Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Lễ hội Đổi Nước, U-Minh

Thời điểm: 17.11.2023. Rằm tháng 10
Đia điểm: huyên lỵ Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. 
Xem Phần 1 trong tiêu đề này

Để nói lễ Đổi nước đối với dân tộc địa phương miệt dưới này nó quan trọng như thế nào thì người viết này xin kể như sau. 
Giữa sông nhìn về thượng nguồn hướng Vị Thanh
Trên con sông rộng này trong thời nội chiến, chính xác tại tọa độ này, vào sáng sớm ngày rằm tháng 10 như ngày hôm nay, giờ này, có năm sẽ có một chiếc cán gáo đến từ tiểu khu Chương Thiện (Vị Thanh ngày nay) bay là là từ phía chân trời kia trên ngay giữa giòng sông này, mang một miếng cờ trắng dưới càng, tiếp tục bay dọc giòng sông về phía Tắc Cậu, Rạch Sỏi hạ lưu nơi đây. Vào buổi trưa ngày thứ ba nó sẽ trở lại bay một đường bay như thế này giữa sông.
Đó là dấu hiệu giao ước giữa hai bên quốc cộng bắt đầu và chấm dứt 3 ngày đình chiến khu vực, mà không ai ngoài vùng sông nước này biết đến. Đó là một "bí mật" chỉ có người dân và các lực lương vũ trang của 2 bên trong vùng sông nước xa xôi này biết. Cho đến 5 năm sau khi hòa bình về, khi nắng chiều về ngồi hóng mát bên bờ kè Chợ Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, nghe người địa phương kể lại.
Trong 3 ngày này người dân hai bên sẽ được qua lại các lằn ranh vô hình, hay hữu hình như ở khúc sông Cái Lớn này, thăm viếng nhau, đôi khi mang theo quà cáp lương thực trao đỗi. Chia nhau bữa tiệc, đi chùa cúng vái, thăm mộ phần... Đặc biệt, và sự thật còn hay hơn hư cấu, có những trận thể thao giao hữu giữa các đội banh hai bên, bóng đá, bóng chuyền v.v... Trong đó thường có lính tráng, du kích của cả hai bên là cầu thủ. Biết tên nhau và có khi đã biết mặt nhau. Cùng nước da màu vàng (Việt, Tiều), hay ngâm đen (Khmer).
Như trong đám đông ngày hôm nay.
Hữu ngạn sông Hậu trước đươc gọi cái tên Tây rất chính xác là Transbassac. Dưới ô màu đỏ là U-Minh Hạ, cánh Tây dọc bờ biển là Miệt Thứ, 2 nơi này năm 1980 ít trâu nhưng nếu có thì ngủ mùng, như gà, cũng bị muỗi cắn chết nếu không. Cứ tin em đi.
Chắc các bạn chưa từng nghe ai kể câu chuyện này hồi nào, lý do là vì những người đã sống qua, mà còn sống, ít ai hoăc không ai có dịp, có ý định hay khả năng, hình ảnh hay diễn đàn để kể lại. Hay màn kể lại mà làm gì vì nghĩ ra cũng chỉ là chuyện một  địa phương khiêm tốn, và nhất là rât, rất xa vời. Mà nay thi đã là mãn hạn tính thời sự. Năm 1980 chỉ 5 năm sau hoà bình thì khác, từ chú du kích xã đội, anh địa phương quân quốc gia, ông huyện uỷ (Gò Quao này) mà người viết đôi lần đả có qua xem bệnh đều quá biết. Và người dân thì xem như chuyện thường, như những chuyện thường khác còn chấn động hơn nhiều trong một thời đầy biến động.
Đó là để nói: 3 ngày lễ này rất quan trọng, nó như một cái Tết cho địa phương và là một tập quán tôn giáo, dân tộc. Nay chỉ còn là, được phép là, ngày lễ hội thể thao dân tộc.

Đồng bào xa gần từ các thôn xã đổ về trên ghe xuồng đến thẳng hiện trường đua ghe
Cuộc đua chờ lúc nước đứng giữa 2 triều thì khởi sư thi đua được (chừng mỗi 6 giờ nước đứng một lần, mỗi lần chừng trên dưới 30 phút). Lể rơi vào ngày rằm, thủy triều lớn[1], nước đứng là đúng ngọ.

Vì thân ghe dài nên phải có 1 hay 2 người điều hợp đứng giữa ghe để truyền khẩu lệnh. Nếu đi riêng có thể có tiếng chuông hay tiếng gõ lấy nhip, khi đua thì không có vì nhiều ghe sợ trung lấp, chỉ thủ lệnh và tiếng hô. Ông này là ông boss, không biết có gọi là thuyền trưởng đươc không, ra lệnh bằng hai tay sao cho người đứng giữa có thể thấy, 2 tay làm động tác chèo là nhịp bơi cho các người chèo nhìn mà theo. Boss niệm kinh trước khi khởi động (tên boss do tac giả tự đặt). Các bạn chú ý ở các hình sau.

The Boss (tên tác giả đặt). Có thể gọi là thuyền trưởng chăng
 
Truyền thông nhà nước. Các bạn mang drone đến đây sẽ bị phá sóng rơi tức khắc, đừng thử. 
Đồng bào từ các xóm xa và từng nhà riêng (giữa đồng trong các ruộng vườn của mình) trong kinh rạch nhỏ kéo về từ sáng sớm dành chổ xem đua. Ở đây không tốn tiền giữ honda (pác kinh ở đây là cắm sào, ghe nào cũng có với cái neo nhỏ sơ sài it dùng).
Ai chưa hình dung đươc đời sống trên nông thôn nước ngập đến xem một lần cho biết và sẽ không quên. Gần như không có một ngày nào, một người nào không xuống ghe xuồng một lần. Cho dù đường mới có xây đươc nhiều nhưng di chuyển từ điểm A đến điểm B không thể nào so đươc với thuỷ lộ. Đó là chưa kể sức chứa chở hàng là vô song so với phương tiện nhẹ 1 người lái rẻ tiền và rất ít hao nhiên liệu.
Hằng nghìn và hằng nghìn người, không ngoa nếu các đã bạn thấy các hình này, dừng ghe cả hai bên sông. Sinh hoạt lễ hội màu sắc dân gian đặc biệt không đâu nào khác có. Mình phải thấy vui theo.
Bờ đối diện chợ, thuộc huyện U-Minh Thượng [2]
Nhìn qua thị trấn. Bờ kè đó khi xưa chưa có. Thi trấn nay bằng chừng 5 lần hồi 1980 hay trên nữa.
Cả gia đình đi picnic. 

Dọc bờ sông có cây giữ đất nhưng phía trong sau chỉ 10 mét là đất bằng trồng trọt, xưa là khóm nay không biết thêm gì. Đi giữa sông ngỡ như đi giữa rừng nguyên sinh thí dụ Amazon nhưng không phải. Cây vùng này là dừa (tắt cho dừa nước) và cây bần[3] là chính, một it tràm. Cây cao cổ thụ là cây bình bát, loại cây có thể ghép cành mãn cầu (dưới này là tắt cho mãn cầu xiêm).

Happy campers! 
Picnic với mắm bò hóc các bạn. Mời! [4]
Phía bên thị trấn. Bờ kè bị che kín
Lúc này là trung tuần tháng 10 âm lịch, ở thành thị không ngờ dân ăn Tết sớm um xùm như thế này đâu
Một tỷ đứa con nít

Nhìn thấy con dân trăm họ sung mãn, mạnh khỏe, vui vầy như thế này, tuổi lớn đã từng đổ máu cho đất này bên nọ hay bên kia, bất kể, làm sao không vui theo được.
"Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời áo dài đùa trong nắng chiều..."

 

Phụ trang ảnh ghe đua

Phụ Chú 

[1] "Sông ngòi" dưới này là Cái Lớn và ở Cà Mau là Gành Hào không thât sự là sông có nguồn nước ngọt thường trưc. Không thuộc thủy văn Cửu Long. Sông rạch là đường thông thủy (drainage) trên vùng ngập, thông với biển và lên xuống theo triều. Khi biển cao nước mặn tràn vào pha mặn nươc sông. Nươc ngọt là nước còn lại trên đồng bằng từ mùa mưa trước, trào ra và thâu lại sáu tháng đến mùa sau mới thêm ngọt. Những con kinh họ Nguyễn, sau là Pháp cho đào có mang xuống một it nươc ngọt từ sông Hậu nhưng không nhiều (Kinh Xáng Lớn xưa tác giả đi lên xuống Cái Răng lần nào cũng có đoạn măc nước ròng và phải chờ nước lớn - từ triều biển đùn lên. Nươc Cửu Long không có triều). Sông dưới này không có phù sa, xáng lấy cát bán sẽ chỉ có chết đến bị thương.

[2]^ Chỉ là cái tên huyện, không phải ám chỉ toàn vùng này. Thượng đây là vì đất cao hơn U-Minh Hạ giáp Cà Mau, ở đây đất ngập mùa mưa không nhiều dù là lai láng. Đất ngập ở U-Minh Hạ, nước ngọt, là rất... ngập; ở đó ngọn lúa sạ từ đáy lên cao hơn đầu người gọi là lúa nổi, đi gặt lúa bằng xuồng. Thượng hạ không theo bản đồ vì trên dư đồ xưa phía dưới là hướng Đông. Xưa gọi miệt dưới là vì đất miền Tây thấp thua đất Gia Định, Biên Hòa.

[3] ^ Năm 1980 người viết công tác kinh tế mới, tiền trạm ở nơi gọi là Khu KTM Gò Quao-Vĩnh Thuận. Vĩnh Thuận là bờ bên này sông nhưng ngủ là tại bên chợ. Có khi chiều về có người trồng khóm bên này mang vỏ lãi qua mời về nhà xem bệnh và dùng cơm. Mùa nước mặn đi gần bờ nơi này có đoạn như lạc vào thiên thai các bạn ạ. Trên là cây bần lung linh đom đóm, dưới nước là lân tinh. Lân tinh do vi sinh vật phát ra khi nươc bị động sau máy đuôi tôm hay khi  mình thò tay xuống vạch làn nước. Khi có trăng thì trăng và sao trời soi ánh xuống những con sóng lóng lánh trên sông. Bạn hãy tưởng tượng, nếu được!

[3a] Trang nhà huyện Gò Quao viết cây bần có người gọi là thủy liễu, giống cây liễu mọc dưới nươc. Tên do Nguyễn Ánh đặt khi đi qua đây ngài đươc người dân nuôi ăn cơm với trái bần. 

[4] ^ Đừng! 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét