Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Về Cà Mau

Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  


Chưa từng bao giờ đến chính ngay đất Cà Mau, tại sao người viết không thể nào nói "đi Cà Mau" được, là một điều lạ. Phải chăng là Người Việt Nam, bất kể từ đâu đến, toàn cõi nước Việt luôn là nhà, là quê. Là cội nguồn, là chốn trở về.

Rạng đông của một ngày mới.
Trong tiềm thức người viết cho đến đêm trươc khi đến Cà Mau, thị xã này là 1 "chợ" đất nổi ở 1 ngã ba sông giữa 1 vùng nước ngập xa xôi. Quận lỵ Quản Long trong tỉnh An Xuyên. Cho dù trong 1 thời đã có đến sống nhiều năm tháng tại 1 vài nơi chỉ cách đây 1/2 ngày đò dọc như Vị Thanh, Gò Quao, Rạch Sỏi, U Minh Thượng, người viết cũng khó mường tượng 1 thi xã tên là Cà Mau giữa vùng đât không ra đất, nước không ra nước này.
Cà Mau hôm nay là 1 thành phố dường như không thua gì 1 Cần Thơ của thời 1970 với dân số chừng 300 nghìn người. Chỉ 1 trong 4 hộ dân là cư dân gốc của địa phương thời chiến tranh trươc 1975, 3/4 dân số là người đến định cư sinh sống sau ngày hòa bình trở lại (và người chưa sanh năm 1975!). Có nghĩa là điểm dân cư này hôm nay bằng 4 lần lúc năm 1975 - tính toán luôn số người đã bỏ ra đi vĩnh viễn.
Cho nên có biết quận lỵ Quản Long khi xưa thì cũng không thể nào biết được Cà Mau ngày nay.
Nhịp sống giữa vùng sông nước này thì thằng viết đã quá quen thuộc, và di chuyễn bằng đò thuyền hay phương tiện nhỏ hơn nữa đã là như 1 thói quen. Ngôn ngữ và văn minh nước vùng cực Nam chỉ cần đôi mươi phút tiếp cận là trở về trọn vẹn, đến nỗi ai cũng nghĩ rằng hắn là đứa con đi xa trở về.
Vì rằng trong số người dân cơ hữu của quận lỵ Quản Long khi xưa mà khoảng 1/2 đã vượt biên đi xa, những hộ còn lại hầu hết là có gia đình ở hải ngoại.
Khi dọ hỏi con đường về Đất Mũi, miến đất phù sa cực Nam nước Việt Nam, được biết có đường nhựa và xe đò xuống đến Năm Căn và từ đó có đò về Chợ Đất Mũi, Rạch Tàu. Một cách đi khác là lấy tàu đò từ ngay Tp Cà Mau đi thằng đến đó. Thằng viết với kinh nghiệm đi lại vùng nước này không do dự gì mà chọn đường tàu đi thằng tới đó, nhất là sau khi biết là nhờ may mắn bến tàu cao tốc đi Đất Mũi ở ngay chân cầu (mới) Cà Mau ngay bên cạnh khách sạn, tại Phường 7 này. [ Ai chọn đi xe đò về Năm Căn cũng sẽ phải bắt chính con tàu này để đi tiếp về Rạch Tàu. Một số người lên tàu tại Năm Căn mới hiểu ra điều này! có nhiều người sinh ra lại sợ nước! ]
Đi bằng đò mau, êm và là 1 trải nghiệm có 1 không hai, trên toàn thế giới không đâu có. Hòa mình vào 1 nhịp sống dân tộc mà chính nhiều người hay đa số người Việt đang sống trong xứ hiếm có ai trải qua.
Những bao nhựa trong các bạn thấy đó là tôm khô vừa về theo các chuyến đò sớm từ vùng sâu.
Tàu đò đến sớm từ các nơi, chợ lớn nhỏ xa gần, xa nhât là bến Rạch Giá, Vị Thanh. Những tuyến đường nước mà, lạ thay, nghe lại khá quen thuộc với thằng người Việt kiều đến từ Los Angeles, California trong niên kỷ 2016. Thân trai mưới hai bến nước.
Rốt cuộc, tít post là "Về Cà Mau" cũng đúng thôi. Đò đi qua bến có người ngoắc thường hỏi khách "dìa đâu?" thay vì "đi đâu?"
Chiếc tàu này không nhỏ, chở chừng 30 người và hàng nhẹ trên mui. Là nối tiếp truyền thống những ghe tàu bề dài tương tự bằng gỗ với 2 dãy nghế ngồi, chạy máy đuôi tôm cũa những năm "bao cấp" - hiểu nghĩa là stalinist - cho đến thập niên 1980. Nay làm bằng composite, một danh từ viết và đọc mà ai ai vùng này nay cũng hiểu.
Thời 1980 là giỏ lãi chạy máy đuôi tôm, chậm thua nhiều và chỉ có 2 hàng ghế dài nhưng hình thức và nét võ bên ngoài cũng hơi giống như bây giờ. Thời gian chừng 2 năm công tác ở U Minh Thượng và vùng sâu Kiên Giang là huyện Gò Quao từ trong năm 1979, người viết đã xử dụng phương tiện này ít nhât mỗi tháng 1 lần, có khi trên những đoạn đường rất dài như Kiên Giang-Cần Thơ. Đó là những dịp về Sài Gòn gọi là để "công tác", "báo cáo" nhưng thực chất là tiếp tế cho gia đình 1 ít gạo và thực phẩm khác như mỡ heo, mật ông, khô cá tôm trong thời buổi ngăn sông cấm chợ.
35 năm qua và 1 vòng trời đất, trở về chốn cũ. Đúng hơn là, môi trương không gian cũ, chính đất Cà Mau thì lần này là lần đâu đến thăm.

Cuộc sống nay đã trở về thói quen trăm năm và con người đã bắt đầu vươn lên lại trên vùng đất kỳ diệu này.
Mùi nước bay trong làn gió ven sông, tiếng máy Kohler xa gần, hình ảnh chiếc giỏ lãi lướt qua trươc nền dãy nhà cừ trên bờ kinh bùn bừng lên trong nắng mới như 1 đoạn phim mới tân tạo màu sắc âm thanh, quay lại 1 thời tuổi rất trẻ hơn. Đời qua như giấc mơ.
Tiếp tế xăng dầu.
Rời bến Cà Mau. Thời gian đi tàu là chừng dưới 4 tiếng đồng hồ.
Qua cầu Gành Hào vào sông Gành Hào 1 đoạn ngắn rồi vào 1 con kinh lớn, rẽ vào nhưng sông lạch, kinh nhỏ thua để qua Đầm Dơi, Cái Nước rồi vào 1 kinh nhỏ qua Sông Cửa lớn đến Năm Căn. Thời hậu chiến có 1 vài anh em bạn học người viết cùng "được" đi công tác kinh tế mới vùng nước này, người viết thì xuống bến phía trên kinh chừng dưới 1/2 ngày đường. Vào thời đó đây là tận cùng của vũ trụ. Ngay cả người tìm đường vượt biên cũng không xuống vùng này mà tìm!

Thời đó - không xa -  nhịp sống và văn hóa mang tính chất địa phương cô lập cao độ, một phần do từ chiến tranh - "9 năm" và nội chiến từ 1954 đến 1975 - chia đôi 2 vùng quốc cộng, một phần sau chiến tranh lại do chính sách ngăn sông cách chợ khá điên rồ tai hại của bên thắng cuộc. Lúa gạo ăn không hết để nuôi gia súc, cá tôm câu lên ăn phải thả bớt. Ong dời tổ bay đen trời như mây che bóng thái dương. Trâu bò và cả con gà tối phải nuôi trong mùng.
Số ít đường lộ khô đi được thì phần lớn ngập nước trọn mùa mưa. Toàn bộ vận tải quốc doanh thu mua lúa gạo thịt và dưa khóm, tôm, cua cá, mắm, đước, tràm, than, củi, lá dừa là bằng hệ thống đường sông lạch này. Một hệ thống giao thông hữu hiệu nhất đã được các Chúa Nguyễn quy hoạch triễn khai, các đời sau bổ túc và bảo quản từ gần 400 năm nay.
Tiện nói về "9 năm" thì xin chia xẻ cùng bạn đọc 1 vài nét văn hóa địa phương có 1 không hai này.

Bạn đọc có biết là người Việt ta không nên nói "bán nước" (hay mua nước) khi nói đến việc dùng tiền mua nước ngọt về để dùng không? Trên vùng nước 1/2 năm là nước mặn lợ và 1/2 năm là nước phèn (cũng không dùng nấu ăn được) người dân trong các tháng mùa khô không có nước mưa để dùng phải dùng nước ngọt từ thượng nguồn Cửu Long hay từ các chợ có giếng mang về bán. Và phải mua từ những chiếc ghe, khi xưa là ghe bầu lớn làm bằng gỗ, cả hầm ghe là 1 thùng chứa nước. Nhìn vào trông như những chiếc ghe đang vô nước sắp chìm.
Vào thời 9 năm kháng chiến chống Pháp từ 1945 đến 1953 gọi là "thời Chín năm", "bán nước" nghe nó không hay mấy, nói nhẹ là vậy.
- Thằng Tư ráng này làm gì hả Tám?
- Nó lái ghe bán nước.
- Bán nước!!? Trời đất quỹ thần! Bây đâu trói thàng Tám cho tao! Tối nay thằng Tư về bây đem nó ra bắn làm gương cho tao. Cho nó đi mò tôm tối nay làm gương! Đồ bán nước!
Sau khi đã mang bắn oan 1 số đáng kề thì quân dân ta mới thây hỗng phải mấy. Bèn nghĩ ra động từ "đổi nước" để thay cho "bán nước". Thế nhưng người đi mua nước cũng còn rụt rè nên chưa dám nói là "mua nước" và phải dùng chung động từ 'đổi nước'.
Đâm ra mua hay bán, nó hơi bị lộn xộn cho đến nay - năm 2016 vì Miên Tây và cả Đông Dương đang bị hạn hán năng nhất từ 100 năm nay dịch vụ đổi nước đang trờ lại, thằng viết nghe được vậy ở quán cà phê kéo ghế. Ở Cà Mau, năm nay.
"Đổi nước" hay "khạp da bò" là những tiếng thổ ngữ bạn đọc có thể nghe vướn tai nhưng đối với thằng viết thì tiếp thụ rất trơn tru, vì quá quen thuộc cho dù không nghe đến đã trên 1/4 thế kỷ, cọng 10 năm.
Nước ở miền này đựng trong những chiêc lu gốm, tráng men màu da con bò, đồng bộ khắp vùng. Khạp là cái lu đất có nắp, không có nắp gọi là... lu, thường là lớn hơn khạp. Khạp nhỏ bằng dạ lúa, lớn nhất đựng được 200 lít. Ghe đổi nước lên thượng nguồn Cửu Long có khi tới Châu Đốc, hay đến các 'chợ' lớn nơi đó có giếng đóng lấy nước ở 1 biển nước ngầm nằm sâu dưới đông bằng Cửu Long.
(Việc rút nước ngầm này hiện nay vì nhu cầu của 1 dân số quá lớn đang góp phần làm nhiều vùng đất phải sụt lún)
Miên Tây sông nước còn nhiều nét văn hóa đặc trưng khác đầy màu sắc mà chỉ có về ở lâu dài mới thưởng thức được. Cười hết biết.
("Hết biết" là bất tỉnh nhân sự, ngất xỉu, hết biết trời đất gì nữa ráo).



Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét