Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Lên Miền Tây Bắc

Lào Cai 2013:     1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  8.  9. 10. 11.  
 

 
 
Đường lên Simacai

Trong bàn đồ Miền Bắc trên kia chấm màu xanh là Thành phố Lào Cai, chấm đỏ là Simacai, 1 huyện lỵ trong tỉnh Lào Cai. Muc tiêu của thằng viết tháng 5 năm 2013 là Simacai và chuyến du hành này mất 2 đêm đi tàu hỏa và 2 ngày đường bộ, lên 1 vùng thượng du xa xôi như tận cùng trái đất đối với thành phố Los Angeles, hay ngay cả đối với Sài Gòn.

Tp Lào Cai là 1 thành phố cửa khẩu vào tỉnh Vân Nam, địa đầu một nơi đặc biệt ý nghĩa: đó là nơi Sông Hồng từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam.



Điểm này là ngay chổ sông Hồng Hà chảy vào nước Việt Nam, cửa khẩu là phía tay mặt của người chụp hình này. Góc tay mặt là nhà trên đất Trung Quốc (sông ở trên đó thì gọi là Honghe, tiếng Quan thoại). Hồi xưa miền Nam mình thường gọi 'sông Hồng Hà' thấy nó dư vì hà là đồng nghĩa với sông, nhưng chẳng ai phản đối.
Sông Hồng là sông lớn thứ hai chảy qua nước Việt Nam, là người mẹ đẻ ra văn minh Việt Nam, do đã tạo nên và nuôi dưỡng châu thổ tam giác sông Hồng, là cái nôi của dân tộc ta. Xưa có anh nọ sính Tây đứng bên bờ sông Đa-Nuýp nào đó ngẫu hứng thơ viết thành nhạc thì phải. Người viết thì làm sao quý phái bằng, chỉ đến được vị trí này mà suy tư đôi phút về nguồn gốc mấy nghìn năm giòng máu mình. Nghèo nàn thay. Thôi để kiếp sau sanh ra thành người Tây - hay Mỹ - trông cho nó quý phái, bây giờ thì trể zồi.


Tháng 5, 2013

Đường lên Simacai bắt đầu tại ga Hà Nội. Chặn đầu tiên sẽ là thành phố Lao Cai, sẽ mời bạn đọc đi xem cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu. Chặn thứ nhì mình sẽ thuê xe ô-tô con lên núi đến 1 thị trấn nhỏ miền núi tên là Bắc Hà. Từ đó bạn đọc sẽ theo người viết trên 1 chuyến xe đò khó quên lên xem 1 chợ phiên người Hmong trong núi. Về lại Bắc Hà mình sẽ thăm chợ phiên Bắc Hà ngay chủ nhật. Chuyến đi 2 đêm 2 ngày kêt thúc bằng chuyến xe lửa đêm Lao Cai-Hà Nội.
Du ký này sẽ kéo dài trong nhiều posts, bạn đọc nhớ xem theo thứ tự ngày trong archives - tức là xem từ trên xuống dưới trong sanh sách posts bên cạnh tay phải của blog, đừng xem từ post mới nhất vì đó là đoạn cuối, mà xem từ post cũ nhất. Người viết sẽ giữ các posts cùng chuyến trong 1 tháng lịch để bạn dễ thấy.

Về chuyến đi này, người viết có ý định đến Hà Nội vào tháng 5 vì ở Hà Giang có Chợ tình Khâu Vai của người Hmong trên đó (sẽ có post về Hà Giang sau) vào tháng này. Vì lý do phương tiện và tình hình nhà nghỉ không xếp đặt kịp trong thời gian ngắn nên đến Việt Nam thì phải hủy.
Cô chủ chi nhánh Sinh Cafe quen thuộc ờ Phố Hàng Mành hỏi thế chú muốn đi đâu khác? Tôi bèn giở bản đồ ra và vạch ngón tay theo đường biên giới Việt Trung từ đỉnh bản đồ về cung Tây Bắc, và hỏi cô ta, đây có gì, đây có gì? Ở một điểm sát ranh với tình Hà Giang thì cô ta bảo tại đây có chợ phiên Cán Cấu, Lào Cai, chú có đi không? Chợ họp thứ Bảy, tiện chú cũng xem chợ phiên Bắc Hà  họp chủ nhật luôn được. Hai ngày 3 đêm. Ba-lô, lên biên giới Vân Nam, trên vùng núi xa xôi nhất. Ok!

Cô chủ mua 2 vé tàu đêm, lo 1 tài xế và 1 xe compact đón tại ga Lao Cai, dành phòng ngủ  1 đêm tại huyện lỵ Bắc Hà trên núi. Vị chi thành 1 chuyến đi, trả khoán giá phải chăng, so với 3 đêm hotel và 2 ngày đi lòng vòng chổ khác cũng thế. Cô chủ ít có khach nào như mình nhưng lần nào cũng lên lộ trình và lịch trình cho được. (Các bạn tính kỹ thì nhớ là phải lo ăn ở cho anh tài luôn nhé, thêm tiền típ khi về)

Thế thì, chiều trả phòng hotel tại Phố Cổ xong, mang ba-lô ra kêu taxi đến ga Hà Nội. Tại đó có người gọi phone gặp và trao vé, dắt vào ga hướng dẫn tất cả, dặn cứ nghe loa gọi số chuyến tàu thi ra cửa thế thôi. Khỏe. La cà nhà ga về đêm, ngồi uống chai nước hút 2 điếu thuốc là vừa đến giờ.


Trải nghiệm nhà ga và tàu hỏa về đêm, ánh đèn và âm thanh, và hương vị trong không khí, bạn đến một lần suốt đời sẽ không phai nhòa. Và tiến còi xe lửa, tiếng bánh sắt cót két khởi hành, nghe một lần bạn sẽ nhớ suốt đời. Người viết thì đã sẵn có kỹ niệm này rồi, khi còn bé ba mẹ thường mang đi tàu đêm Nha Trang-Sài Gòn, mỗi lần đến lại không gian này càng thấy thắm thía khôn tả.



Hệ thồng xe lửa Việt Nam có thể liệt vào loại di tích lịch sử được. Chắc năm 1940 ra sao thì bây giờ cũng y như vậy, chỉ tạm được là toa xe có cải tiến, với ghế ngồi nệm và giường ngủ sạch sẽ, toa nào cũng có máy lạnh (cầu tiêu vẫn thải xuống thằng đường rây, khi tàu đừng ở ga thì nhân viên đi khóa nhà vệ sinh, chỉ khi nào chạy ra ngoài đồng mới mở lại!). Các nhà ga còn y như thời chiến tranh (hay thời bao cấp) chỉ sạch sẽ trật tự hơn thôi. Bạn bước xuống từ chiêc taxi Toyota 2013, đi vào một ngà ga 1940 và lên tàu hỏa chạy trên đường rầy năm 1919.
Nhiều bạn than rằng mất hết các hiện trường và không gian kỷ niệm xưa khi về Việt Nam, tôi đề nghị hãy đi 1 chuyến tàu lửa sẽ sống lại được trải nghiệm đời ông hoàng đế Bảo Đại. Cứ than thôi mất rồi Viêt Nam của chúng mình nay còn đâu! Việt Nam xưa nó ỉa xuống đường rây, có nhớ xưa thì đi xe lửa sẽ có!


Lào Cai 2013:      1.  2.  3.  4.  5.  6.  7.  8.  9. 10. 11.  





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét