Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Sông Thao - Hồng Hà

Thao Hà trên Huyền Đỉnh

[ Thao Hà từ tên 1 con sông trong tình Sơn Tây Trung Quốc ]


Trong trang này người viết mời bạn đọc xem 1 số hình ảnh, về con sông của nòi giống là sông Hồng, ngươc dòng từ Hà Nội lên Lào Cai.
Sông Hồng được người đi đường trông thấy phần nhiều là những nhánh tỏa ra trong vùng châu thổ phía hạ lưu thành phố Hà Nội, và dĩ nhiên đồng bằng lưu vực sông tại Hà Nội. Người viết ít khi thấy đươc hình ảnh giòng sông từ Hà Nội trở lên thượng nguồn đến biên giới Việt Trung như trong post này.

Đây là hình ảnh từ trên 1 chuyến xe theo đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai chỉ mới khai thông sau năm 2014. Là hình ảnh con sông trong không gian môi trường cổ truyền tương đối còn hoang sơ của nó. Xem để hình dung khi đọc thấy 'sông Thao' hay 'Hồng Hà' trong lịch sử dân tộc. Vì về thời sự mà nói thì đoạn sông trên này lưu vực chật hẹp, ít dân cư và trái đường, hoạt động kinh tế không cao, chả có gì xẫy ra để mà lên tivi youtube bao giờ. Thế nhưng lịch sử của nó có bề dày đến gần 4000 năm.

( Xin xem loạt bài đầy đủ 16 phần du ký Hồng Hà Ký Sự thực hiện năm 2019 trong link này )

Chuyến xe coach du lịch đi Sa Pa - ngày 21 tháng 12, 2018 - xuất phát từ Đê Yên Phụ, Phố cổ. Tuyến xe đi: qua cầu Chương Dương, đến Long Biên gặp AH14 rẻ trái hướng về Tây Bắc. Vượt sông Đuống đi thêm 5 km thì nhập vào CT-5 tức cao tốc Nội Bài-Lao Cai. Giữ CT-5 cho đến ngoại thành Lào Cai thì rời cao tộc và hướng lên Sa Pa.
Sông Hồng từ cầu Chương Dương, nhìn về xuôi
Cầu Chương Dương là cây cầu hiện đại thứ 2 vượt sông Hồng tại Hà Nội vào năm 1985, 83 năm sau cầu Paul Doumer-Long Biên (1902). Cầu Chương Dương song song và ở hạ lưu cầu Long Biên chỉ 700 mét, cùng đưa qua quận Long Biên. Cầu Long Biên là cầu xe lửả, trước đây là đường giao thông khô duy nhất từ Hài Phòng vào Hà Nội trong đó có đường xe lửa. Pháp bắt cầu P. Doumer là lần đầu tiên thực tế nối liền 2 phần đất của Miền Bắc (Bắc Bộ, Tonquin) bị sông Hồng và châu thổ chia làm hai. Trong 7 năm dội bom Mỹ đã không cắt đứt đươc gạch nối này mãi cho đến năm cuối trước Hiệp Định vài tháng.

Một điểm quan trọng nhưng người xem hình ít ai ý thức, là sông Hồng rất, rất cạn (nông). Trong các hình em chụp ít ai nghĩ là độ sâu chỉ chừng 1.5 đến 3 thước. Trông nó rộng với mặt nước cuồn cuộn nhưng thực sự lưu lượng kém, các bạn chú ý điều này trong các hình cho đến hình con sông tại Lào Cai. Lý do là vì địa chất đất pha nhiều cát. Sông ở đâu bờ cát là không thể sâu như sông bờ đất có nhiều đất sét như Cửu Long hay Đồng Nai. Hình 1 khúc sông như thế này nếu là ở Miền Tây (Nam Bộ) sẽ đầy ghe thuyền đủ loại lớn nhỏ lên xuống. Mặt tốt là cầu dễ xây hơn qua sông mà lòng sông là đất sét vì lún đất sét thì khó khắc phục - trái với câu thành ngữ "lâu đài trên cát", xây trên cát không bao giờ lún.
Lý do cầu Long Biên dễ sửa chửa là nhờ sông Hồng cạn, nước bạn Mỹ phải khổ sở nhiều - đặc biệt có ông tên McCain bị cao xạ trên đê Yên Phụ bắn xuống Hồ Tây năm nào.
Hừng sáng tại quận Long Biên. Quận Long Biên là khu đô thị mới sau chiến tranh, chiếu tướng quận Hoàn Kiếm phố cổ bên bờ hữu ngạn.
Cầu sông Đuống, nhìn về xuôi.
Sông Đuống là chi lưu lớn đầu tiên tách ra khỏi sông Hồng tại Hà Nội. Nơi chia nhánh là sau cầu Nhật Tân và trước cầu Long Biên, đối diện với Hồ Tây ở 1 km phía trong bờ Nam. Do đó ai đi khỏi  Hà Nội về hướng Bắc, nếu vượt sông Hồng về xuôi của Hồ Tây muốn đi xa hơn sẽ phải qua sông Đuống. Khổ (nếu theo hữu ngạn sông Đuống đi về Chí Linh, Hải Phòng, Hạ Long thì khỏi).
Tả ngạn sông Đuống: vượt cầu sông Đuống mình qua hẳn tả ngạn sông Hồng, đi xuyên qua tỉnh nhỏ là Vĩnh Phúc và tiếp về hướng Việt Trì, hướng Tây Bắc. Đây là tuyến đường AH14, đi thêm về hướng trái - Tây Bắc - 5 km sẽ nhập vào cao tốc Nội Bài-Lào Cai. (Tại Việt Trì con đường vượt cầu sông Lô, em tiếc là không có chụp được hình).
Từ trên núi Tản Viên nhìn về hướng Đông Bắc: Vắt ngang chân trời là Sông Hồng, Sơn Tây bên góc phải.
Hai địa vật gần như "linh thiêng" nhất cổ kính nhất của dân Việt từ thời truyền thuyết Văn Lang là Hồng Hà và Tản Viên có mặt tại Xứ Đoài. Tục truyền rằng long mạch nước ta chôn dưới ngon núi này, nay tên Bà Vì, 50 km về hước chính Tây Thăng Long. Là 1 bộ phận rời - ngoại vi phía Đông Bắc - ra từ dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh cao 1280 mét nhô ra giữa phần đầu của tam giác sông Hồng nên là điểm ngoạn cảnh khá rõ và chiến lược cho châu thổ giòng sông. Hình trên từ Đền Thượng ( đền thánh Sơn Tinh/thánh Tản Viên/thần Núi) trên đỉnh Núi Vua, giòng sông chảy từ trái sang phải. Sông Đà từ Hòa Bình đến chảy dưới chân ngọn núi đổ về Phú Thọ để nhập vào Sông Thao phía Bắc điểm này chừng 10 km. Khu vực này là địa linh của người dân Việt với hợp lưu của 3 giòng sông chính, Đà-Lô-Thao, trọng điểm của văn minh Đông Sơn giữa 2 cụm núi Tản Viên và rặng Tam Đảo. Sông núi tạo thế phong thủy "tay ngai" cho thủ đô Thăng Long (tâm điểm hình học của khu vực nay là vùng Cổ Loa - Mê Linh thì đúng hơn). Tiếp tục lăn bánh về hướng Tây Bắc:
- Trung du Phú Thọ -
Châu thổ sông Hồng là 1 tam giác, góc Tây Bắc tại Phú Thọ/Sơn Tây, góc Bắc tại Hải Phòng và góc Nam tại Kim Sơn-Phát Diệm. Trên Việt Trì mình đi vào 1 vùng đất hình bán nguyệt bao bọc thủ đô Hà Nội từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình gọi là miền Trung Du, 1 vùng bình nguyên trung gian giữa núi và đồng bằng.
Lúa này là hạt lúa đã nuôi dưỡng mầm non dân tộc Việt cách đây chừng 4 thiên niên kỷ: đền Hùng (phục dựng lại trên di tích) là tại Đoan Hùng Phú Thọ, theo tài liệu là đã được khởi công xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng.
Đây là địa hình lưu vực sông Thao trên miền Trung Du, trong tỉnh Phú Thọ.
Lưu vực ở vùng trung du - phân biệt với vùng châu thổ gần biển
Từ Việt Trì đến thành phố Lào Cai là 208 cây số đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai trong 1 thung lũng dài, 1 hành lang thẳng tấp khá ngoạn mục nếu nhìn trên bản đồ.
Về xuôi, góc phải/dưới bản đồ: sau khi chảy tới Việt Trì thì sông Hồng nhận 2 phụ lưu lớn nhất, gần như cùng 1 lúc 1 điểm, là bên trái sông Lô, bên phải sông Đà. Người Pháp trắc địa và vẽ bản đồ khoa học Việt Nam đầu tiên, gọi là sông Màu Đỏ, sông Lô tên là sông Nước Trong, sông Đà là sông Nước Đen - Fleuve Rouge, Riviere Claire, Riviere Noire. 
Theo truyền thống thì tại (khi chảy qua) Hà Nội thì gọi là Nhị Hà - sông Nhị, Nhĩ - tuy không phổ biến mấy và thực tế 10 năm lui tới Hà Nội em chưa từng nghe qua người nào gọi tên Nhị Hà, khác với sông Thao cho đoạn trên, thì thường nghe dùng. Trong post này thằng viết sẽ gọi toàn chiều dài sông là sông Hồng, như trên tất cả các bản đồ.
Sông Hồng tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ -
Sau khi qua khỏi Việt Trì đi lên hướng Tây Bắc 25 km thì đường cao tốc lại băng qua hữu ngạn sông Hồng, từ đó giữ hữu ngạn cho đến thành phố Lào Cai.
Qua khỏi thành phố Yên Bái (bên kia sông, đường không đi qua) là xem như vào vùng núi. Yên Bái xem như là bắt đầu miền thượng du cho dù là không cao mấy, về xuối Yên Bái là miền Trung Du. Thực ra tình Yên Bái phần lớn là bên hữu ngạn sông Hồng, qua đến Nghĩa Lộ thì diện tích tỉnh mới  là trên dãy Hoàng Liên Sơn. 
Hường xe chạy. Giòng chảy của sông 
Bạn đọc hình dung, chúng ta đi về hướng đúng Tây Bắc trên la bàn, và chạy dọc 1 thung lũng thằng tấp, dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn. Các hình chụp qua kính xe bên tay mặt, hướng xe chạy qua bền trái của tấm hình.
- Tỉnh Yên Bái - Giòng chảy của sông
Trong tỉnh Lào Cai - giòng chảy ➤
Giòng chảy của sông, hướng về Đông Nam ➤
Trong tỉnh Yên Bái đi vào tỉnh Lào Cai. Từ xa xưa lưu vực sông tại đây rất ít dân cư, không đủ diện tích trồng lúa nước, tài nguyên không dồi dào và đi lại trên sông thì không có đủ độ sâu. Người Pháp dòm ngó Bắc Phần vì trắc địa dòng sông Hồng hy vọng có 1 cửa ngõ vào Vân Nam. Mong thi đua với các cường quốc thực dân khác kiếm 1 miếng đất Tàu cho ngang hàng với thuộc địa Ấn Độ to lớn của đế quốc Anh.
Họ phải thất vọng vì lòng sông như các bạn thấy không dùng cho giao thông quan trọng được.
⟸  Chiều xe đi
Từ điểm này đường rẻ trái hướng lên dãy núi Hoàng Liên Sơn, về hướng Sa Pa và rời thung lũng sông Hồng. Chuyến xe Hà Nội-Sa Pa tháng 12 năm 2018 của chúng em bái bai giòng sông Thao/Hồng tại đây.
Từ điểm nay ra tới cửa biển Ba Lạt trong tỉnh Nam Đinh là gần đúng 500 km. Từ suối nguồn giòng sông bên Vân Nam đến đây cũng trên 1/2 chiều dài sông Hồng một chút.
- Hình 12. Chuyến đi Hà Nội-Sa Pa tháng 12, 2018 -
Chuyến xe đi Sa Pa tháng 12, 2018 rẽ trái lên núi tại đây ngoại thành Lào Cai. Sông Hồng chảy bên kia ngọn đồi và trước các cao ốc trong xa, nơi đó là biên giới. Lào Cai là phố núi nhưng là chỉ là cao nguyên thấp, từ Việt Trì lên không có con đèo đáng kể nào. Cao độ thung lũng sông Hồng tại đây chỉ là 73 mét trên mặt biển.
Hữu ngạn sông Hồng tại ngoại thành Lao Cai, nhìn lên dãy Hoang Liên Sơn (Sa Pa, Fansipan).

Các hình 13-14-15-16 dưới đây em chụp vào năm 2013 trong 1 chuyến đi khác. Vị trí đứng chụp là chừng 2 km thượng nguồn của khúc quanh sông bên trái trong đáy hình 12 trên. Em chèn vào đây cho liền mạch và để bạn đọc hình dung rõ ràng đươc gần như toàn bộ giòng sông trong lòng thung lũng của nó từ Phú Thọ đến Lào Cai.
- Hình 13, chụp năm 2013 -
Hình 13: thượng nguồn sông Hồng, nhìn từ cầu Cốc Lếu là cây cầu cực Bắc 2 đầu còn trên đât Việt Nam, bắt qua sông Hồng sau khi sông vào hẳn nước ta. Bạn độc nhìn rõ thì thấy bên bờ tay mặt của hình - là tả ngạn sông - trong xa có kiến trúc hình chóp. Đó là cổng cửa khẩu Hà Khẩu bên TQ.
Em viết "vào hằn" chữ nghiêng là vì trong đáy hình, phần đất có đồi núi bên trái hình (hữu ngạn sông) là đất Việt Nam, huyện địa đầu Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đi theo thượng nguồn nơi đó cho đến thêm 50 km nữa thì hữu ngạn là của mình, tả ngạn Hồng Hà là của Trung quốc. Có nghĩa là cây cầu nào sang sông khúc trên đó cũng phải là 1 cửa khẩu quốc tế.
- Hình 14, năm 2013 -
Khúc 500 mét đầu tiên mà sông Hồng nằm hẳn trong phần đất Việt Nam, nhìn về xuôi. Nhìn thấy là cầu Cốc Lếu đã xây lại sau chiến tranh biên giới 1979-89. Hiện nay thành phố Lào Cai xây rộng ra 2 bên bờ sông sau khi được  quân Đặng san bằng bình địa vào năm 1979. Cầu Cốc Lếu trông thấy kia xưa là rất nhỏ chỉ là cầu thô sơ đã phải phá sập để chặn đứng quân nước bạn... ờ... thù, và đánh nhau tại ngay điểm đó đã là hết sức đẩm máu ác liệt.
- Hình 15, năm 2013 -
Từ ngay điểm đứng chụp hình 14, xoay lại 180 độ. Nhìn lên thượng nguồn. Đây là 1 công viên bờ sông tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Các bạn thấy cửa sông của 1 phụ lưu đổ vào sông Hồng tên là Nậm Thi. Đó là con sông biên giới, cầu cửa khẩu băng qua sông đó ở chừng 50 mét bên phải (trong hình bị khuất). 'Cửa sông' chữ Hán viết ra mình đọc là 'hà khẩu'. Thành phố bên phía TQ tên là Hà Khẩu.
Doi đất bên kia là đất TQ. Thế nhưng phần đất ngay trước mặt (phần trái của hình), bên kia sông tức là hữu ngạn sông Hồng lại là của mình. Biên giới ở đây nó hơi phức tạp. Từ đây lên 50km nữa thì sông Hồng là sông làm biên giới. Ở ngay điểm này biên giới nó hình chữ L, chạy giữa lòng sông Hồng rồi sông Nậm Thi. Các bạn tạm lấy Google Maps để hình dung xem. Một ngày nào thằng viết sẽ tìm đường men theo bờ sông trên kia xa thêm nữa xem ló zư lào.
Xem rộng vậy nhưng lưu lượng nước không mấy gì lớn, lòng sông khá cạn. Bóng đen các bạn thấy giữa sông là 1 người đàn ông đang dứng dưới nước bủa lưới bắt cá.

Đến đây bạn đọc đã thấy hình ảnh và mường tượng đươc thế nào là con sông Hồng trong bài sử ký và địa lý nước nhà. (Đa số các tư liệu bài viết về sông Hồng là về khúc sông trước ngưỡng cửa Hà Nội. Tuyệt đại đa số hình ảnh về sông Hồng là về khúc sông đó, chủ yếu là để tuyên truyền quảng cáo, thương mại nhà đất và tâng bốc lãnh đạo với hình ảnh công trình cầu cống v.v...)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét