Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Jean Dupuis và Sông Hồng

Hồng Hà Ký Sự - Phần X

Năm Tự Đức thứ 2, tháng 10-1849 một trận đụng độ quan trọng giữa hải đội Hoàng gia Anh có sự yểm trợ của hải quân Đại Thanh và Đại Nam, với hải tặc khét tiếng Thập Ngủ Tử (十五仔) tại Cửa Cấm còn đươc phương Tây gọi là Trận hải chiến sông Tonkin - Battle of the Tonkin River - ám chỉ giòng nước chảy đến vịnh Bắc Bộ từ sông Bạch Đằng. Đó là 1 con sông họ nghĩ là rất lớn nhưng còn rất mơ hồ về địa lý và tên gọi. Tonkin River là 1 tên gọi "phỏng đoán" của họ. Họ (người Anh quốc) chưa nghe đến tên Red River. Người phương Tây đầu tiên đến thám hiểm giòng sông dài mà nay ta gọi là sông Hồng tên là Jean Dupuis, một con buôn đến từ nước Pháp. Jean Dupuis là người đã thống nhất các tên khác nhau của những đoạn sông Hồng và gọi dòng sông dài này bằng tên mà Việt Nam và thế giới đang dùng ngày nay.

Đồ Phổ Nghĩa (涂普義) : Dupuis, Jean (1829-1912)    --  

Đến Hồng Kông năm 1859 trong 1 thời can qua cực kỳ hỗn loạn [1] trong đó vô số người Anh Pháp Đức Mỹ đổ vào Trung Hoa dòm ngó cơ hội chia cắt miếng mồi ngon này, Dupuis mau chóng đươc sự tín nhiệm của giới con buôn và quan lại nhà Thanh, mạo hiễm đi lại cùng khắp đất Hoa Nam. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ Dupuis nhận thấy sự quan trong của Bắc Kì, cũng thuộc nhà Nguyễn, cũng trong tình trạng rất hỗn mang [2]. Dupuis để ý đến sông Hồng, thấy con đường đi đến Vân Nam này là tốt nhất cho đế quốc Pháp và cổ xúy người Pháp ở Sài Gòn cũng như bản quốc hãy nhanh chân đến "khai phá". Năm 1868 Dupuis từ Hankou đi sâu xuống Vân Nam và tìm đường đến vịnh Bắc Bộ. Chuyến đầu tiên Dupuis đi từ Vân Nam Phủ tức tp Côn Minh ngày nay, theo sông Hồng xuống đến được sông Lô, ngược sông Lô lên đến Tuyên Quang trước khi lui trở lại Côn Minh, tuyên bố đã mở được giòng sông Hồng cho giao thương.

Đây chính là nơi Jean Dupuis nhìn thấy sông Hông lần đâu tiên, sau khi đi đường bộ từ Côn Minh xuống.
Jean Dupuis xuống đến thị trấn Mang-hao-zhen  cách vị trí này đúng 3,5km thương nguồn (bên phải) 

Chuyến đi thứ nhất này từ tháng 10-1870 đến 16-12-1871 kết thúc ở Hán Khẩu [Vũ Hán Hồ Bắc ngày nay] sau trên 8600 km với Dupuis gặt hái hiểu biết khá sâu rộng về con đường sông Hồng [#]. Chuyến mạo hiểm thứ 2: Dupuis nhận 1 giao kèo nhà Thanh vận chuyễn thử 1 số súng ống đan dược cho quan trấn thủ Vân Nam Phủ, và quyết định dùng sông Hồng lần đầu tiên. (Chuyến đi ngược dòng sông Hồng này cũng đã đưa Jean Dupuis vào lịch sử như nhân tố gây ra cuộc tấn công của Pháp vào Bắc Kì lần đầu.)
Trong chuyến này, tháng 11 năm 1872  Dupuis chỉ huy 4 chiêc tàu đến Cửa Cấm - nay là vị trí cảng Hải Phòng, lúc đó chỉ là một cái làng vài trăm nóc tranh - từ Hồng Kông. Hải đội gồm 2 chiếc pháo hạm - cannonieres, thường để chỉ 1 tàu hơi nước mang súng đại bác - mua lại của người Anh 1 chiếc tên là Hong Kiang, 1 tên là Lao-Kay, 1 chiếc tàu hơi nước khác tên là Son Tay và 1 chiếc thuyền buồm . Hong Kiang là tên Tây hóa của chữ Hán, tiếng Việt đọc là Hồng Giang.

Tên gọi này xuất hiện trong du ký thám hiểm lần đầu từ Vân Nam cùa Jean Dupuis, xuất bản năm 1877. Dupuis ghi tên này cùng với Pháp văn fleuve Rouge lên các bản đồ kèm trong du ký và các tường thuật, trình bày khác [4]. Hiên này truy cập bằng Google hay Baidu 2 chữ "Hồng Giang" không ra là tên con sông Hồng, vào 1 thời điểm nào, măc dù có nhiều địa điểm địa dư và sông ngòi nhỏ cùng tên ở rải rác bên TQ, nhưng không tại vị trí sông Hồng. Khả năng là Dupuis đã "khám phá" ra tên gọi này trong chuyến trinh sát từ Vân Nam lần đầu tiên năm 1871, khả năng là ngay trên thực địa và từ miệng 1 người Thanh hoặc dân tộc địa phương. Dupuis đã không ghi lại thời điểm và địa điểm việc này.
Các sông lớn bên TQ phía Nam sông Dương Tử được gọi là giang, phía Bắc thì gọi là hà, thì Hồng Giang hợp với vị trí đia lý. Tuy vậy hiện nay ven sông Hồng huyên Văn Sơn cũ bên Vân Nam mang  tên là Honghe, tiếng Việt đọc từ 2 hán tự là Hồng Hà. Nếu sông là Hồng Giang thì sao lại đặt tréo lại vậy làm chi. Nhắc lại hiện nay tên chính thức hành chánh bên TQ là sông Nguyên Giang.

Nước sông màu đỏ thì phải là 1 đồng thuận trong giới hành chính từ lâu, Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi nhận:
    " ... Sông Thao còn có tên khác là sông Thanh Thủy chảy sang phía Đông 81 dặm đến phố Bảo Thắng hợp với nước Ngưu Giang ... ..hai bên bờ núi sông trùng điệp, nước sông đỏ chảy xiết ... "
Một đoan khác:
    " ... Từ sông Ngâu trở lên bên hữu là địa phận động Sơn Yêu nước ta, bên tả là địa phận huyện Văn Sơn. Đấy là sông Thao, sông nhiều phù sa nước đỏ đục, bên hữu là động Cam Đường, bên tả là đồn Bảo Thắng và sở tuần Nguyên Đường ... "

Nhưng nước Đại Nam nhà Nguyễn và cả Trung Hoa đã không ghép 1 với 1 thành 2, thành "sông Nước đỏ", mà đã đợi người phương Tây đến làm việc ấy. [3]
Vẽ hoang sơ của Hồng Hà tại hạ lưu tp Lào Cai 30km, tháng 9, 2019
Tóm lại, có thể kết luận rằng tên gọi sông Hồng, fleuve Rouge, là do chính Jean Dupuis [4] đặt, từ ngữ Hồng Hà là do người Việt Nam chép theo mà gọi, cũng như Honghe do người Trung quốc đặt ra chép theo người Pháp, vì thấy quả là hợp lý cho toàn chiều dài con sông. Bên nước Thanh xử dụng trước hay ta xử dụng trước thì khó xác định. Tiếng Anh dịch là Red River và nay trong toàn thư khố thế giới ai đọc ra cũng biết đó là con sông dài 1150km xuất xứ từ Đại Lý bên TQ và ra đến cửa biễn Ba Lạt của VN trong vịnh Bắc Bộ. 
(Với cái tên gọi dân giã như vậy thì dĩ nhiên có nhiều địa phương trên bản đồ toàn cầu có 1 con sông Nước Đỏ trùng tên, chỉ riêng nước Mỹ đã có gần chục nơi, nhưng do ngữ cảnh từng bài viết mà người ta phải hiểu Châu Á chỉ có 1 con sông Hồng).



Phụ chú:

[1] Sau loạn 14 năm Thái Bình Thiên quốc, cuộc chiến đẩm máu nhất của nhân loại trong thế kỷ thứ 19 kết thúc năm 1864 với số tử vong trên 20 triêu sinh mạng, nhưng còn để lại tàn dư nhiều nhóm kháng Thanh ở phía nam Hoa Nam (chừng 3-4 dư đảng còn hoạt động cạnh nước ta hay trong nước ta). Chính Vân Nam thì đang trong cuộc nổi loạn đẩm máu của người Hồi/Hán Panthay (1856-1873) gây tử vong cho trên 1 triệu người, những nơi này Jean Dupuis phải đi qua. 
[2] Năm 1873 cái gọi là Bắc Kì (Bắc Hà nếu còn dùng tên từ thời Trinh-Nguyễn phân tranh) trong tầm kiểm soát của Huế chỉ là Thanh Hóa, Hà Nội và châu thổ sông Hồng, góc Tây Bắc là Sơn Tây và góc Đông Bắc là Quảng Yên. Các vùng khác do quân Đại Thanh hay quân Cờ Đen "quản lý" do yêu cầu của triều đình Huế. Quân Đại Thanh đánh dẹp tàn dư Thái bình Thiên quốc, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc được triều đình Huế đặc cách dẹp loạn Cờ Trắng, rồi Cờ Vàng. Blog sẽ đề cập đến trong các trang sau.
[3] Jean Dupuis cũng là người viết lên bản đồ tên Tây rivière Claire, sông "Nước Trong" để chỉ sông Lô Giang mà bản đồ Đại Thanh đặt là Thanh Hà, và rivière Noire, sông "Nước Đen", trên bản đồ xưa ghi bằng chữ Hán là Hắc Hà. Do vì nghe người sắc dân địa phương nói, nghe ra là Tsin-hô và Hê-Hô. Hai tên này viết trên sách giáo khoa cho đến sau khi Pháp trả lại độc lập. Dupuis đã trắc địa và điều chỉnh lại bản đồ 2 con sông phụ lưu chính này của sông Hồng trong chuyến đi thứ nhất năm 1871 - xem trên.
[4] Một trong những lý do tên đươc phổ cập ngay là vì sau thời gian bôn ba mạo hiễm Jean Dupuis đã trở về Pháp và trở thành 1 hàn lâm viên nổi tiếng và được tín nhiệm trong giới cầm quyền cũng như học giả.
[#]. Cung đường Jean Dupuis theo chính là cung đường người viết (tình cờ) đã đi, theo trên quốc lộ  bên Vân Nam ngày 2-9-2019. Từ Côn Minh xuống thằng hướng Nam đường bộ, gặp sông Hồng thì Dupuis xuống sông đi về Lào Cai. Cũng đi ngang Lũng Pô mà Dupuis đã gọi là Long Po. Vị trí tp Lào Cai đươc người bản địa xưa gọi là Lão Nhai, là Phố cũ, 1 khu phố bên hữu ngạn đối diện với đồn Bảo Thắng chổ Ga Lào Cai hiện nay, thì Dupuis gọi là Lao-Kay. Đọc trong du ký 1871 hình dung ra sao thì là y như vậy, vì cho đến nay các nơi đó tương đối còn rất hoang sơ. Trong du ký của Dupuis, phỏng dịch từ gốc tiếng Pháp:

" Du haut des derniers contre-forts auxquels nous arrivons le 23 avril, nous apercevons enfin a nos pieds, entre des murailles presque à pic, comme au fond d'un goufre, le Hong-kiang ou fleuve Rouge, aux eaux bourbeuses et rougeatres, déroulant son cours sinueux semblable ả un long ruban. La vue dont nous jouissons sur ces montagnes est certainement une des plus belles et des plus grandioses que nous ayons rencontrées depuis notre départ de Yun-nân-sên, A Mang-hao, le fleuve peut avoir une largeur moyenne de 100 mètres. "          Tạm dịch:

" Cuối cùng đến ngày 23-4, (1871-tg), từ trên những cao độ (của rặng núi trước khi đến Mang-hao-tg) chúng tôi đã thấy đươc dưới chân mình sông Hong-kiang đang chảy dưới cái vực sâu giữa 2 đốc núi dựng đứng. Dòng nước phù sa màu đỏ sậm quanh co như 1 giải lụa dài. Cảnh quan trước mặt chúng tôi dưới chân núi hẳn là đẹp và hùng vĩ nhất mà chúng tôi đươc nhìn thấy kể từ khi rời trấn Vân Nam. Tại Mang-hao giòng sông có thể rông trung bình là 100 mét."  [Trong ngoặc là của tác giả blog, tg]

Các bạn đối chiếu đoạn tả cảnh trên với hình số 1 và hình dưới, chừng 10 km hạ lưu thị trấn Mang-hao của du ký Dupuis.

Tại St Juste-la-pendue quê của Jean Dupuis. etudescoloniales.canalblog.com
Loại tàu hơi nước như loại Dupuis dùng để đi ngược Cửa Cấm lên Manhao trong chuyến đi thứ 2 năm 1873. Nếu có vũ trang súng đại bác thì gọi là cannonière, pháo hạm. Trước hình 20 năm thì tàu của Dupuis có thể nhỏ thua. Hình nguồn etudescoloniales.canalblog.com

Tư liệu:

  - L'ouverture du fleuve Rouge au commerce et les evenements au Ton-kin 1872-1873. Jean Dupuis
  - Từ điển Hán Nôm https://hvdic.thivien.net
  - Imperial bandits. Bradley Camp Davis, University of Washington Press 2017.
  - La vie quotidienne des francais en Indochine 1860-1910. Charles Meyer. Hachette 1985
  - Voyage au Yun-Nan 1870-73, Jean Dupuis 1877
  - Đại Nam Nhất Thống Chí. Nguyễn triều quốc sử quán.  
  - gallica.bnf.fr Bibliotheque nationale francaise  
  - ngonnguhoc.org
  - etudescoloniales.canalblog.com
  - persee.fr
  - wikipedia,org



Hồng Hà Ký 🔁 Sự Phần I 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét