Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Hồng Hà tại Hà Nội

Hồng Hà Ký Sự - Phần XII

Nhĩ hà trên Tuyên Đỉnh, Hoàng Thành Huế
Sông Nhị từ tên một cái hồ hình trái tai Phật gọi là Nhĩ Hồ. Do đó 'Nhị' không có nghĩa là thứ hai mà là 1 biến thể của "trái tai Phật". Sách Đại Nam Nhất Thống chí gọi khúc sông chảy qua Hà Nội là Nhĩ Hà. Tên dân giả thời Nguyễn là Sông Cái. Hiện nay đời thường tại Miền Bắc và Hà Nội không còn nghe ai trong dân gian nói đến tên sông Nhị Hà. Sông Thao là tên đoạn sông từ phía trên ngã ba sông tại Việt Trì trở lên thượng nguồn thì thường đươc nghe gọi. Đi vào thời Pháp thuộc đời Tự Đức khu dân cư Hà Nội gọi là Kẻ Chợ và sông Hồng là Sông Cái.

Hà Nội là thành phố lớn duy nhất tại Việt Nam được xây dựng bên 1 con sông lớn mà không có con đường bờ sông, không có giao diện trực tiếp giữa đô thị với giòng sông. Cụ thể là 1 bến sông có quy hoạch ít nhiều để khai thác tiềm năng của con sông, như tại Sài Gòn, Cần Thơ và các thị thành Miền Tây, Đà Nẵng, kinh đô Huế và các cảng, thành thị Miền Trung. Vị trí bên sông Hồng mà khúc này khi xưa gọi là Nhĩ Hà gần như là ngẫu nhiên, tuy không phải là ngẫu nhiên.

Hiện nay ở Hà Nội không có 1 con đường bờ sông hay bến cảng giao tiếp trực diện với giòng sông, và hình như không có dự án nào quy hoạch để trong tương lại 1 cạnh nào đó của đô thị hiện đại sẽ mở ra ngay trên giòng nước, điều mà gần như hầu hết các đô thị lớn trên thế giới và Việt Nam đều có. Không có 1 bến cảng, cầu tàu, bờ kè, công viên mà người dân có thể đến để dứng nhìn ra bờ sông. Dĩ nhiên công dụng thực tế là bến lên xuống phương tiện đường sông, bốc đổ hàng v.v... và cũng không nên xem thường giá trí mỹ quan du lịch của nó, làm mát và giảm ô nhiểm không khí thành phố. (Cư dân Hà Nội lấy các bờ hồ thay vào đó, làm nơi giải trí hóng mát, giao lưu sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ v.v...)

Lý do là thủ đô Thăng Long dựng lên bên bờ sông Hồng không phải vì lợi ích kinh tế giao thương đường thủy. Vấn đề nguồn nước cho dân cư: đã nằm trên vùng châu thổ giòng sông lớn với lượng mưa không khi nào thiếu thì không thành vấn đề, khu dân cư cổ truyền lại còn phải chọn nơi đất cao để né tránh những trận lũ do sông mang đến hằng năm.
Nhìn lại các hình ảnh tư liệu và bản đồ lịch sử thì chỉ có con đường trong hình dưới là đã 1 thời bờ sông của thành phố Hà Nội, bờ quay, bờ kè, nay thì đã bị lấn át và mất hẳn vị thế đó. Đó là con đường nóc đê Yên Phụ giữa hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng, vào thập niên 1930 dưới thời Pháp thuộc thì trống trải như thế này:
Con đường đó hiện nay (hình năm 2013). Điểm đứng chụp gần như là 1 với điểm chụp hình xưa. Các bạn chú ý thấy chiều cao an toàn dưới rường nhịp cầu dẫn vẫn ngang bằng khi xưa. Đó là độ hở giữa gầm cầu với mặt đê. Cuối nhịp cầu dẫn bên này là Ga Long Biên và khu vực Chợ Đồng Xuân. Đường nóc đê nay tên là đường Yên Phụ.
Mặt phẳng tại điểm này ở quận Hoàn Kiếm đã đắp rộng ra cao bằng mặt đê, phía ngoài đê thì vẫn thấp ngang bãi sông. Các ngôi nhà thấy trong hình nhô cao từ 1 mặt phẳng thấp xấp xỉ bãi sông, nhô lên. Từ đoạn này và dọc theo con đường đại lộ không có chổ nào thấy được bờ sông, nếu không leo lên cầu Long Biên hay Chương Dương.

Hiện nay chổ đứng thoáng nhất để  nhìn thấy tổng quan của giòng sông tại khu vực thủ đô Hà Nội là trên cầu Nhật Tân. Một hôm đẹp trời thằng viết nhờ bác xe ôm đua ra cầu dừng lại xem, ở 2 chiều đi, chiều ra khỏi đô thị và chiều từ Nội Bài về.
Hình nhìn theo hướng đi ra khỏi đô thị, hướng Bắc. Sau lưng mình là khu vực Nhật Tân, Tây Hồ, lùi xa hơn thì là Mai Dịch, Cầu Giấy. Các hình dưới nhìn ra tay phải về hạ lưu hướng Đông và trung tâm thành phố cổ truyền tức quân Hoàn Kiếm. Cầu Long Biên trong tầm nhìn này nhưng khá xa nên không thấy rõ được, chừng trên 5 km chim bay.
Dừng lại tại vị trí ở hình trên, nhìn về phía hạ lưu và cầu Long Biên. Trong hình dưới doi đất bên góc mặt là 1 cồn đất giữa giòng sông Hồng tại đây. Nhìn kỹ ở đáy hình thì nhánh tay phải sẽ chảy qua phố cổ Hà Nội và bên trái cac bạn có thể nhìn thấy chổ sông Hồng chia nhánh sông Đuống. Đó là khởi điểm sông Đuống chia nước sông Hồng như là thấy tại chân cầu này. Có nghĩa là tại điểm này chổ cầu Nhật Tân từ quận Tây Hồ bắt qua thì sông Hồng còn là "nguyên dạng", lưu lượng chưa được chia bớt.
Sông Đuống là 1 nhánh lớn và quan trọng của sông Hồng (chi lưu) đi về Biển Đông, trong lịch sử là đường giao thông cố hữu đưa ra Hải Phòng (qua khúc sông mang tên là Bạch Đằng) và cửa Cấm. Trên hành lang này là các địa danh chắc bạn đọc biết tên: Chí Linh, Vạn kiếp, Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết... So với trọng tải tàu bè hiện đại thì không còn hữu dụng hay quan trọng gì mấy. Sông Đuống ngày nay đã được đào sâu rộng thêm vào cuối những năm 1950 để chia nước sông Hồng nhiều hơn, giảm lũ cho vùng Hà Nội.
Khi xuống cầu bên tả ngạn, nhìn ra tay phải xuống bãi sông Hồng dưới chân cầu. Bên này không có đê và những bãi tương tự tức phải bị ngập khi có lũ lụt. Phù sa sông hồng trên châu thổ rộng lớn là 1 trong những lý do vua xưa dời đô về đây, Thăng Long. Ở ngay giữa vùng đất phì nhiêu cho dễ quản lý bảo vệ thôi. Và thu tiền. Văn minh lúa nước Nam Việt mình sinh sôi phát triển trên đia bàn này, mà trọng điểm là Phú Thọ nối tiếp địa hình này ở  phía thượng nguồn chừng 60 km (phía sau lưng người đứng chụp).

Bây giờ bạn đọc hình dung mình đã qua hẳn bên tả ngạn tức bờ phía Bắc, và quay xe ngược trở lại, lên cầu đi về hướng trung tâm Hà Nội. Lên cầu vượt sông hướng về trung tâm:

Mình đang đi về trung tâm đô thị Hà Nội, nhìn lên thượng nguồn hướng Tây. Trong xa cách chừng 3 km là cây cầu chót trên đoạn sông này, cầu Thăng Long, thông xe năm 1985. Trên đó có thể xem như ngoại vi đô thị Hà Nội ngày nay.
Cũng trên đoạn cầu này, lúc đáp vào hữu ngạn, khu vực Nhật Tân. Nhìn thấy rõ cây cầu cuối cùng phía thượng nguồn là cầu Thăng Long. Trên sông Hồng ở đây không có giao thông gì đáng nói, các xà lan thấy trong đây là tàu khai thác cát xây dựng, lấy cát về từ 1 bãi khai thác phía trên cầu Thăng Long không xa).
Cùng chiều đi về trung tâm, đây là đoạn cầu đáp vào hữu ngạn, hướng đi từ Nội Bài về. Đây là bãi sông bên quận Tây Hồ của đô thị Hà Nội, có quy hoạch don dẹp khoãng xanh hình thức như 1 công viên.
Sông Hồng tại cầu Thăng Long, nhìn về cầu Nhật Tân đang còn thi công năm 2012 (tức nhìn về xuôi)
Nhìn lên thượng nguồn sông Hông từ cầu Thăng Long, chiều đi từ Nội Bài về. Cầu Thăng Long là cây cầu chót trên sông Hồng phía Bắc Hà Nội. Bề ngang sông tại đây chừng 800-900 mét.
Đó là không gian đô thị Hà Nội sông Hồng chảy đến đầu tiên khi đến từ ngả ba Việt Trì (xin xem post trước). Đó là khu đô thị mới phía Bắc của Hồ Tây.

Bây giờ chúng ta đến xem đoạn giữa, tức đoạn chảy qua khu vực cố hữu của thủ đô Hà Nội mà trọng điểm là quận Hoàn Kiếm nơi có Hồ Hoàn Kiếm huyền thoại.
Nếu so sánh 2 cảnh quan, không gian vùng phía Bắc với vùng sông đi qua (giữa) một bên là quận Hoàn Kiếm một bên là quận Long Biên thì ai cũng phải ngạc nhiên. Các hình dưới đươc  chụp năm 2013 từ cầu Long Biên, đoạn 200 mét đầu tiên sau khi rời bờ quận Hoàn Kiếm.
Chỉ cách nơi trên kia chừng 5 km trên sông - trong 3 hình dưới bạn đọc thấy đươc các trụ cầu Nhật Tân đang đươc thi công lúc đó - mà không gian thu hẹp lại đáng kể. Cảnh quan là 1 vùng nông thôn với canh nông, vườn tược và cây cối um tùm, bãi sông còn là nơi ăn ở mưu sinh của 1 số lớn cư dân Hà Nội.
Leo con dốc ngắn lên Ga Long Biên - tên là Ga Long Biên nhưng nằm bên phía Hoàn Kiếm Hà Nội - đi lên cầu phía phải và lần theo đường xe máy ra ngoài đường đê Yên Phụ. Nhìn thấy bờ tả ngạn trong xa. Cầu Long Biên dài trên 2 km nhưng "chân ướt" chỉ chừng 700 mét, sông Hồng tại đây đã chia 1 lưu lượng nước lớn cho sông Đuống sau khi chảy qua cầu Nhật Tân.
Hai hình trên nhìn lên thượng nguồn, có thể thấy cầu Nhật Tân đang đươc thi công (hình năm 2012). Hình dưới xoay nhìn về xuôi, nhìn thấy cầu Chương Dương cách xa chỉ 700 mét. Cầu Chương Dương là cầu thứ 2 bắt qua sông Hồng tại Hà Nội, thông xe năm 1985, sau cầu Paul Doumer/Long Biên 83 năm.
Không gian thật là bất ngờ, và khó tưởng tượng là nơi này cách trung tâm Hà Nội cổ - Hồ Gươm - chỉ chừng 15 phút đi bộ, cách Chợ Đồng Xuân 300 mét chim bay.
Đây là 1 giòng nước nhỏ tách ra từ sông Hồng tạo ra cù lao lớn giữa lòng sông mà cầu Long Biên đi qua. Thực vật um tùm này phải do chất thải hữu cơ (là 1 mỹ từ) của cư dân thủ đô đưa thẳng ra đây. Bãi sông bên tay mặt (phía Hoàn Kiếm) là 1 thế giới riêng biệt giữa lòng đô thị. Khó tưởng tượng đươc rằng là hình ảnh 3 không gian trên cùng 1 giòng sông chỉ cách nhau 5 km. Không gian tại cầu Long Biên không có vẽ gì là không gian đô thị, hay ngay cả là ven đô.
Hình trên là câu Chương Dương nhìn từ cầu Long Biên, hình dưới là cầu Long Biên đoạn đáp bãi bên quận Long Biên, nhìn từ cầu Chương Dương. Hai cầu này chỉ cách nhau 700 mét. 
Trong hình này mình thấy gần 1/2 chiều dài cây cầu. Cấu trúc cũ nguyên thủy đặc trưng của cầu Paul Doumer chỉ còn thấy đươc trên 1 nhịp, các nhịp khác đã đươc xây dưng lại sau khi bị bom Mỹ đánh sập.
Hình dưới là góc nhìn từ cầu Chương Dương, nhìn về hạ lưu.
Nhìn về xuôi từ cầu Chương Dương. Bên phải là quận Hoàn Kiếm, trái là quận Long Biên. Từ cầu này đến cầu Vịnh Tuy là 4km, vì chói nắng nên không thể trông thấy đươc.
Sau cùng mình nhảy cóc về điểm cuối giao diện sông Hồng với đô thị Hà Nội là vùng Thanh Trì ở cạnh phía Đông, nay cũng là khu đô thị mới. Em ít có hình vì ít khi có dịp xuống đó. Hai cây cầu cuối cùng bắt qua sông tại khu vực thủ đô Hà Nội là cầu Vĩnh Tuy - thông xe năm 2008 - và cầu Thanh Trì - thông xe năm 2007. Đây là khu vực giòng sông ra khỏi đô thi Hà Nội.
Sông hồng nhìn từ trên cây cầu chót là cầu Thanh Trì, xe đang đi ra khỏi hữu ngạn, mình nhìn về xuôi, hướng Đông-Nam. Từ đây Hồng Hà chảy về Hưng Yên và Nam Đinh và ra biển tại cửa Ba Lạt giữa tình Thái Bình và tình Nam Định.
Hình dưới: đô thị Hà Nội nhìn từ trên cầu Thanh Trì khi đi về từ Bắc Ninh (đây là tuyến của quốc lộ 1A) Đây là cây cầu cuối phía Nam vượt sông Hồng tại khu vực Hà Nội.
Trong bàn đồ thời Hậu Lê mình thấy con sông Tô Lịch là giòng nước tách ra rồi chảy trở về sông Hồng xác định diện tích kinh đô Thăng Long với La Thành và Hoàng Thành (quận Ba Đình) phía Bắc và khu vực sau sẽ là 36 phố phường phía Nam (quận Hoàn Kiếm). Hồ Tây có lẽ là so với sông Hồng phía Đông. Các ao hồ xưa đều thông nước với sông Hồng, hiện nay thì cùng với các khúc ngắt đoạn của sông Tô Lịch là những ao tù không đường thoát nước. Nước thải hữu cơ thẩm thấu xuống tụ lại hết sức là ô nhiễm, với dân số tăng lũy thừa từ mấy trăm năm nay là vấn nạn âm thầm nhưng trầm trọng. Hà Nội - cũng như Sài Gòn và đô thị mới khác trong nước không hề biết đến 1 hạ tầng cống rãnh và xử lý nước thải hiện đại, không ở đâu thấy được 1 quy hoạch nào xứng đáng đi vào thế kỷ 21.
Sông Tô Lịch xưa được thành cổ Thăng Long dựa vào làm  hào phòng thủ nay không còn giòng nước chảy qua đến từ sông Hồng. Phải ráng tìm mới thấy những khúc còn lại, bế tắc 2 đầu và là những  cống lộ thiên rất mất vệ sinh môi trường. Các ao hồ trong thấy trong bản đồ xưa bây giờ diện tích cũng thu hẹp rất nhiều, lẻ tẻ và nước ao tù rất bẩn. Là những  nơi chứa nước cống mưa và là nơi đổ rác của cư dân thủ đô. Hồ Gươm thơ mộng chỉ là 1 cái ao không còn thông với sông như trong bản đổ cổ. Hồ Tây là hồ rất lớn cũng là ao tù không có nguồn nước mới trừ nước cống từ mưa, và lối nước thoát. Các hồ này tụ nước thẩm thấu từ hầm vệ sinh của cả khu vực cổ  của thủ đô, dĩ nhiên. Cá chết nổi lên thường xuyên và không hề gây lo âu gì cho cư dân hay chính quyền thì phải. Nhiều người còn thấy câu cá từ các ao hồ cực kỳ độc hại này, có vẽ như là đem về nấu ăn.
"Sông" Tô Lịch



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét