Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Cực Nam!

Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  


Cuối chuyến đò dọc là ngôi chợ cực Nam đất nước. Để định vị xin bạn đọc mở Google Maps và chỉ về Mũi Cà Mau với hình vệ tinh, mở thật lớn sẽ thấy nhiều điều thú vị lâu nay trong tầm tay của các bạn mà không biết từ góc nhìn sát đât nó ra thế nào. Nó ra thế này:


"Chợ" ở địa phương này không chỉ là nơi họp chợ buôn bán - có giờ giấc - mà là toàn thể cụm gia cư và quán xá, kho hàng, bến tàu, nhà nghỉ, (làng, xóm, huyện lỵ v.v...) nay gọi chung là thị trấn, là đơn vị tập trung dân cư nhỏ nhất như ở đây.

Nơi họp chợ buôn bán luôn luôn là ngay bên bến tàu, nơi hàng hóa được mang lên xuống và khách trong vùng đến cột ghe tàu, lên bộ mua hàng gia dụng hay nông cụ nông sản hay ngư cụ, hay trao đổi sản phẩm thủ công làm được tại nhà, hay nông sản từ vườn nhà mình.
"Ở đây có bán khô ba sa"
Từ 1 góc nhìn trên khô nhìn cũng không khác gì một thị trấn nhỏ khác trên toàn quốc nhưng đây là vùng 'rất' sâu, 'rất' xa. Một điểm đến tận cùng chứ không trên 1 con đường đi qua đâu, 1 điểm mà ít ai ngay cả trong dân số người Việt trong nước sẽ đi đến.

Ở vùng sông nước chỉ có vườn hay ruộng với vườn nào nhà nấy, và chợ. Không có thôn, xóm, làng hay thi xã thành thị. Trong kinh tế thị trường và đời sống kinh tế năng động sung mãn hiện nay nhà nhà đều lợi dụng giao diện mặt bằng gần đường lộ - tại đây là đường nước - để kinh doanh buôn bán lẻ 1 vài sản phẩm. Từ đó có nên những "dãy phồ" đầy hoạt động, cung cấp từ viên thuốc Tây đến món hàng lạc xoong, chiêc SIM điện thoại hay cái quạt máy, gói bột ngọt hay hộp xà phòng.
Một nơi họp chợ theo truyền thống cố hữu của vùng sông nước, với nhà lồng là trung tâm kinh tế văn hóa chính trị của chợ - chữ 'chợ' này là xóm nhà (làng, thị trấn) có kinh tế thương mại đổi chác trọng yếu cho 1 địa phận tương đối lớn, thường là ngã ba sông hay kinh có giao thông đi các 'chợ' lớn hơn và 'thành' - thành thị. Nhà lồng là do từ dạng nhà giống cái lồng chim.

Tiện đây người viết xin chen vào 1 nét văn hóa hiếm ai không ở vùng sông nước biết được. Thời đầu thập kỷ 1980 em đến ở và làm việc tại 1 chợ tương tự bên tình Kiên Giang, phục vụ 1 khu kinh tế mới gần đó.
Các bạn có thường nghe qua thành ngữ rất thông dụng mọi nơi là 'thả dàn' (hay 'thả giàn') và 'thả cửa' không. Nó xuất xứ từ đây.

Một hôm có 1 gánh hát, đến chợ trên 1 đoàn ghe bầu lớn. Các gánh hát nổi tiếng thời đó hay trươc nữa  trên tỉnh thành đều có dành thời gian đi hát dạo ở vùng sông nước, thường là quê của các đào kép hay bầu gánh. Hùng Cường, Bạch Tuyết, Út bạch Lan, Dũng Thanh Lâm và những đồng nghiệp của họ, đều nổi danh trên áp phích Sài Gòn đều đã có qua giai đoạn này. Có gánh ít nổi tiếng hơn nhưng tên tuổi dào kép khi nào cũng được lan truyền đi trước cùng khắp Miền Tây, và lịch trình và lộ trình đều được dân chúng truyền miệng trước 1 thời gian rất lâu trong chờ đợi hào hứng. 
Trong các chiếc ghe bầu đó có chiêc dùng chở giàn giáo sân khấu cho đòan hát. Họ phải gánh các thứ đó xuống qua chiếc đòn dài như các bạn thấy trên chiếc ghe bầu hình trên và đem vào trong nhà lồng dựng lên, sân khấu và quan trọng nhất là giàn phên tre và tấm tôn vây quanh nhà lồng tạo thành 1 rạp hát nhất thời. (Thời gian đoàn hát lưu lại chợ thì bạn bán hàng phải họp trước sân chợ) Giàn phên tre hay tôn có trang trí này làm vách tường bên trong có ghế ngồi hay không và sân khấu, có cửa 2 cánh cho khán giả mua vé vào xem.
Tục lệ là khi gần hết tuồng hát chừng 15 phút, khi vở kịch đi vào hồi cuối, công chúa hoặc sấp chết hoặc sắp gặp lại hoàng tử, thì gánh cho hoặc mở cửa rạp - thả cửa - hoặc gỡ giàn phên tre vây quanh nhà lồng - thả giàn - cho người không mua vé được vào xem tự do, mong họ thích thú và mua vé vào xem đêm mai.
Đấy là lối quảng cáo cố hữu của các gánh hát Miên Tây đến trình diễn tại các chợ vùng xa sông nước. Từ đó thằng viết mới thấm ý được 2 thành ngữ trên, và biết rõ ràng xuất xứ của chúng, trải nghiệm có một không hai cho 1 thằng người Viêt Nam còn sống và còn dảy dụa vào đầu thế kỷ thứ 21.
Đấy các bạn biết được 1 món tự vị độc đáo rồi đấy. Tại sao lại gọi gánh hát,  tại sao người Nam gọi rạp hát thay cho rạp chiếu bóng, thả giànthả cửa. Và sự cố trai gái chợ bỏ theo gánh ("fans" trốn cha mẹ leo lén lên ghe 1 buổi sáng gánh nhổ neo, xin theo phục vụ gánh hát không công vì mê đào mê kép, mong được việc làm gần đào kép, hay học nghề trình diễn) thì chính em, người viết đã thấy xẫy ra, khi một sớm mai có cha mẹ chạy khắp chợ hỏi lớn "Trời ơi có ai thấy con Sáu nhà tui nó đâu rồi không?" và được người trả lời đại là "Hỗng chừng nó theo gánh rồi Bà Tám ơi!". Ở Mỹ cũng có một hiện tương giống hệt gọi là groupies, thanh niên nam nữ miền quê bỏ nhà theo gánh hát (groups, bands) vào thời buỗi hippies để đươc sống gần đào kép mà ngưỡng mộ và làm việc không công cho gánh. Mấy thanh niên đó tên là groupies.
Sơn đông mãi võ đi ghe đến bán thuốc Bắc trước chợ, múa võ biểu diễn, làm ảo thuật để quảng cáo [dắt con trâu chui qua ống tre!], thằng viết cũng đã từng trải nghiệm qua.

Ngay tại bên nhà lồng chợ có sẳn xe gắn máy cho thuê. Hay là, cho những thằng già ba-lô như em thì thuê bác xe ôm. Đi thăm khu Bảo tồn thiên nhiên đất mũi (UNESCO  Nature reserve), thành lập ngay quanh nơi đặt cột mốc địa dư.


Thằng tiến miếng đất cực Nam bản đồ.
Chổ ấy chỉ cách chợ Đất Mũi độ 5 cây số, 15 phút xe honda trên 1 con đường nhỏ bên giòng kinh nước mặn giữa khu rừng tràm đước. Những con đường nổi là do từ đất đào con kinh kia lên mà đắp, từ 1 mặt bằng tương tự như trong hình đầu tiên trên cùng trang này, mà cao độ là không quá con nước cường triều lớn nhất trong năm. Đây là đặc trưng địa hình vùng đất bồi đã được con người tạo thành trên hầu như toàn lãnh thổ Miền Tây - ngoại trừ những nơi gò đất cao tự nhiên, nơi đó có chợ lớn nhỏ, như Vị Thanh, Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Sa Đéc v.v...

Cây cầu bắt qua kinh Rạch Tàu đoạn cuối đưa ra của biển


Đi vào khu bảo tồn (Bảo tồn thiên nhiên thế giới UNESCO, Vườn Quốc Gia) Đất Mũi. Cổng nhỏ thâu 1 phí tượng trưng. Đây là tận cùng thực tế của 1 con đường khô đi được từ QL1 (nay chấm dứt ở thành phố Cà Mau thay vì ở biên giới Miên như trước 1975), cho dù khuc cuối từ Năm Căm trở xuống là khá nhỏ, xe tải không thấy dùng được. Đã có nhiều người dùng xe du lịch nhỏ hay van hay SUV để đến thằng Đất Mũi nhưng nói chung du lịch khu vực này hiện nay it người chiếu cố. Hôm nay thì chỉ có cặp sinh viên trẻ phượt xe honda và 2 chiêc xe van chở 1 đoàn người lớn tuổi hơn có vẽ là người địa phương gần. Nói chung là người du lịch như thằng viết là 1 thứ sinh vật khá hiếm - câu hỏi "Chú đi có một mình hả Chú?" là thường được nghe.





GPS trong smartphone ghi thời điểm lịch sử của em. Hôm nay 2 năm sau khi đã tới mũi đất tận cùng phía Bắc là Trà Cổ Móng Cái, em đã đặt chân đến Land's End South, doi đất cuối cùng phía Nam hình chữ S.




Tại mũi đất nhô ra biển cuối cùng này đang có hiện tượng biển lấn. Đây là 1 con đê bao bọc 1 mặt bằng lớn quanh mũi. Có thể nhìn thấy ở đây mặt nươc phía ngoài đê cao hơn vùng đất bùn bên trái phía trong đê.

Phía trong đê đang được trồng rừng tích cực.


Về phía Tây của con đê thì cùng lúc này phần bên ngoài mặt đất phù sa lúc này cũng trên mặt biển, các bạn có thể nhìn thấy cổng đập nhỏ đang được để mở. Nước lên: đóng, nước rút: mở.



Thật ra vào tháng 6 năm 1983 em đã đi qua eo biển này 1 lần rồi, vào khoãng 7 giờ sáng 1 ngày trong tháng 6 năm đó, giữa Hòn Khoai thấy trong hình và mũi đất này. Hì. Trên 1 chiêc thái lan dài 12 mét chở 77 người. Bốn ngày sau sáng hôm ấy em đã đáp vào 1 bãi cát trắng trên bờ biển phía Đông xứ Malaysia. Hì.








Nếu không có sự can thiệp của con người thì đây là thực tế đất Cà Mau. Nền đất phù sa đang chuyễn hóa từng ngày, không bao giờ ngưng từ nghìn năm, khi thì được tạo thêm, khi thì bị soi mòn.



Một giai đoạn cải tạo đất bồi mũi Cà Mau bằng cây rừng ngập mặn, đây là cây đước. Những luống dài được bồi lên tạo chổ bám tạm thời cho rừng cây nước mặn. Về sau sẽ là đất khô nhưng ngay bây giờ rừng đước cũng đã là 1 tài nguyên, sinh quyễn vùng ngập mặn cũng là thủy sản đa dạng và ích lợi.
Ở chợ Đất Mũi
Tối nay về Cà Mau em sẽ kêu cơm trắng ăn với cá kèo kho khô ớt bột.
Khi đi Việt Nam bà con nhắc em cẩn thận về chuyện ăn uống. Tốt nhất là đừng ăn gì hết, hay vào McDonald hay Burger King mà ăn.
Con cá em ăn ở Mỹ là cá đông lạnh, có con tươi nhất là 3 tháng, có con hơi bị lâu là gần 1 năm từ Thái Lan hay Việt Nam. Miếng burger em ăn là thịt bò từ 4, 5 nước Brazil, Uc, Tàu, Mỹ v.v... xay chung lại với nhau, các con bò em ăn cùng 1 lúc, bước chân cuối cùng của chúng trên cõi dương là trước khi em ăn chừng 6 tháng đến hơn 1 năm. Thịt con heo Mỹ từ Delaware qua hăm mí trạm kiểm soát xe tải trên quốc lộ xuyên bang Interstate và về kho, ở đó đến, gần là 3 tháng, lâu là... lâu lắm. Trái cây em ăn kể cả trái chuối, họ hái sống cách đó 3 tháng đóng thùng.

Ở Viêt Nam con gà em ăn nó còn tục tát cách đó vài giờ, con dê cũng thế mặc dù nó không tục tát. Con cá còn lội mạnh giỏi chừng 2 giờ trươc khi em ngồi vào bàn.
Thế mà ăn uống ở Việt Nam lại không lành mạnh  bằng ở Mỹ!?

Ờ ờ ờ....!?
Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét