Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Chuyến bay TSN-Côn Đảo

Trong du ký này:    ⏪    1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  8.  9.  10.  11.  12.  13.  14. 15. 16. 17....    ⏩



Tháng 12, 2017 người viết tập hợp được 1 số đồng hành cùng nhau triển khai 1 cung đường tham quan Miền Tây và duyên hải, hải đảo với vốn thời gian là 13 ngày, bắt đầu bằng 1 chuyến đi Côn Đào bằng máy bay. Sau đó vào đất liền Sóc Trăng bằng tàu khách, rồi dùng xe thuê bao đi về Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp. Điểm khởi hành và kết thúc là Sài Gòn, cung đường đi không lập lại 1 lộ trình nào.

Chuyến bay hãng VASCO VN8067, Tân Sơn Nhất đến Côn Đảo, máy bay cánh quạt ATR-72. Thời điểm là 3 giờ chiều 3 tháng 12, 2017. Thời tiết trời có nhiều mây, đáp xuống Côn Đảo mưa lất phất. Ảnh từ máy bay chụp bằng điện thoại Samsung S5.
Đây là cơ hội hiếm có - hay độc nhất - cho người "thường dân" có thể xem thấy rõ ràng 9 cửa biển Cửu Long trong cùng 1 chuyến bay*. Một bài học địa dư thực tế và ngoạn mục nhất. (Lưu ý: nếu bạn chọn chuyến bay VN8067 hay tương tự thì nhớ chọn ghế ngồi có cửa sổ bên phải của máy bay, ngồi bên trái sẽ không thấy con khỉ gì đâu. Hai là, từ 1 chuyến máy bay phản lực dân dụng thông thường, bay ở cao độ 10 km bạn cũng sẽ không thấy được con khỉ gì).

Máy bay cất cánh về hướng Tây của sân bay Tân Sơn Nhất và sẽ lập tức bay vào không phận tình Long An. Tỉnh Long An chứa 1 phần lớn lưu vực** sông Vàm Cỏ Đông, nguồn sông từ Xa Mát tại biên giới Việt Miên trong tỉnh Tây Ninh. Tỉnh Long An còn chứa toàn bộ lưu vực sông Vàm Cỏ Tây, bắt nguồn từ vủng Đồng Tháp Mười gần biên giới Việt-Kampuchea, phía Nam đường biên giới gọi là Mỏ Vẹt.

Các bạn thấy trong đáy hình dưới đây là sông Vàm Cỏ Đông, bên trái hình là cao tốc Trung Lương (CT01) và đổ vào sông VCĐ từ dưới bên phải là sông Bến Lức. Đi ngược sông Bến Lức này (xuống, vào cận cảnh hình) gần đúng 30km là... kinh Tàu Hủ và cây cầu Khánh Hội, bến Nhà Rồng. Có nghĩa là sông Bến Lức - có lẽ là 1 con kinh - là đường thủy nối liền sông VCĐ với sông Bến Nghé/Sài Gòn.

Thực tế hiện nay trền 1 chiêc ghe bầu tương đối lớn bạn có thể đi từ Bến Bình Đông Chợ Lớn, qua sông Bến Lức lên VCĐ, qua kinh Thủ Thừa ra VCT, đi ngươc VCT lên Kiến Tường rồi theo 1 con kinh dài tên là kinh Trung Ương xuyên qua tình Đồng Tháp để đến ngay huyện lỵ Hồng Ngự bên bờ sông Mekong!

Từ chổ vàm sông Bến Lức vào sông VCĐ này (trong đáy hình, có mây trên cao) đi ngược qua tay mặt tức thượng nguồn VCĐ 4 cây số sẽ đến vàm vào kinh Thủ Thừa. Kinh Thủ Thừa dài 10 km, kinh gần như 1 đường thẳng đưa qua sông Vàm Cỏ Tây tại xã Bình An Thủ Thừa. Đi ngược VCT về đầu nguồn sẽ đến khu vực Đồng Tháp Mười (các bạn phân biệt địa phận ĐTM với tình Đồng Tháp hiện nay, cho dù tên gọi hành chánh của tình gợi ý khu vực địa dư cổ truyền là 1 vùng đầm lầy úng nước  giáp giới với sông Tiền Giang này).
Phi cơ lượng qua trái về hướng Đông; nhìn ra hướng Nam là chiều dài sông Vàm Cỏ Đông.
Sau khi phi cơ nắn lại đường bay về hướng chính Nam là hướng Côn Đảo thì qua cửa sổ mình thấy hiện ra dưới cánh là sông Vàm Cỏ Tây. Hình dưới: chổ này là nơi 2 con sông gần nhau nhất - 7 cây số - nhìn thấy trong cận cảnh là rạch Cầu Giáo. Rạch này đưa thuyền từ VCĐ về Tân An bên bờ sông VCT là thủ phủ tình Long An, trong hình là về bên phải chừng 11 cây số. (Bề ngang trông thấy trong hình này, tại đường tâm giữa hình là chừng 3 km). Bề ngang sông VCĐ - dưới hình - chổ này là 250 m.
Hướng giòng sông chảy
Hình dưới là 1 khuc sông hình quai chảo gần trước khi sông VCT nhập với VCĐ thành sông Vàm Cỏ, 2 bên bờ vẫn là tỉnh Long An.
⟸ Hướng giòng sông chảy
Phụ chú là xưa kia (trước thập kỷ 1980 thế kỷ trước) sông VCT là đường rút nước của vùng đầm lầy lau sậy Đồng Tháp Mười. Hiện nay ĐTM không còn là vủng đầm lấy úng nước và lau sậy như trước nữa đo các công trình thủy lợi trong thời kỳ hậu chiến. Những đầu ngọn của sông VCT tuy nhỏ và cạn nhưng lại rất gần với giòng chính sông Mekong (trong địa phận nay là tỉnh Đồng Tháp thì chừng dưới 30 km) và do đó xưa kia là 1 đường giao thông từ vương quốc Khmer - Chân Lạp - đưa đến Sài Gòn, mà họ nhận là đã do họ thành lập từ trước khi dân tộc ta Nam tiến. (Xưa kia rất có thể là có đường thủy thông luôn qua sông Mekong, băng qua cánh đồng bưng biền lau sậy bao la là ĐTM qua những xẻo lạch nhỏ).

Cửu Long châu thổ:
Từ hình dưới mình chính thức vào vùng châu thổ Cửu Long, là 'Miền Tây' thực sự. Hệ thủy văn sông Vàm Cỏ trên kia chỉ thông được với hệ thủy văn Mekong/Cửu Long qua kinh Chợ Gạo (ngoài kinh Trung Ương ở Đồng Tháp, đề cập phần trên bài, Kinh Trung Ương này có vẽ chủ yếu là 1 kinh thủy lợi, tháo úng tháo phèn cho vùng Đồng Tháp 10). Hiện nay trên Google Map ghi tên kinh Chợ Gạo là sông Trà. Vàm vào kinh cách khúc sông VCT hình quai chảo này về phía Nam - phía biển - chừng 5 km chim bay. Kinh Chợ Gạo thực sự đi từ khúc sông Vàm Cỏ do 2 nhánh Đông và Tây đã nhập thành một, đi về Mỹ Tho, xuyên chiều ngang bán đảo Gò Công. Bán đảo Gò Công là vùng duyên hải tình Tiền Giang ngày nay (xưa là tỉnh Gò Công), nằm giữa các sông Vàm Cỏ và Tiền Giang, dài Tây-qua-Đông là 30 km và ngang Nam-Bắc 15 km. Bán đảo này là phần đất giữa hệ thủy văn Cửu Long và Vàm Cỏ/Sài Gòn/Đồng Nai/Sông Bé.

Truyền thống Nam Kỳ "vựa lúa Miền Nam" là vùng duyên hải, gần 9 cửa biển Cửu Long, từ Bạc Liêu qua bán đảo Gò Công, do đó kinh Chợ Gạo là trục đường chinh và duy nhất mang lúa gạo về trung ương chính trị kinh tế Sài Gòn, mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 20. Lúa gạo về Mỹ Tho trên sông Tiên, qua kinh Chợ Gạo đến Vàm Cỏ Đông, ngươc lên sông Bến Lức và đến ngay cửa nhà kho bên bờ kè kinh Tàu Hủ ở Chợ Lớn. Nông sản khác, heo, thủy sản từ sông Tiền cũng về chợ đầu mối ở chợ Bình Tây theo đường này.
Hình dưới là tỉnh Bến Tre, giòng sông nhỏ giửa tỉnh là nhánh sông nhỏ Ba Lai, trong hậu cảnh là sông Hàm Luông, xa hơn trong đáy hình là sông Cổ Chiên.
⟸ Hướng giòng sông chảy
Hình dưới này chụp được toàn bộ các nhánh của Tiền Giang, nhánh sông Mekong mà cho đến Mỹ Tho-Vĩnh Long (tại phà nay là cầu Mỹ Thuận) mới chia ra nhiều nhánh như thế này. Các nhánh có nhiều cồn lớn trong tiền cảnh là nhánh lớn sông Tiền, còn gọi là sông Mỹ Tho, kế đến là sông Ba Lai, kế đến là sông Hàm Luông, sau cùng trong hậu cảnh đáy hình là sông Cổ Chiên. Nếu chú ý thì các bạn phân tách thấy đươc bên cạnh phải của hình 1 khúc kinh Chợ Gạo, hướng về thành phố Mỹ Tho trong xa.
Các nhánh sông này nhìn từ cao là thế, nhưng kích thước ảo nhìn thấy không tương xứng là một, hai là thực tế trên mặt đất thì phải ý thức là rất - rất - lớn. Như trong hình thằng viết chụp từ trên phà Cổ chiên năm 2012 dưới đây. Sông Cổ Chiên tại đây rộng chừng 2 km, với sải cánh chiêc máy bay mình đi là ATR-72, là 27 mét thì phải trên 70 chiếc xếp hàng ngang mới mong rộng bằng! Bạn đọc hãy nhìn lại không ảnh xem để cảm nhận lại rõ ràng chính xác.
Chuyến phà qua sông Cổ Chiên tháng 8, 2012
Sông Mekong dài thứ 12 trên thế giới nhưng lưu lượng nước là 16 000 mét khối/giây, gấp 7 lần Sông Hoàng Hà bên tàu và bằng Sông Mississippi ở Mỹ. Không có chuyện dăm ba cái đập con người xây nên có thể làm cạn giòng nay mai được. Nước sông từ trời xuống (mưa mùa) không phải từ bên Tàu qua, mà từ lưu vực xứ Thái, Lào, Kampuchea, Việt Nam trên 1 triệu cây số vuông đổ vào. 

🌈  🌄 

Đường bay VN8967 chạy suốt cạnh đáy tam giác châu thổ Cửu Long. Để giúp bạn đọc nhận dạng các nhánh sông - rât dễ nhận dạng ngay cả khi đang bay - em kèm sơ đồ đường bay phỏng đoán dưới đây với bạn đồ mở OpenStreetMap. Chuyến bay dài chỉ chừng 50 phút, vừa lấy cao độ hành trình thì đã được loa báo chuẩn bị hạ cánh (vé bằng giá TSN-Đà Nẵng nhé). Cao độ máy bay cánh quạt có lẽ thấp chừng 3000 đến 5000 m nên mới có được các hỉnh ảnh này***. Đen là thời tiết quá xấu. Vùng giữa đường màu đỏ (đường bay phỏng định) và đường màu đen (đường chân trời phỏng định) là vùng mặt đất thấy đươc trong các hình chụp từ cửa sổ phi cơ.
Chín cửa từ Bắc xuống Nam: Cửa Tiều - cửa Đại - cửa Ba Lai - cửa Hàm Luông - cửa Cổ Chiên - cửa Cung Hầu, thuộc sông Tiền tức giòng chính sông Mekong. 
Cửa Định An - cửa Ba Thắc đã bị bồi lấp không còn nhìn thấy - cửa Đại Ngãi nay gọi là cửa Trần Đề, thuộc giòng sông Hậu tức Bassac khi vào đất Việt Nam.
Hâu Giang và Tiền Giang trên Cao Đỉnh. Người xưa vẽ bản đồ ngược trái phải và trên dưới. Nếu bên phải là hướng Tây và Bắc là phía dưới thì nơi chia hai dòng Sông Mekong, bên phải, là Nam Vang. Thời Minh Mạng có lẽ nào xem đất Nam Vang là của nước Đại Nam chăng? (Đời chúa Nguyễn Phúc Chu Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh đã bình định Chân Lạp lên đến đấy lập phủ vào năm 1698). 
Hình 4
Hình 4: Cù lao Tam Hiệp giữa sông Tiền. Phần đất bên phải là bán đảo Gò Công tỉnh Tiền Giang. Các bạn thấy cù lao Tam Hiệp (hiện nguyên hình), thì từ chóp thượng nguồn của cù lao đường chim bay ngược sông lên 11.5 km sẽ là trung tâm bờ kè thành phố Mỹ Tho, trong hình này tp nằm khuất dưới vùng mây trắng. Tại điểm giữa bờ kè thành phố đó có con kinh Bảo Định đi về hướng Bắc, khá thằng, đến thị xã Tân An thủ phủ tỉnh Long An bên bờ sông Vàm Cỏ Tây (và bên đường QL1A, xưa là QL4). Đây cũng là 1 đường nối tuy nhỏ giữa hệ thủy văn Cửu Long với hệ sông Vàm Cỏ (các kinh nhỏ này bề ngang chỉ 20 mét)..
Hình 5
Hình 5: bên phải là nhánh chính của Sông Tiền, giửa hình là nhánh Ba Lai
Hình 6
Hình 6: Cù Lao Đất trên hạ lưu sông Hàm Luông    
Hình 7
Hình 7: Cồn Bửng chia sông Cổ Chiên ra thành 2 cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.
Hinh 8
Hình 8: hai cửa biển cuối cùng cực Nam của "Chín Con Rồng": Bắc là cửa Đinh An, Nam là cửa Trần Đề - trươc đây gọi là cửa Đại Ngãi. Cửa Trần Đề nhìn từ góc này thấy hẹp nhưng thực tế rộng hơn là thấy. Hậu Giang chỉ có 2 cửa biển này, trong khi Tiền Giang có 6 cửa.
Nếu các bạn thắc mắc cửa thứ 9 ở đâu thì xin thưa là, xưa nó xẻ đôi miếng đất ốc đảo giửa 2 cửa trong hình, mang tên là Cù Lao Dung và nay đã bị bồi lấp. Đó là cửa Ba Thắc, nay không còn. Và thưa không, không phải vì lỗi do bọn Việt Cộng ác ôn, Cửa Ba Thắc bắt đầu bồi lấp vào đầu những năm 1960 và con người đã phụ thêm vào qua cách trồng cây chịu mặn để lấn đất.
Sông Hậu bắt đầu từ cửa ngõ thủ đô Phnom Penh tên là Bassac, chảy vào nước ta tại Châu Đốc và đến biển chỉ là 2 nhánh này, không nhiều nhánh như sông Tiền là nhánh chính hạ lưu sông Mekong.
Hậu Giang chỉ có 2 cửa biển này. Xưa kia có nhánh Ba Thắc chẻ đôi cù lao nhìn thấy giữa 2 cửa biển. Con kinh hình chữ L ngược trong tiền cảnh mới xuất hiện sau này trên các bản đồ. Trong hình thấy được toàn bộ chiều dài 34 km của Cù lao Dung.

Hình dưới là trên nhánh sông Hậu tại bến cảng tàu khách thị trấn Trần Đề. Bạn đọc hình dung kích thước khổng lồ của những vật thể địa lý nhìn từ không trung trên kia.
Giòng sông này khi vào nước ta ở Châu Đốc là sông Bassac, xuất phát từ cửa ngõ thành phố Phnom Penh. Ra đến biển chia ra thành 2 nhanh lớn, một nhánh ra cửa Định an, một ra cửa Trần Đề là nhánh này.
Trong ngoặc là, đã có lắm vị tiên sư giáo sĩ thuộc loại đỉnh cao đã tuyên bố từ ghế xa lông trong xó nhà là Cửu Long đang khô hết nước và nước sông nay đã xanh ngắt vì "thằng Tàu", "thằng Chệt" xây đập bên nó giử lại hết đất phù sa.
Ờ, phải đấy. ****

Rời bờ biển Việt Nam đi thằng về hướng chính Nam đến Côn Đảo. Đảo Côn Sơn cách xa tâm cửa Định An đúng 100 km chim bay, ở phương giác la bàn 170 độ.

Cuối chuyến bay ngắn ngủi là quần đảo Côn Sơn.
Chúng em đến Côn Đảo vào ngày bắt đầu mưa, trong mùa mà tất cả thông tin thiên văn thời tiết đều bẩu là mùa khô. Tất cả cũng chỉ vì là nhằm phải ngày vía Bà. Bà Phi Yến - mà mình sẽ bàn vào các posts sau. Vía của Bà là 2 ngày, và vào 2 ngày này theo dân gian thì buộc phải mưa. Hai ngày tròn là mưa. Chính xác thế! Mưa như xối, đến độ có 1 ngày không có chuyến bay nào từ đất liền ra được. Chỉ ngày chót, 19 tháng 10 Âm, ngày chúng em lên tàu về thì trời mới nắng lên được. Đen.
Cũng chỉ vì Bà này. (Xin xem về Bà trong du ký này, mà ngày giỗ hóa ra cũng là... "sáng tạo")


🌈   🌄

Chú thích:

* - Chín cửa ngày nay chỉ còn thực tế là 7. Cửa Ba Thắc không còn tìm thấy được, sông Ba Lai nay đã có đập ngăn mặn và cửa biển thường khi không đưa thuyền vào đâu.
** - Lưu vực của 1 con sông là mặt bằng địa dư trên đó giọt mưa xuống tối hậu sẽ theo trọng lực và địa chất vùng đó chày về 1 đường thông thủy chung - là con sông đó - để ra biền hay 1 biển hồ. Tiếng Anh/Pháp gọi là basin. Nói cách khác là vùng hứng nước của con sông đó.
*** - Ước tính đường chân trời ở cao độ khác nhau: website
**** - Màu nước sông Mekong tại Neak Luong Kampuchea tháng 5, 2015. Mùa mưa. Đây là nhánh chính sông Mekong đi vào Việt Nam là sông Tiền. Các bạn so sánh với màu nước trong các hình trên và nghĩ xem phù sa từ Trung Quốc xuống, nó đi đường nào mà xuống đấy?
Bassac tại thủ đô Phnom Penh tháng 5, 2015. Dĩ nhiên là có lúc sau cơn mưa hay thời tiết vào tháng khác màu nước sẽ có màu phù sa.

Sau cùng, để nói riêng với các bạn đọc blog này thôi nhé 😁. Có thể các bạn sẽ nghĩ, "cái thằng này bằng cấp gì, chỉ vớ được dăm ba cái hình cho là hiếm hoi, rồi thì uyên thuyên bá láp dài dòng cứ như thiệt! Phét.
Em xin thưa thế này: hồi trước đây em đã ngang dọc vùng đất nước này trên 5 năm ròng. Ngang dọc là ngang dọc nghĩa đen, và nghĩa bóng, và đúng nghĩa. Năm 1983 em vượt biên đến được nước ngoài, 1 năm sau chân em vẫn còn sót ít da màu đen đã như nhúng chàm. Màu đen của bùn đen Đồng Tháp 10 và U minh Thượng bán đảo Cà Mau, chất phèn trong nước giúp nhuộm sâu xuống dưới da chân. Thời "Chín năm" chủ Pháp thuê cu li ở Sài Gòn, nếu bảo người dân lật chân lên coi mà thấy màu đen thì nghĩ là dân bưng biền kháng chiến, không thuê mà còn kêu mã tà bắt. Là màu đen đó. Em đã đi trên hoặc đi qua gần hết các giòng nước trong trang này. Em đã đi kinh tế mới miệt Thứ nơi từ tp HCM xuống phải 2 ngày mới tới (công tác). Em đã trôi nỗi trên các con kinh Bến Lức, Thủ Thừa, Chợ Gạo, Chợ Lách ... (ra tiền trạm công tác, hay ra biển vượt biên...) Em đã ra cửa biễn Trần Đề trong đêm (vượt biên, từ Vàm Cống xuống...) Em đã tham gia đào các con kinh mà bạn đọc thấy chi chít trên Google Maps Đồng Tháp 10 đấy (lao cải vượt biên...) Đêm đêm em đã đứng bên bến phà sông Hậu nhìn những binh đoàn lên xuống Kam. Là sĩ quan Ngụy quyền VNCH em đã đổ giọt máu và thuộc lòng vô số địa danh Miền Trung, nhưng tại Miền Tây này em đã đổ giọt mồ hôi đến khô giọt mồ hôi. Nên em tự thấy đủ tư cách - dư tư cách và thẩm quyền - để bá láp về miền đất nước huyền diệu này. Chuyến bay này, cũng như du hành này đối với thằng em mang cảm xúc khác xa như đối với người du khách bàng quan nào khác. 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét