngang để cầm chèo. Ngược lại cây dầm hay mái dầm nó ngắn gọn, gái miệt vườn bị trêu ghẹo thường dùng để phang vô đầu thằng du côn đứng bến. Ra chợ bằng xuồng khi lên bến thì người ta hay xách cây dầm lên theo, đi đâu vào quán kêu ly xây chừng mới gác ở ngoài.

Người ta không đi mua xuồng, mà kêu thợ về đóng ngay tại nhà. Ông thợ này ví như thợ làm nhà vậy, chắc cũng cúng Lỗ Ban, xách đủ thước, cưa, đục, bào, dao, búa, gói thuốc rê với xấp nhật trình (để ve thuôc rê) đến ở nhà chủ luôn, chủ nuôi cơm. Ván gỗ chủ đã mua sẳn.  Thước thi không có thằng cha nào giống cha nào, mà sao hay thật, chiếc nào đóng ra cũng bằng nhau, nghĩa là nếu cùng cỡ. Có 4 cỡ xuồng, là be ba, be năm, be bãy và be chín nhưng kích thước em không biết là bi nhiu. Be ba nhỏ cho 1 đến 3 người, be chín lớn nhất, chăc 5-6 người, Việt Cộng nó dùng chở được cả cây cối 82 như chơi. (Chiếc trong hình là be năm, em không cần hỏi ai, xưa em dùng bơi lên máy bơm chở được 3 thùng nước ngọt về, thùng dạ 40 lít). 

Em 1 thời lại có thêm cái diễm phúc (diễm phúc thật)  được về sống ở Miệt Thứ Kiên Giang - tức U Minh Thượng và Hạ - nơi đất phèn thê thảm không thể nào trồng con khỉ gì được. Rau tươi nhất là rau thơm hành ngò cân bằng vàng. Khi hết hạng bảo hành xử dụng người ta không bỏ mà rì-xai-cơn chiếc xuồng ba lá. Đem nó lên khô, đổ đất vào, chờ mưa và mùa nước ngọt tưới cho mày thật nhiều để rửa phèn rồi trồng hành vào đó. Em đã tận mắt xem thấy nhiều vỏ xuống được xử dụng như trên. Và như vậy đã được đến tận địa phương nơi sanh ra thành ngữ "đem đi trồng hành", dùng để nói một cách thiếu lịch sự tới các loại phương tiện giao thông đáng phế thải. Thành ngữ này đã từ miệt Thứ lên đến đây miệt Vườn, như em có xác minh với người dân ở đây. Khỏi cần xem Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sễn, Sơn Nam v.v... làm gì. Xem blog em nè!😁

Mời các bạn xem thêm về các miệt khác trong blog này, để thấy sự khác biệt giửa các địa hình mang tên khác nhau này. Hình ảnh, nhận xét và cảm nhận của 1 người 2 chân ở 2 thế kỷ, ở 2 thời đại chiến tranh và hòa bình, 2 chế độ, 2 lục địa.


Bài liên quan:    - Miệt Châu Đốc, mùa nước nổi. 

Bài liên quan:     - Đất Mũi Cà Mau

 Bài liên quan:    - Đồng Tháp Mười - Cao Lãnh, Tràm Chim

 Bài liên quan:    Không ảnh các nhánh Cửu Long

🚩 

Phụ chú:

* Là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, người đã mở rông biên cương phía Nam đi quá Khánh Hòa đến Bình Thuận, vào giữa thế kỷ thứ 17, bằng vũ lực. Giữa Đàng Trong và Thủy Chân Lạp vẫn còn vương quốc Champa, và như thế các nơi định cư Mỹ ThoBiên Hòa thế kỷ thứ 17 không liền 1 giải với lãnh thổ người Việt triều Lê, cho dù các tiểu vương Khmer là triều cống nước ta (cho chúa Đàng Trong). Prei Nokor ở vị trí Sải Gòn ngày nay.

* Vào đây (đất Mỹ Tho) từ biển chỉ có thể là qua Cửa Tiểu của châu thổ Cửu Long, không thể nào là cửa Xoài Rạp như quốc sử quán triều Nguyễn viết và các "sử gia" sau này nhắm mắt chép lại. Cửa Xoài Rạp đưa lên sông Đồng Nai, và chỉ có thể vào sông Vàm Cỏ nơi sông đổ vào sông Xoài Rạp, cách cửa biển 12km. Hai hệ thống Vàm Cỏ-Đồng Nai và Cửu Long là cách biệt nhau! Sau này từ Vàm Cỏ mới có thể qua sông Tiền  bằng kinh Chợ Gạo, 1 thứ Panama nhỏ do người Pháp cho đào nối liền 2 hệ thống, 2 vùng Đông Tây.

** Mười Ri: chữ J là chữ thứ 10, thời Pháp trẻ con Nam kỳ đi học đọc là Ri. Nhân vật hư cấu. Ông Nguyễn văn Tâm sau làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam (Bảo Đại) có lúc là quận trưởng Cai Lậy, Việt Minh đặt cho tên là Hùm xám Cai Lậy. "Chính năm" là  9 năm kháng chiến 1945-54, thành ngữ chỉ ai có xuống Miệt dưới mới nghe qua.

*** Người Nam không mấy có râu cầm, chỉ lia chia vài cọng thì nhổ cho nó sạch. Nông dân ngón tay chai cứng thô kệch nên lấy hột lúa, nó nhám, dùng rà lên mặt, trúng sợi râu nào thì lấy 2 ngón tay kẹp lại mà nhổ. Em có thử nhổ kiểu này. 
 
1 -  Các "miệt" của bản đồ Miền Tây Nam Phần. Miệt vườn khoanh đỏ, Miệt Thứ khoanh hồng. Đất vườn không ra tới biển; miền duyên hải đồng bằng Cửu Long là đất bồi, một giải sâu chừng 30 km duyên hải từ Gò Công đến phía Nam bờ biển Bạc Liêu là ruộng, là vựa lúa Miền Nam. (Không phải như nhiều người lầm tưởng Đồng Tháp Mười - khoanh tô xanh bên phải/trên của miệt vườn).

Miền Bắc có xứ, xứ Thanh xứ Lạng xứ Đoài... Miền Tây thì có miệt.

 Mời xem thêm về bản đồ trên này của em trong tranb blog - link này

 2 - Đinh vị thêm: hình dưới chụp từ trên cầu Mỹ Thuận nhìn về xuôi. Đến đây sông Mê Kông/Tiền Giang đã đi hết trên 1/2 đoạn sông vào Việt Nam, và chia đôi lần đầu,  tạo chi lưu các bạn thấy bên phải, là sông Cổ Chiên. Cù lao chính giữa trong chân trời tên là cù lao An Bình tỉnh Vĩnh Long. Cù lao này tận cùng ở biển cách đây chừng 90km. Địa  phận chúng ta đến xem trong bài này nằm trên nhánh sông bên trái, nhánh chính sông Tiền Giang, cách đây khoản 30km. Từ đây về xuôi chừng 60km là miêt vườn, vùng đất Mỹ Tho được nói đến trong hành trình lịch sử của ông Dương Ngạn Địch - không ăn khớp với các địa giới hành chính hiện nay. (Tiếp nối về hướng Nam, hữu ngạn sông Cổ Chiên 1 phần lớn tình Vinh Long ngày nay cũng là miệt vườn).

3 - Lịch sử 300 năm còn non trẻ, nhưng cũng vừa bằng lịch sử định cư đất Mỹ Quốc. Sông Tiền tức Mê Kông và sông Hậu tức sông Ba Xắc trên Huyền Đỉnh, Đai nội Huế. 

Cửu Long trên Huyền Đỉnh, Đại Nội, Huế

Chả hiểu các mệ ở Kinh Sư định hướng ĐTNB ra sao mà Tiền Giang đây là ở dưới. Cho là khi xưa nhiều dư đồ vẽ hướng Bắc là bên tay mặt thì dựng đứng hình này, sông Tiền phía Đông là đúng, nhưng mà nơi 2 giòng nước phân ra đây là đâu? Hai giòng sông tách nhau ra trươc cửa ngõ Phnom Penh, khi đến biên giới Việt Nam cách nhau khoảng 10km. Cửu Đỉnh được đúc dưới triều Minh Mạng, mà lúc này Nam Vang Tây Trấn thuộc nước Đại Nam triều Nguyễn. Vị trí này chỉ có thể là Nam Vang. Sau cùng các mệ cũng không biết là sông Bassac/Hâu Giang khi từ sông Mekong tách ra là rất nhỏ, trên không ảnh Google chỉ dưới 1/4 sông Mekong/Tiền Giang.

 

 🚩


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét