Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Trận Địa Chi Lăng

Ải Chi Lăng:        1.  2.  3 4


     Đây là cảnh quan địa thế chung quanh xã Chi Lăng hiện nay (nơi có đền Quan Trấn Ải, trang trước), từ địa điểm trong các trang trước đi lên hường Bắc. Là địa thế khả dĩ nhất nơi đã diễn ra các trận chiến liên tiếp qua nhiều triều đại Việt Nam và Trung hoa, từ Tống đến Mông đến Minh, đến cả nhiều cuộc binh biến nhỏ triều Thanh. Địa phận này như định vị rõ trong trang đầu là nơi phải đi qua cho bất cứ đoàn quân xâm lược nào từ phương Bắc sau khi qua Ải Trấn Nam - (cái gọi là Nam Quan, nơi này cũng là cổ chai như các bạn có thể tìm đọc trong blog này, nhưng khu vực không thuận tiện cho chiến thuật phòng thủ ngăn chặn nên lịch sử không có ghi nhận nào đáng kể về các sự kiện tại đây*).  Ải Chi Lăng là cái cổ chai thứ nhì sau cửa Trấn Nam nếu từ tỉnh Quảng Tây muốn đi về trung tâm điểm của nước Việt xưa, cho nên từ đời Mã Viện cho đến chiến tranh Trung-Việt 1979-1988 Trung Hoa liên tiếp bị tổn hại bởi dân quân địa phương tại đây, chưa kể quân đội từ trung ương kéo lên.
 
Thập nhân khứ, nhất nhân hồi!

Vùng này chừng 50 cây số phía Nam thành phố Lạng Sơn còn gọi là Xứ Lạng (thành phố Lạng Sơn cách cửa ải Trấn Nam - nay là Cửa khẩu Hữu Nghị - 17 cây số). Nơi này khi xưa là vùng đày ải cho người thất sủng, đi về khó khăn hiểm trở.
Hình dưới là đường Quốc Lộ 1 cũ xây trên tuyến Đường Cái Quan. Vùng này là một vùng bình nguyên chuyển tiếp, sau đó là 1 ít dốc đèo để lên thành phố Lạng Sơn. Đồng Đăng trong huyện Cao Lộc nơi có ải "Nam Quan" phải lên thêm 1 ít cao độ. Cho dù địa hình này rất hiễm trở vì núi non lổm chổm nhưng không cao như thượng du Tây Bắc, Lào Cai chẵng hạn, không có núi cao vực sâu nào đáng kể. Dãy núi này gọi là dãy Bắc Sơn, chiều dài Bắc Đông Bắc.  

[Trích]
Năm 1077, phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt thân hành về Chi Lăng gặp phò mã Thân Cảnh Phúc bàn bạc việc binh. Với chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (dựng tại Chi Lăng), Thân Cảnh Phúc và quân dân xứ Lạng đã góp sức đánh tan quân xâm lược Tống lần thứ hai.

Năm 1285, quân Nguyên qua Ải Chi Lăng đã bị quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt và tướng Nguyên là Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ. Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự của ông ở đây: bằng hố bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách bọn Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt.

Cuối năm 1427, Ải Chi Lăng trở thành nơi ghi công một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Đạo quân chủ lực của nhà Minh do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy gồm gần 10 vạn người kéo sang để dẹp khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Lê Lợi đã phái Lê Sát dẫn các tướng lên đón đường, đặt quân mai phục. Tướng Trần Lựu giả cách thua vài trận để dụ Liễu Thăng lọt vào ổ phục kích tại núi Mã Yên. Quân Lam Sơn đổ ra chém chết Liễu Thăng khiến đạo quân cứu viện hùng hậu bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu và tới đầu tháng 11 năm 1427 thì bị vây đánh, tiêu diệt bắt sống toàn bộ ở Xương Giang.

[Trích Bách khoa tự điễn Wikipedia, nhiều tác giả bổ xung.]
 
[ Xương Giang xưa ở dưới đồng bằng gần thành phố Bắc Giang, xem hình trang đầu, là thành lũy tiếp liệu logistic của quân Minh, quân Lê lợi dùng làm mồi công thành đã viện, vây đánh để quân Liễu Thăng xuống cứu qua Ải Chi Lăng này. Thực tế thì trận vây đánh Xương Giang là trận địa lớn, trận phục kích tại Chi Lăng là nhỏ thua nhiều. Đoạn trich wikipedia trên chỉ để lấy các niên đại, đoạn trình bày về chiến sự Xương Giang và Chi Lăng thì đơn giản hóa, sai đầu sai đuôi. Tác giả blog ].
Hình dưới là từ trên 1 cây cầu mới xây băng qua con sông chảy xuôi theo chiều dài 1 thung lũng, giữa 2 dãy núi cao. Hướng nhìn này là về Tây.
Đây là vùng xưa kia ắt phải là vùng sình lầy ven sông, có thể chính là nơi - sau khi bỏ ít thời gian quan sát đánh gia - ngựa Liễu Thăng bị mắc lầy để rồi bị quân ta giết chết, bêu đầu tại vách Núi Mặt Quỷ. Núi Mặt Quỷ trong các trang trước là trong đáy hình, nhìn xuôi Nam từ trên cây cầu này.
Với số dân cư ít oi thời xa xưa, nơi này phải là nơi đầm lầy, ven núi phải là rừng nguyên sinh đầy chướng khí. Chướng khí sanh nhiều bệnh tật như sốt rét, tả lỵ là nguyên nhân lớn làm tăng sự sợ hãi của các binh đoàn Bắc quân tiến vào Việt Nam.
 
[Trích Bách khoa tự điễn Wikipedia, nhiều tác giả bổ xung.]
Tại cửa quan này có hai khối núi đối nhau và ở giữa có độ rộng 30 bước, tục gọi Quỷ Môn Quan. Mã Viện đánh Việt Nam qua đấy dựng bia và tạc rùa đá. Đời nhà Tấn (265-420) binh lính Trung Hoa qua đó bị giết nhiều nên có câu
Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan!
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn
[hết trích] 
Nhìn theo chiều dài Nam Bắc giữa hai dãy núi, núi Cai Kinh nhìn thấy bên trái là phía Tây. Bên phải là giòng sông thấy trong các hình.
Giòng sông vào mùa khô, mua mưa ắt sẽ cao hơn nhiều.

Nhìn lên những cao điểm có thể dùng vừa quan sát vừa chiến đấu bao quanh Ải Chi Lăng. Người nhà binh hiện đại thế kỷ thứ 21 có ngước nhìn lên thì cũng rùng mình thất kinh, đừng nói chi binh lính Trung Hoa ngày xưa.
Bạn đọc nhờ nhé, đi trên đường này sẽ không qua Ải Chi Lăng lịch sử.
Hình cuối: là quan cảnh địa thế vùng núi này nhìn thấy khi đi trên đường quốc lộ mới, song song chừng 3 km với vùng trong. Nhắc lại đây là tuyến đường AH1 mới. Với khí tài hiện đại người thế kỷ 20, 21 đã phá núi mở rộng đường đi giữa các trái núi hiểm trở như trên, xưa kia qua lọt phải là gay go gấp bội.

Dù sao thì hình tổng thể cũng cho thấy tính chất thành lũy của khu vực Chi Lăng, quân bộ chiến vào đây tổn thất vào tay người phòng thủ chắc chắn là phải cao, nếu không nói là hoàn toàn. Với khí tài vũ khí thế kỷ thứ 21 cũng sẽ thế thôi. Mỗi ngọn núi là 1 cao điểm quan sat kiêm pháo đài tự nhiên, thành ngữ nhất kiếm trấn ải áp dụng cho các trận địa kiểu này. 

Các dãy núi lớn của Bắc Phần tỏa ra từ châu thổ sông Hồng Hà như các ngón tay của bàn tay, lòng bàn tay là châu thổ. Bàn tay trái lật ngửa, ngón út là dảy Đông Triều tiếp giáp với Biển Đông, ngón mang nhẩn là dày Bắc Sơn. Ngón giữa là dãy Ngân Sơn, ngón trỏ là dãy Sông Gâm và ngón út là dãy Hoàng Liên Sơn. Chi Lăng nằm cạnh chân phía Đông dãy Bắc Sơn, là hành lang đất thuận lợi nhất để qua lại với tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông là 2 tỉnh trù phú phát triển nhất của Hoa Nam xưa và nay, do đó là địa bàn lịch sử quân sự chính trị Việt-Trung nhiều biến động nhất từ cổ chí kim.

* Người Pháp năm 1884-85 với khí tài tiến bộ hơn đã lên và đụng độ với quân Cờ Đen rồi quân đội Quảng Tây tại đây qua nhiều trận đánh khá sôi động, rốt cuộc đã phải rút lui khỏi Lạng Sơn vì tiếp liệu từ đồng bằng lên quá khó khăn.


 Ải Chi Lăng:       1.  2.  3 4





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét