Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Rừng Trà Sư

Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.   8.  9.  10   

Thành phố Châu Đốc nằm ở ngã ba sông Châu Đốc và Bassac (chổ ghi tên là vị trí Núi Sam). Từ trung tâm thành phố bên bờ sông đến khu du lịch sinh thái Trà Sư chừng trên 20 cây số, khu rừng nằm trong huyện Tịnh Biên.

Nhìn mãnh bản đồ màu xanh trong Google maps bạn phải hiểu rằng địa lý này không phải nguyên thủy là thế, mà phải là bao trùm gần hết mặt bằng trên bản đồ. Hiện nay khu rừng là 1 khu vực được phục hồi sau khi đươc chính quyền dành riêng làm khu bảo tồn sinh thái năm 2003, không phải rừng tràm nguyên sinh.


Trong bản đồ của người Pháp xưa bạn đọc thấy khu được mô tả là "Forêt de trams", rừng tràm, kéo dài đến qua Rạch Giá và khả năng là xuống bao gồm vùng mà người Nam gọi là Miệt Thứ, là vùng rừng U-Minh.


Thật vậy, quan cảnh trong hình dưới đây là hình ảnh của rừng tràm U-Minh 1 thời - nếu không thấy vùng núi Thất Sơn trong hình - nếu lúc đó có ai đến chụp được từ cao trên ngọn cây. Người viết đã có dịp sống tại đó 1 thời gian, ngay chính địa điểm quê ông Sơn Nam,  Chợ Thứ 11 (Huyện An Biên), và nhận thấy những nơi chưa canh tác hoàn toàn giống địa lý trong cac hình Rừng Tràm Trà Sư dưới đây. Từ đó đến nay đã gần 1/2 thế kỷ và rừng đã thành đất khẩn hoang khai thác trồng trọt, chỉ còn lại rất, rất ít rừng nguyên sinh (tại U-Minh may ra thì có, tại An Giang không còn tồn tại).
Tràm là nhiên liệu đốt trong suốt thời gian nước Việt Nam bị Âu Mỹ phong tỏa kinh tế, mà lại trùng vào 1 thời gian hòa bình dài từ trên 100 năm chưa từng có, dân số tăng vọt như chưa từng tăng trong suốt quá trình hình thành đất Nam Kỳ từ thời các chúa Nguyễn Nam Tiến. Kết quả: rừng nguyên sinh bị tàn phá gần như hoàn toàn cho đến khi được báo động thì đã trể, cách đây chỉ chừng 10 năm.
Người viết là nhân chứng mắt thịt ở vùng đất Nam Kỳ này trong thời gian chuyển tiếp biến động sau chiến tranh đó (nhân chứng như thế nào, nếu bạn đọc không biết đến 3 chữ "kinh tế mới" thì đừng hỏi, vô ích, hì 😊  )


Địa lý rừng tràm không như rừng ngập mặn - là rừng đước, mắm, dừa hay các loại cây gốc mọc trên đất ngập nươc mặn như cây bần, cây bình bát v.v... Rừng tràm là rừng đất phèn nươc ngọt, chỉ trong mùa mưa (hay sau mùa mưa 1 thời gian trong mùa nước nổi như tại đây) thì mặt đất mới ngập nước. Không sâu, chỉ cao lắm là 1 hai thước nước tuy như nhìn trong hình thì có cảm tưởng là nhiều nước. Thực tế tại đây muốn đi lại hay tải hàng hóa bằng ghe thuyền người ta vẫn phải đảo kinh xuống sâu hơn, đất kinh đào lên thì dùng làm bờ đê cao, khô được suốt năm. (Hàng hóa vật liệu nặng vẫn phải tải bằng đường thủy vì miền đất lún móng là bùn thì lộ trải nhựa cũng không chịu được xe tải năng)


Tóm lại vùng đất này là vùng đất ngập nước có mùa (vẫn có chổ trũng hơn thì là ao hồ quanh năm) Tiếng Anh gọi là fresh water swamps hay wetlands, khác với vùng đất bồi ngập mặn tiếng Anh gọi là mangrove. Hai môi trường khác nhau rất xa, về thời đại cấu tạo và vị trí địa lý, nước ngọt trái với nước mặn, con nước có tùy thuôc thủy triều, hay mùa nước của sông ngòi trong vùng, hay tùy thuộc mùa nước lũ do mưa mùa.

Rừng tràm ngập nước trong mùa nước nổi Miền Tây Nam Phần (rừng phục hồi).
Vùng úng nước trong mùa nước nổi, nươc đến  từ giòng Cửu Long và mưa mùa, từ tháng 8 đến cuối tháng 10 dương lịch (nươc không cao, chỉ chừng 1 thước là lớn).
Nay khu du lịch Trà Sư là khu bảo tồn môi trương sinh thái mưc nước được kiểm soát bằng kinh đào và người ta giữ mực nước cao được đến hơn 1 tháng sau mùa nươc nổi. Du khách còn trải nghiệm được cảnh quan này dến tháng 11 dương lịch.







Địa lý không khác gì U-Minh Thượng khi trươc; U-Minh Hạ nhiều đất trống hơn (cũng ngập như vậy mùa mưa "lụt") và về phía Nam của U-Minh Hạ sẽ tiếp nối đất vùng ngập mặn Cà Mau.



Nước là nươc ngọt (nước phèn chổ nào ít thông, khó tháo ra sông ngòi chảy về Cửu Long hằng năm sau mùa nước nổi)



Màu nước đen do tanin trong lá tràm rụng xuống. Tương tự như vậy nước vùng rừng tràm U-Minh cũng đen, tên gọi Cà Mau là từ 'tuk khmau' tiếng Khmer, là nước đen.


Về việc đi tham quan như thế nào. Trươc nhất là bạn đọc phải chọn đến trong mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 mỗi năm.
Về Châu Đốc thằng viết có đặt ưu tiên là đến thăm khu rừng tràm Trà Sư. Chuyện nhỏ: chỉ cần hỏi tiếp tân khách sạn là được giới thiệu 1 "tour" cho chính nhà nghỉ nhỏ này bố trí cho khách nào muốn đi tham quan có tính cách bụi 1 tí. Một chú lái xe ôm được bố trí chờ mình lúc sáng sớm để đưa đi xem khu chợ nổi trên sông Bassac, sau đó đi thăm 1 số xóm nhà bè sống về nghề nuôi cá bè và cộng đồng người Chăm Châu Đốc sống bên bờ sông. Sau đó đưa đi Trà Sư xem khu du lịch sinh thái này. Đi du ngoạn bằng xe ôm là nhất, chỉ sau phương án đi bằng xe gắn máy tự mình lái nhưng thằng viết thuộc loại nhác gan (bác xe ôm là hướng dẫn viênđại phương mà).

Đường vào khu rừng tràm Trà sư
Đến khu rừng chừng khoản 1:00 giờ trưa. Tại cổng là bãi đậu xe, 1 khu nhà tiếp tân và bàn bán vé. Với tấm vé cầm tay ai đi từ 1 mình cho đến nhóm 6, 7 người cũng được lên 1 chiêc võ lãi đưa vào trung tâm khu rừng, chuyến đi chừng 4 cây số. Tại khu trung tâm khu rừng có nhiều chiêc xuồng nhỏ đón khách chèo tay đưa mình đi sâu hơn vào nhưng điểm có sinh thái khác hơn là trên đường đi, chèo đi về sau chừng 1/2 giờ. Sau đó mình có thề lên khu trung tâm ăn uống, leo lên 1 chòi quan sát  xem quan cảnh từ trên cao. Sau đó khi nào mình muốn thì cứ leo lên 1 chiêc xuống máy (võ lãi hay giõ lãi) mà trở về khu tiếp tân bán vé, nơi chú xe ôm chờ. 
Tổng thời gian cần đi tham quan cho thong thả có thề từ 2 tiếng đến 3 tiếng đồng hồ.











Khỏi nói thì ai cũng hiểu rằng hệ sinh thái của 1 địa lý như thế này là phải phong phú như thế nào. Từ thủy sản, ốc sò đến bò sát, rắn rùa, cá sấu đến cả động vật máu nóng như heo, cọp v.v... Hệ sinh thái khu rừng này đang được (tự) tái lập nhanh chóng, nhât là các giống chim đã về nhiều, hy vọng sẽ còn phòng phú hơn nhiều trong thời gian ngắn.



Thời cuối 1970 đầu 1980 khi thằng viết ở U-Minh người dân chia ô các khu rừng tràm để khai thác mật ong. Khai thác là, họ mang sào tre cao hơn ngọn cây tràm, cắm 1 cách có hệ thông, cách xa nhau như thế nào, cao như thế nào v.v... và mặc cho các đàn ong tự chọn ngọn sào làm tổ. Đến lúc thì đi gỡ sào lấy tổ, đơn giản thế thôi. Đến mùa ngày ngày thấy họ chống ghe vào rừng, ghe nào cũng đầy khạp da bò 40 lít, chiều về khạp nào cũng đầy mật ong. (Khạp là cai lu có nắp bằng gốm. 'Da bò' vì tráng men màu vàng da bò. Khạp thông dụng nhât là khạp 1 dạ, ghe tam bảng be bảy sắp từ lái đến mũi chiều dài có thể được trên dưới 5  khạp).

Hình dưới: từ trên đài quan sát ở trung tâm khu rừng, nhìn ra Núi Cấm trong cụm núi Thất Sơn, phía Nam Tây Nam.



Đây là trên 1 con đê, là cảnh tượng cánh rừng mùa khô khi khối nước đã rút về các giòng sông rạch, chảy về lòng các nhánh Cửu Long (và cũng là cảnh quan của rừng U-Minh ở bán đảo Cà Mau mùa khô lúc xưa. Em xin nhắc lại là tại Miệt Thứ U-Minh không có "mùa nước nổi"!).

Đếm tham quan ngoài mùa mưa thì chỉ thấy được như thế này trong hầu hết khu vực nhé!

Hồi xưa thằng viết bơi xuồng tam bảng thường hay xé 1 ít vỏ tràm mang theo, hể thấy lỗ dò rỉ nước vào ghe thì lấy mà trám. Nay đi xe ô tô Nhật đã lâu, về đây thấy vỏ tràm vẫn còn nhớ, hì 😊 .



Để so sánh, mời bạn đoc xem lại ký sự miệt Cà Mau của thằng viết, hình ảnh bán đảo Cà Mau tháng 5 năm 2016.



Trong du ký này:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.   8.  9.  10   




1 nhận xét:

  1. Rừng Trà Sư ngày nay đã được tập đoàn Sao Mai thuê lại và có đầu tư thêm vài hạn mục mới như: Bến tàu, nhà nghỉ, nhà hàng, khu quà lưu niệm và đặc biệt là cầu tre dài đến 3km. Ngày xưa muốn đi vào đến bến xuồng máy để đi tham quan rừng tràm, chúng ta phải đi bộ từ bến xe đi vào hoặc đi xe ôm. Nay thì không cần nữa, tàu đón du khách ngay tại cổng chào luôn.

    Trả lờiXóa