Người ta nói trên sông Giang Thành xưa kia đêm trăng thường có tiên nữ giáng trần xuống tắm tung tăng bì bõm. Vì vậy nơi đó đặt tên là Hà Tiên. Nhiều nguồn tư liệu kể cả Đại Nam Nhât Thống Chí cũng nói xuất xứ như vậy, cho dù có giải thích khác tầm thường hơn, nói rằng khi xưa về phía Bắc gần vị trí thị xã Hà Tiên có một địa danh gì đó mang tên Khmer là Tà Ten, Tà là sông Ten là tên sông.
Thằng viết này đã từng cư ngụ trên vùng sông nước cực Nam nhiều năm và đã có quan sát môi trường dưới cái nhìn khoa học, nay đọc qua các giải thích trên thì nghĩ rằng, e có lẽ lối giải thích trong đó có tiên nữ nhảy múa lại là đúng.
Các bạn có nghe nói về 'ma trơi' lần nào chưa? Ma trơi là bóng ma trên sông nước, ao hồ, một loại ánh sáng huyền ảo chợt tỏ rồi chợt biến trên mặt nước mà người ta đều được nghe mô tả ở khắp các địa phương nào nhiều sông nước. Dân gian gọi là ma nhưng đó là 1 hiện tượng tự nhiên có thật được cư dân vùng nước ngập cả thế giới quan sát. Người Pháp gọi là feu follet, Anh văn thì có từ swamp lights, willow-the-wisp (will 'o the wisp), ghost lights v.v... tiếng La-Tinh là ignis fatuus.
Là những ngọn lửa xanh được thấy chợt sáng lên trên mặt nước về đêm rồi biến mất. Giải thích khoa học là khí methane thoát ra từ rác thực vật thoái hóa từ đáy bùn dưới nước, khi trồi lên vì lý do gì đó bốc cháy. Cư dân ở các bờ sông hay ao hồ, các vùng đầm lầy nước ngập khắp thế giới đều đã có thấy những đóm lửa màu xanh ma quái này nhảy múa trên mặt nước ban đêm, và đã gán cho chúng nhiều huyền thoại lý thú.
Trong đó có huyền thoại tiên hiện trên sông chăng? Hà tiên? 河 仙
Hính trên từ một wikipedia entry mô tả một thử nghiệm tạo đóm lửa xanh trên mặt hồ để hình dung hiện tượng ma trơi (entry bằng tiếng Pháp - xin click link)
Bây giờ có cái công viên nho nhỏ bên bờ hồ Đông Hồ có tượng mấy cô tiên nữ ăn mặc không mấy gì hở hang đang đờn ca múa hát - chứ không có tắm. Cho vui vậy mà, địa phương nào thì cũng thích có huyền thoại. Từ Tây, Tàu, Mỷ đến ta, có cái huyền thoại nào là thật đâu.
Em thật khoái Châu Đốc và Hà Tiên về chuyện tượng đài. Bên kia sông Giang Thành có một tượng đài khác, tượng này thì không phải là về một huyền thoại Hà Tiên mà là về lịch sử sự ra đời của Hà Tiên.
Ông này là người Tàu nhé. Khai trấn thượng trụ quốc đại tướng quân Vũ Nghị Công hay ngắn ngắn hơn là: Tổng binh Hà Tiên Cửu Ngọc Hầu Mạc Cửu. Đấy, tượng ông Tàu đấy. Post sau em sẽ dài dòng càm nghĩ về vị khai quốc công thần này, trang này mình cùng dạo một vòng thị xã với vài hình ảnh các thắng cảnh Hà Tiên thôi.
Con của ông Tàu trên, tên là Mặc Thiên Tứ mà mình sẽ viếng mộ trong post tới, năm 1736 hoàn thành một bài vịnh tiếng Hán tựa là Hà Tiên Thập Cảnh Khúc Vịnh trong đó ông vịnh 10 địa danh quanh thị trấn Hà Tiên. Ông ta lại rãnh viết thêm 10 bài chữ Nôm đường luật tương ứng, tức là đọc ra nghe như tiếng Việt ấy. Vì ông ta sanh ra ở đây và lấy vợ người Việt, nói theo như các vị Viêt kiều ở Mỹ bây giờ thì ông ta là 1 người Việt gốc Hoa. Những thắng cảnh được ông vịnh trong 10 khúc tựa là, theo thứ tự :
Kim Dữ lan đào, Bình San điệp thúy, Tiêu Tự thần chung, Giang Thành dạ cổ, Thạch Động thôn vân,
Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn nguyệt, Nam Phố trừng ba, Lộc Trĩ thôn cư, Lư Khê ngư bạc.
Trong 10 thắng cảnh trên có nhiều nơi người Hà Tiên, đặc biệt nhà thơ Đông Hồ còn đặt nghi vấn, không biết là ở đâu hay có còn tồn tại hay không. Phần em thì vô tư đi chơi khám phá một vùng đất chưa biết đến, không cầm một danh sách để vừa đi vừa gạch mà chỉ ghi nhận nơi nào đi qua là nơi đã gợi hứng cho thi nhân xưa làm ra nhưng bài vịnh bất hủ.
Kim dữ lan đào: Hòn Kim Dự Ngăn Bảo Tố. Khi xưa hoang sơ và cụm nhà ven cửa biển chưa có thì có lẽ là một ngọn đồi đẹp, bây giờ từ khách sạn nhìn ra phía Nam chỉ thấy lùm cây xanh kia. Nay là địa điểm một khach sạn tên là KS Pháo Đài, vì ngọn đồi tên là Núi Pháo Đài, vào thời Minh Mạng 1830 có xây cái pháo đài phòng giữ cửa biển.
Vị trí các bạn nhìn thấy đấy là một cánh cửa của cửa biển Hà Tiên, nơi sông Giang Thạnh (hay Giang Thành) đổ ra Vịnh Thái Lan, và là nơi ghe tàu sau năm 1824 có thể vào để đi lên Châu Đốc, Bến Nghe/Sài Gòn hay Phnom Penh qua kinh Vĩnh Tế.
Bình San điệp thúy: xanh xanh núi Bình. Núi Bình San nhìn từ sân thượng khách sạn River bên bờ kè sông Giang Thành nhìn sang hướng Tây. Lăng mộ gia đình ông Mặc Cửu nhìn thấy bên lưng đồi, hướng mặt về phương Đông, mình sẽ đến viếng sau. Bên Tô Châu là tả ngạn có 2 ngon đồi đối diện đồi này và lớn hơn nhưng phong thủy không được tốt như ngọn đồi này.
Tiêu Tự thần chung: tiếng chuông hôm mai chùa Tiêu. Chổ này các học giả từ hồi ông Nguyễn Cư Trinh (thêm 1 ông có tên đường ở Sài Gòn văn vật mà chả ai biết là ai, đồng chí vào đảng ta năm nào và làm cái rì) đã không còn rõ. Chùa Tiêu có thể đã nằm ở đây là trong phố hay ở xa hơn. Đại khái là một cái chùa ngớ ngẫn nào đó trong khu vực này, nay có một số chùa khá lớn khá hoành tráng. Cũng góc nhìn từ khách sạn bên bờ sông.
Giang Thành dạ cổ: tiếng trống đêm từ Giang Thành. Giang Thành là một đồn lũy nhỏ trên sông Giang Thành nay không còn. Có lẽ là đâu đó trong bức hình này chụp từ bờ hồ phía Bắc. Hình nhìn lên hướng Bắc vào một vùng rừng ngập mặn, là nơi sông Giang Thạnh đổ vào hồ Đông Hồ (phía sau cái ốc đảo trong hình).
Thạch Động thôn vân: Động đá nuốt đám mây. Núi Thạch Động là một trái núi vôi nhỏ có vài cái hang, trên Quốc lộ 80 cách cửa khẩu chừng 2 cây số. Tấm bảng xanh bên đường chỉ rẻ phía phải là ra khu du lịch Đá Dựng.
Châu Nham lạc lộ: Núi Ngọc cò về. Là Núi Đá Dựng, trong hình nhìn từ một điểm gần vị trí hình trên, cũng trên QL80 đi cửa khẩu.
Đông Hồ ấn nguyệt: Hồ Đông in bóng trăng. Sông Giang Thạnh chảy đến từ hướng Bắc chừng 6 cây số trươc bờ Vịnh Thái Lan thì đổ vào một mặt hồ khá lớn, dài chừng 2,5 km và chổ rộng nhất 1 km. Hồ này thực chất là 1 cái đầm nước mặn hay nước lợ tùy thủy triều. Trong hồ có 4 ốc đảo lớn nhỏ. Một mặt nước lớn nào thì cũng là một thắng cảnh đáng kể, nhất là về ban đêm dưới ánh trăng thanh.
Để bạn đọc dễ định vị: hình dưới em chụp từ cửa sổ khách sạn, nhìn về hướng Bắc. Nhìn thấy được là cửa phía Nam của hồ Đồng Hồ từ đó là hành lang rộng ra cửa biển, chảy qua truoc mặt khách sạn và ra sau tay phải mình, qua dưới cầu Tô Châu là cửa ra Vịnh Thái Lan.
Nam Phố trừng ba: Bãi Nam Sóng Lặng. Các học giả xác định Nam Phố là Bãi Ớt trên đường ven biển từ Rạch Giá xuống Hà Tiên. Hình dưới em không chắc là đó nhưng đại khái là địa điểm như vậy. Hướng nhìn là Tây Nam, bạn có thể thấy mờ trong xa là đảo Phú Quốc. Trong xa là trong xa, đáy hình, các cụm màu xanh đậm hơn là nhiều đảo nhỏ phía về cận cảnh, mà lại là của Kamphuchea! Chính sự hiện diện các đảo nhỏ đó lại cho mình cảm nhận rằng đảo Phú Quốc gần là dường nào. Thời nay chỉ cần nhảy lên tàu đò, 10 Mỹ kim là tới.
Tại mũi đất Mũi Nai, nhìn ngược về thị xã Hà Tiên trong góc trái. Con đường vòng Mũi Nai mới phóng và hoàn thành.
Lư Khê ngư bạc: thuyền cá đổ bến sông Lư. Lư Khê là một con rạch bên kia núi Tô Châu, được nhìn thấy đối diện bờ kè bên em ở, bờ tả ngạn. Em đăng hình minh họa thôi, bạn đọc hình dung ra.
Toàn cảnh núi Tô Châu
Nói chung - à giờ em nhận thức ra, từ chung đây có nghĩa là hết, là rốt cuộc. Như Tây nói: in the end - nói chung thì 10 cảnh Mặc Thiên Tứ vịnh thơ cũng không hùng vĩ, không hoành tráng gì vượt bực. Nhưng mình phải nghĩ về một thời buỗi con người lam lũ không được đi đâu xa, và giữa vùng Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau bằng phẳng thiếu đa dạng thì đối với người xưa địa điểm Hà Tiên phải là thắng cảnh rất xinh đẹp. Nhất là trong những ngày nắng biển trong xanh hay đêm trăng gió mát.
Hiện nay Hà Tiên cũng là một thị xã đáng đến sống, theo ý em, nếu muốn trốn Nha Trang, Vũng Tàu, ngay cả Đả Nẵng. Vì khí hậu, vì con người Miền Nam, vì sự yên ả chậm rải của nhịp sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét