Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Gáo Giồng, Cao Lãnh


Người viết đến Tràm Chim Tam Nông lần thứ 2, trên đường từ Châu Đốc trở về Sài Gòn. Ngày đến là 12 tháng 12, 2017. Lần này vượt Tiền Giang không ở Vàm Cống mà tại Hồng Ngự. Từ Hồng Ngự về  Tràm Chim  thuê bao 1 chiếc taxi, chừng dưới 40 km, giá cũng phải chăng.
Chương trình từ ngày xuất phát từ thị xã Hà Tiên sau chuyến ra tham quan quần đảo Hải Tặc: thuê bao taxi lên Châu Đốc theo đường N1. Trên đường ghé thăm nhà mồ Ba Chúc. Thăm thị xã Châu Đốc lần thứ 2 trong năm 2017. Thuê bao xe taxi đi Hồng Ngự từ thị xã Châu Đốc. Từ Hồng Ngự đi Tam Nông. Thằng viết di chuyển thân 1 mình, lối đi khám phá tìm hiểu bắt buộc. Một ba lô, 1 túi xách tay, máy hình. Hỏi thăm tại mỗi nhà nghỉ, khách sạn để đi đến trạm dừng chân kế tiếp mà thôi. Đến đó sẽ lên phương án đoạn tiếp, cố giữ đúng chương trình (thời gian) càng sát càng tốt tuy có thể ở lại 1 nơi nào thêm 1 ngày nếu thấy thích hoặc cần. Vốn tài chánh lúc nào cũng tính rộng ra 1 tí, thật ra di chuyễn và trú ngụ không là bao nhiêu. Thời gian mới chính là vốn quý, lúc nào cũng cảm thấy hơi thiếu. Phương tiện di chuyễn cùng khắp nước Việt Nam chưa lúc nào là gặp ngõ cụt. Khi nào cũng có, mà lại còn nhiều lựa chọn.  

🚍

Cánh đồng Đồng Tháp Mười bên đường từ Hồng Ngự qua Tam Nông.

Hình dưới là cánh đồng mới vỡ nhìn từ tầng cao nhà nghỉ bên con đường làng gần chợ Tam Nông. Nơi đây em đã ở lại vào mùa hè cũng năm nay. 
Địa thế này là địa thế ruộng 3 vụ. Trước đây là đất ngập mỗi năm khi mưa về. Nay đã qua nhiều năm cải tạo đất và thủy lợi là đất không còn bị ngập khi mưa mùa xuống, thêm nước sông Mekong lên, tức mùa mà thổ ngữ gọi là mùa nước nổi. Chỉ cần nhìn các cụm đất vườn chen kẽ, có cây trái không chịu nươc ngập là biết. Đơn giản thế thôi, không cần biết là tháng mấy và vụ mùa nào (cái đó phải hỏi người dân). Khí hậu, ngày nắng, và nếu chế ngự thủy văn thì dưới này canh tác vung vít thoải mái quanh năm được. Cái hay của Miền Tây là thế!
Trước đây một phần lớn diện tích này phải ngưng sản xuất 3 tháng mỗi năm nhân mùa nước nổi [link], tức chỉ đủ thời gian cho 2 vụ mùa. Nước nổi không như đa số người lầm tưởng, là không phải mùa cá lội đầy đồng, thủy sản tự nhiên trời cho tràn về ê hề, làm nên lợi tức to lớn cho Miền Tây. Cái chuyện đó là thổi phồng thôi. Tưc nhiên cá lội lên vùng ruộng ngập ăn lúa và côn trùng, có còn hơn không, có nơi có chút lợi tức lúc mùa mưa lụt, kham khổ không việc gì làm, nhưng không bao giờ là nguồn lợi tức lớn. Nghề nghiệp của người nông dân là làm nông, làm lúa, không phải tát ba con cá đồng ăn, lùa ba con vịt bán mà trù phú được.
Theo tài liệu ghi chép, cho tới rất gần đây vùng Đông Tháp không thể nào có diện mạo như thấy trong không ảnh này được. Mà là 1 vùng cấm địa mênh mông, rừng tràm chổ nào không là vùng cỏ năng nước ngập thường trực chen kẻ, không kinh rạch dọc ngang và tức nhiên không đường xá giao thông. Nươc lên các cum dân cư cô lập, không tiếp liệu, lương thực, trâu bò phải lùa lên vùng khô ăn cỏ. Heo gà thôi đùng nhắc đến, vịt thì may ra.
Một vùng khá hoang sơ, thuận tiện cho mật khu kháng chiến, "bưng biền". Cho đến mãi những năm hậu chiến mới bắt đầu được khai thác quy mô, với muôn vàn khó khăn - nhất là trong thời gian cái gọi là "thế giới tự do" bắt tay với Trung Quốc và Khmer Đỏ vây bủa trù dập. Thanh niên xung phong là đội người lao động kham khổ chịu đựng nhất còn phải than tới trời. Đồng Tháp Mười còn là nơi "giới" lao cãi được đưa về thi hành án - đừng hỏi làm sao em biết. Miền Tây vùng nước ngập không phải là thiên đàng của nông nghiệp, từ thời mở nước chưa bao giờ là "vựa lúa" của Việt Nam. Cho đến rất gần đây, nhờ 1 phần lớn vào việc cải tạo địa hình địa lý và thủy lợi, đấp đê ngăn "mùa nước nổi". 
"Mùa nước nổi" nghe vậy chứ nó không có thơ mộng, cãi lương gì đâu các bạn nhé, phải ở qua rồi mới biết. Và "Miền Tây nay hết còn mùa nước nổi vì Tàu - Chệt, Khựa - xây đập giữ nước" là chuyện tuyên truyền bịp bợm.
Một khía cạnh khác mà các bạn trẻ thế hệ hậu chiến nên biết, là trước đây cư dân các vùng Đồng Tháp và tương tự, phía bên Châu Đốc, hay lên vùng giáp Mõ Vẹt là Kiến Tường Mộc Hóa, rất là thưa thớt. Rất. Các bạn trẻ hiểu 'hoang sơ' là thế nào, thì ở đó    hoang sơ đấy.
Em không phải là Sơn Nam nhưng khi nào rảnh em sẽ kể tả chân những ngày tháng em ở 1 vùng như vậy, gần đây thôi. Em cam đoan các bạn sẽ thích thú, và ngạc nhiên nước nhà đã đổi thay đến thế.

Không ảnh hiện đại từ Google Maps: đường tỉnh 844. Bắt đầu tại bờ Tiền Giang ở bến phà An Long Tân Quới và đi tắt qua Tân An về Sài Gòn rất gần, nhưng chỉ là đường tỉnh nên còn hẹp và ít xe  công cộng như xe đò xe buýt. (Các đường xe đò từ Hồng Ngự về Bến Xe Miền Tây đều vòng khá xa hơn xuống Cao Lãnh qua Sa Đéc về Cai Lậy mới trở lên). Nếu bạn đi Tràm Chim từ Sài Gòn, phượt bằng xe gắn máy hay đi xe hơi riêng thì đi tuyến này, chỉ chừng trên dưới 3 tiếng. Con lộ tỉnh 844 nối dài với Tỉnh Lộ 829, rồi QL62 đến Tân An là 1 đường thẳng xuyên ngang xem như trọn vùng gọi là Đồng Tháp Mười của Miền Tây Nam nước ta.
Khu màu đậm phía trên là vườn quốc gia Tràm Chim, Gáo giồng là 1 điện tích rừng tràm tương tự nhưng nhỏ thua nằm ngay giữa vùng đồng ruộng rộng lớn, chỉ 1 lối vào  xe hơi đi được thì lại bắt đầu từ thị xã Cao Lãnh. Từ thị trấn Tam Nông ngay góc ngã 5 trên hình nếu xuyên ruộng thì khoãng cách sẽ còn lại 1/3.
Hình dưới là tỉnh lộ 844 xuyên ngang qua tỉnh Đồng Tháp, hướng về Tân An thẳng 1 đường. Vắng thôi. Con đường xanh. Mỹ nó gọi đường làng không phải là xa lộ là 'blue highways' (vì trên các bản đồ nước Mỹ xưa thời 1960 đường làng có màu xanh).
Bác xe ôm nhận thấy em cũng thuộc loại bụi có bằng nên đề nghị em đến Gáo Giồng theo tuyến này. Đi 1 đoạn tỉnh lộ 844 như thế này khỏi Tam Nông (xoay lưng với Tràm Chim) thì chúng em rời mặt đường...

... xuống đi như thế này giữa các cánh đồng. Theo những đường đê cạnh những con kinh dẫn nước hay tháo nước. Các bạn trung niên hay đau lưng đau khớp thì đừng nhé.
Quản lý địa phương nên kiểm soat các vụ đốt rẫy như thế này vì nguy cơ cháy than bùn ngầm rất ghê gớm. Đã có những vụ cháy than bùn tại vùng rừng tràm Cà Mau cháy suốt qua nhiều năm, cháy ngầm hết sức nguy hại và tàn phá môi trường dữ dội. Cháy rừng tràm vùng bán đảo Cà mau đều có nguy cơ cháy xuống than bùn, cháy cách mặt đất chừng 5 mét, mỗi ngày có thể lan đi 1 mét. Mặt đất - canh tác hay cư ngụ - đều phải sơ tán, trong những thời gian rất dài, đất sụp lún 5 mét chỉ còn 30cm. Con người chưa có phương pháp nào dập tắt cháy ngầm một khi đã khởi cháy. Bên Tàu, bên Nga và nhiều nơi trên thế giới đã và đang có những vụ cháy ngầm, có vụ đã cháy trên mấy chục năm mà chưa hết. Cháy than ngầm có vụ đang cháy mấy nghìn năm (ở Úc Châu có núi từ năm 4000 trước công nguyên), xem link (than khô), tại Mỹ bang Pensylvania có vụ cháy từ 1962 chưa dứt. Than bùn thì là nền tảng vùng phía Tây Nam và cực Nam của Nam Bộ, cũng là nền của phần phía Đông tam giác Sông Hồng (Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hạ Long)

➽ https://motherboard.vice.com/en_us/article/vvbpxy/climate-change-is-about-to-start-the-worlds-longest-burning-fires
➽     http://wildfiretoday.com/2010/08/20/peat-fires-101/

Lề lối canh nông hiện đại ngày nay, trên toàn thế giới đã cảnh báo không được đốt đồng ruộng bao giờ nữa, nhất là đốt gốc rạ. Không có lợi gì như người ta tưởng mà lại làm yếu đất, ô nhiễm môi trường còn sinh thêm bịnh đường hô hấp cho nông dân và thành thị. Các làn khói trên đồng ruộng thơ mộng nay là dấu hiệu của 1 lề lối canh nộng lỗi thời phản khoa học, đem lại năng xuất kém và ô nhiễm, hại sức khỏe con người.
Các bạn thấy bìa rừng trong xa, đó là khu sinh thái Gáo Giồng.
Cũng còn may là TPP đã loại Mỹ ra (hay là Mỹ vì dốt mà đã tự loại mình) chứ nếu nhắm mắt ký vào những điều khoảng gọi là "intellectual property", quyền sở hữu tài sản trí tuệ (và sức mạnh tài phán tư pháp quốc tế kèm theo) của nó thì sớm chiều những vùng ruộng lúa mênh mông này sẽ là nạn nhân của nó. Hay là tài sản của nó luôn không chừng. Đừng hiểu sơ sài sở hữu trí tuệ là bản quyền ba cái phim ảnh và nhạc hip hop vớ vẫn, hay bí mật công nghiệp mới gì mà cả thế giới sẽ tự tìm ra tới đây thôi, mà phải chú ý bản quyền hạt giống GMO nhân tạo, phân bón, thuốc sâu và những sản phẩm canh nông lương thực khác, là chính, là bạc tỷ mỹ kim. Sức mạnh công-nông-nghiệp Mỹ là khủng khiếp vô cùng, một thằng như Monsanto có thể lật đổ chính phủ của những nhược tiểu khi nào nó muốn, đừng coi thường. Nếu tiểu nông Philippines, Thái Lan, Indonesia, Mã Lai, Việt Nam không cảnh giác, lúa gạo Đông Nam Á Châu sẽ trở thành lúa gạo Mỹ mà họ sẽ mua lại để ăn. Họ sẽ đi làm thuê cho công-nông-nghiệp Mỹ, làm ruộng như đi làm cho hãng giày Nike hay hãng xe Ford trên đất của họ. Mở mắt ra nhé.
Trong khu sinh thái Gáo Giồng. Cũng gửi xe mua vé tại 1 cụm nhà quản lý phía ngoài rồi theo xuồng chèo đi tham quan rừng tràm. Trà Sư, Tràm Chim, Gáo Giồng mỗi nơi mỗi sắc thái khác nhau tuy tương tự. Với các loài chim là khác nhau nhất.
Theo sách người xưa để lại, bản đồ thời thuộc địa thì đây là không gian của Đồng Tháp Mười nguyên thủy, sơ khai. Hằng trăm nghìn hectares như vậy, nước còn tháo qua ngã sông Vàm Cỏ Tây về miền Đông**. Nay chỉ còn tìm thấy ở những khu bảo tồn như Tràm Chim, Gáo Giồng v.v... Cho đến mãi thời chiến tranh hậu bán thế kỷ thứ 20 còn là hầu hết diện tích các tỉnh từ Mõ Vẹc qua Châu Đốc, phía Đông đến Tân An, Mỹ Tho.
** Ngành khảo cổ có tìm thấy di vật chứng minh người Khmer xưa di chuyển từ Thủy Chân Lạp xuống vùng Sài Gòn cổ bằng đường này. Nay vùng thủy văn Vàm Cỏ-Đồng Nai chỉ liên lạc với hệ thủy văn Cửu Long qua Kinh Chợ Gạo. 
Dân tộc ta đã bắt đầu phá rừng, đào kinh tháo nước canh tác lúa trên đồng chua từ thời chúa Nguyễn, nhưng mỗi năm đều phải chịu khoãng trên 3 tháng mùa nước ngập từ tháng 7 đến quá tháng 10. Nhiều người còn lầm tưởng khi nhìn trên bản đồ, Miền Tây Nam Bộ đất bằng xanh xao thằng cánh cò bay, mỗi năm Cửu Long đến mùa cung cấp phù sa và cá rắn, đây rồi "vữa lúa Miền Nam", không làm cũng có ăn!
Chưa bao giờ khu vực này của Miền Tây là vựa lúa Miền Nam cho đến những ngày tháng rất gần đây. Ngay cả ngày nay vì cố trồng cho đủ 3 vụ và ngăn nước nổi nên đất đã giảm năng xuất và nhu cầu phân bón củng thuốc sâu gia tăng. Giống lúa năng xuất cao và kháng trùng trở nên then chốt. Vì chính lẽ đó người dân vùng này sẽ rất dễ đi vào cặm bẫy của tư bản công nghiệp, mua giống giá rẻ lúc đầu để sa lầy vào đường nợ nầng khi chúng đưa giá lên. Đi đến bán đất cho tài phiệt, tập trung về ở ổ chuột đô thị, làm công nhân hãng xưỡng hay vệ sinh cao ốc, bảo vê khách sạn, resorts.
Con chim đen là con còng cọc.
Cò ốc là một con hạc, khác con sếu là không phát tiếng gáy được, nhỏ thua sếu, nhưng khi bay cũng duỗi thằng cổ ra như sếu. Cò trắng, vạc (cò đêm), cò ma khi bay đều co cổ lại vì cổ dài quá. Con cò thân nhỏ thua sếu và hạc.
 Màu nâu là con cò ma.
Em xin lập lại hình trang "Nước nổi", du ký năm 2016 - xin xem trang đó để có thêm tư liệu hình ảnh. Sơ đồ do 1 khảo cứu sinh người Âu làm cho 1 đại học Miền Tây, không theo kích thươc thực tế mà chỉ để gây ấn tượng gần thực tế nhất, các vùng trũng không lớn đến vậy về mặt bằng mà nói. Vùng Đồng Tháp Mười cũng có thông qua Kampuchea như vùng An Giang.
Vùng U Minh - gọi là Miệt Thứ - độc lập không liên quan đến thủy văn sông Mekong, tuy có thông qua nhờ vài kinh đào. Ngập nước theo mùa mưa/khô. Lúa Cà Mau truyền thống là lúa nổi, mọc từ đáy nước và khi lúa chín gốc vẫn còn chìm sâu dưới nước. Đừng hỏi làm sao em biết.
Vựa lúa Miền Nam từ thời thuộc địa là vùng ven biển ghi số 1, từ Cà Mau Bạc Liêu đến Gò Công (Gò Công thuộc hệ thủy văn sông Vàm Cỏ - Đồng Nai, tức Miền Đông).
 UM, AG, ĐTM do em ghi chú thêm vào, có thể tác giả không muốn đặt tên như thế.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét