Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Đường lên Điện Biên [2]

Đường lên Điện Biên:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  8.  9.  10. ...  

Con đừờng người viết chọn đi qua trong chuyến tìm hiểu năm nay mang tính cách lịch sử đặc biệt - tương tự như đoạn đường HCM trong du ký Thung Lũng A-Lưới ở Miền Trung [link]

Cả hai đều là chiến trường trên gần hết chiều dài, và chiến thắng trên 2 chiến trường này đã quyết định chiến thắng ở mặt trận tối hậu, là Điện Biên Phủ - đường này - và Tây Nguyên đưa đến thủ đô Miền Nam năm 1975 - đường mòn HCM.
Địa hình ở 2 nơi rất giống nhau, tính chất chiến lược y như nhau và trận chiến xãy ra tại 2 nơi là cùng 1 kịch bản: bộ binh (và phòng không) 1 bên mở đường để di chuyển nhân lực và khí tài, không quân và bộ binh bên kia thì cố gắng đánh phá ngăn chặn. Trận địa chiến tại Khe Sanh-A Lưới-Khâm Đức chừng 200 cây số, tại Tây Bắc từ Cò Nòi đến Điện Biên cũng chừng 200 cây số.

Cũng nên hiểu là vào 2 thời điểm giao tranh nói trên, 2 "đường" này thực tế là 2 hành lang có thể gồm nhiều đường mòn đi về 1 hướng, đoạn nào bị đánh phá thì có thể dùng đường mòn khác. Chứ không nhất thiết là con đường nay đã lát nhựa chúng ta đi qua. Điểm chú ý trong các hình ảnh là địa thế núi non (bạn đọc cần hình dung thêm vào là rừng nguyên sinh bao phủ gần hết các cảnh quan).

Để bạn đọc so sánh số lượng đường xá vào thời điểm 1954 xin mượn tạm 1 bản đồ thời sự vào lúc đó. (1 năm trước trận Điện Biên Phủ tại Nà Sản cũng đã diễn ra giao tranh giữa quân Việt Minh và Liên Hiệp Pháp.) Bản đồ chỉ để so sánh cung đường hiện nay với đường RP 41 đưa đến Điện Biên Phủ, bản đồ không dúng tỷ lệ mấy. Lai Châu trong bản đồ là thi trấn Mường Lay hiện nay (dùng lại tên cũ) là thủ phủ Xứ Thái năm 1954. Thị xã Lai Châu thủ phủ mới của tỉnh Lai Châu mới thành lập năm 2004 là Phong Thổ trên bản đồ cũ này.
  


Hình dưới: sau các vườn chè Mộc Châu xe đi qua Ngã Ba Cò Nòi huyện Mai Sơn, nơi có 1 đường núi đến từ Phú Thọ. Cò Nòi là 1 trọng điểm bị không quân Pháp oanh tạc nặng nề vì là 1 gút chính trên đường tiếp vận khí tài quân cụ đạn dược từ TQ sang - đường bắt đầu ở Mục Nam Quan tỉnh Lạng Sơn qua Việt Bắc mà trọng tâm là Thái Nguyên-Tuyên Quang (thủ đô chính phủ kháng chiến). Khí giới đạn dược từ Trung Quốc qua Nghĩa Lộ và được vận chuyển đến Cò Nòi hay Than Uyên để đi Tuần Giáo. Bộ đội Việt Minh thì đến mặt trận ĐBP từ Thanh Hóa và Việt Bắc cũng tụ về các tuyến đường trên. Phương tiện xử dụng mặt đường, lúc đó là đường đất đá dĩ nhiên, ngoài bộ hành gánh vác là xe đạp thồ, xe bò xe ngựa và từ 600 đến 800 chiêc Molotova cùng với pháo nặng.
Cò Nòi - Mai Sơn, Sơn La
Sau Ngã Ba Cò Nòi đến (đi ngang qua) Nà Sản. Quân đội Pháp sau khi kháng cự thành công các đợt tấn công vào cứ điểm này đã di tản thung lũng và sân bay Nà Sản cuối năm 1952 và khu vực năm 1953-54 là vùng giải phóng.
Sân bay Nà Sàn 1952
Nay sân bay Nà Sản bên đường QL-6 là sân bay thị xã Sơn La. Nơi này tháng 11/12-1952 quân đội Liên hiệp Pháp với 11 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn nhảy dù và 3 tiểu đoàn súng nặng đã bẽ gãy các mũi tấn công của 3 đại đoàn quân Việt Minh trong 10 ngày giao tranh, sau đó di tản an toàn bằng máy bay.

Cách Nà Sản 20 km là thành phố Sơn La dân số chừng 90 000 người. Xưa là 1 nơi hội tụ người Thái Đen, được người Pháp xây dựng vào thời thuộc địa là 1 trong 2 trọng điểm hành chánh có lịch sử tương đối lâu dài cùng với thị trấn Lai Châu (cũ) ở Tây Bắc, lúc đó là Xứ Thái - Federation T'ai (xin xem trang blog truoc).(Thị trấn Lai Châu xưa là tụ điểm người Thái Trắng)

Chỉ ghé ăn trưa ở ngoại vi. Thành phố núi vắng vẻ và tươm tất. Sơn La lúc xưa là vùng rất sâu nên có nhà tù Pháp xây tương tự như nhà tù Côn Đảo, đã dùng để giam nhiều tù nhân danh tiếng trong thời chống Pháp trươc năm 1945. Cái mà truyền thông nhà nước mình quên nói là Sơn La cũng là nơi giam cầm rất nhiều "phần tử phản động", kể cả sĩ quan quân đội Miền Nam sau 1975.

Cao độ tình Sơn La chừng 800m trên mặt biển, đồi núi karst chen kẻ với những vùng thung lũng bằng phẳng.

Sau Sơn La con đường trở lại địa hình núi cao và đường đèo quanh co. Cách Sơn La chừng 20 km là Đèo Pha Din, cũng có tên trong quân sử Pháp, là nơi tương tự như Cò Nòi phải đánh phá bằng không quân để chặn đường tiếp tế quân viện cho lòng chảo Điện Biên Phủ.
Từ đỉnh đèo Pha Din thì đường 41 (cũ) nay là đường QL-279/AH13 đi xuống dần thung lũng Mường Thanh/Điện Biên. Tỉnh Điện Biên được thành lập năm 2003 trên 1 phần địa phận cũ tỉnh Lai Châu.


Với 1 số rất ít đến từ Lai Châu, và Trung đoàn độc lập 148 gốm người Thái là địa phương, tất cả lực lượng chiến đấu Việt Minh là 5 đại đoàn cùng với hậu cần, các bản doanh, bộ chỉ huy mặt trận của tướng Giáp đều đã đi qua đoạn đường bạn đọc thấy ở đây. Tồng số dân công trên toàn tuyến đường là 260,000 người nhưng chỉ di chuyễn lên xuống từng đoạn gần quê quán.
Khác với đường mòn HCM ở Miền Trung và Nam Lào-Kampuchea là 1 mạn lưới, đường này chỉ là 1 (khi bị oanh tạc sạt lỡ nặng thì có thể có dường tránh tạm) cho nên có thể nói là toàn bộ số nhân lực trên đã đi qua hành lang chật hẹp mà bạn đọc thấy cảnh quan trong các hình ảnh này.
Trên đèo Pha Đin đi Tuần Giáo

Đến Tuần Giáo, nay vẫn còn là 1 thị trấn núi nhỏ đường QL-279 tách ra khỏi đường QL-6, rẻ xuống phía Nam đi về Điện Biên.



Từ Tuần Giáo về Mường Thanh chừng 80 km, có vẽ là đoạn đường cam go nhất cho bộ đội và dân công Việt Minh, theo nhận xét của thằng viết. Vì lẽ đó mà Tuần Giáo trong chiến dịch Trần Đình là 1  tiền trạm lớn làm hậu cần cho toàn chiến dịch, và đã bị đánh bom khá năng nề. Không quân Pháp đến từ xa như Bạch Mai, Gia Lâm, Cát Bi, 2 tàu sân bay Pháp ở Vịnh Bắc Phần, từ Luang Prabang và gần hơn là  đường bay dã chiến ở ngay căn cứ Điện Biên Phủ.
Có tác giả nói rằng trận Điện Biên Phủ là "1 trận đánh trên không" (không quân, "une bataille aerienne") và ký già Bernard Fall trong cuốn 'Hell in a small place' viết rằng mặt trận trên đường tiếp vận - mình đi qua trong du ký này - là 1 trong 3 mặt trận trong chiến dịch này (mà phe LH Pháp đã phải thất bại).
Yếu tố rừng nguyên sinh (nay không còn thấy) đã làm nghiêng cán cân lợi thế về phía bộ đội Việt Minh, đã áp dụng ngụy trang tài tình và kỹ lưỡng, cùng với súng cao xạ phòng không lần đâu tiên xuất hiện dồi dào đã gây khó khăn cho máy bay trinh sát và oanh tạc, và đã giữ được lưu thông trên cung đường không bị gián đoạn đáng kể trong suốt chiến dịch.
 


Đoạn cuối con đường đưa đến thung lũng Mường Thanh.
Địa phận đầu tiên vào thành phố hiện nay là Him Lam, nay là 1 phường của thành phố. Him Lam đi vào lich sử vì tại đó, cách thị trấn Mường Thanh xưa chừng 4 km là cứ điểm lớn tên là Béatrice nơi đã diễn ra giao tranh đầm máu sớm nhất trong trận Điện Biên Phủ. Qua nhiều trận giao tranh Béatrice/Him Lam là nơi binh lính 2 bên tử trận nhiều nhất, nhiều hơn cả tại các cứ điểm Eliane và quanh bộ chỉ huy quân đội LH Pháp - hầm De Castries - vào thời gian chót trước ngày 7 tháng 5, 1954.


Vì sự hiện diện của Béatrice mà dòng tiếp vận của bộ đội Việt Minh phải tránh hành lang đường RC 41 và đi vào vùng núi bên mạng Bắc của con đường. Tại đây nơi các bạn thấy gần cái hồ thủy điện nhỏ bên góc phải của bản đồ địa hình, có 1 bảo tàng nhỏ và tượng đài "Kéo Pháo". Chổ này là nơi các khẩu pháo nặng của Việt Minh đã phải hoặc tháo gỡ khiêng qua, hoặc kéo qua núi bằng sức người, tránh cứ điểm Him Lam để vào đặt quanh chu vi cánh đồng Mường Thanh.


Pháo nặng nhất của Việt Minh lúc này là khẩu M101 do Mỹ chế tạo, nòng 105 ly, đến từ Quân Giải Phóng Trung Quốc. Nặng gần 5 tấn, dài 6m. Mỗi đầu đạn cân 20 kí không kể thuốc súng và chuôi đạn. Sơn pháo 75 ly (M116) là loại đại bác có thể tháo gỡ dễ dàng để khuân vác hay dùng ngựa thồ, nặng trên 600 kí. Riêng pháo 105 ly trong bức tượng này thì đã có trên 50 khẩu được đưa vào khu vực và kéo lên các cao điểm nhìn thẳng xuống mục tiêu dưới lòng chảo. Mong các hình ảnh ít ỏi này đủ để bạn đọc hình dung trận địa pháo Việt Minh trong trận tấn công tập đoàn cứ điểm của quân đội LH Pháp.
Tổng số pháo lớn hơn 75 ly của bộ đội Việt Minh là trên 200 khẩu, đều đã bắn trực xạ, có nghĩa là toàn bộ các mục tiêu trong trận đánh này đều có thể quan sát từ xa bởi xạ thủ đứng điều chỉnh bên nòng súng (dĩ nhiên đạn đạo là hình cầu vồng). Súng cao xạ phòng không 57 ly, 75 ly không kém nặng và phức tạp cũng đã phải kéo lên bố trí ở các đồi cao.
Theo báo cáo tại chổ của các đơn vị LH Pháp họ đã chịu 30,000 trái pháo 105 ly và 100,000 trái pháo cở nhỏ thua 105 ly trong trận tấn công chính 56 ngày cuối. Đạn cao xạ không thể tính được. Riêng tính đầu đạn 105 ly không tính ống thuốc súng (nặng xấp xỉ đầu đạn) thì đã có 600 tấn đạn đã phải tải lên các dốc này để "nuôi" các khẩu đại bác đã kéo lên truoc.

Pháo binh đã quyết định chiến trường Điện Biên Phủ, cùng với cao xạ phòng không, vì như đã nói trên trận Điện Biên Phủ là "một trận đánh không quân", về phía LH Pháp là 1 chiến dịch hoàn toàn không vận và nhảy dù, chiến dịch đơn thuần không vận lớn nhất lịch sử. Các pháo đội cao xạ xuất hiện lần đầu tiên tại chiến trường Đông Dương, phần lớn là do quân nhân Quân Giải phóng TQ điều khiển, chuyên viên pháo binh cũng 1 số lớn là lính TQ.
Con đường đất trong hình gợi hình ảnh những đoạn đường tốt nhất thời chiến dịch, khác biêt là lúc đó đường đi dưới tàng lá cây rừng nguyên sinh và ngụy trang chu đáo. Khi mưa thì tình trạng là khác hẳn rồi. Vì kích thước của xe Molotova cọng với những khẩu pháo và cao xạ phải kéo mà lòng đường phải đạt nhiều tiêu chuẫn nhât định như bề ngang, và nhât là khúc quẹo phải có đường kính tối thiểu, đều phải thỏa mãn bằng sức người và dụng cụ thô sơ.

Xe đến ngoại ô thành phố Điện Biên Phủ. Phường Him Lam cách trung tâm thành phố 3 km. Ngọn đồi trước mặt là ngọn đồi cứ điểm Béatrice hay Him Lam.
Him Lam, 5 tháng 5, 2016
Vào phường Him Lam. Chúng em đã đặt khách sạn tại đây, khách sạn tên là Mường Thanh.
Cũng không ngờ là đây là khách sạn Mường Thanh đầu tiên trong số 45 khách sạn Mường Thanh ở 20 tỉnh trên toàn quốc, chuỗi khách sạn lớn nhât Việt Nam do ông Donald Trump địa ốc Việt Nam Lê Thanh Thản làm chủ. Trụ sở công ty đặt tại Điện Biên. (Khách sạn đầu tiên xây năm 1993 tại Mường Thanh và lấy tên là Khách sạn Điện Biên Phủ, sau dời lên đây đổi tên là Mường Thanh.)
Nữ phóng viên (sanh năm 1972) Đào Thanh Huyền viết trong cuốn "Dien Bien Phu Vu D'en Face" bằng tiếng Pháp [Nouveau Monde Editions 2010]: Tháng 1 năm 2004, lần đầu tiên tôi bay trên vùng trời Điện Biên Phủ. Phía dưới nhiều người cởi xe máy trên phi đạo để đuổi đàn trâu. Tôi nhìn thấy một phi đạo mới, trống trải, và 1 khu phố bé tí chỉ có 3 trục đường, bụi bậm và vắng tanh.

Thành phố Điện Biên Phủ năm 2014 có dân số trên 56,000 người
Đường QL 279, Route 41 cũ trước mặt khách sạn Mường Thanh. Đây là khu vực nằm giữa  cứ điểm Beatrice (tập đoàn cứ điểm Béatrice 1, 2 và 3 hay Him Lam 1, 2 và 3), nơi số bộ đội tử trận trong toàn chiến dịch lên đến 2000 quân (bằng số lính đồng minh chết tại bãi Omaha Beach ngày đổ bộ ở Normandie). Quân LH Pháp tổn thất bằng 1/4.
Chổ đứng xem tầm thường nhưng không lâu trước đây là chiến hào chằng chịt, rừng thép gai và bãi mìn, hố đạn, bãi chiến trường đẩm máu nơi từng thước đất là từng xác chiến binh.
Ờ ngay gần đó có di tích cứ điểm Him Lam 2 (Beatrice 2) đi bộ tới được mà em lại không biết để qua xem, vì không thấy chổ nào gọi là đồi giữa khu nhà dân cư nay đã sang sát bên đường.
Bạn đọc có thể so sánh 2 bản đồ. Tháng 11 năm 1953 thì Mường Thanh là 1 ngôi làng 112 nóc gia vị trí ở chữ in MUONG THANH trên bản đồ. Tại đó còn là vị trí cũ của đường bay xưa do quân đội Nhật làm - đường bay và phi cảng mới hiện nay dài gấp 3 lần và nằm về phía Tây, bên kia con đường QL-12 đi Mường Lay xưa gọi là Piste Pavie. Nhắc lại thị trấn Mường Lay hiên nay trước kia là thủ phủ tỉnh Lai Châu tên là Lai Châu, trươc trận Điện Biên còn là thủ đô vương quốc Thái, vua là ngài Đèo Văn Long. Chổ này cách Mường Thanh 90 km theo đường Pavie/QL-12.

Sau khi phát hiện sư đoàn (đại đoàn) 316 Việt Minh gần Tuần Giáo vào lúc đầu chiến dịch, Pháp đã di tản gia đình Đèo văn Long về Hà Nội bằng máy bay vì không bảo vệ Lai Châu/Mường Lay được, không vận 1 số lính cơ hữu tại đây về Phủ Điện Biên và di tản số lính người Thái còn lại bằng đường bộ về để củng cố lòng chảo (đa số bị phục kích đánh tan và đào ngũ, chỉ 1 số ít về được Điện Biên).


Thung lũng Điện Biện Phủ/Mường Thanh hình xoan dài chừng 20 km và ngang trên 4 km. Tận cùng về phía Bắc cứ điểm Gabrielle/Đồi Độc Lập chừng 3 km và phía Nam tận cùng tại cứ điểm Isabelle/Hồng Cúm (tầm bắn tối đa của pháo 105 ly là 11 km với tầm hữu hiệu nhât là 3 km). 

Thung lũng là 1 bình nguyên hình 1 lòng chảo, 1 đồng bằng nhỏ xưa cũng đã là 1 vựa lúa nhỏ giữa vùng núi non tận cùng Tây Bắc. Đi về phía Bắc là con đường mòn Pavie - Piste Pavie, nay là đường QL số 12 - tận cùng ở Mường Lay là thủ phủ Tây Bắc vào thời gian đó tên gọi là [thị trấn] Lai Châu. Về Tuần Giáo là đương QL-279 hiện nay, xưa là Route 41.
Phía Nam cứ điểm Isabelle có đường mòn - nay là đường Liên Á AH13 - trong 1 hành lang đưa đến Luang Prabang là thủ độ hoàng gia Lào vào thời điểm 1954, cách đây chừng 350 km. Sông Nam Yum/Nậm Rốn chảy về hướng Nam qua Lào.

--o-0-o--

Màn đêm thanh bình buông xuống cánh đồng Mường Thanh, đúng 62 năm thiếu 1 ngày sau khi  tiếng súng lặng thinh tại đây ngày 7 tháng 5 năm 1954 vào lúc 17:30 chiều.
Tối về chúng em đến 1 quán ăn, địa điểm trên 1 khoảng trống ở trên vị trí cũ của cụm cứ điểm chỉ huy bên giòng sông Nậm Rốn nhìn ra cánh đồng, dãy núi phía Tây trong xa (cự ly là 5 km). Cách phủ Điện Biên và trung tâm làng Mường Thanh xưa chừng 800 mét phía Nam.

Hướng nhìn ra phía Tây vào giữa trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ. Giữa thung lũng cách chừng 1 cây số từ đây là 3 bãi đáp chính nơi các binh đoàn không vận Liên hiệp Pháp đã liên tục thả dù xuống từ ngày 20 tháng 11 năm 1953 cho đến gần lúc kết thúc giao tranh sáng ngày 7 tháng 5, 1954. Có thể nói lúc đó con người đứng ở điểm này có thể thấy rõ các đoàn máy bay, bay ở cao độ 500 mét hay thấp hơn rãi từng đoàn dù theo chiều ngang của bức hình này (đường bay xưa bên mặt của hình và gần hơn).

Đây là chiến trường xưa. Lịch sử trong sách vở và tuyên truyền, tượng đài và nghi lễ dành cho nhà cầm quyền chính khách và lãnh tụ, chiến trường thì là sở hữu của người chiến binh, của cả đôi bên - nhât là người đã nằm xuống tại đó. Chiến trường xưa khiêm tốn, đơn sơ và thường khi buồn tẻ, câm lặng và khó nhận biết được. Như người cựu chiến binh.




Đường lên Điện Biên:       1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  8.  9.  10. ...  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét