Điện Biên Phủ thoạt đầu không phải là một địa danh, tên đặt cho một địa phận nào. 'Điện Biên' ví như 'Lầu Ông Hoàng', 'Dinh Độc Lập', 'Tháp Mười', v.v...
Dưới triều Nguyễn trong thung lũng nơi có ngôi làng Mường Thanh [1] có một tòa nhà kiểu Pháp xây gạch gọi là Villa du Gouverneur, tiếng Việt gọi là cái điện vì so với nhà sàng nóc tranh chung quanh thì ngôi nhà gạch mái ngói có lầu xem nguy nga lắm. Tại đó là phủ Điện Biên, là phủ trấn biên giáp giới xứ Lào. Em xin dịch tóm lược và bổ nghĩa thêm 1 đoạn vài trang của tác giả Bernard Fall trong cuốn 'Hell in a small place' (1966. Di Capo Press ed 1985, trang 9 và 13):
Tại đây có 1 quan chức Pháp chuyên cai quản việc thu mua thuốc phiện. Thung lũng này là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất Đông Pháp. Dân số toàn thung lũng chừng 13000 người. Người Hmong sống trên núi và trồng cây anh túc, người Thái sống vùng đồng bằng là trung gian mua bán. Cánh đồng Mường Thanh còn là 1 vựa lúa nhỏ sản lượng được 2000 tấn mỗi năm.
Cạnh làng Mường Thanh người Pháp dọn 1 đường bay cho phi cơ loại nhỏ. Mặc dầu phe người Pháp tại Đông Dương theo thống chế Petain hàng Đức-Nhật nhưng quân đội thì lén lút tiếp tay đồng minh Anh Mỹ hoạt động ở Miến Điện và miên Nam Trung Hoa. Đường bay nhỏ tại Mường Thanh đã được dùng vận chuyển điệp viên Đồng Minh và di tản phi công Mỹ lâm nạn trên trời Vân Nam và Đông Dương. Sau khi Nhật đảo chánh Pháp vào đầu năm 1945 số quân nhân Pháp đồn trú tại đây đã chống cư khá lâu truoc khi rút qua biên giới Trung Hoa.
Người Nhât gia cố phi đạo để phục vụ các cuốc hành quân chống đồng minh ở mặt trận Nam Trung Hoa mà chủ yếu là Miến Điện. Sau khi Nhật đầu hàng quân Tưởng đến giải giới Nhật ở thung lũng Mường Thanh, và người Pháp lên thay sau khi đã đổ bộ lên toàn cõi miền Bắc.
Tây Bắc lúc này là 1 vương quốc tự trị trong liên bang Đông Pháp gọi là Sip Song Chau T'ai [link]. Người Thái Đen quản hạt tại Mường Thanh tên là Lò văn Hạc, về sau bị Đèo văn Long là người Thái Trắng thủ phủ ở Lai Châu truất phế để thay vào 1 người Thái Trắng. Lò văn Hạc liền theo phe Việt Minh lúc đó đã bắt đầu xâm nhập tuyên truyền ở vùng Tây Bắc và có nhiều du kích quân trong vùng. Người Pháp đưa vào thung lũng 1 tiểu đoàn người Lào từ Sầm Nứa giữ an ninh. Vào đông xuân năm 1952 tướng Giáp từ Việt Bắc đánh chiếm Nghĩa Lộ và tiến qua Sông Đà trong chiến dịch Tây Bắc lần đầu với mục đích tối hậu là bắt tay với Pathet Lào chiếm nước Lào. Quân Lào và lính Thái tại Mường Thanh rút về Lào truoc sự de dọa của các đại đoàn Viêt Minh khi đoàn quân này vây đánh cứ điểm Nà Sản. Trung đoàn độc lập 148 gồm người Thái địa phương đến chiếm đóng thung lũng có Điện Biên Phủ vào tháng 11 năm 1952, đặt bản doanh tại làng Mường Thanh ***.
[hết trich dịch B. Fall. Bản dịch của chủ blog]
Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay: dân số 56 nghìn người, thủ phủ tỉnh Điện Biên cắt ra từ tỉnh Lai Châu năm 2004.
Khác với các nơi nghỉ mát vùng cao như Dalat, Chapa, Ba Vì, Mẫu Sơn v.v..., trong vùng Tây Bắc vì là quá xa các thành thị lớn người Pháp không phát triển những nơi họ có mặt như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên mà chỉ dùng làm tiền đồn hành chính với hạ tầng vật chất tối thiểu. Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay là 1 thành phố hoàn toàn mới, và rất mới, chỉ từ 10 năm nay.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp đi ngang qua 1 "công viên" rât lớn là đồi A1 tức cứ điểm Eliane 2, là cứ điểm quan trọng cuối cùng thất thủ ngày 7 tháng 5 trước khi tướng De Castries ra khẩu lệnh cho binh lính Liên Hiệp Pháp ngưng bắn, chấm dứt 56 ngày tấn công cụm cứ điểm Điện Biên Phủ.
Mình sẽ trở lại với hình ảnh di tích Đồi A1 sau các khía cạnh khác và di tích nhỏ thua quanh thị xã.
Nếu thung lũng Điện Biên Phủ là 1 cái đĩa hình xoan thì thị xã tọa lạc ở cung từ 1 giờ đến 2 giờ của vành đĩa. Thằng viết đề nghị tài xế đánh 1 vòng trục lộ chính Nam Bắc, mục đích tìm ra chổ trống trải để có thể đánh giá địa hình tổng thể nó như thế nào.
--o-0-o--
Xin tóm tắt tình hình sự kiện đưa đến chiến tranh trong thung lũng Điện Biên Phủ năm 1954:
Sau khi quân đôi Pháp rút khỏi Nà Sản toàn vùng Tây Bắc kể từ và kể cả Hòa Bình thuộc quyền kiểm soát chính phủ kháng chiến Việt Minh, từ đầu năm 1953. Trước đó vào năm 1950-51 là vùng Viêt Bắc và vùng Đông Bắc, Cao Bằng, Lạng Sơn (chiến dich Biên Giới). Như vậy vào cuối năm 1953 quân đội Liên Hiệp Pháp* (vì lúc này đã gồm nhiều quân nhân và đơn vị Quốc gia Việt Nam) chỉ còn giữ tam giác đồng bằng Sông Hồng, chủ yếu là hành lang Hà Nội-Hải Phòng và miền duyên hải Nam Định, chủ yếu là Bùi Chu Phát Diệm. Lúc này việc di tản Hà Nội và toàn miền Bắc là 1 việc rất khả dĩ, vì tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp là ở Sài Gòn. Sau khi nhậm chức tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương tướng Navarre quyết định tái chiếm Điện Biên Phủ để ** 1 là chia lửa với tam giác sông Hồng và Hà Nội, 2 là lấy làm căn cứ để gây trở ngại cho việc quân Việt Minh bắt tay với Pathet Lào làm chủ nước Lào (cũng vừa đươc Pháp tuyên bố trao trả độc lập). Cuộc hành quân không vận tái chiếm thung lũng và thành lập căn cứ - gọi là base aero-terreste - Điện Biên Phủ khai sự ngày 20 tháng 11, 1953 tên là chiến dịch Castor [2].
Lúc này trong thung lũng Mường Thanh có trung đoàn độc lập 148 người Thái và là nơi dưỡng quân và huấn luyện, một hậu phương rất yên ả. Bản doanh đóng ngay tại làng Mường Thanh.
Sáng ngày 20 tháng 11, 1953 đoàn máy bay từ Hà Nội đến rải xuống trên 4 bãi đáp quanh Mường Thanh tướng nhảy dù Pháp Jean Gilles cùng tổng hành dinh và quân số đầu tiên của 2 liên đoàn không vận. Tuy bị bất ngờ các đơn vị trung đoàn 148 đang phân tán khắp thung lũng luyện tập và làm việc đồng áng đã mau chóng bắn trả, các đơn vị dưới các bãi đáp còn có dịp bắn ngay lên đoàn dù đang rơi xuống gây thương vong cho nhiều binh sĩ dù. (Vị bác sĩ của tiểu đoàn 6 Thuộc địa, tiểu đoàn của thiếu tá Bigeard là Đại úy Andre đã tử thương bởi 1 viên đạn súng nhỏ vào trán khi còn đang rơi). Trung đoàn 148 thiệt hại và rút vào núi, quân LH Pháp làm chủ thung lũng nhưng mất cơ hội bắt sống bộ chỉ huy trung đoàn tại làng Mường Thanh.
Chiến dịch Castor kết thúc sau 3 ngày, đổ xuống thung lũng 4700 quân nhân, đường bay cũ được sửa sang, lót thép và xử dụng lại được. Quân dù được thay thế bởi 1 lực lượng bộ binh, pháo binh, công binh, quân nhu, thiết giáp, không quân và tiền trạm hùng hậu. Tướng Gilles được đại tá Christian De Castries thay thế. Ngày 10 tháng 12, 1953 cuộc hành quân Pollux di tản binh lính Thái từ Lai Châu xuống nhập vào căn cứ mang theo gia binh quân nhân Thái, Mèo. Họ sinh sống quanh căn cứ cho đến ngày thất thủ.
Sau khi chiếm đóng lại thung lũng vào cuối năm 1953 các binh đoàn LH Pháp tung nhiều cuộc hành quân vào vùng rừng núi chung quanh nhưng đều thất bại và tiêu hao nhiều nhân lực. Chính phủ Viêt Minh đưa vào khu vực 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn súng nặng, nhiều đơn vị phòng không. Không quân Pháp dốc sức bắn phá các hành lang tiếp tế và chuyền quân của Việt Minh nhưng thất bại. Bộ đội VM chiếm ngự tất cà cao điểm trong tầm pháo binh quanh các cứ điểm của quân đội LH Pháp. Ngày 13 tháng 3 năm 1954 Việt Minh bắt đầu cuộc tồng tấn công, kéo dài liên tục trong 56 ngày đêm được mọi người biết đến dưới tên là "trận Điện Biên Phủ".
--o-0-o--
Lúc này chừng 8:00 sáng, Chúng em ra đến ngoại vi thánh phố về phía Bắc, chạy theo cạnh phía Đông của phi đạo mới. Trên QL-12 đi hướng Bắc. Phi đạo mới song song bên trái hình. Ngọn đồi nhìn thấy trong xa (vế hướng chính Bắc) là Đồi Độc Lập/Gabrielle.
Hướng Bắc. QL-12 tại Điện Biên Phủ, đi Mường Lay |
Hình dười: điểm đứng này trên đường 12, nhìn ra giữa thung lũng, hướng Tây (xe đã quay đầu, trở về trung tâm). Cánh đồng ngày nay vẫn còn trống trải là khoãng giữa cụm cứ điểm chỉ huy và đồi Độc Lập/Gabrielle, dự trù dùng tiếp ứng nhau với sự hổ trợ của đội xe tăng 10 chiếc có mặt tại mặt trận. Trên chiến trường này đã diễn ra những trận dánh ác liệc nhất vào khi 2 bên giằng co chiếm và tái chiếm Đồi Độc Lập. Trên cánh đồng trống trải này nhiều đơn vị Việt Minh bị pháo binh và phi cơ Pháp tiêu diệt 90-100%. Ngươc lại pháo binh Viêt Minh từ cao điểm thuận lợi nhất cũng đã góp phần bẻ gãy các cuộc chi viện cho Gabrielle, trong đó Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù Việt Nam [3] đã xem như giải thể lần thứ nhất tại đây (các đại đội còn lại chia cho các cứ điểm, tham gia các cuộc phản công trong đó có Eliane 1 về chiều ngày cuối cùng).
Đây là đầu phía Bắc của phi đạo mới. Các truyền thông nhà nươc, websites nhà nước và websites du lịch đều sai cho rằng phi đạo này là đường bay nguyên thủy trong trận Điên Biên Phủ. Đường bay cũ nay đã xóa bỏ và lúc đó nằm gần trung tâm Mường Thanh và bên phía Đông của đường QL-12. Đầu phía Nam của phi đạo cũ, chỉ dài bằng 1/3 phi đạo ngày nay, là bãi đậu máy bay của binh đoàn ĐBP.
Mượn mô hình cùa 1 trang mạng Pháp. Isabelle/Hồm Cúm bên góc phải là chính Nam, cứ điểm Gabrielle/Độc Lập bên góc trên/trái là chính Bắc. Các khoảng cách trong mô hình là tượng trưng, không chính xác. Đây chỉ là góc Đông Bắc của thung lũng Điện Biên Phủ (Isabelle có đường bay nhỏ ở cuối thung lung rất xa về phía Nam) Em cắt bản đồ này để bạn đọc định vị rõ thêm, vẻ thêm vị trí đường bay cũ màu vàng, đường bay mới màu đỏ. Cứ điểm Isabelle ở tận cuối lòng chảo chổ đường AH13 đi vào núi.
Mượn mô hình cùa 1 trang mạng Pháp. Isabelle/Hồm Cúm bên góc phải là chính Nam, cứ điểm Gabrielle/Độc Lập bên góc trên/trái là chính Bắc. Các khoảng cách trong mô hình là tượng trưng, không chính xác. Đây chỉ là góc Đông Bắc của thung lũng Điện Biên Phủ (Isabelle có đường bay nhỏ ở cuối thung lung rất xa về phía Nam) Em cắt bản đồ này để bạn đọc định vị rõ thêm, vẻ thêm vị trí đường bay cũ màu vàng, đường bay mới màu đỏ. Cứ điểm Isabelle ở tận cuối lòng chảo chổ đường AH13 đi vào núi.
Đầu phi đạo mới phía Bắc gần ống gió màu cam có 1 chiêc xe tăng nằm cạnh 1 tấm bia nhỏ. Phần đồng bằng này là môi trường lý tưởng cho thiết giáp nhưng vì pháo binh Việt Minh từ cao điểm quan sát quá rõ nên đã bớt phần hữu hiệu.
Mỗi chiêc xe tăng M24 Chaffee nặng 18 tấn, mới được Mỹ cung cấp phải tháo gỡ và chuyên chở vào ĐBP bằng 5 chiêc C-47 và 2 chiêc máy bay há mồm Bristol, phải ráp lại tại chổ, ngoài trời, mỗi chiêc trong vòng 2 ngày. Tổng cộng có 10 chiếc tại lòng chảo, đã phải huy động 1 cầu không vận đáng kể và 1 đại đội quân cụ để lắp ráp trong 1 tháng. Tất cả vẫn còn tại chổ dĩ nhiên.
Xe tăng dưới đây cũng nằm ở vị trí nguyên thủy nơi bị bắn hỏng, gần cầu Mường Thanh. Được mái nhựa mới dựng che chở vì sắt xe bọc thép có thể hư hại, mưa gió có thể tàn phai, plastic kiên cố hơn.
Bãi đậu máy bay của phi đoàn khu trục Bearcat và 6 phi cơ quan sát điều chình pháo binh cơ hữu (thường trực) của binh đoàn GONO, hầm chỉ huy và cầu Mường Thanh tọa lạc quanh 1 góc ở cuối đường bay cũ, có thể đi bộ loanh quanh để xem di tích.
Công binh Pháp cũng đã phải đưa vào xe ủi đất, hằng trăm tấn vĩ sắt để bảo trì phi đạo và làm hầm, và 1 chiêc cầu sắt tiền chế. Tât cả phải chở đến bằng máy bay!
Công binh Pháp cũng đã phải đưa vào xe ủi đất, hằng trăm tấn vĩ sắt để bảo trì phi đạo và làm hầm, và 1 chiêc cầu sắt tiền chế. Tât cả phải chở đến bằng máy bay!
Cây cầu Mường Thanh bắt qua sông Nạm Rốn cách PC GONO chừng trên trăm mét là loại cầu Bailey tiền chế xử dụng trên chiến trường Pháp-Đức sau khi Đồng Minh đổ bộ, có thề cho xe tăng nhẹ như M24 qua được. Chiếc cầu nay vẫn còn nguyên vẹn, là 1 trong 3 cây cầu đang được xử dụng.
Tiếc là em không có dịp xuống xe tham quan, vì trươc đây chưa đọc nhiều về cây cầu này nên không quan tâm mấy. Để du lịch được bổ ích hơn các bạn nên tìm đọc về điểm đến thật nhiều, trước khi đến, sẽ không hối hận như em.
Chiêc cầu này chỉ cách bộ chỉ huy ĐBP chừng 100 mét nhưng nay lại cách 1 khu phố nhỏ, khó nhận ra tương quan giữa 2 vị trí. Chúng em dừng xe ở "Hầm Đờ Cát" nhờ có bản chỉ dẫn. Di tích hầm chỉ huy của đại tá De Castries chỉ huy chiến trường Điện Biên Phủ gọi là PC GONO, Poste de Commande, Groupe d'Operation Nord Ouest.
Từ hầm này đã phát đi lúc 17:20 chiều ngày 07 tháng 5 năm 1954 tín hiệu vô tuyến cuối cùng nghe được ở Hà Nội: "Chúng tôi đang phá hủy tất cả. Chào vĩnh biệt" - "Nous faisons tout sauter. Adieu".*****
Hầm cũng mới được xây 1 vòm nhựa trong che chở. Chổ này thì có lý vì các mùa mưa qua đi đã xoi mòn nhiều di tích vốn dĩ là đất này - nay thì đã được gia cố và tái tạo hư hỏng lại khá khéo léo bằng xi-măng.
Hình này được mọi người biết là hình giàn dựng chụp một vài ngày sau do phóng viên chiến trường người Nga Roman Karmen đạo diễn - đến trể vì bị không tập trên đường vào Điên Biên. Trong lời nói đầu cuốn hồi ký tập thể phiên bản tiếng Pháp 'Dien Bien Phu vu d'en Face' nữ ký giả Đào Thanh Huyền viết rằng cảnh trong hình đã không xảy ra lúc bộ đội tiến chiếm PC GONO vào chiều ngày 7 tháng 5-1954 và không có cờ đỏ sao vàng nào mang lên nóc hầm. Ký giả B. Fall thì quả quyết là có (ký giả Fall đã phỏng vấn trong gần 10 năm hàng nghìn cựu chiến binh và chỉ huy đôi bên kể cả tướng Giáp). Một điều tất cả đều nhất trí là không bao giờ có cờ trắng trên nóc hầm tham mưu của tướng De Castries. (Lênh đầu hàng trong quân đội Pháp phải được truyền bằng giấy do giao liên mang tay đến các đơn vị, có chữ ký của chỉ huy trưởng nào còn sống. Các toán còn cầm cự tuy có nghe lệnh từ nhân viên truyền tin là ngưng bắn và phá hủy trang bị, nhưng không nhận được lệnh đầu hàng).(Đầu hàng là xin thương thuyết, xin thua. Bị địch bắt là bởi kiệt sức chiến đấu, "cas de force majeure". Người viết blog)
Để xây dựng các hầm trú này quân LH Pháp sau khi đã chặt hết cây lớn chung quanh đã trưng dụng hết gỗ từ các nhà sàn trong làng Mường Thanh, gây phiền toái không nhỏ cho dân làng vì xem như không còn ngôi nhà nào còn đứng trong làng để che mưa! ngoại trừ căn nhà Điện Biên bằng gạch phết vôi của viên quan chức Pháp gọi là Villa du Gouverneur. Ngôi nhà đó sẽ bị pháo Việt Minh phá hủy vào ngày chót của cuộc hỏa tập lên các cứ điểm quanh bộ chỉ huy.
Hầm đã được bảo quản tốt và chế biến với xi măng thì phải. Các bạn đọc không có trải nghiệm thì chắc không thấy, là 1 hầm tránh pháo như thế này là rất "mõng manh", yếu. Trong 1 căn hầm như vậy hay yếu thua tại cứ điểm Him Lam/Beatrice ngày 13 tháng 3 lúc vừa khởi đầu cuộc tập kích của Việt Minh vào cứ điểm đầu tiên, toàn thể các sĩ quan chỉ huy cứ điểm và đại đội trưởng về họp đã tử trận khi liên tiếp 2 trái pháo quá "may mắn" đã trúng ngay nóc hầm. Vài phút sau vị đại tá chỉ huy khu vực Đông Bắc gồm các cứ điểm B1, B2, B3 cũng tử thương trong 1 hầm khác. Beatrice thất thủ vì không còn ai chỉ huy.
Vì đánh giá thấp khả năng pháo binh Việt Minh, và nhất là vì khởi thủy ĐBP không có mục đích là 1 pháo đài phòng thủ mà là 1 căn cứ để chủ động hành quân chung quanh mà (di tích) các hầm hố em đến quan sát đều không đạt tiêu chuẩn kiên cố. Đừng hỏi làm sao em biết mà nói thế [em không phải loại blogger chuyên phịa :) ].
Cái này bên lề với bạn nào có thích chuyện võ biền nhà binh. Theo tiêu chuẩn đã sẳn có lúc đó trong cẩm nang pháo binh thì đã chưa đạt được loại hầm có thể chịu được pháo 105 ly (trúng ngay trên hầm). 20 năm sau loại hầm có tính chất tạm thời hơn còn kiên cố gắp bội, khúc cây giữ nóc hầm phải ít nhất bằng 2 đường kính, và số lượng "đòn tay" trong khoảng cách nhìn thấy được trong hình này là chừng hơn 2 mét thì đã phải có 4 cây gỗ gia cố cho nóc. Lại nữa, nóc hầm này rất cạn, trên nóc chỉ là 8 đến 10 lớp bao cát dưới vòm sắt cống. Muốn có 1 hầm chỉ huy lâu dài thì ít nhât phải sâu xuống 2 mét nữa hay sâu hơn, bao cát phải là 20 lớp! Hầm này chỉ đủ để tránh cối. Đừng hỏi làm sao em biết.
--o-0-o--
Hôm nay ngày 6 tháng 5, ngày mai là lể kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, học sinh trong vùng được nghỉ cô giáo dắt đi chơi. Thế hệ này sẽ sống đến năm 2100. Lúc đó các em có thể sẽ còn sinh sống tại tình Điện Biên, hay tại hà Nội, Sài Gòn hay Los Angeles, Paris, Sydney, hay Cung Trăng hay 1 thành phố mới khai trương như thành phố Điện Biên Phủ bây giờ nhưng trên Sao Hỏa. Lúc đó chi tiết thông tin có thể đã phai mờ nhưng các em sẽ không quên 1 ngày du ngoạn và 1 chiến trường tên là Điện Biên Phủ mà cả thế giới sẽ vẫn còn nhớ đến.
--o-0-o--
Phụ trang và ghi chú:
* Liên hiệp Pháp: tiếng Pháp 'Union Francaise'. Khoảng trên 40% quân nhân tại ĐBP là người Việt Nam, 1 số là người dân tộc Thái, Mèo, Nùng. Số quân nhân và đơn vị còn lại là quân đội chính quy Pháp cho dù sắc dân 1 số là Bắc Phi kể cả nhiều phi công, và nhiều đơn vị Lê Dương phần lớn quân nhân gốc Đức. Tiểu đoàn hoàn toàn người Việt là Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù VN (5e BPVN) gồm người từ các giáo phận Bùi Chu Phát Diệm và người Nùng. Ông Phạm văn Phú lúc đó là trung úy đại đội trưởng. Lá cờ vàng 3 sọc đỏ của chính phủ Quốc gia VN do ô Bảo Đại là quốc trưởng không xuất hiện tại ĐBP, chỉ có cờ Pháp và cờ vương quốc Thái (các binh đoàn người Thái từ Lai Châu)
** Chính từ tay ông viết trong hồi ức 'L'agonie de l'Indochine' xuất bản 1956 Paris: Librairie Plon, tướng Navarre không bao giờ có ý tạo Điện Biên Phủ làm "mồi" cho quân Việt Mình đến để tiêu diệt nhân lực - bằng trận địa chiến cổ điễn mà cáng cân khí tài và đạn dược nghiên về phía quân viễn chinh. Ông ta cho là dù trong chiến tranh giết càng nhiều địch quân là càng tốt, 1 chiến sách như vậy không nhân bản và không xứng đáng.
*** Từ đó cho đến chiến dịch Castor toàn Tây Bắc chỉ còn thị trấn nhỏ Lai Châu là có binh lính LH Pháp, ngoài 1 số du kích partisans và quân nhân tình báo Pháp-Mèo-Nùng trong rừng sâu. Ngày 10-12-53 số quân này di tản về Điện Biên Phủ.
**** Castor và Pollux là 2 vị thần Hy Lạp trong đôi song sinh Gemini.*** Từ đó cho đến chiến dịch Castor toàn Tây Bắc chỉ còn thị trấn nhỏ Lai Châu là có binh lính LH Pháp, ngoài 1 số du kích partisans và quân nhân tình báo Pháp-Mèo-Nùng trong rừng sâu. Ngày 10-12-53 số quân này di tản về Điện Biên Phủ.
***** Cư điểm Isabelle/Hồng Cúm sẽ còn cầm cự đến ngày 8-5-1954 và 1 số quân nhân phá được vòng vây rút qua Lào.
[1] Tuy rất nhiều địa danh vùng cực Tây Bắc có tên Mường nhưng từ này không có nghĩa là dân tộc Mường. Dân tộc Mường không có mặt tại vùng này. Tiếng "Mường" tuy rằng nghe có vẽ "mọi rợ" lắm nhưng dân tộc Mường là dân tộc gần với người Kinh Việt Nam nhất. Họ là số người Việt Nam cổ, vì không muốn ảnh hưởng và đồng hóa bởi người Hán trong thời Bắc Thuộc lần đầu mà rút lên vùng rừng núi ở, từ đó phát triển 1 lối sống riêng. Họ ở Cao Bằng và vùng Hòa Bình, Hòa Binh có tên là Xứ Mường. Họ khó phân biệt với người Kinh.
[2] Chiến dịch Castor: http://www.wikiwand.com/en/Operation_Castor
[3] Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam là tiểu đoàn nhảy dù duy nhất gồm quân nhân Việt Nam tại ĐBP, thành lập tháng 9, 1953 tại Hà Nội. Tiểu đoàn trưởng Andre Botella người Pháp. Tham gia chiến dịch Castor tháng 11, 1953 và nhảy xuống lại vào ngày 14 tháng 3, 1954. Giải thể tại Điện Biên lần đầu, tái thành lập tại Hà Nội tháng 6, 1954. Giải thể lần cuối 30 tháng 4, 1975 tại Sài Gòn. TĐ5ND (hậu thân) và các bộ phận của SĐ-308 QĐND đã có dịp gặp nhau lại tại chiến trường Tây Quảng Nam tháng 8, 1974.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét