Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Châu Đốc


Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.   8.  9.  10  

Về Châu Đốc biên giới Tây Nam.

Ở ngoài Bắc người ta "lên Cao Bằng", "lên Tây Bắc" hay "đi Móng Cái". Ở trong này, người Nam Kỳ nói "về Cà Mau",  "về Châu Đốc". Cho dù Cà Mau là nơi tận cùng của đất trời, và Châu Đốc là biên giới, trấn biên cuối cùng nơi người Cao Miên hết chịu thối lui vào 1 lúc nào trong thế kỷ thứ 17 và đã bám đất khằng định những lằn ranh quốc gia dân tộc cuối cùng của họ - trên thực tế chấm dứt cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt.

Người Nam gắn bó với toàn bộ địa lý của mình, đi đâu cũng gọi là về, đâu cũng là nhà. Là nước. Là phần đất tất cả đã chung nhau khẩn hoang khai phá, bảo vệ và xây dựng, cùng với người đến từ Trung Hoa và người Khmer bản địa. Trong khi đó, người ở tại miền đất gọi là cái nôi của dân tộc Việt hiện đại vẫn còn xem các vùng ngoại vi châu thồ Sông Hồng là vùng của người dân tộc thiểu số. Bởi vì lý do trên người miền Bắc hay đề cập đến tên gọi giống người "kinh" khi cần - và cũng lắm khi cần - dùng để xác minh người dân tộc chính của quốc gia, trong khi trong Nam không ai có cơ hội dùng đến tên gọi "người Kinh" này bao giờ. Người Khmer, người Hoa, người Chàm hay người Việt ở Miền Tây một khi đã nói tiếng Việt đều tự gọi mình là "người mình"[*].
Tình tự người Nam đối với đất nước của mình từ đó rất đậm đà. Người từ xa hay thành thị chỉ có đến và ở 1 thời gian dù là ngắn mới cảm nhận được rõ ràng.

Tiếp tục hành trình 10 năm khám phá lại nước nhà từ năm 2009, chuyến đi này người viết chọn cung đường Sài Gòn - Châu Đốc - Hà Tiên - Sài Gòn đến thăm vùng biên giới Tây Nam vào cuối mùa nước năm 2016, giữa tháng 11 dương lịch. Phương tiện: 1 vé xe đò Phương Trang, vé đầu tie6mn thôi, tới đâu hay tới đó. Kế hoạch và lộ trình, chổ ở: không xác định trước làm gì, chỉ 1 ba lô và tấm vé lên xe đầu tiên tại Bến Xe Miền Tây là lên đường.

Quá Giang Cửu Long

Nha Mân
Sa Đéc


Những chuyến phà cuối cùng: Vàm Cống tháng 11 năm 2016.


Tấm ảnh lịch sử ghi lại thời điểm cây Cầu Vàm Cống đang được bắt ngang giòng sông Hậu, chấm dứt thời đại  miền Tây Nam cô lập đường bộ sau gần 400 năm mở mang khai khẩn. Tới đây sẽ không còn cần đến những chiếc phà biểu tượng của Vàm Cống từ trên trăm năm qua.


Bạn phải là người đã từng quá giang Cửu Long nhiều lần trong 1 thời đã qua mới có cảm xúc đặc biệt khi nghe chị em bán hàng tại bến phà rao hàng với câu thòng:
- " Mua giúp con.. vân vân... Chỉ còn vài tháng nữa thôi, bà con ơi!"

Bến phà, nay đã thu lại còn chỉ chừng 1/10 so với những năm xưa (vì lưu thông xe cộ không còn bị trì trệ, khách ít xuống, ít dừng chân ăn uống mua chác) vằng khách nhắc lại cho người lữ khách thời gian đang qua đi mau chóng và đây là 1 cảnh tượng sẽ không trở lại bao giờ.
Bến phà Vàm Cống sẽ theo số phận bến phà Mỹ Thuận, bến phà Cần Thơ, Cổ Chiên... đi vào quá khứ lịch sử và văn hóa những con người sống bên bờ các giòng Cửu Long.

Chị bán vé số trên phà Vàm Cống, sang năm sẽ gặp lại chị ở đâu?


Trụ trái Cầu Vàm Cống đang thi công
Hiện tượng dưới này trước kia không có: phà chờ xe thay vì xe chờ phà. Vì các Cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ và nhiều cầu nhỏ khác đã làm rãnh các tàu phà các nơi đó đổ về tăng cường bến phà Vàm Cống và hiện nay gần 10 phà thay nhau chở xe sang sông. Các đoàn xe hằng mấy chục chiêc chờ phà để rồi mỗi 20 phút chỉ giải tỏa đươc chừng dưới 10 không còn nữa và hễ có xe đến là phà nhổ neo. Chưa có cầu mà giòng xe qua sông Hậu tại Vàm Cống đã là rất khả quan trên cả 2 chiều.

Mặt khác đời sống và cảnh quan nông thôn và trên sông nước miền Tây quen thuộc thì vẫn còn đó.
Bên đường QL 91 từ Long Xuyên về Châu Đốc.
Tuy vậy có nhiều "khía" khác mới mẻ hơn đang thi nhau xuất hiện.
Long Xuyên bên bến phà Vàm Cống, thành phố lớn của tỉnh An Giang nhưng lại không "nổi tiếng" bằng Châu Đốc.


Đến Châu Đốc từ QL 91. Ngã ba sông Bassac (phần lớn mặt nước trong hình) và Sông Châu Đốc (đến từ góc phái hình)



Châu Đốc, thị xã biên giới trên ngã ba sông, chỉ như 1 thị trấn miền xa nhưng trải rộng. Làm nông lúa nỗi, băt tôm, nuôi cá, buôn lậu.  Nơi có những con người cực kỳ giản dị, cực kỳ cởi mở không có gì để dấu diếm, nhưng lại mang nhiều tâm sự sâu sắc và u buồn đen tối hơn hẳn nhiều cộng đồng ở biên thùy Tây Nam này. Châu Đốc nằm ở ngã ba của nhiều mâu thuẩn lịch sử chế độ và dân tộc trong nhiều thời điểm lịch sử rất gần, rất sôi động (và đẩm máu) nhưng ít được phô trương nhắc nhở.




Từ đây ra biên giới chim bay chỉ chừng 1 cây số ngoài

Ông Nguyễn văn Thoại, Nguyễn hữu Cảnh là ai vậy a?

Đình thần Châu Phú, đền thờ ông Nguyễn hữu Cảnh.




Tại đây bạn đường sẽ không thấy tượng đài kỷ niệm, suy tôn những chiến công của người Việt trên người Việt. Tượng đài đẹp nhất trên bến sông Châu Đốc là những con cá ba xa. Một nguồn sống và gạch nối giữa những mãnh đời đã bám rể vào bờ sông Bassac tại đất Châu Đốc này từ khi Chúa Nguyễn mở mang vùng cai trị đến đây vào cuối thế kỷ thứ 18.

Bên kia ngã ba sông Châu Đốc-Bassac: Châu Giang
Tân Lộ Kiều Lương. Tên 1 đại lộ lớn nối liền chợ Châu Đốc bên ngã ba sông đến Núi Sam, rộng đẹp và tối tân. Con lộ này lại do chính quan bình Tây nhà Nguyễn là Nguyễn văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu xây dựng, niên đại là 1827. Tên đường là tên nguyên thủy, bia nguyên thủy trước đặt tại chân Núi Sam, nay không còn.
Bộ mặt mới của lịch sử. Hướng đi về Núi Sam (5 km).
Hình dưới là góc nhìn xoay vào thị xã cũ (bờ sông)
Con lộ nhìn về từ Núi Sam.
Cũng từ điểm đứng Miếu Bà Chúa Xứ trên Núi Sam, nhìn xuống không gian của Châu Đốc. Dưới chân núi là khu đô thị mới của thành phố Châu Đốc đang mở mang.




 
[*] : Thời "bao cấp" sau 1975 người viết công tác dưới Miệt Thứ Kiên Giang, vợ chồng cô y tá hộ sanh là chồng Khmer, vợ người Rạch Giá. Nơi công tác dân số chừng 1/3 Khmer, 2/3 người Nam và Hoa, khi đó cán bộ ngoài Bắc vào tiếp thu và có người vào để dịnh cư, không nhiều. Vì họ nói tiếng Việt với âm hưỡng chưa từng nghe thấy ở miệt dưới này vợ chồng cô y tá, 1 Khmer, 1 Nam nói với người viết như thế này: "ông (thủ trưởng) không phải người Việt, củng giống mấy ông cán bộ trên chợ ...", ý nói là họ không phải người từ trong Nam. Người Việt dưới này không phân biệt Khmer, Việt hay Hoa, ai cũng là người Việt, người mình.
Dĩ nhiên với thời gian trong Nam cũng đã bắt đầu dùng từ 'kinh' để xác định dân tộc đa số của nước Việt Nam, nhưng chỉ là từ vựng thông dụng hằng ngày sau 1975 .



Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.   8.  9.  10  




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét