Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Gallery Việt Nam 2019

Chọn lọc 1 số hình ảnh từ trong các chuyến lữ hành năm 2019 chỉ riêng trong nội địa Việt Nam.

Phố Lý Quốc Sư - Hoàn Kiếm

Bái Tử Long Bay


'Bay' là vịnh (em nghe mấy thằng Tây nói Halong Bay! Halong Bay! em đoán ra thôi) nhưng trong trang này 'bay' là bay, trên phi cơ. Trên 1 chuyến bay ngày 25-8-2019 đến Vân Đồn từ Sài Gòn-Tân Sơn Nhất.
Không may là được cho ngồi bên cửa máy bay (rất) bần, và không có mặt trời khi tàu đáp lúc 3:50 chiều. Mua vé đã cố chọn giờ đến lúc mình nghỉ là sẽ có ánh sáng, ai dè trời dọa mưa. Mua vé trên mạng VN ELai muốn chọn chổ ngồi phải đóng thêm 1 phụ phí, để được chọn ghế bên cửa sổ, bên phải vì sẽ chụp hình ra hướng Đông, và tránh cửa sổ trên cánh máy bay. Đến quầy nó không cho số ghế đã chọn (đã mua), phải khiếu kiện nó mới cho, và nó không thấy cần phải xin lỗi.
Vậy mà cố tình đến Vân Đồn để được xem cảnh vịnh Hạ Long/Bái Tử Long dưới cánh. (Nếu đến Vân Đồn là để du lịch Hạ Long, thì phải thêm 200k tiền taxi và 45 phút ngồi xe mới về tới Tuần Châu, cộng tiền thu phí xa lộ 100k, khách chịu).


Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Đảo Nam Du: An Sơn

20 tháng 8, năm 2019 - Tiếp

Muốn đến Nam Du các bạn phải đến Rạch Giá để lấy tàu khách ra đảo. Từ Sai Gòn không có xe đò đi thằng đến đảo, không có xe lửa ra đảo và Việt Nam E-Lai thì không có chổ đáp (sau này có thể có dịch vụ trực thăng hay thủy phi cơ chăng?) Xe buýt đi Rạch Giá thì các bạn biết rồi, dưới đây là giờ giấc phương tiện tàu du lịch từ Rạch Giá đi Nam Du. Chỉ có từ Rạch Giá, từ Sài Gòn Vũng Tàu Cần Thơ Hà Tiên v.v... thì không có: 
https://hatienphuquoc.com.vn/lich-chay-gia-ve-cac-tau-rach-gia-nam-du/

Đây là bến tàu du lịch tại khu lấn biển Rach Giá. Các bạn tính đi chơi thoải mái thì nên đi xe riêng ngao du tốc hành 1 vùng nào đó ở Miền Tây, chiều đến về Rạch Giá kiếm khách sạn nào gần nhất có thể đi bộ ra bến. Nhiều khách sạn có nhận giử xe dài hạng. Đi biển nhiều chắc các bạn biết về đêm hay sáng sớm rạng đông là biển lặng nhất, trưa và chiều thì sẽ dậy sóng gần như bất cứ vào mùa nào, phiền nhiều bạn nữ phải ói (mình ngồi cùng khoang tàu cũng sẽ không khỏe theo, dù "khỏe" đến thế nào ...). Thế thì các bạn nên lấy chuyến sớm nhất cho nó lành, như chúng em. Chúng em dùng xe thuê bao đi du ngoạn 1-2 điểm ở An Giang rồi mới đến Rạch Giá vào chiều tối, thuê phòng gần chổ này:

Nam Du: Đường quanh đảo

21 tháng 8, năm 2019


Đảo lớn Nam Du hình trái gòn chiều dài Nam Bắc chừng 4 km, phia Bắc nối liền với 1 khối núi nhỏ thua cũng hình thoi dài 2 km qua 1 eo đất. Phần đảo này ít phát triển và không có đường đi, muốn đến các bãi phải đi bằng thuyền. Tiêc là chúng em không đủ thời gian và được thông tin trước đề để đến tham quan phần đó. Các bạn khi ra hãy hỏi thăm mà đến, có lẽ được thấy thêm 1 khia cạnh khác của đảo.
Bộ phận chính của đảo phía Nam là 1 núi dài với 2 đỉnh tròn, đỉnh cao nhất 309 mét. Hình dưới chụp từ cầu tàu An Sơn nhìn xuôi về hướng Nam cho thấy gần hết chiều dài mặt phía Đông của đảo, phần phía Nam (bờ biển dài 4 km). Hải đăng là nơi các bạn thấy cột truyền tin.
Toàn đảo có 2 con đường rộng độ 4 mét tráng bê tông, 1 chạy theo chân núi bao bọc phần đảo phía Nam, 1 lên ngọn hải đăng. Không nghĩ đến dành thời gian lên hải đăng là 1 thiếu sót thứ hai của bọn chúng em (tối ngày cải nhau và bàn chuyện ăn nhậu). Ra hải đảo là phải tìm lên điểm cao nhất, tức nhiên là hải đăng, ở đó buộc phải có tầm nhìn đẹp mắt nhất đảo.
Mũi cực Nam của đảo hình dưới nhìn ra 3 hòn nhỏ đều tên là Hòn Nồm (chữ nồm cùng với chư nam 1 vần ?), hòn Nồm Trong, hòn Nồm giữa và hòn Nồm Ngoài. Hai hình này là mặt Đông của đảo.
Nhà nghỉ liên hệ dùm 1 dịch vụ cho thuê xe máy đi vòng đảo giá cố định không tính thời gian, cung cấp hương dẫn viên miễn phí kiêm xe ôm. Lên đường, vòng ngược kim đồng hồ đoàn xe ra phía sau của ấp Củ Tron (khu làng và bến cảng) băng qua eo đất để đến bờ Tây của đảo, đoạn hướng về Nam theo con đường xi măng. Đường ôm chân núi, tổng chiều dài chừng 11 cây số với 2 bên đường là thiên nhiên hoang sơ vì con đường không đi qua cụm cư dân nào.
Chổ nào ven đảo có cụm dân cư thì có ngõ đi xuống, vì dĩ nhiên đời sống hải đảo tụ về bờ biển và trên triền núi thì xây cất là khó. Tại đảo lớn Nam Du núi đổ thẳng xuống biền. Khi chưa có con đường xi măng này đi lại giữa các bãi phải là bằng thuyền và 1 đường bộ (đất) nhỏ nối liền các bãi mà mình thấy đươc mỗi khi ghé xuống (có thể thấy trên không ảnh Google). Bải Đất Đỏ nhìn ra hướng Tây, gần như xoay lưng đối lưng với xóm An Sơn bên kia đảo phía Đông mà mình mới rời khòi:
Theo thời thương bây giờ nghe "bãi" thì mình nghĩ đến bãi du ngoan, tắm biễn, nghĩ dưỡng, có 1 quy mô và mặt bằng nào đó. Thật ra người dân chài gọi bãi là nơi giao diện giữa biễn và đảo - là 1 khối núi - có thể đáp vào, lập thôn làng đinh cư lập nghiệp. Bãi Ngự hình dưới chỉ vừa đủ mặt bằng cho ngư dân bám đảo định cư. Bãi thường có nguồn nước ngọt từ núi xuống như nhìn thấy ở mủi Bãi Đất Đỏ này, tạo điều kiện sống cho con người trong môi trường tứ bề nước mặn.
Đây là bờ phía Tây của đảo, Làng chài này tên là Bãi Ngự. Ngự tức là chổ vua đã đến, biển này có vua nào nổi tiếng đến thì phải là vua Gia Long, khả năng là lúc ngài còn là chúa Nguyễn Ánh.
Miếu thờ Ông Nam Hải. Xóm Bãi Ngự hình vòng cung, cuối xóm có ngôi miếu nhỏ dưới núi bên đường. Ở đó có 1 bộ xương cá ông (cá voi) không rõ từ thời nào, người dân lập nhà che để thờ. Trong tín ngưỡng dân giang của ngư phủ biển phía Nam cá voi đươc thờ với tên Ông Nam Hải. Ngư dân thờ Ông, và Cậu thường là 1 thần hoàng địa phương, và Bà là Thiên Hậu gốc từ Trung Hoa (quần đảo Mã Tổ Đài Loan). 
Trong miếu không thấy ai quản lý, nhưng không biết từ đâu đến có 2 em nhỏ hình như đi chơi, ghé vào chăm sóc nhang đèn 1 lúc rồi quỳ gối bái lạy trước khi rời miếu, tiếp tục rong chơi giữa cảnh trời biển. Trên hải đảo hoang sơ vắng mặt đám đông dị đoan, người buôn thần bán thánh lui tới các nơi thờ phụng ở chốn đô thị, nhìn thấy 2 trẻ hồn nhiên thực hành 1 cử chỉ tâm linh hướng thượng - không ai bảo - thật là 1 điều tươi mát lạ thường. Nghĩ lại, giữa biễn trời bao la mà tuyệt mỹ như vậy, con người dễ thấy được gạch nối giữa vật chất và linh thiêng cao đẹp.
Tiếp tục con đường, các bạn có thể định vị vẫn là bờ biển mặt Tây của đảo lớn nhờ bóng mặt trời - lúc này là xế trưa về chiều của ngày đầu đoàn em đến đảo. Bờ biển phía này nhìn ra đại dương và không có đảo nhỏ nào trên cả vòng chân trời.
Hướng này nhìn thẳng ra 55 km về Tây Bắc sẽ là mũi An Thới của đảo Phú Quốc, dĩ nhiên là dưới đường chân trời rất xa.
Cuối bờ Tây có bãi biễn lớn trên bản đồ ghi là Bãi Mến. Tại đây có chổ tắm nhưng không có cơ sở nghỉ dưỡng. Nói chung bờ Tây đảo lớn không có nhiều cụm cư dân hay chổ nào có nhà nghỉ hoặc "resort"- làng chài duy nhất là ở Bãi Ngự.
Khỏi cần nói thì các bạn cũng dư biết là địa ốc Nam Du với không gian như blog này tường thuật thì không thể không sôi động, và những mặt bằng như thế này đều có (nhiều) đối tượng đặt tay lên, nhiều khi đã thay đổi chủ nhiều lần mà không phát triễn chi là vì kiểu đầu cơ thời giá, chỉ mua để bán lại v.v... Các nơi này cũng như trên các đảo lân cận đều thấy dấu tích manh nha xây dựng, rồi bỏ dỡ cho mưa gió phá hại mà không thấy khai thác kinh doanh gì và mặc nhiên "bỏ hoang". Chuyện này thường thấy ở các nơi như vậy, vì đánh giá lạc quan khả năng thương mại, vì bị lương gạt, tham nhũng địa phương chen vào v.v... Ai thì cũng muốn làm giàu cho nhanh và người nhẹ dạ không bao giờ thiếu.
Dưới đây là mũi cực Nam của đảo lớn, nhìn thấy các đảo Hòn Nồm. Từ đây đường vòng lên hướng Bắc và sẽ nhìn xuống vùng biển được các đảo của quần thể quần đảo Nam Du bao bọc thành 1 vùng "vịnh" đẹp mắt.
Bờ phía Đông của đảo nhìn xuống 1 "vũng" hình trái xoan với đường kình dài chừng 7 km và chiều ngang từ bờ đến bờ 3 đến 4 km. Một phong thủy rất hài hòa đặc biệt của riêng quần đảo Nam Du.
Nói đến hài đảo là nói đến cô lập, 4 bề là biển khơi vắng vẻ. Tại Nam Du cái cảm giác cô đơn này đã được xóa tan, với cộng đồng những hải đảo được nhìn thấy nhau tạo nên 1 yên tâm vửa tâm lý vừa thực tế. Vùng biển được vây quanh khi sóng to gió lớn là nơi ẩn trú tuyệt vời cho tàu bè lớn nhỏ.
Cuối cùng đường quanh đảo trở về cảng An Sơn, đường đi trên cao nhìn xuống xem thấy toàn bộ thị trấn nhỏ áp vào chân núi, nhìn ra vùng vịnh với 4 đảo lớn - các đảo đều có cư dân và kinh tế năng động (tức về đêm sẽ thấy ánh đèn linh hoạt).


Phụ bản:

Ấn tượng bền lâu trên đường vòng đảo:
Rác plastic, trên 1 nền phông biển xanh như ngọc, tuyệt mỹ. Giữa môi trường hải đảo gần như tinh khiết nhất nước. Chổ này đối diện với 1 cơ sở nhỏ xử lý rác, nghe nói đang nâng cấp thì trục trặc tài chánh gì đó, rác plastic nay chỉ thấy đổ ra đây phía biển của con đường, có nơi đang thấy đốt thôi. Rác này đổ xuống quanh biển đảo này sẽ tồn tại ít nhất là 2-3 thế kỷ, không tự hũy hoại dễ dàng như dân trí lầm tưởng (khuất mắt thì rồi nó sẽ biến mất...?)
Phó sản tai hại to lớn này của du lịch là mặt trái (của sự làm giàu nhanh chóng) mà hình như cả nước đã và đang làm lơ đưa mắt đi khỏi. Ngoại trừ 1 số rất ít giới trẻ có nhiệt tình với xã hội, với đất nước đang cố gắng dùng mạng điện tử xã hội để gióng lên tiếng cảnh báo giáo dục.
Việt Nam chỉ là nước đang phát triển, còn đứng xa dưới bảng những nước giàu có nơi đó xã hội tiêu thụ vật chất bằng trăm lần mình, nhưng đã được các cơ quan Liên Hiệp Quốc và NGO xếp vào hạng thứ TƯ trong các nước xả rác không tự hoại nhất thế giới. Không kềm chế kịp thời thì rác sẽ làm ngộp môi trường địa phương nước nhà trước khi được "chia" ra cho hàng xóm láng giềng và đại dương, thế giới.
(Năm 2017 đi Côn Đảo bằng máy bay chúng em được báo là cấm mang bao plastic ra đảo, không biết đi tàu hay hiện nay còn có quy định này không).


🌄





Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Khám phá Quần Đảo Xanh

21 tháng 8, năm 2019 


Thiên nhiên đã xếp đặt 20 hòn đảo trong quần đảo Nam Du một cách thật là đặc biệt, "có 102" trong các hải đảo nổi tiếng ở Việt Nam. Có thể nói là 1 phong thủy hết sức hài hòa, hiếm có giữa vùng biễn khơi bốn bề đại dương. Các đảo lớn nhỏ của quần đảo xếp theo 1 vòng hình trái xoan với đường kính dài chừng 7 cây số ngàn, ngang chỉ chừng 4 km, bao bọc chính giữa là 1 vùng biển - một cái vịnh - mang tính chất thân thiện, an toàn và mỹ thuật độc đáo. Ai ai đến nơi cũng 1 ước vọng như nhau, là được đi quanh 1 vòng các đảo trên vịnh. Hóa ra là việc này trong tầm tay của mọi người - và vì thế đến Nam Du phải ít nhất dành trọn 1 ngày cho những chuyến tham quan này. 
Đoàn em 7 người nên đủ tiền thuê bao 1 chiêc tương tự như trong hình nhưng nhỏ bằng 1/2 loại này. Hợp đồng do chủ tàu đề nghị lên 2 đảo chính, 1 nơi là nghỉ ăn trưa (tự túc), đi 1 vòng thả neo đây đó 2-3 đảo nhỏ tắm biển nghỉ dưỡng câu cá, ăn dặm cháo nhum - hết 1 ngày từ khoãng 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Du khách đi theo đoàn nhỏ thì mua vé theo những chiêc lớn như vậy, hành trình cũng thoải mái tương tự. Giá cả có lẽ theo thời giá nhưng nói chung cũng bình dân và hơp lý.
Bề ngang vủng vịnh chỉ trên 3 km từ bờ này sang bờ kia, đi giữa các đảo nếu "nhảy cóc" thì 1-2 km.
Các đảo lớn đều có cư dân sanh sống, về nghề biển đã đành nhưng nay càng ngày càng hướng về du lịch (bạn đọc đinh vị bằng link địa phương Google kia, nay em phải hạn chế dùng copy bản đồ của nó).
Từ một bãi trên Hòn Dầu mà bản đồ ghi là Hòn Trung có thể nhìn thấy cảng An Sơn đối diện ở cách xa chừng 3.3 km (bờ đến bờ)
Hầu hết các đảo có dân cư đều không có cầu tàu. Ngư dân thì vào bờ bằng thúng hay xuồng nhỏ nhưng du khách thì dùng dịch vụ giõ lãi "taxi" (không miễn phí).
Toàn cảnh vịnh biển giữa biển cả đẹp nhất là nhìn từ các bãi trên Hòn Dầu đối diện đảo Nam Du.
Tại miền trung California bên bờ Thái Bình Dương có 1 nơi mà National Geographic ca ngợi, đặt cho cái tên là nơi dành cho "người mới cưới và người sắp chết". (Một bài báo cách đây 40 năm hơn rồi). Ý nói là nơi đó là thần tiên cho trăng mật và là nơi ở của người già hưu trí - vì không có công ăn việc làm gì ở đó (ngooại trừ du lịch). Chổ đó thua chồ này xa, các bạn tin em đi.
* "A place for the newly wed and the nearly dead", vùng duyên hải nơi có biệt thự Hearst nổi tiếng.
Hình dưới: 1 bãi trên Hòn Mẫu nhìn ra biễn khơi hướng Đông Nam.
Các thương vụ dù rãi rác trên nhiều đảo cũng hợp đồng với nhau tốt đẹp, đem lại dịch vụ và sản phẩm hưu ích cho du khách, tạo 1 không gian du lịch trơn suốt. Thí dụ tại quán ăn trưa này có võng cho các đoàn - hay cả tàu - nghỉ trưa nếu không muốn đi tắm trong khi chờ đời tàu nhổ neo tiếp tục tham quan trong ngày.
Ảnh đời thường, quần đảo Nam Du.
Một xóm nhà bè, đảo Hòn Ngang.
Cá nuôi bè ở đây đều phải điếc nặng vì karaoke nhưng chất lượng thì không hề hấn gì nhé các bạn.
Một đảo nọ chỉ có 4 hộ dân. Tàu ghé lại để du khách trải nghiệm 1 buỗi tắm huy hoàng trên bãi  hoang sơ.
Có cù lao chỉ bằng cái sân bóng đá, tàu ghé lại thả neo để du khách lặn xem san hô hay câu cá.
 Một rỗ con nhum - cầu gai - được thủy thủ lặn bắt để nấu cháo trên chuyến tàu du ngoạn.
Cá xương xanh nấu canh chua tại quán ăn trên Hòn Mẫu. Màu thịt và thớ thịt trắng đẹp đặc biệt nhưng vị ăn thì lạt lẽo, không ngọt như cá mú (mà thớ rât giống).
Con cún này gọi nó là chó Phú Quốc nó không chịu, nó bảo phải gọi là chó Nam Du "gốc Phú Quốc". Mà thật, nó sủa tiếng Nam Du như gió. Chó mà cũng bày đặt! Gia đình nó qua đây hồi '75, diện tỵ nạn thời Khmer Đỏ đến Phú Quốc. Chó cái cũng lung tung lang tang nhiều nên bây giờ giống nó không còn vện như chó Phú Quốc nữa, lông vàng sáng sủa ra, nhưng không làm sao dấu được cái bờm xoáy trên lưng. Cũng chả sao, chúng nó đều hội nhập ok, vì bên này của ăn ê hề nhờ du lịch đang lên, chả chó nào rảnh mà theo kỳ thị làm chi.