Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Côn Đảo

Trong du ký này:    ⏪    1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  8.  9.  10.  11.  12.  13.  14. 15. 16. 17....    ⏩


Côn Đảo thuộc vào  loại những địa danh nghe đến thì nhiều nhưng được xem, tham quan, thực tế đánh giá thì ít. Và cái người Việt Nam hiện nay nghe đến nhiều về Côn Đảo lại chính là cái làm cho số đông chẳng muốn đến mà làm gì. Trên chuyến máy bay chúng em đi chiều nay chỉ chừng 50 người, gốm 1 đoàn lớn ra Côn Đảo dịp vía Bà để cầu này nọ, mang theo trên tay nhiều bó hoa. Một số ra viếng mộ Cô Sáu (mà sau em nghe biết, là để cầu công danh sự nghiệp, gia cảnh, cầu con, cầu... chồng - số này từ Miền Bắc). Một số đi lại làm ăn và chỉ 1 số rất ít như bọn em 8 người là thuần túy du lịch. Kết quả của tiếp thị hiện nay trên tư duy người ngoài đường là thế. Khi hỏi và biết em đi đâu, tất cả đều "À! Chú đi thăm nhà tù hả Chú, chứ ngoài ngoãi có gì coi!" Côn Đảo được quảng cáo như điểm đến "du lịch tâm linh" và "du lịch văn hóa" (văn hóa cách mạng dĩ nhiên). Nhà tù, nghĩa trang, đài kỹ niệm các cái! Các nhà đầu tư đang đổ xô ra đó mở tiệm bán nhang.

Điểm bất lợi thứ hai là, Côn Đảo là loại điểm du lịch "ngõ cụt", chỉ đến rồi trở về, cùng 1 đường - thường lại là đường hàng không, chuyến đi trên mây nhàm chán vô vị mà lại măc tiền, vé bằng 1/2 giá vé đi Hà Nội. Đến nay tháng 12, 2017 lựa chọn còn lại là tàu biển, đến từ Vũng Tàu hay Sóc Trăng. Sóc Trăng thì từ 1 cảng nhỏ tại cửa Trần Đề, cửa cực Nam của 9 cửa Cửu Long, 2 tiếng rưởi, ngày 1 chuyến (đến nay chỉ 1 hãng tàu). Vũng Tàu thì có 2 chiếc từ cảng Cát Lở, tàu lớn, chậm tốc, 14 tiếng (đi đêm). Tàu khách thì cũng ra trò, gía phải chăng (1/10 giá vé máy bay) nhưng biển thì nó hơi bị bất thường như các bạn biết nên du khách phải có phương án B phòng khi hủy chuyến (nhất là chuyến về!), và lựa mùa cho nó đúng mà đi. So với 1 nơi trên đất liền có bến xe, sân bay hay như Nha Trang, Đà Nẵng, Huế có cả xe lửa thì đi Côn Đảo là vất vả tốn kém cả về tài chánh lẫn thời gian.

Nhanh gọn tham quan Côn Đảo: 

Chuyến tham quan phổ thông sẽ như thế này: du khách đến bằng máy bay sẽ đáp xuống nơi có mũi tên đen phía Bắc bản đồ nổi (Google Map) này. Chổ đó là chổ duy nhât có thể dọn 1 phi đạo có từ xưa, máy bay có thể lên xuống mà không bị núi cao cản trở. Tại phi cảng nhỏ sẽ có phương tiện đưa khách về thị trấn Côn Sơn thủ phủ đảo, 15 cây số nhưng đường quanh co phải mất 1/2 giờ.
Khách đến bằng tàu sẽ cập bến tại mũi tên xanh phía dưới bản đồ, là Bến Đầm, cách trung tâm thị trấn cũng tương tự, 13 cây số và 1/2 giờ xe. Xe thì liên lạc trước, taxi, thuê bao xe lớn hơn  nếu đoàn đông người v.v..
Mũi tên đỏ là mặt tiền, trung tâm bờ kè thị trấn nhỏ nhìn ra vịnh. Thị trấn Côn Sơn rất nhỏ và yên bình, đi lên đi xuống bằng chân chừng quẳng 2 dao, 1 điếu thuốc rê là hết chổ đi. Bạn đọc nên thuê xe gắn máy hay xe đạp thì đi cùng đảo đâu cũng tới. Ngôi sao xanh là nhà nghĩ kiểu resort bình dân nơi thằng viết ở, trên bãi tắm gọi là Bãi An Hải cạnh cầu tàu mới. Tam giác màu vàng là vủng đồi núi có Vườn Quốc Gia Côn Đảo, có thể thuê xe điện tham quan, đi đến bãi Ông Đụng nhìn ra hướng Tây.
Riêng hình trái tim trắng là nơi tương đối khó đến, chúng em không lên được nhưng nếu bạn đọc đi Côn Đảo hãy ráng đến. Đó là điểm vọng cảnh cao nhất đảo gọi là Núi Thánh giá, đến bằng 1 đường đèo rât dốc mà xe điện không lên nỗi.
Một khi đã đi Côn Dảo thì nên đi đủ 4 ngày 3 đêm, trong đó có 2 ngày tròn thăm thú và nếu trời tốt còn có thể thuê ghe tàu du ngoạn các đảo nhỏ, câu cá ngày hay đêm, xem san hô v.v... Thời gian ít hơn, ngắn hơn là phí của, phí công.

Nếu bạn ra bằng máy bay thì sau 1 đoạn đường quanh núi không thấy được gì nhiều vì cây cối, bãi Lò Vôi là phong cảnh đẹp đầu tiên trước khi đến thị trấn thủ phủ. Hình chụp zoom từ bờ kè ngay trước mặt thị trấn Côn Sơn. Ngày 3 tháng 12, 2017.
Thi trấn Côn Sơn là nơi hầu hết du khách đến lấy phòng nghỉ. Điểm trung tâm bờ kè trước mặt thị trấn, nơi có 1 cầu đá cũ tên là cầu tàu 914:
Đây là "mặt tiền" của thị trấn mà cũng là của đảo, về du lịch mà nói. Trung tâm điểm đến.
Bãi cát trước thị trấn khi hải triều xuống. Chổ này khỏi tắm, và tự vận tại đây tuy sẽ rất là lãng mạng nhưng cũng hơi bị khó vì nước cạn.
Đường bờ kè với những cây bàng cổ thụ thật êm ả nên thơ cho dù biển động. Quá tiêc là ngày nắng lên chúng em đã phải lên đường sớm xuống Bến Đầm lấy tàu về.
Em có thấy Brad Pitt và Angelina chụp hình tại đây nhưng quên mất góc chụp để nhái.
Duyên dáng của con đường ven bờ, trước cảnh trời cao biển rộng núi xanh. Độc đáo nhất trong nước không thành phố biển náo khác có. Và đây không phải là thành thị nhé. Là một thị trấn, lớn hơn cái làng tí thôi, yên ả, thư thái với cư dân địa phương rất thưa (mùa du khách đông hơn không biết ra sao, nhưng chắc không thể xô bồ được, lý do như phần trên đã bàn).
Ở đây không có nhà nghỉ hay hotel cao tầng mọc lên như nấm dọc đường bờ biển. Khu vực thị trấn mang tính cách "phố cổ" nên thơ và yên ả.
Đây là lưu thông giờ làm việc, ngày thường tại thị trấn, chứ không phải Mồng Một Tết.
Những con đường yên ả với kiến trúc thời tiền chiến làm thằng viết nhớ đến những Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, thành Nội Huế những ngày xa xưa thập niên 1950, 1960 khi dân số Việt Nam bằng 3/10 dân số bây giờ.
Thật ra là y hệt như thời đó. Y hệt như thời thơ ấu em cắp cập da đi bộ đến trường Tây Nha Trang đường Bá Đa Lộc. Hay đường bờ Sông Hàn Đà Nẵng đầu thập niên 1960, hay Huế.
Côn Đảo chỉ phát triển được với du lịch, cho nên không khí này sẽ tồn tại lâu. Hy vọng vậy.
Cây xăng duy nhất trên toàn đảo. Trên đảo khỏi cần khóa xe, và hết xăng cứ việc vứt xe bên đường mai mua xăng ra lấy.
Đoàn 8 người chúng em giữ phòng tại đây. Nhà nghỉ như phong cách Mũi Né ngay trên bãi An Hải. Phương tiện đơn sơ thôi. Giá cả thì cũng như giá cả mức sống tại đây thì không rẻ, so với 1 địa phương trên đất liền phải nói là mắc - đại khái là măc hơn downtown Sài Gòn tí.
Lý do dễ hiểu và du khách đừng mong có cuộc nghĩ dưỡng hay du ngoạn tại Côn Đảo giá rẻ trong tương lai gần. Ngoài ra hải sản tôm cua cá ghẹ thì rẻ và phong phú, dù giá cả quán ăn uống thì khộng thấp (giá chai nước ngọt, chai bia mang từ đất liền ra bạn làm sao mong là rẻ bằn trên đất liền). Do đời sống mắc mỏ mà dịch vụ cũng phải cao thôi. Nếu các bạn đi có công phu tổ chức thì có thể ra cầu cá buồi sáng (hay Bến Đầm) mua hải sản mang về quán họ chế biến là hay nhất.
Trước mặt nhà nghỉ zư lày, là bãi biển. Không gian yên bình đặc biệt nhất, trong đất liền chỉ có ở nhưng resorts đắc tiền nhất sang trọng nhất dành cho người ngoại quốc.
Bãi An Hải ngay cạnh cầu tàu cá và du lịch, sáng sớm các bạn có thể đi bộ lên xem sinh hoạt và thị trường bỏ túi về hải sản tàu cá làm ăn nhỏ mang về.

Môi trường do ít người và cũng do ý thức dân cư cao có thể là sạch nhất trong các địa phương du lịch trong cả nước. Khách đến Côn Đảo được khuyến cáo không mang bao plastic lên đảo, 1 điều tiến bộ hiếm có mà em có thấy ở vài đảo nước ngoài. Cứ nhớ đến Hạ Long là em ớn. Khi đi du lịch bệnh đường ruột (tại chổ và dịch bệnh mang theo về) là mối lo ngại bậc nhất, cùng khắp nước là đáng e ngại nhưng tại Côn Đảo theo em thì không. Duy nhất tại Côn Đảo. Muỗi thì có nhưng cắn lấy vui thôi, không mấy gì tích cực.
Trên bãi này từ cầu tàu vô chân núi có ba bốn cái khách sạn cũng mở ra mặt biển như chổ chúng em thuê phòng. Đây là lựa chọn số 1 sau những resorts đắc tiền như Six Senses Côn Đảo ở gần phi trường, còn lại bạn có thể chọn nhà nghỉ bình dân phía trong thị trấn.
Du ngoạn nghỉ dưỡng loại này cho người lớn, lứa đôi, trăng mật và người hưu trí có thời gian hưỡng thụ hết cái đẹp của thiên nhiên, cho gia đình muốn có chổ yên tỉnh tương đối để cùng sinh hoạt riêng tư.
Đây là hải đảo quan trọng lớn thứ 3 của Việt Nam, bằng 1/3 đảo Cát Bà vế diện tích, nhưng du khách sẽ có cảm nhận là 2 đảo khá tương tự này lớn gần bằng nhau. Lý do là cảnh quan núi đồi, bản chất các bãi biển, nói chung phong thổ khá giống nhau, di chuyễn đi lại giữa các cụm du lịch và định cư cũng na ná nhu nhau, và 2 đảo đủ rộng để có 1 khu bảo tồn thiên nhiên - vườn quốc gia. (Cát Bà đông đúc hơn nhiều nhất là tại thị trấn nhưng giá cả rẻ hơn).



🌈  🌄  🌅


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét